Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Quân đội Ukraine lộ điểm yếu trên chiến trường miền đông
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Quân đội Ukraine lộ điểm yếu trên chiến trường miền đông

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 6 29, 2022 2:12 pm







    Quân đội Ukraine nỗ lực hiện đại hóa nhằm chống lại đà tiến của Nga, nhưng điểm yếu trong khả năng liên lạc khiến họ trả giá trên chiến trường.

    Trong những ngày cuối của trận chiến bảo vệ thành phố Severodonetsk, một trung sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine có mật danh "Tướng quân" đã gặp rắc rối: Trung đội ông chỉ huy bị hở sườn và ông cần thông báo cho các binh sĩ dưới quyền biết rằng quân Nga đang tiến tới.

    Nhưng ông không thể. Với 15 người lính dàn ra trên tuyến phòng ngự dài 180 m, họ chỉ có hai bộ đàm. Và dù ông có hét lớn đến đâu, vẫn không có bất kỳ phản ứng nào từ các đồng đội, khi tiếng đạn pháo và súng máy Nga lấn át tất cả.

    Khi "Tướng quân", 53 tuổi, chạy đến được vị trí của các đồng đội, ba người trong số họ đã chết. "Chúng tôi không thể liên lạc với nhau", ông nói.

    Hình ảnh
    Một vị trí tiền tuyến của Ukraine gần làng Vilne Pole ở vùng Donetsk, miền đông đất nước. Ảnh: NY Times

    Trong khi các lãnh đạo ở Kiev kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm nhiều vũ khí công nghệ cao, tầm xa hơn cho Ukraine để "đấu hỏa lực" với lực lượng Nga, những thiếu sót ở quy mô nhỏ hơn đang làm suy yếu khả năng tác chiến của quân đội Ukraine trên chiến trường miền đông.

    Sự cố liên lạc mà trung đội của "Tướng quân" trải qua hồi đầu tháng không phải hiện tượng cá biệt trong các đơn vị Ukraine đang chiến đấu ở miền đông. Những vấn đề như vậy phổ biến khắp các chiến tuyến và liên quan đến gần như mọi khía cạnh của cuộc xung đột, từ phối hợp tác chiến, hậu cần đến điều quân.

    NY Times đã phỏng vấn khoảng 20 binh sĩ Ukraine trong vài tuần qua và họ đều chỉ ra những vấn đề giống nhau: Quân đội Nga liên tục gây nhiễu bộ đàm, binh sĩ Ukraine không có đủ thiết bị liên lạc và thường gặp khó khăn khi kết nối với chỉ huy để yêu cầu pháo binh yểm trợ.

    "Hiệp đồng trên chiến trường là rất cần thiết, nhưng cả Nga và Ukraine đều gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực duy trì khả năng liên lạc và chỉ huy - kiểm soát hiệu quả", Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại CNA, một viện nghiên cứu ở Arlington, Mỹ, cho hay.

    Khi xung đột bùng phát ở miền đông từ năm 2014, quân đội Ukraine, vốn được xây dựng theo mô hình thời Liên Xô, phải nhanh chóng hiện đại hóa với sự hỗ trợ của phương Tây.

    Trong những năm sau đó, quân đội Ukraine liên tục mua sắm máy bay không người lái các loại, phát triển các chương trình lập bản đồ có thể được sử dụng trên máy tính bảng để hỗ trợ lực lượng pháo binh.

    Nhưng vấn đề đặt ra là mọi nỗ lực hiện đại hóa quy mô lớn vẫn gắn liền với cách thức tổ chức, hệ thống tác chiến theo kiểu Liên Xô. Các lữ đoàn với khoảng 4.000 quân vẫn tác chiến độc lập với nhau, trong khi chỉ huy đơn vị gần như định đoạt mọi quyết định trên chiến trường mà không trao quyền cho các sĩ quan cấp thấp hơn để tăng khả năng linh hoạt trong chiến đấu.

    "Quân đội Ukraine vẫn chưa thể hoàn thiện những yếu tố quan trọng của chỉ huy và kiểm soát, cùng với nỗ lực phân quyền thay vì tập trung hóa khả năng chỉ huy trong tác chiến", Kofman nói.

    Giao tranh ác liệt ở miền đông đã dần làm tiêu hao sinh lực của quân đội Ukraine. Các quan chức nước này ước tính khoảng 200 người thương vong mỗi ngày. Kết quả là lớp phòng thủ ở tiền tuyến liên tục được luân chuyển giữa các đơn vị, đôi khi gồm cả những tân binh chưa qua huấn luyện chuyên sâu.

    Những binh sĩ này, thường được huy động từ lực lượng Vệ binh Quốc gia và Phòng vệ Lãnh thổ, được bố trí vào các lữ đoàn lớn hơn, và phải nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

    Hình ảnh
    Binh sĩ Ukraine điều khiển lựu pháo tự hành nhắm vào các lực lượng Nga ở khu vực Donetsk hôm 24/6. Ảnh: NY Times.

    "Thật tệ khi một số đơn vị Vệ binh Quốc gia bất ngờ được điều lên bổ sung quân cho tiền tuyến", Vadym, một tài xế xe cứu thương của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đóng quân tại Donbass, nói. "Họ bị đẩy lên tuyến đầu mà không được trang bị bất cứ thứ gì ngoài những khẩu súng trường".

    Những binh sĩ trong các đơn vị này cho biết họ thường bị cô lập, ít có cách nào liên lạc với nhau cũng như với chỉ huy pháo binh và xe tăng. Khi các đơn vị thay thế đến tiền tuyến, họ không có nhiều thông tin về các lực lượng lân cận và chỉ đơn giản gọi họ là "hàng xóm".

    "Liên lạc giữa chúng tôi khá rời rạc. Khi thực hiện một số nhiệm vụ, chúng tôi thậm chí không thể trông chờ vào hỗ trợ từ pháo binh", Kostya, một binh sĩ thuộc đơn vị Phòng vệ Lãnh thổ mới được điều lên tiền tuyến, cho hay. Đại đội khoảng 100 quân của anh đã mất 30 người chỉ trong ngày đầu trên mặt trận.

    Trung sĩ có mật danh "Tướng quân" cũng đối mặt với những vấn đề tương tự trong trận chiến ở Severodonetsk, trước khi rút lui về thành phố Lysychansk cuối tuần trước.

    Ông cho biết khi xe tăng Nga xuất hiện từ rặng cây gần Syrotyne, ngôi làng nhỏ ở vùng ngoại ô phía đông nam Severodonetsk, một trung đội muốn pháo binh ở tuyến sau bắn vào đoàn xe Nga nhưng không thể liên lạc với chỉ huy, vì bộ đàm bị gây nhiễu. Vì thế, họ gọi cho "Tướng quân".

    Ông sau đó điện đàm với cấp trên trực tiếp và hỏi liệu có thể gọi yểm trợ từ khẩu đội pháo binh được không. Nhưng khẩu đội pháo cần tọa độ của xe tăng.

    "Tướng quân" không có bản đồ phù hợp, nên ông đề nghị trung đội tiền phương điều khiển máy bay không người lái đến vị trí của xe tăng Nga để lấy tọa độ. Song kế hoạch này cũng không diễn ra thuận lợi.

    "Máy bay không người lái hết pin", ông kể. "Máy phát điện bị hỏng nên họ không thể sạc nó và chúng tôi đã lỡ mất thời cơ. Xe tăng Nga tiếp tục tiến về phía chúng tôi".

    Những binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến thường không thể liên lạc trực tiếp với các đơn vị pháo binh và tên lửa yểm trợ. Điều này dẫn đến việc những đơn vị pháo binh này thường dựa vào tọa độ do máy bay không người lái của riêng họ thu thập được hay thông tin tình báo do Mỹ cung cấp, các quan chức quân đội và quốc phòng Mỹ cho hay.

    Tình trạng thiếu hiệp đồng như vậy khiến binh lính trên tiền tuyến ngày càng trở nên đơn độc, dễ bị tấn công và khiến một số khẩu đội pháo phản ứng chậm trước đà tiến công của quân đội Nga.

    "Chúng tôi nên yêu cầu đơn vị pháo binh nào hỗ trợ?", một binh sĩ nói sau khi rút khỏi mặt trận gần thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine. "Chúng tôi không có cách nào liên lạc với họ".

    Khi pháo binh Ukraine "bắn được hai phát thì chúng tôi đã bị bắn 300 phát", anh cho biết thêm.

    Tình trạng mất kết nối này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi lực lượng tác chiến điện tử của quân đội Nga phát huy ưu thế trên chiến trường. Các lực lượng Nga không chỉ có thể tung ra nhiều hỏa lực pháo binh hơn mà còn chứng minh được hiệu quả vượt trội trong gây nhiễu thông tin liên lạc đối phương.

    "Tướng quân" cho hay hai chiếc bộ đàm của đơn vị ông liên tục bị gây nhiễu. "Họ thường sử dụng tín hiệu mạnh hơn trên cùng một tần số", ông nói.

    Binh sĩ ở các đơn vị tinh nhuệ hơn được phát bộ đàm mã hóa do Mỹ cung cấp và có thể duy trì liên lạc thông suốt, nhưng tần số đầu ra cao của bộ đàm sẽ giúp phía Nga xác định được vị trí của họ.

    "Đó là lý do chúng tôi chỉ liên lạc ở mức tối thiểu, như khi cần sơ tán hoặc hỗ trợ khẩn cấp", một binh sĩ Ukraine có mật danh "Gấu trúc" giải thích.

    Theo một cố vấn phương Tây ở Ukraine, nước này mới chỉ nhận được khoảng 1/4 số bộ đàm mã hóa mà họ cần từ Mỹ và các đồng minh khác.

    Hình ảnh
    Một binh sĩ Ukraine bị thương ở Bakhmut hồi tuần trước. Ảnh: NY Times.

    Theo một chiến binh nước ngoài từng chiến đấu ở khu vực Kharkov của Ukraine, anh đã chứng kiến cảnh các đơn vị Ukraine đóng quân trong một khu rừng bắn nhầm vào nhau do thiếu hiệp đồng, khiến hai binh sĩ thiệt mạng. "Không ai trong số họ liên lạc với nhau", chiến binh này nói.

    Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, ngày 28/6 cho hay trong 24 giờ trước đó, quân đội Ukraine đã chứng kiến hai vụ binh sĩ bắn nhầm lẫn nhau trên chiến trường, khiến ít nhất 4 quân nhân thiệt mạng và ba người bị thương. Konashenkov cho rằng những sự cố bắn nhầm này thể hiện chất lượng huấn luyện thấp của tân binh Ukraine.

    "Tướng quân" cũng gặp phải vấn đề tương tự trong quá trình bảo vệ Severodonetsk, khi trung đội của ông đóng quân gần một con sông nhỏ ở tiền tuyến. Phía bờ đối diện là một trung đội khác mà ông không có cách nào liên lạc được. Vì vậy, mỗi khi đối phương tấn công, đơn vị kia sẽ không chỉ bắn vào phía lực lượng Nga, mà còn vô tình nã đạn vào binh sĩ của ông.

    "Không ai biết làm thế nào để kết nối với họ", trung sĩ này nói. "Trung đội tôi bám trụ ở đó hơn 20 ngày, nhưng không ai có thể liên lạc được với đơn vị ở ngay bên cạnh để cho họ biết rằng họ đang bắn vào chúng tôi".


    Vũ Hoàng (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 62 khách