Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tiến sĩ Indonesia: Một số nước đặt lợi ích quốc gia lên trên luật biển quốc tế
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tiến sĩ Indonesia: Một số nước đặt lợi ích quốc gia lên trên luật biển quốc tế

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 6 29, 2022 3:30 pm







    UNCLOS cung cấp khuôn khổ để các quốc gia hợp tác về biển, nhưng một số nước vẫn ưu tiên lợi ích quốc gia trên luật pháp quốc tế, theo tiến sĩ luật Indonesia Achmad Siswandi.

    "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là điểm khởi đầu rất tốt khi nhấn mạnh các quốc gia nên hợp tác trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển. Nó cũng cung cấp khuôn khổ pháp lý để chúng ta triển khai yếu tố này xa hơn", tiến sĩ Achmad Siswandi, giảng viên Khoa Luật thuộc Đại học Padjadjaran ở Indonesia, chia sẻ bên lề Đối thoại Biển lần thứ 8 diễn ra ở Hà Nội hôm nay.

    Ông nhấn mạnh hợp tác trên biển trong khuôn khổ UNCLOS là rất quan trọng, nhưng một thách thức nổi lên hiện nay là luật pháp quốc tế khó tách rời khỏi các yếu tố chính trị. "Một số nước đôi khi đặt lợi ích quốc gia lên trên luật pháp quốc tế, nhưng tôi nghĩ những quốc gia khi tham gia UNCLOS đều có trách nhiệm tuân thủ các điều khoản của Công ước", ông nói.

    Tuyên bố được tiến sĩ Siswandi đưa ra khi trả lời câu hỏi cộng đồng quốc tế có thể làm gì để bảo đảm các nước tôn trọng UNCLOS, trong bối cảnh Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông.

    Trung Quốc đơn phương vẽ ra cái gọi là "đường chín đoạn" bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" và "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng nước này tuyên bố không chấp hành phán quyết và không có bất cứ động thái thực thi nào.

    Tuy nhiên, Tòa Trọng tài không có các cơ chế mang tính ràng buộc để Trung Quốc tôn trọng và thực thi phán quyết. Nước này trong nhiều năm qua cũng tiếp tục bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa trái phép trên các thực thể trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của dư luận thế giới.

    Hình ảnh
    Tàu cảnh sát biển Philippines mang số hiệu 2404 và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông năm 2019. Ảnh: AFP.

    Tiến sĩ Siswandi thừa nhận tính ràng buộc của UNCLOS chưa thật sự mạnh mẽ vì "nó chỉ nói rằng các nước nên hợp tác" mà không quy định các nghĩa vụ cụ thể. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh một số điều khoản của UNCLOS đã trở thành chuẩn mực trong luật pháp quốc tế, nên mọi quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nước đã tham gia UNCLOS, cần tôn trọng điều đó.

    Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS trong tương lai gần, giáo sư Kentaro Nishimoto đến từ Trường Luật thuộc Đại học Tohoku của Nhật Bản cho rằng điều đó không nằm trong tính toán hiện nay của Bắc Kinh.

    "Kịch bản đó nếu xảy ra sẽ gây bất ổn cho hòa bình và ổn định khu vực, vì đây là bước thể hiện ý định rút khỏi khung pháp lý chung liên quan tới luật biển. Hành động đó không củng cố được vị thế pháp lý của Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp trên biển", ông Nishimoto nói thêm.

    Tại phiên khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 8, cựu thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Rudiger Wolfrum nhấn mạnh vai trò cơ bản của UNCLOS đối với sự phát triển của luật biển quốc tế và thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia, và sự phát triển bền vững của biển và đại dương. Ông đánh giá UNCLOS tiên tiến hơn so với các cơ chế truyền thống và sẽ tiếp tục được cải thiện để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

    UNCLOS có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, quy định mọi thứ từ chủ quyền quốc gia, khai thác tài nguyên biển, đi lại, cho đến giải quyết tranh chấp trên biển. Công ước đã được 168 nước và tổ chức quốc tế phê chuẩn, 14 quốc gia khác ký nhưng chưa phê chuẩn.

    Việt Nam bỏ phiếu tán thành UNCLOS ngày 30/4/1982 và là nước thứ 63 nộp văn bản phê chuẩn Công ước. Việt Nam cũng là một trong những nước khởi xướng và chủ trì vận động thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS, nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước có chung mục tiêu.

    Vũ Anh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 75 khách