Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mỹ đối mặt nguy cơ hỗn loạn hậu bầu cử giữa kỳ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Mỹ đối mặt nguy cơ hỗn loạn hậu bầu cử giữa kỳ

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 11 03, 2022 11:26 am







    Dù bầu cử giữa kỳ Mỹ chưa diễn ra, một số ứng viên Cộng hòa đã ám chỉ sẽ bác bỏ kết quả bất lợi, làm dấy lên lo ngại về hỗn loạn chính trị.

    "Nhiều ứng viên đang tranh cử tuyên bố sẽ không cam kết chấp nhận kết quả cuộc bầu cử mà họ tham gia", Tổng thống Joe Biden nói ngày 2/11, cảnh báo nguy cơ hỗn loạn hậu bầu cử giữa kỳ. Theo giới phân tích, lo ngại của ông Biden không phải không có cơ sở, khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử được dự báo sẽ có nhiều diễn biến khó lường.

    Tháng trước, Kari Lake, người được cựu tổng thống Donald Trump hậu thuẫn trong cuộc đua vào ghế thống đốc bang Arizona, chỉ trích Tổng thống Biden vì đã gọi những người từ chối công nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 như bà là "kẻ cực đoan".

    Khi được hỏi liệu bà có nhận thua nếu thất bại trong cuộc đua tranh cử chức thống đốc bang Arizona với ứng viên Dân chủ Katie Hobbs hay không, Lake đã lảng tránh câu trả lời trực tiếp.

    "Tôi sẽ không thua Katie Hobbs. Chúng tôi sẽ không thua Katie Hobbs, nên đừng lo về điều đó", bà nói.

    Hình ảnh
    Một người dân Mỹ bỏ phiếu ở Flint, bang Michigan hồi tháng 11/2020. Ảnh: AFP.

    Đầu tháng này, người dẫn chương trình Dana Bash của CNN cũng đặt câu hỏi tương tự cho Lake rằng "liệu bà có chấp nhận kết quả trong cuộc bầu cử ngày 8/11 hay không?". Lake nói "tôi sẽ thắng và sẽ chấp nhận kết quả đó".

    "Nếu thua thì sao, bà sẽ chấp nhận chứ?", Bash hỏi thêm. Lake một lần nữa khẳng định "tôi sẽ thắng cuộc bầu cử và tôi sẽ chấp nhận kết quả đó".

    Việc một ứng viên Cộng hòa từng phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 công khai suy nghĩ về cuộc bầu cử giữa kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong giới quan sát chính trị Mỹ. Lake là một trong nhiều người Cộng hòa đã tuyên bố rằng họ có thể làm theo chiến thuật của ông Trump, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ còn cách vài ngày.

    "Nguy cơ chiến thuật bác bỏ kết quả bầu cử của ông Trump sẽ lan khắp các bang ở Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Nếu những người như vậy thua với tỷ lệ sát sao trong bầu cử giữa kỳ, họ nhiều khả năng sẽ từ chối chấp nhận kết quả", Fred Wertheimer, chủ tịch nhóm phi đảng phái Democracy 21, nói.

    Gần hai năm sau khi ông Trump phát động nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử chưa từng có ở Mỹ với đỉnh điểm là cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021, cáo buộc "gian lận bầu cử" mà ông phát tán vẫn tiếp tục được lan truyền, dù các tòa án Mỹ đã bác bỏ mọi vụ kiện về kết quả kiểm phiếu. Cuộc thăm dò mới từ NBC News cho thấy 65% cử tri đảng Cộng hòa vẫn coi nhiệm kỳ của ông Biden là "bất hợp pháp".

    "Nỗi hoài nghi mà ông Trump mang đến cho hệ thống bầu cử của chúng tôi đã lan rộng tới bất kỳ ứng viên tranh cử cho vị trí quan trọng nào. Họ đang làm theo chiến thuật của Trump", Wertheimer nói.

    Bang Arizona được coi là điểm nóng trong bầu cử giữa kỳ năm nay. Tất cả bốn ứng viên đảng Cộng hòa, gồm Lake và các ứng viên cho vị trí thượng nghị sĩ, tổng chưởng lý và tổng thư ký bang, đều là những người sẵn sàng từ chối chấp nhận kết quả bầu cử.

    Blake Masters, thành viên Cộng hòa được Trump hậu thuẫn, đã tìm cách gieo hoài nghi về kết quả bầu cử khi ông thách thức ghế thượng nghị sĩ của thành viên đảng Dân chủ Mark Kelly.

    Trong chiến dịch vận động tranh cử, Masters nói với những người ủng hộ rằng hãy chú ý tới "hàng nghìn phiếu bầu gian lận" có thể cướp mất chiến thắng của ông. Đây cũng chính là chiến thuật "rào trước" mà Trump từng áp dụng trong cuộc bầu cử năm 2016 và 2020.

    Mark Finchem, thành viên Cộng hòa đang tranh cử ghế tổng thư ký bang, từng dẫn đầu nỗ lực bác bỏ chiến thắng của ông Biden ở Arizona và có mặt ở Đồi Capitol vào ngày xảy ra bạo loạn năm 2021. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, ông tuyên bố sẽ từ chối nhận thua nếu thất bại trước đối thủ.

    "Sẽ không có bài phát biểu nhận thua nào đến từ người đàn ông này", Finchem nói.

    Abe Hamadeh, thành viên Cộng hòa tranh cử chức tổng chưởng lý bang Arizona, đã tuyên bố hình thức bỏ phiếu qua thư có nhiều gian lận, dù không đưa ra bằng chứng nào. Đây cũng là chiến thuật phủ đầu khác mà Trump từng dùng năm 2020.

    Những dấu hiệu tương tự cũng xuất hiện ở các thành viên Cộng hòa tại nhiều bang chiến trường khác. Tại bang Michigan, ứng viên được Trump hậu thuẫn Tudor Dixo, người đang cạnh tranh với Thống đốc đương nhiệm Gretchen Whitmer, đã hoài nghi về cuộc bầu cử, chỉ vì Tổng thư ký bang, người phụ trách cuộc bầu cử giữa kỳ tại địa phương, là thành viên đảng Dân chủ.

    "Chúng tôi tự hỏi rằng liệu Tổng thư ký bang sẽ làm gì trong cuộc bầu cử năm 2022", bà nói.

    Tại Wisconsin, một bang khác từng là điểm nóng cho các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử, cả thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson và ứng viên thống đốc Tim Michels đều đưa ra câu trả lời mập mờ về phản ứng sau bầu cử.

    Khi được hỏi liệu họ có chấp nhận vô điều kiện kết quả bầu cử hay không, người phát ngôn của Johnson nói "ông ấy hy vọng là có thể chấp nhận". Michels nói ông sẽ chấp nhận kết quả "miễn là cuộc bầu cử được tiến hành công bằng và đảm bảo".

    Doug Mastriano, người từng phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 và có mặt tại bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1/2021, đang tranh cử thống đốc Pennsylvania. Ông đã từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử nếu chiến thắng thuộc về đối thủ Dân chủ Josh Shapiro hay không.

    Giới quan sát cho rằng khó có thể dự đoán những người Cộng hòa này có thể làm gì sau cuộc bầu cử ngày 8/11. Nhưng việc nhiều ứng viên Cộng hòa sẵn sàng phủ nhận kết quả bất lợi cho thấy rắc rối có thể xảy ra.

    "Chúng tôi không biết mình đang đối phó với điều gì cho đến khi nó xảy ra, nhưng chúng tôi có thể sẽ đối mặt với những hỗn loạn chưa từng thấy các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây", Wertheimer nói.

    Trung tâm Carter, nhóm nhân quyền do cựu tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn thành lập, đã tập trung ứng phó với nguy cơ hỗn loạn sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Trung tâm này từng giám sát 113 cuộc bầu cử ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á kể từ những năm 1980.

    Vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, các chuyên gia của trung tâm đã chú ý tới những hỗn loạn xung quanh chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump, nên đã quyết định áp dụng các bài học "bảo vệ dân chủ" trên thế giới cho chính nước Mỹ.

    "Một trong những điều đáng lo ngại trong mùa hè năm 2020 là những nỗ lực nhằm làm suy yếu kết quả bầu cử", Nathan Stock, phó giám đốc chương trình giải quyết tranh chấp của Trung tâm Carter, nói.

    Trước thềm bầu cử giữa kỳ năm nay, Trung tâm Carter đề nghị các ứng viên cam kết thực hiện 5 nguyên tắc cốt lõi để đảm bảo các cuộc bầu cử đáng tin cậy. Một trong những nguyên tắc đó là chấp nhận kết quả sau khi phiếu bầu được kiểm đếm và xác nhận.

    "Chúng tôi muốn nói rằng 'bạn có thể kiện ra tòa, nhưng một khi các đơn kiện đã được giải quyết và kết quả kiểm phiếu được chứng nhận, bạn phải chấp nhận nó'", Stock nói.

    Khoảng 124 ứng viên trong cuộc bầu cử giữa kỳ đến nay cam kết tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi trên. Tuy nhiên, những người Cộng hòa sẵn sàng từ chối công nhận kết quả bầu cử vẫn chưa tham gia.



    Thanh Tâm (Theo Guardian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 61 khách