Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lý do Mỹ án binh bất động khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Lý do Mỹ án binh bất động khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 11 04, 2022 9:16 am







    Dù Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, ông Biden dường như vẫn duy trì "kiên nhẫn chiến lược", bởi cách tiếp cận khác khó đảm bảo thành công.

    Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, giới chức Mỹ cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên ở bất cứ đâu mà không kèm điều kiện tiên quyết, để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa. Đồng thời, Washington cũng thắt chặt quan hệ với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, nối lại những cuộc tập trận chung quy mô lớn đã bị hủy dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.

    Giới quan sát cho rằng đây là sự kết hợp giữa chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu tổng thống Barack Obama và nỗ lực "ngoại giao thượng đỉnh" được thúc đẩy dưới thời Donald Trump.

    Hình ảnh
    Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hồi tháng một. Ảnh: AP.

    Nhưng vấn đề là Triều Tiên không phản ứng tích cực với chiến lược của Tổng thống Biden. Biểu hiện rõ nhất là việc Bình Nhưỡng gần đây liên tiếp phóng tên lửa, với tần suất chưa từng thấy, thậm chí được dự đoán sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 2/11 đã ra lệnh phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), hành động bị Mỹ cùng đồng minh lên án mạnh mẽ. Một ngày sau, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thêm 6 tên lửa đạn đạo, chỉ trích Mỹ - Hàn "lựa chọn nguy hiểm" vì kéo dài đợt tập trận chung Vigilant Storm.

    Nhưng Mỹ hầu như "án binh bất động" với các đợt phóng tên lửa đó, ngoại trừ tuyên bố của một quan chức cấp cao giấu tên hôm 3/11 rằng chính quyền ông Biden đang "xem xét các biện pháp bổ sung để kiềm chế Triều Tiên".

    Vài giờ sau, tại một cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố bất cứ đòn tấn công hạt nhân nào nhằm vào Mỹ và đồng minh cũng "sẽ dẫn đến sự diệt vong của Triều Tiên".

    Câu hỏi là liệu những lời đe dọa đó có ngăn được Triều Tiên tiếp tục các đợt phóng tên lửa hay thậm chí là thử hạt nhân của mình hay không. "Ông Kim Jong-un chưa sẵn sàng đàm phán, mà muốn hoàn thiện nhiều loại vũ khí trước", Jean Lee, chuyên gia từ Trung tâm Wilson, trụ sở ở Washington, Mỹ, nhận xét.

    Hiện tại, các quan chức chính quyền Biden nói rằng họ chưa cần thay đổi chiến lược với Bình Nhưỡng. "Triều Tiên là thách thức chính sách vô cùng khó khăn. Chúng tôi đang ở vào vị thế không mong muốn. Nhưng các lựa chọn thay thế còn tồi tệ hơn nhiều với Mỹ hay đồng minh, đối tác cũng như các thông lệ quốc tế", một quan chức cấp cao Mỹ nói với Politico.

    Tuy nhiên, một số chuyên gia và cựu quan chức Mỹ cho rằng Nhà Trắng vẫn có thể áp dụng chiến lược mới với vấn đề Triều Tiên.

    Anthony Ruggiero, người từng làm việc về Triều Tiên trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống Trump, cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nên gia tăng sức ép trừng phạt với Triều Tiên, vốn đã bị suy giảm từ năm 2018, khi ông Trump tiến hành các hội nghị thượng đỉnh với ông Kim.

    Theo Ruggiero, điều này vừa nhắm đến mục tiêu dài hạn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong khi về ngắn hạn sẽ khiến Bình Nhưỡng chịu áp lực tài chính lớn, dẫn đến không thể phát triển kho vũ khí.

    "Vấn đề chính là Triều Tiên không ngừng thích ứng với các lệnh trừng phạt. Nếu Mỹ không đáp trả thì các biện pháp trừng phạt sẽ không thể phát huy hiệu quả", ông nói.

    Triều Tiên, quốc gia bị trừng phạt nhiều thứ tư thế giới, đến nay vẫn có thể phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa, bất chấp hàng loạt áp lực từ quốc tế.

    Hình ảnh
    Tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 được Triều Tiên phóng thử hồi tháng 1. Ảnh: KCNA.

    Các chuyên gia khác cũng cho rằng những biện pháp cô lập và răn đe Triều Tiên đến nay được chứng minh là không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, Washington và Seoul có thể giảm cường độ các cuộc tập trận chung để tạo đà giảm căng thẳng, theo chuyên gia Frank Aum từ Viện Hòa bình Mỹ.

    Khi căng thẳng đã hạ nhiệt, chính quyền Tổng thống Biden có thể chuyển sang chiến lược tiếp cận "hòa bình toàn diện hơn", được thể hiện bằng những cử chỉ hòa giải từ phía Mỹ, đủ để khiến Triều Tiên đáp lại.

    Aum cho rằng những "cử chỉ hòa giải" như vậy có thể là hoãn triển khai vũ khí chiến lược tới khu vực, tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hay chấm dứt lệnh cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên.

    Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình, nên Triều Tiên trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc.

    Nhưng hầu hết các thỏa thuận ngoại giao trước đây của Mỹ với Triều Tiên đều thất bại. Ngay cả nỗ lực "ngoại giao quyến rũ" của ông Trump với Triều Tiên cũng không thành công, khi các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Kim Jong-un đều không thể dẫn tới phi hạt nhân hóa thực sự bán đảo.

    Đây là lý do một số chuyên gia cho rằng điều duy nhất Mỹ có thể làm trong tình hình hiện nay là công nhận vị thế "quốc gia hạt nhân" của Triều Tiên và cải thiện quan hệ nếu được.

    Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng đó, vì cho rằng nó sẽ khuyến khích các quốc gia khác tìm đến vũ khí hạt nhân. Các đồng minh của Mỹ ở Đông Á cũng sẽ không bao giờ chấp nhận bước thay đổi chính sách đột ngột này.

    "Ngay cả khi Mỹ công nhận vị thế hạt nhân của Triều Tiên, không có gì đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ các hoạt động thử nghiệm vũ khí như hiện nay. Thay vào đó, Triều Tiên có thể hiểu đây như tín hiệu bật đèn xanh của Mỹ để họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn", hai bình luận viên kỳ cựu Alexander Ward và Matt Berg của Politico nhận định.

    Vũ Hoàng (Theo Politico)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 51 khách