Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tình cảnh của người tị nạn Ukraine ở nước ngoài
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 28126
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tình cảnh của người tị nạn Ukraine ở nước ngoài

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 10 27, 2022 6:10 pm






    Với những người Ukraine xếp hàng bên ngoài văn phòng việc làm ở Prague gần đây, sự nhẹ nhõm và thất vọng chỉ cách nhau vài mét.

    Zoya Valentinovna Vakulenko, 70 tuổi, đến Cộng hòa Czech từ tháng 3. Bà tự thấy mình may mắn khi tìm được nơi ở ổn định trong trung tâm tị nạn và được trả lương vì làm lễ tân ban đêm ở đó.

    Nhưng bên hàng dành riêng cho người có con nhỏ, Katya, 34 tuổi, cho biết gia đình cô đang đối mặt với tình trạng thù ghét ngày càng nhiều ở một đất nước mà chỉ vài tháng trước còn nồng nhiệt chào đón người Ukraine.

    "Con tôi thường bị những đứa trẻ Czech đuổi khỏi sân chơi vì nói tiếng Ukraine", cô kể.

    Katya, Zoya và hàng triệu người Ukraine chạy sang các nước Liên minh châu Âu (EU) được hứa hẹn rằng họ có thể sống, làm việc, được chăm sóc sức khỏe và đảm bảo học hành cho con cái ở bất kỳ quốc gia EU nào trong tối đa ba năm.

    Tính đến giữa tháng này, 4,5 triệu người Ukraine đã đăng ký xin cơ chế bảo hộ tạm thời ở EU, nhiều gấp đôi số người xin tị nạn ở đây trong năm 2015 và 2016.

    "Nhiều người Ukraine sẽ ở lại đây trong thời gian dài, có thể là vài tháng, vài năm hoặc mãi mãi", Helena Krajewska, người phát ngôn tổ chức Hành động Nhân đạo Ba Lan, nói. "Chúng tôi cần giúp họ có khả năng tự nuôi sống mình".

    Hình ảnh
    Một đứa trẻ Ukraine tại trung tâm tị nạn Ptak ở Nadarzyn, Ba Lan. Ảnh: Washington Post.

    Khi cuộc chiến kéo dài và tác động của nó được cảm nhận trên khắp lục địa, quá trình chuyển đổi từ cứu trợ tạm thời sang hỗ trợ dài hạn đặt ra nhiều thử thách với cam kết của khối. Khoảng 3 triệu người Ukraine đã quay lại đất nước, vì cảm thấy đủ an toàn, muốn gần gia đình hoặc vì cuộc sống tị nạn quá khổ sở.

    Dù nhu cầu lao động ở EU lớn, những người Ukraine vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm bởi chưa thể đáp ứng các yêu cầu về ngôn ngữ hoặc không có kinh nghiệm.

    Khoảng 1/3 số người tị nạn Ukraine từ 16 tuổi trở lên đã được tuyển dụng, theo khảo sát gần đây của Kantar Public. Con số này cao hơn một chút so với khảo sát được Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) thực hiện, trong đó chỉ ra 23% người tị nạn Ukraine có việc làm hoặc tự kinh doanh, so với 63% trước khi rời Ukraine. 47% hộ gia đình coi trợ cấp xã hội là nguồn thu nhập chính.

    Alla Borodan, từng làm trong lĩnh vực giáo dục ở Ukraine trước khi sơ tán tới Đức cùng con gái hồi đầu tháng 3, nằm trong số những người nhanh chóng có việc làm. Lúc đầu cô làm trông trẻ cho các gia đình ở Berlin. Sau khi đăng hồ sơ trên các trang tìm việc, cô được nhận làm giáo viên tại một trường mầm non địa phương, nơi đã tiếp nhận một số trẻ Ukraine. Công việc không yêu cầu biết tiếng Đức và cô đã bắt đầu đi làm ngay từ đầu tháng 4.

    "Nếu quyết tâm, bạn sẽ tìm được việc làm", cô nói.

    Tuy nhiên, Tetiana Laricheva, nhân viên công nghệ 32 tuổi, cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở quyết tâm. Gia đình Larichev từng phải chuyển từ Donetsk tới Kharkov năm 2014, sau khi phong trào ly khai vũ trang nổ ra ở miền đông Ukraine. 8 năm sau, họ phải chạy trốn lần nữa và lần này là tới thủ đô Đức.

    Larichev dành phần lớn những tuần đầu hoàn thành giấy tờ và đưa hai con Dasha 9 tuổi và Dima 6 tuổi đến trường. Sau khi ổn định hơn, cô tích cực tìm kiếm việc làm, nhưng bị hầu hết các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin từ chối. Suốt nhiều tháng, cô thậm chí không nhận được một cuộc hẹn phỏng vấn.

    Bên cạnh tìm việc, tìm nhà ở cũng là nỗi đau đầu với nhiều người tị nạn Ukraine ở châu Âu.

    Nhiều người hiện phải sống trong những nơi ở tạm thời như trung tâm tị nạn, khách sạn hoặc các gia đình bản xứ. Khảo sát gần đây của UNHCR chỉ ra 1/4 người tị nạn Ukraine được hỏi cho biết đang thuê một nơi ở riêng. 27% nói họ cần tìm chỗ ở mới trong 6 tháng tới.

    Tại Latvia, một số thành phố từng nhiệt tình chào đón người tị nạn Ukraine đầu năm nay giờ từ chối tiếp nhận, nói rằng họ đã cạn ngân sách giúp đỡ. Giới chức Ba Lan bắt đầu đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô một số trung tâm tị nạn, cũng như siết chặt việc tiếp cận chương trình hỗ trợ tiền cho những gia đình tiếp nhận người tị nạn.

    Tình hình đặc biệt căng thẳng ở Prague, nơi vốn có thị trường nhà ở rất cạnh tranh trước khi Cộng hòa Czech tiếp nhận 450.000 người tị nạn. Sự xuất hiện của những người tị nạn đã khiến số người ở Prague tăng thêm 7%, gây áp lực lớn cho hệ thống nhà ở công cộng và thị trường cho thuê.

    "Lúc đầu mọi người rất thoải mái cho người Ukraine thuê nhà, nhưng thái độ của họ đã thay đổi. Dù người Ukraine sẵn sàng trả tiền, nhiều chủ nhà vẫn nảy sinh ác cảm với họ. Rất nhiều người giờ cảm thấy người Ukraine đang được ưu ái quá nhiều và họ cũng sợ những người tị nạn này sẽ đột ngột rời đi sau vài tháng", Petra Vybiralova, nhân viên môi giới bất động sản ở Prague, nói.

    Martina Kavanova, nhà phân tích của tổ chức PAQ Research, cho biết hơn 1/2 số người Ukraine ở Cộng hòa Czech sống trong những nơi chật chội, thậm chí một số thiếu phòng tắm riêng hoặc không có chìa khóa phòng riêng.

    Hình ảnh
    Lilia Rusenko (trái) cùng mẹ và con gái tại ký túc xá ngoại ô Prague, Cộng hòa Czech. Ảnh: Washington Post.

    Lilia Rusenko và Olha Petrenko đã được đưa tới một khu ký túc xá ở ngoại ô Prague. "Chúng tôi thậm chí không có chìa để khóa cửa", Rusenko nói.

    "Đêm ngủ chúng tôi bị bọ cắn và không dám tắt đèn vì sợ", Petrenko chia sẻ.

    Cách Prague khoảng một giờ lái xe, nhiều bang và thành phố Đức từ chối tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn mức phân bổ ban đầu, nói rằng họ đã hết khả năng, theo Georgia Homann của tổ chức Accommodation Ukraine. Về lý thuyết, người tị nạn được tự do đến bất kỳ nơi nào ở Đức. Nhưng trên thực tế, họ chỉ nhận được hỗ trợ nếu chấp nhận sự phân bổ của giới chức địa phương.

    Đảm bảo tiếp cận học hành là một trong số những cam kết của EU với người tị nạn Ukraine. Đến giữa tháng 10, hơn 671.000 trẻ em Ukraine đã được tiếp nhận vào hệ thống giáo dục EU.

    Tuy nhiên, EU không công bố số trẻ em Ukraine chưa được đăng ký. Ước tính con số này lên tới hàng trăm nghìn. Thiếu không gian tiếp nhận trong các trường học là nguyên nhân được đề cập nhiều nhất, theo UNHCR.

    Hệ thống trường học ở một số quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất, trong đó có Cộng hòa Czech và Ba Lan, vốn đã chịu nhiều áp lực trước xung đột. "Họ không có đủ giáo viên, nguồn lực và không gian", Lucie Cerna, nhà phân tích giáo dục của OECD, nói.

    Tại Prague, một số người tị nạn kể phải chạy từ trường này tới trường khác để tìm chỗ học cho con. "Nó giống kiểu bạn có may mắn hay không", Tatiyana B, người tị nạn Ukraine, nói.

    Nhiều người tị nạn cho biết họ ngần ngại khi đăng ký trường học cho con, bởi chỗ ở của họ chỉ là tạm thời và không biết họ sẽ được chuyển tới đâu.

    Việc đăng ký học cũng phức tạp. Các trường học ở một số quốc gia yêu cầu hồ sơ y tế, chứng nhận tiêm vaccine và bản dịch công chứng các hồ sơ học tập như điều kiện tiên quyết để đăng ký. Đây là những thứ người tị nạn khó có thể cung cấp, theo UNHCR.

    Sau khi tiếp nhận học sinh Ukraine, các quốc gia đưa ra chính sách khác nhau đối với các em. Tại Ba Lan, phần lớn học sinh Ukraine được phân vào các lớp học bình thường, điều có thể gây khó khăn cho những em chưa thông thạo tiếng Ba Lan. Đức mở các lớp học riêng có hỗ trợ ngôn ngữ cho học sinh Ukraine, vừa giúp học sinh mới đến vừa không làm chậm tiến trình của học sinh Đức.

    Hình ảnh
    Người tị nạn Ukraine tại một nhà ga ở Przemysl, Ba Lan hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

    Nhiều người Ukraine đang dần tìm cách thích nghi với cuộc sống mới ở Ukraine. Nhưng một số người lo lắng về tương lai, khi sự nhiệt tình chào đón của châu Âu với người tị nạn Ukraine phai nhạt. Từ Berlin tới Prague, nhiều người dân địa phương đã biểu tình phản đối các lệnh trừng phạt Nga và phàn nàn rằng chính phủ đang ưu tiên hỗ trợ cho Ukraine hơn chính công dân của họ.

    Viện trợ chính phủ cho người tị nạn được thúc đẩy bởi "sự đoàn kết to lớn của công chúng. Nhưng để tiếp tục, chúng sẽ cần tới sự ủng hộ lớn và lâu dài", Hugh Reilly, người phát ngôn văn phòng ứng phó khẩn cấp của UNICEF ở Ba Lan, nói.


    Thanh Tâm (Theo Washington Post)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 6 khách