Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thông điệp của Triều Tiên khi phóng tên lửa nhiều chưa từng thấy
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27909
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thông điệp của Triều Tiên khi phóng tên lửa nhiều chưa từng thấy

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 11 03, 2022 9:14 am








    Phóng tên lửa đạn đạo với số lượng nhiều kỷ lục, Triều Tiên vừa phát thông điệp phô diễn sức mạnh quân sự, vừa tăng sức ép với Mỹ và đồng minh.

    Triều Tiên hôm qua khai hỏa ít nhất 23 tên lửa đạn đạo các loại, trong đó một quả rơi vào khu vực phía nam ranh giới trên biển với Hàn Quốc. Tên lửa rơi cách bờ biển thành phố Sokcho chưa đầy 60 km, buộc chính phủ Hàn Quốc phải kích hoạt báo động và yêu cầu người dân sơ tán, tìm nơi trú ẩn.

    Số tên lửa mà Triều Tiên khai hỏa trong ngày 2/11 đạt quy mô chưa từng có, bằng tổng tên lửa mà nước này phóng thử trong cả năm 2017, khi tình hình trên bán đảo và căng thẳng Mỹ - Triều leo thang nghiêm trọng.

    Sau ngày phóng tên lửa nhiều kỷ lục, Triều Tiên hôm nay tiếp tục phóng thêm ba tên lửa vào vùng biển gần Nhật Bản. Tokyo nhận định một quả là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và hai quả là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).

    Triều Tiên từ đầu năm đến nay đã tiến hành 29 cuộc thử nghiệm vũ khí, với 51 tên lửa đạn đạo và 6 tên lửa hành trình, theo thống kê của Ankit Panda, nghiên cứu viên cấp cao thuộc Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế. Số tên lửa này cao hơn gấp đôi so với 27 quả mà Triều Tiên phóng trong cả năm 2019.

    Hình ảnh
    Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình ngày 13/10. Ảnh: KCNA.

    Giới chuyên gia cho rằng loạt thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một phần trong nỗ lực nhằm chứng tỏ Bình Nhưỡng đã có những bước tiến lớn về năng lực tên lửa quốc gia.

    Kim Jong-dae, chuyên gia Viện Yonsei về Nghiên cứu Triều Tiên, nhận định Triều Tiên tổ chức khai hỏa tên lửa liên tiếp ở các điểm bắn khác nhau, cho thấy khả năng cơ động cao và triển khai tác chiến đồng loạt của quân đội nước này. Cách "bài binh bố trận" như vậy dường như cũng là thông điệp răn đe gửi tới Mỹ và đồng minh rằng họ sẽ đối mặt với thách thức rất lớn trong phát hiện và đánh phủ đầu tên lửa Triều Tiên.

    "Hàn Quốc và Mỹ vốn tin rằng nếu họ phát hiện sớm nơi Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa, họ sẽ đủ khả năng tung đòn tập kích phủ đầu với độ chính xác cao. Tuy nhiên, Triều Tiên đang cho thấy họ có thể khai hỏa tên lửa trên khắp lãnh thổ, đủ khả năng đe dọa một cách có hệ thống", ông Kim Jong-dae phân tích.

    Đợt phóng tên lửa cũng là cách để Bình Nhưỡng phát thông điệp phản đối đủ sức nặng nhắm vào đợt tập trận Vigilant Storm quy mô lớn chưa từng có của liên quân Mỹ - Hàn từ tháng 8 đến nay.

    Giới chức Triều Tiên nhiều lần lên án đợt tập trận Vigilant Storm, với hàng trăm chiến đấu cơ của Mỹ và Hàn Quốc tham gia, là hoạt động "hung hăng và khiêu khích". Đầu tuần này, Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc tham gia diễn tập.

    Triều Tiên đã cảnh báo rằng đối phương sẽ "trả giá kinh hoàng nhất trong lịch sử" nếu tiếp tục đợt tập trận. Thông điệp này được giới quan sát đánh giá mang ẩn ý Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và xem đây là hình thức phản ứng cao nhất.

    Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, đánh giá Bình Nhưỡng đang tạo tiền đề cho những bước phản ứng quyết liệt hơn trong tương lai, thông qua diễn tập lực lượng tên lửa nhằm đáp trả đợt tập trận Vigilant Storm của Mỹ - Hàn.

    Theo ông, bước phản ứng ở mức độ quyết liệt hơn của Triều Tiên chính là tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, điều mà cả Mỹ và Hàn Quốc đang nỗ lực ngăn cản.

    "Nếu Hàn Quốc có động thái đáp trả những vụ phóng tên lửa mới nhất, Triều Tiên sẽ coi đó là cái cớ để tiến hành vụ thử nhằm phô diễn sức mạnh hạt nhân", giáo sư Yang dự báo.

    Hình ảnh
    Tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng thử hồi tháng 3/2021. Ảnh: KCNA.

    Giới chức cấp cao ở Washington và Seoul từ giữa năm đến nay liên tục cảnh báo Bình Nhưỡng đã hoàn tất mọi điều kiện cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy. Lần gần nhất Triều Tiên thử hạt nhân là năm 2017, trước khi tuyên bố nước này đã hoàn thiện năng lực răn đe hạt nhân vì mục tiêu an ninh quốc gia.

    "Nếu Mỹ và Hàn Quốc cố tình sử dụng lực lượng vũ trang chống lại Triều Tiên, những đơn vị đặc biệt của lực lượng vũ trang Triều Tiên sẽ thực thi nhiệm vụ chiến lược cấp tốc. Mỹ và Hàn Quốc sẽ đối diện tình thế kinh hoàng và trả giá khủng khiếp nhất lịch sử", Pak Jong-chon, quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên, ngày 1/11 tuyên bố.

    Giới quan sát cho rằng những thông điệp quyết liệt của Bình Nhưỡng nhằm vừa củng cố đoàn kết nội bộ, vừa thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng "những hoạt động thù địch" từ Mỹ và Hàn Quốc đã đẩy Triều Tiên đến chỗ không còn lựa chọn nào khác.

    "Bối cảnh hiện nay tạo điều kiện để Trung Quốc và Nga dễ ủng hộ Triều Tiên hơn, đồng thời quy trách nhiệm cho Mỹ một khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo", Kim Yong-hyun, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk ở Seoul, cảnh báo.

    Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định động thái phô diễn sức mạnh tên lửa của Bình Nhưỡng còn nhằm gia tăng sức ép lên Washington, buộc giới lãnh đạo Mỹ chấp nhận Triều Tiên bước vào bàn đàm phán với vị thế "quốc gia hạt nhân".

    Chad O'Carroll, nhà sáng lập trang NK News và là chuyên gia về Triều Tiên, nhận định tên lửa Triều Tiên khai hỏa trong vụ thử mới nhất được phóng ở góc cao, củng cố nhận định của quân đội Nhật và Hàn Quốc rằng đây là một phần chương trình thử nghiệm ICBM và IRBM.

    "Những vụ thử nghiệm IRBM và ICBM, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, là động thái đáng lo ngại, vì chúng mang hàm ý đe dọa các mục tiêu Mỹ ở xa bán đảo nếu xung đột bùng phát", chuyên gia quốc phòng Mỹ Adam Mount, thành viên tổ chức Liên hiệp Khoa học gia Mỹ (FAS), lập luận.

    Đợt phóng tên lửa ồ ạt của Triều Tiên dường như còn là một đòn tăng sức ép với chính quyền Tổng thống Joe Biden ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra ngày 8/11.

    Triều Tiên dường như muốn chứng tỏ với chính quyền ông Biden và cử tri Mỹ rằng mọi nỗ lực cấm vận, trừng phạt kinh tế lẫn răn đe quân sự của Washington đều không phát huy tác dụng. Mục đích của chiến thuật này là buộc Mỹ phải chấp nhận một số nhượng bộ và từ bỏ điều kiện "phi hạt nhân hóa" trong đàm phán với Triều Tiên.

    "Kỳ vọng Triều Tiên phi hạt nhân hóa đã trở thành mục tiêu không thực tế. Họ muốn được thừa nhận vị thế quốc gia hạt nhân rồi mới bước vào bàn đàm phán với Mỹ", Park Won-gon, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Ewha của Hàn Quốc, nhận định.



    Thanh Danh (Theo BBC, WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 78 khách