Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Vì sao Thái Lan là 'thiên đường' phẫu thuật chuyển giới?
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Vì sao Thái Lan là 'thiên đường' phẫu thuật chuyển giới?

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 7 05, 2022 4:49 pm






    Với chi phí rẻ, công nghệ phẫu thuật mới và sự lành nghề của các bác sĩ, Thái Lan là thiên đường của các ca chuyển giới.

    Tháng 7/2021, Amy tiến về phía sảnh nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok trong tâm trạng lo lắng. Những hành lang dài bằng kính, các dãy đèn huỳnh quang phản chiếu trên tấm chắn giọt bắn và âm thanh của những bộ quần áo bảo hộ nhăn nhúm khiến cô có cảm giác như đang bước vào cảnh phim khoa học viễn tưởng.

    Khi ấy, số ca mắc Covid-19 mới tại Thái Lan là 6.200, nhưng Amy không bận tâm đến tình trạng dịch bệnh ở một quốc gia lạ lẫm. Người phụ nữ từ nước Anh đến đây để phẫu thuật chuyển giới - điều cô mơ ước từ nhỏ và lên kế hoạch trong suốt 6 năm qua.

    Từ năm 1975, Thái Lan trở thành "thiên đường" cho những ca phẫu thuật chuyển giới. Nguyên nhân khiến quốc gia này bỏ xa các nước khác trong lĩnh vực chuyển giới là chi phí y tế tương đối thấp, phương pháp phẫu thuật hiện đại và cái nhìn cởi mở của cộng đồng.

    Từ đầu những năm 2000, du lịch y tế được chính phủ Thái Lan khuyến khích như một cơ hội để phát triển kinh tế. Đến năm 2017, nước này đã thu về gần 600 triệu USD mỗi năm từ du lịch chữa bệnh, đứng thứ 5 trên toàn cầu.

    Trong khi phẫu thuật chuyển giới còn xa lạ tại hầu hết các quốc gia, nhiều người cho rằng thái độ tích cực của người dân đối với "giới tính thứ ba" đã cho phép ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ.

    Người có nhu cầu chuyển giới đến từ Anh, Na Uy, Bulgaria, Israel, Canada và Australia với hoàn cảnh xã hội và xuất thân khác nhau, song tất cả đều tin rằng đất nước họ đang sinh sống không đưa ra các lựa chọn chuyển giới tối ưu như Thái Lan.

    Amy từng nhập ngũ vào năm 19 tuổi để "sống đúng với giới tính sinh học của mình", song quyết định này chỉ khiến cô thêm đau khổ và bối rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Khi rời quân ngũ vào năm 2014, Amy biết rằng nỗi phiền muộn về giới tính sẽ không biến mất. Cảm giác khó chịu về bản dạng giới khiến cô bị trầm cảm hai tháng, Amy quyết định đăng ký phẫu thuật chuyển giới tại quê nhà.

    Tuy nhiên, đại dịch căng thẳng, Amy và gần 6 triệu người Anh mòn mỏi chờ đợi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) sắp xếp các cuộc phẫu thuật. Thực tế, tình trạng này đã xảy ra trước khi Covid-19 bùng phát. Anh thiếu nhân viên được đào tạo bài bản, đáp ứng đủ nhu cầu người chuyển giới trong từng giai đoạn. Thời gian chờ đợi phẫu thuật trung bình là 18 tháng, trong một số trường hợp là hơn ba năm.

    "Không chỉ bác sĩ phẫu thuật, các chuyên gia giới tính làm việc tại phòng khám thiếu hụt khắp mọi nơi, trong nhiều năm liền", James Bellringer, bác sĩ phẫu thuật tại NHS cho biết.

    Để đối phó với sự chậm trễ và thủ tục hành chính rườm rà của NHS, Amy cố gắng lưu trữ hồ sơ cuộc hẹn, giấy giới thiệu và theo dõi thời gian được thông qua.

    Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tục bị trì hoãn và khoản tiền 30.000 bảng (36.000 USD) chi ra mà không nhận lại gì, cô bắt đầu mất kiên nhẫn và tìm đến "thiên đường chuyển giới" Thái Lan, như rất nhiều bạn bè của mình.

    Sau khi đến bệnh viện tại Bangkok, Amy được đưa và phòng riêng và cách ly hơn một tuần. Hai ngày trước ca phẫu thuật, cô được gặp một bác sĩ tâm lý người Thái Lan theo giấy giới thiệu từ quê nhà.

    Những cuộc gặp gỡ thế này thường chỉ mang tính hình thức, tiến sĩ Preecha Tiewtranon, nhà sáng lập Viện Thẩm mỹ Preecha ở Bangkok, người đã thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại đất nước vào năm 1970, cho biết.

    "Một khi đã nhận được giấy giới thiệu ở nước ngoài, khả năng bị từ chối phẫu thuật ở Thái Lan là gần như bằng 0", ông nói.

    Theo Hiệp hội Chuyên gia Thế giới về Sức khỏe Người chuyển giới (WPATH), cơ chế này sẽ hỗ trợ bệnh nhân vượt qua các thách thức về sức khỏe tâm thần và sự kỳ thị xã hội. Dù vậy, nhiều phụ nữ chuyển giới cho rằng các bài đánh giá tâm lý khiến họ có cảm giác mình đang mắc một loại bệnh tâm thần.

    Hình ảnh
    Hình ảnh bác sĩ trong một ca phẫu thuật. Ảnh: Independent

    Vào 5 giờ chiều, một y tá vui vẻ đưa Amy đến phòng mổ. Khoảng 9 nhân viên y tế mặc áo phẫu thuật xanh lá chào đón cô. Bàn mổ có đèn sáng, hai màn hình, các dụng cụ y tế được bày ngay ngắn.

    Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp tạo hình âm đạo đảo ngược dương vật để chuyển giới. Đây là hình thức phẫu thuật có từ giữa thế kỷ 20, vẫn được nhiều người coi là tiêu chuẩn vàng.

    Tuy nhiên, tại một số bệnh viện ở Thái Lan, bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật mới hơn, nhằm tái tạo âm đạo của người phụ nữ bằng cách dùng mô từ niêm mạc khoang bụng. Phần quy đầu nhạy cảm sẽ được chuyển đổi thành âm vật, tạo cảm giác chân thực hơn khi quan hệ tình dục. Các nghiên cứu cho thấy ở hầu hết các ca phẫu thuật thành công bằng phương pháp này, phụ nữ chuyển giới có thể đạt cực khoái.

    Ba ngày sau ca phẫu thuật, Amy đã có thể ngồi thẳng trên giường với một chiếc gối kê bên dưới. Cô mặc áo choàng bệnh viện màu đỏ trắng, ngôn từ còn rối loạn sau khi sử dụng morphin.

    Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, nhưng cô phải điều trị rất nhiều trước khi hoàn toàn hồi phục. Dù vậy, cô cảm thấy nhẹ nhõm sau khoảng thời gian dài.

    "Khi thức dậy, tôi cảm nhận được cơ thể mình đã khác. Nhưng cảm giác kỳ lạ này cũng khá bình thường. Tôi không thấy rằng mình vừa trải qua điều gì đó quá siêu việt. Cơ thể tôi như trở về đúng vị trí của nó", cô chia sẻ.

    Sau một tuần ở bệnh viện, Amy được chuyển đến một khách sạn liên kết, cách đó khoảng 200m. Bệnh nhân sau chuyển giới được khuyến cáo không hoạt động mạnh. Amy vẫn phải đặt ống thông tiểu, song đã có thể đi bộ từ khách sạn đến viện để kiểm tra hai lần mỗi ngày. Buổi đầu tiên, cô đau đến phát khóc, nhưng mỗi ngày trôi qua, cảm giác khó chịu giảm bớt một chút.

    "Bạn bè nói với tôi 'Hãy đợi đến năm 2022 khi Covid-19 kết thúc' rồi mới chuyển giới, nhưng tôi chẳng biết điều gì sẽ diễn ra vào lúc ấy. Tôi không ngần ngại vì biết rằng mọi thứ sẽ chẳng bao giờ trở lại như cũ được nữa", cô chia sẻ.

    Dù được coi là "thiên đường", ngành phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan vẫn có nhiều góc khuất. Không phải ca phẫu thuật nào cũng thành công. Năm 2018, Maria Creveling, một phụ nữ Mỹ đã bị tổn thương dây thần kinh xương chậu sau ca phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. Cô qua đời tại nhà riêng khi đang ngủ vào tháng 12/2019, dù nguyên nhân ca tử vong vẫn chưa được công bố.

    Người dân hầu hết có tâm lý cởi mở, song cộng đồng LGBT tại Thái Lan không tránh khỏi những trở ngại. Người chuyển giới không có tài liệu pháp lý đại diện bản dạng giới, khó tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng. Một số vị trí tuyển dụng quy định rõ ràng "không nhận người chuyển giới".

    Thục Linh (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 73 khách