Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lệnh khám xét giúp FBI đột kích dinh thự ông Trump
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Lệnh khám xét giúp FBI đột kích dinh thự ông Trump

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 8 09, 2022 9:42 am







    FBI có thể xin lệnh khám xét từ một thẩm phán để đột kích dinh thự của ông Trump khi cần đẩy nhanh cuộc điều tra mà không cần thông báo với Nhà Trắng.

    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 thông báo các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đột kích dinh thự Mar-a-Lago của ông ở bang Florida và phá một két sắt. Các nguồn thạo tin cho biết FBI có lệnh khám xét Mar-a-Lago trong cuộc điều tra về cách xử lý tài liệu tổng thống, trong đó có tài liệu mật.

    Theo NY Times, lực lượng hành pháp liên bang sẽ xin lệnh khám xét khi cần hành động nhanh chóng trong một cuộc điều tra, hoặc lo ngại chứng cứ nhạy cảm có nguy cơ bị dịch chuyển, che giấu, sửa đổi hoặc tiêu hủy. Yêu cầu phê chuẩn lệnh khám xét được đưa ra khi điều tra viên nhận định có thể tìm thấy bằng chứng, thường là tài liệu hoặc thiết bị điện tử, liên quan đến cuộc điều tra tại nơi ở, công ty, xe hơi... của ai đó.

    Lệnh khám xét không phải là dấu hiệu cho thấy ai đó có hành vi phạm tội, mà nó thể hiện tính cấp bách của cuộc điều tra. Lệnh khám xét cũng chỉ được sử dụng trong trường hợp "trát hầu tòa, lệnh triệu tập hoặc các biện pháp ít xâm phạm hơn sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu được bằng chứng hữu ích", theo cẩm nang quy trình tố tụng hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ.

    Bộ Tư pháp Mỹ hay FBI đều không có quyền tự ban hành lệnh khám xét, mà chỉ đưa ra đề xuất. Đề xuất về lệnh khám xét đó cần được một thẩm phán liên bang hoặc địa phương chấp thuận và phê chuẩn.

    Trong quá trình xem xét đề xuất về lệnh khám xét, thẩm phán thường yêu cầu cơ quan điều tra nêu rõ phạm vi khám xét, nhằm bảo vệ quyền của công dân trước các hành vi lục soát, thu giữ tài sản sai trái.

    Hình ảnh
    Cảnh sát Palm Beach và đặc vụ FBI trước dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, bang Florida, ngày 8/8. Ảnh: AFP.

    Cơ quan hành pháp cần đáp ứng một số tiêu chí pháp lý nhất định trước khi một thẩm phán phê chuẩn lệnh khám xét. Họ phải chứng minh có căn cứ hợp lý để tin rằng cuộc khám xét có khả năng cao giúp tìm ra sai phạm. Nếu không có căn cứ này, cuộc khám xét bị xem là trái luật.

    Ngoài ra, đề xuất khám xét cần mô tả địa điểm, bản chất của cuộc đột kích một cách "kỹ lưỡng" để ngăn đặc vụ áp dụng sai mục đích, lục soát ngoài phạm vi đã chỉ định.

    Guardian dẫn lời các cựu quan chức FBI giấu tên cho hay cơ quan này được thẩm phán liên bang ở thành phố West Palm Beach, bang Florida phê chuẩn lệnh khám xét Mar-a-Lago bởi họ đã chứng minh được rằng ông Trump khả năng cao đang lưu giữ trái phép tài liệu mật của chính phủ ở dinh thự. Đó có thể là một hành vi phạm tội theo quy định của luật pháp Mỹ.

    Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NARA) cho rằng ông Trump đã mang trái phép 15 thùng đồ, trong đó chứa nhiều tài liệu mật, khỏi Nhà Trắng và cất giữ sai quy định tại Mar-a-Lago. Trump đã hoàn trả một số thùng tài liệu, nhưng NARA được cho là đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ điều tra sự việc từ hồi đầu năm nay.

    Một quan chức hành pháp nói với CBS rằng Sở Mật vụ, đơn vị bảo vệ cựu tổng thống Trump, đã được thông báo ngay trước lúc lệnh khám xét được thực hiện vào khoảng 10h ngày 8/8 (21h giờ Hà Nội). Lực lượng mật vụ sau đó đã hỗ trợ FBI thực hiện cuộc khám xét. Tuy nhiên, FBI, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, không có nghĩa vụ phải báo cáo về cuộc đột kích với Nhà Trắng.

    Một số thùng tài liệu đã được đặc vụ FBI mang đi, nguồn tin nói, nhưng không có cánh cửa nào trong dinh thự bị phá khi cuộc đột kích kết thúc vào buổi chiều cùng ngày.

    Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói chính quyền Tổng thống Joe Biden không được thông báo về đợt khám xét của FBI và chỉ biết về vụ đột kích thông qua mạng xã hội cũng như tuyên bố của ông Trump. Nhà Trắng trước đó thông báo hạn chế tương tác với các quan chức tư pháp, để tránh bị cáo buộc gây áp lực chính trị hoặc hành động mờ ám liên quan đến cuộc điều tra nhắm vào Trump.

    Ông Biden khi tranh cử cũng tuyên bố không tham gia các vấn đề của Bộ Tư pháp Mỹ. Tổng thống Mỹ cùng gia đình cũng đang chờ xem liệu các công tố viên liên bang có truy tố con trai ông là Hunter Biden với cáo buộc trốn thuế hay không.

    Bộ Tư pháp Mỹ, tổng hành dinh FBI ở Washington cùng văn phòng ở Miami, Florida, đều từ chối bình luận về đợt khám xét dinh thự của ông Trump, do cuộc điều tra đang diễn ra.



    Như Tâm (Theo New York Times, BBC)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 64 khách