Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thách thức với kế hoạch G7 dùng 600 tỷ USD đối trọng Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thách thức với kế hoạch G7 dùng 600 tỷ USD đối trọng Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 6 28, 2022 6:33 pm






    Huy động 600 tỷ USD cho tham vọng đối trọng Vành đai và Con đường là thách thức lớn nhất của G7, khi các thành viên đều có ưu tiên cấp bách khác.

    Khi tới Đức dự hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực khởi động lại kế hoạch của mình nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), siêu dự án cơ sở hạ tầng và thương mại do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

    Kế hoạch này từng được công bố cách đây một năm với tên gọi sáng kiến Xây lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W), theo tên chương trình nghị sự về khí hậu và chi tiêu trong nước do Tổng thống Biden khởi xướng. Ông Biden kỳ vọng sáng kiến này sẽ "thúc đẩy đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới".

    Tuy nhiên, B3W gặp nhiều trắc trở ngay từ đầu, khi không nhận được đủ đóng góp tài chính từ các đối tác G7. Các đồng minh châu Âu tỏ ra dè dặt khi chứng kiến chính quyền Biden không thể thông qua dự luật Xây lại Tốt hơn đầy tham vọng tại quốc hội, đòn giáng khiến B3W rơi vào quên lãng.

    Hình ảnh
    Các lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Đức hôm 26/6. Ảnh: Reuters.

    Kế hoạch này giờ đây được hồi sinh với một cái tên mới: Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII), được Tổng thống Biden và các đồng minh G7 từ Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 26/6.

    Theo kế hoạch mới, G7 sẽ huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Số tiền này chủ yếu đến từ các khoản đầu tư của khu vực tư nhân, với một số hỗ trợ từ Tổng công ty Tài chính Phát triển Mỹ và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu cũng như cam kết từ các chính phủ nước ngoài.

    Tổng thống Biden cho biết Mỹ muốn đóng góp 200 tỷ USD cho chương trình, trong khi các nước còn lại đầu tư 400 tỷ USD. Kế hoạch nhằm tài trợ cho các dự án mà Trung Quốc đang thống trị, từ đường sá đến bến cảng ở những nơi xa xôi nhất thế giới, và đây không phải "viện trợ hay từ thiện", Tổng thống Mỹ nói.

    Theo giới quan sát, mục tiêu hàng đầu của PGII vẫn là cạnh tranh và đối trọng với BRI của Trung Quốc. Quan điểm của chính quyền Biden là các quốc gia trên thế giới đang thức tỉnh trước thực tế rằng BRI đã không đạt được kết quả như mong đợi và chính phủ các nước đó giờ đây sẽ tiếp nhận một giải pháp thay thế do Mỹ dẫn đầu. Xung đột Nga - Ukraine cũng là một lời cảnh báo cho các nước về việc mắc nợ quá nhiều, cùng với những rủi ro địa chính trị có thể xảy ra.

    G7 thông báo PGII sẽ hỗ trợ một dự án năng lượng mặt trời trị giá hai tỷ USD ở Angola, hợp đồng 600 triệu USD xây dựng một tuyến cáp viễn thông dưới biển kết nối Singapore với Pháp qua Ai Cập và vùng Sừng châu Phi, cùng 14 triệu USD hỗ trợ nghiên cứu triển khai một nhà máy lò phản ứng công suất nhỏ của Romania.

    Mỹ cũng sẽ tập trung đầu tư vào các dự án giúp đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng bằng cách giúp Washington và đồng minh bớt phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.

    Dù vậy, sáng kiến hạ tầng mới nhất của G7 đang vấp phải không ít trở ngại, một phần bởi các thành viên của khối hiện có những ưu tiên khác cấp bách hơn, như kiểm soát lạm phát trong nước hay ứng phó với những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

    "Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào đầu năm 2022 và đà phục hồi kinh tế còn chưa ổn định hậu Covid-19 sẽ đe dọa quá trình này", viện nghiên cứu quốc tế Chatham House đánh giá về triển vọng của PGII. "Khủng hoảng Ukraine có nguy cơ khiến các quốc gia tài trợ cho chương trình phải thay đổi chính sách phát triển theo hướng song phương, cũng như tình trạng phân mảnh nhiều hơn trong G7".

    Các kỳ vọng về chương trình hiện cũng thận trọng hơn. Dù PGII được quảng bá là một giải pháp cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến BRI, giới chức Mỹ lưu ý rằng sẽ không thực tế nếu so sánh hai chương trình với nhau.

    "Không nghi ngờ gì về việc BRI đã ra đời được vài năm và đã thực hiện nhiều khoản giải ngân cũng như đầu tư bằng tiền mặt. Chúng ta sẽ chỉ đạt được điều này sau nhiều năm đầu tư như họ", một quan chức Mỹ giấu tên nói. "Nhưng tôi tin rằng mọi thứ vẫn chưa quá muộn".

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 27/6 cho biết Bắc Kinh hoan nghênh mọi sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.

    "Chúng tôi tin rằng không có cái gọi là các sáng kiến chống lại hoặc thay thế lẫn nhau", ông Triệu nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. "Những gì chúng tôi phản đối là các động thái nhằm thúc đẩy những toan tính địa chính trị và bôi nhọ BRI dưới danh nghĩa thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng".

    Trung Quốc đã tìm cách tái đầu tư cho sáng kiến hạ tầng nghìn tỷ USD của mình trong thời kỳ đại dịch, vốn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng cửa các biên giới quốc tế.

    Điều này dẫn đến việc Trung Quốc chuyển dịch từ các dự án quy mô lớn sang những công trình nhỏ hơn, được thiết kế nhằm giúp tăng lợi thế cạnh tranh của Bắc Kinh trong các lĩnh vực ưu tiên khác. Theo dữ liệu từ Refinitiv, các dự án BRI được công bố năm ngoái có giá trị 13,66 tỷ USD, giảm mạnh so với khoảng 80 tỷ USD năm 2020 và gần 200 tỷ USD năm 2019.

    Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng PGII và số tiền tài trợ 200 tỷ USD mà chính quyền Mỹ hứa hẹn rất khó có khả năng trở thành hiện thực, khi chính Mỹ cũng đang gặp phải các vấn đề kinh tế nội bộ nghiêm trọng và chia rẽ chính trị trong nước.

    Qiu Wenxu, giám đốc bộ phận phát triển công nghiệp thuộc Học viện Khoa học Xã hội Con đường Tơ lụa, cho biết ngay cả khi Mỹ thực sự có ý định tài trợ 200 tỷ USD cho PGII, các nhà đầu tư tư nhân sẽ không cảm thấy hấp dẫn, bởi hầu hết dự án cơ sở hạ tầng đều có chu kỳ đầu tư dài và tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp.

    "Nợ chính phủ Mỹ đang ở mức nghiêm trọng và hầu như không có ngân sách đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng mang tính ràng buộc với nước ngoài, nên Tổng thống Biden cần huy động phần lớn tiền từ các công ty tư nhân. Nếu theo chiều hướng này, nhiều khả năng Mỹ không thể huy động đủ 200 tỷ USD trong 5 năm tới", ông Qiu nói.

    Tình hình chính trị nhiều tranh cãi và chia rẽ tại Mỹ cũng được cho là sẽ tạo ra những trở ngại không nhỏ đối với kế hoạch.

    "Sẽ rất khó thuyết phục quốc hội Mỹ đầu tư ra nước ngoài nếu đảng Dân chủ mất thế đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11", Lu Xiang, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, học giả tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bình luận.

    Trên thực tế, các nhà phân tích cho rằng việc tài trợ 200 tỷ USD cho PGII sẽ tăng thêm áp lực với tỷ lệ tín nhiệm vốn đang ở mức thấp của Tổng thống Biden, trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy yếu do lạm phát cao nhất 40 năm. Chính quyền Biden đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa thể hạ nhiệt giá xăng dầu cùng mức lạm phát cao, vốn được coi là ưu tiên hàng đầu của cử tri Mỹ.

    Theo một bài viết của tạp chí Foreign Affairs, số tiền Mỹ chi ra cho các dự án đổi mới cơ sở hạ tầng toàn cầu trong khuôn khổ sáng kiến B3W chỉ đạt khoảng 6 triệu USD sau một năm khởi động, thấp hơn rất nhiều so với con số mà Tổng thống Biden cam kết ban đầu.

    "Dựa trên quá trình triển khai B3W của Mỹ và đồng minh, PGII nhiều khả năng sẽ là một lời hứa suông khác", chuyên gia Qiu của Trung Quốc nói.

    Edwin Ikhuoria, giám đốc điều hành ONE, tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống nạn nghèo đói và phòng ngừa bệnh tật, cho rằng những cam kết đầu tư từ các nước giàu như G7 thường rất được kỳ vọng, nhưng phần lớn số tiền rót xuống không đến được nơi cần nhất.

    Bởi vậy, Ikhuoria nhận định các sáng kiến như PGII chỉ phát huy hiệu quả khi có những cơ chế và cam kết rõ ràng để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với những vấn đề cấp bách nhất, vốn trầm trọng hơn do đại dịch và khủng hoảng Ukraine.

    Stormy-Annika Mildner, chuyên gia tại Viện Aspen Đức, có chung nhận định. "Nếu G7 nghiêm túc về việc đảm bảo các nước không nghiêng về phía Trung Quốc hay Nga, họ phải có những đóng góp tài chính cụ thể cho những quốc gia đang ngập trong nợ nần hay khủng hoảng".


    Vũ Hoàng (Theo Bloomberg, DW, Global Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 73 khách