Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Quy trình FBI xin lệnh khám xét dinh thự ông Trump
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Quy trình FBI xin lệnh khám xét dinh thự ông Trump

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 8 10, 2022 10:12 am







    Để đột kích vào dinh thự ông Trump, FBI phải thuyết phục được một thẩm phán rằng lệnh khám xét là cần thiết để thu thập bằng chứng phục vụ điều tra.

    Đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 8/8 đột kích khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, nơi cựu tổng thống Donald Trump đang sống. Ông Trump chỉ trích cuộc đột kích là "không phù hợp, không cần thiết" và "sai trái về mặt tố tụng".

    Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết để đột kích được vào dinh thự của ông Trump, nơi được các mật vụ bảo vệ, FBI phải tuân thủ quy trình xin lệnh khám xét được quy định chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chí cần thiết để trình lên một thẩm phán xin phê duyệt.

    Lệnh khám xét được xin thế nào?

    Lệnh khám xét các địa điểm quan trọng như dinh thự của cựu tổng thống, nhiều khả năng phải được các quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ quản FBI, phê duyệt. Tuy nhiên, cả FBI và Bộ Tư pháp không có nghĩa vụ phải báo cáo hay xin lệnh từ Nhà Trắng trong quá trình này.

    Các cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói với CNN rằng nhiều khả năng Thứ trưởng Tư pháp Lisa Monaco có thể đã "bật đèn xanh" cho cuộc khám xét, sau khi tham vấn với Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Tổng giám đốc FBI Chris Wray.

    "Không chỉ các công tố viên phải nhất trí với quyết định này, mà nhiều tầng nấc quản lý cũng phải phê chuẩn, tất cả đều dẫn tới Bộ trưởng Tư pháp", Daren Firestone, cựu công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ, nói.

    Nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết vụ đột kích là một phần cuộc điều tra được FBI tiến hành, nhằm xác định cựu tổng thống Trump có mang hồ sơ mật từ Nhà Trắng đến bảo quản trái phép tại dinh thự ở bang Florida hay không.

    Hình ảnh
    Mật vụ Mỹ bên ngoài dinh thự của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida ngày 8/8. Ảnh: AP.

    Dù FBI là cơ quan hành pháp có quyền lực rất lớn ở Mỹ, các đặc vụ của họ không thể đột ngột ập đến khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump hay nhà của bất kỳ công dân Mỹ nào khác. Trước tiên, các điều tra viên phải có lệnh khám xét được một thẩm phán phê chuẩn.

    Nhằm thuyết phục thẩm phán ký lệnh khám xét, đặc vụ FBI phải thuyết phục được thẩm phán rằng họ có lý do phù hợp để tin hành vi phạm tội đã xảy ra. Theo quy định, FBI phải nộp tờ trình, trong đó trình bày bằng chứng và cơ sở pháp lý cho thấy cần tiến hành hoạt động khám xét, lên thẩm phán tòa liên bang hoặc tòa địa hạt.

    Những thẩm phán này không phải do tổng thống đề cử và Thượng viện phê chuẩn. Thay vào đó, họ được hội đồng thẩm phán tòa địa hạt bổ nhiệm để xử lý các vấn đề như phê chuẩn lệnh khám xét và tiến hành những phiên điều trần đầu tiên với người bị bắt.

    Thẩm phán có thể hỏi thêm thông tin và chất vấn đặc vụ FBI về đề nghị xin lệnh khám xét. Thẩm phán chỉ ký duyệt lệnh khám xét nếu nhận thấy có bằng chứng để tin rằng hành vi phạm tội đã xảy ra tại địa điểm cần lục soát.

    Hồi tháng 1, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ thu hồi 15 thùng đựng tài liệu từ dinh thự Mar-a-Lago, trong đó có một số tài liệu mật, nhưng các hoạt động điều tra liên quan đến số tài liệu này sau đó trở nên im ắng.

    "Tôi không cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ có hành động xin lệnh khám xét quyết liệt như vậy chỉ vì những tài liệu họ đã thu hồi", Andrew McCabe, cựu phó tổng giám đốc FBI, nhận định. "Họ phải có nghi ngờ hoặc lo ngại, cũng như thông tin cụ thể để tin rằng có một số tài liệu mật đã không được nộp lại".

    Dennis Lormel, cựu đặc vụ FBI, cho biết lệnh khám xét dinh thự của ông Trump là vấn đề rất nhạy cảm do liên quan đến một cựu tổng thống, nên cả Bộ Tư pháp Mỹ lẫn thẩm phán nhiều khả năng đã phải cân nhắc rất kỹ.

    "Đây không phải là tình huống đơn giản kiểu cứ đến và khám xét đi", Lormel nói. "Quá trình xin và phê chuẩn lệnh khám xét phải chặt chẽ hết mức có thể để tránh bất cứ sai sót pháp lý nào".

    Quá trình xin phê duyệt lệnh khám xét được tiến hành bí mật để tránh đánh động người sắp bị khám nhà. Mọi hồ sơ tòa án liên quan đến đơn xin lệnh khám xét được niêm phong và chỉ được mở ra khi vụ án hình sự được khởi tố.

    Giới chức cũng có thể bảo mật tờ trình xin lệnh khám xét ngay cả khi vụ án được khởi tố. Người có tài sản bị khám xét được quyền xem lệnh, song không được phép xem tờ trình được nộp lên thẩm phán.

    Nếu một tài sản bị khám xét mà không có lệnh hay lý do phù hợp, bất cứ bằng chứng nào thu được từ quá trình này đều bị loại bỏ, đồng nghĩa không thể dùng chúng trước tòa.

    Brian O’Hare, chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI, cho biết mọi lệnh khám xét "phải đáp ứng các quy tắc thủ tục chi tiết và rõ ràng, đồng thời là kết quả của sự hợp tác và tham vấn với các công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ".

    Hình ảnh
    Cổng dinh thự Mar-a-Lago tại Florida ngày 8/8. Ảnh: AP.

    Trong vụ khám xét dinh thự của ông Trump, để thi hành lệnh khám xét, FBI còn phải thông báo cho Sở Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ cựu tổng thống và nhà của ông.

    Một nguồn tin cho biết FBI đã liên hệ với Sở Mật vụ Mỹ ngay trước khi tiến hành vụ đột kích. Các mật vụ sau đó liên hệ với Bộ Tư pháp Mỹ để xác thực lệnh khám xét, trước khi cho phép đặc vụ FBI tiến vào dinh thự.

    Đạo luật nào được áp dụng?

    Chưa rõ các quan chức thực thi pháp luật cho rằng hành vi vi phạm pháp luật nào có thể đã diễn ra để họ phải khám xét dinh thự Mar-a-Lago. Nhiều đạo luật liên bang của Mỹ đề cập tới quy trình xử lý tài liệu mật, trong đó có đạo luật quy định hành vi đưa tài liệu mật tới cất giữ ở nơi trái phép là tội hình sự.

    Đạo luật Tài liệu của Tổng thống (PRA), được ban hành năm 1978 sau bê bối Watergate, yêu cầu các tài liệu của Nhà Trắng phải được bảo quản như tài sản của chính phủ Mỹ.

    Đạo luật này yêu cầu lưu trữ các tài liệu như email, tin nhắn, nhật ký điện thoại trong kho lưu trữ quốc gia. Tuy nhiên, trong lịch sử Mỹ, chưa có cựu tổng thống nào bị trừng phạt vì vi phạm PRA và đạo luật cũng không quy định chế tài thực thi cụ thể.

    Hình ảnh
    Những thùng đồ được chuyển khỏi Nhà Trắng trước khi Trump rời nhiệm sở ngày 14/1/2021. Ảnh: Reuters.

    Một đạo luật khác quy định bất cứ ai đang quản lý tài liệu chính phủ "cố ý che giấu, lấy, cắt xén, xóa hoặc tiêu hủy" một cách bất hợp pháp đều là hành vi phạm tội. Nếu bị kết tội, người này có thể bị phạt tiền, lĩnh án 2-3 năm tù hoặc cả hai.

    Đạo luật này cũng quy định người bị kết án "sẽ bị tước bỏ chức vụ và không được đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong hệ thống chính quyền Mỹ". Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nhận định điều này không áp dụng với chức vụ tổng thống, vốn được điều chỉnh bằng Hiến pháp.



    Nguyễn Tiến (Theo AP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 77 khách