Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Bầu cử giữa kỳ Mỹ - cuộc trưng cầu về 'chủ nghĩa Trump'
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Bầu cử giữa kỳ Mỹ - cuộc trưng cầu về 'chủ nghĩa Trump'

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 11 08, 2022 10:45 am







    Bầu cử giữa kỳ Mỹ là cơ hội để đánh giá tác động của "chủ nghĩa Trump" với cử tri Mỹ, hai năm sau vụ bạo loạn Đồi Capitol, chuyên gia nhận định.

    Cử tri Mỹ ngày 8/11 đi bỏ phiếu bầu cử giữa nhiệm kỳ để bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện và 36 thống đốc bang. Các chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử này không chỉ là phép thử với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, mà còn là "hàn thử biểu" cho ảnh hưởng của người tiền nhiệm Donald Trump với nền chính trị Mỹ.

    "Cuộc bầu cử năm nay đặc biệt quan trọng, bởi đây là cuộc trưng cầu dân ý về chủ nghĩa Trump mà không có Trump", Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, nói với VnExpress.

    Phó giáo sư Hankla cho rằng dù ông Trump đã rời Nhà Trắng hai năm, "chủ nghĩa Trump" vẫn tiếp tục lan truyền trong đảng Cộng hòa. Nhiều thành viên của đảng vẫn tin vào tuyên bố của ông Trump rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bị "gian lận" và "đánh cắp". Những tuyên bố như vậy đã dẫn tới cuộc bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1/2021 nhằm lật ngược chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.

    Hình ảnh
    Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota hôm 23/9. Ảnh: AP.

    "Luận điệu này rất nguy hiểm cho tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử trong tương lai ở Mỹ", ông cảnh báo. "Nó chỉ được lan truyền trong bộ phận thiểu số ở Mỹ, nhưng nhóm thiểu số này có thể đủ để đưa đảng Cộng hòa tới chiến thắng".

    Hankla cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, các chính trị gia Cộng hòa tương lai sẽ tin rằng sát cánh với Trump và hoài nghi kết quả bầu cử là con đường dẫn tới chiến thắng.

    "Ngược lại, nếu phe Dân chủ và các thành viên Cộng hòa không ủng hộ Trump giành chiến thắng, điều đó sẽ phát đi tín hiệu rằng giọng điệu dân túy sẽ không giúp ích trong bầu cử", giáo sư nói. "Khi đó, chủ nghĩa Trump không vượt qua được cuộc trưng cầu dân ý và sẽ giảm bớt ảnh hưởng đối với chính trị Mỹ".

    Nhưng giới quan sát cho rằng việc dự đoán kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ là vô cùng khó khăn, khi môi trường chính trị Mỹ chia rẽ nghiêm trọng như hiện nay. "Khó khăn đó một phần do phân cực đảng phái cao đến mức ở một số bang và khu vực bầu cử, chênh lệch giữa các đối thủ gần như không có", phó giáo sư Hankla nói.

    Michael Bitzer, giáo sư chính trị tại Đại học Catawba ở Bắc Carolina, cũng nhận thấy Mỹ đang đối mặt chia rẽ sâu sắc.

    "Tôi không biết liệu cuộc bầu cử này có kịch tính hay không vì nó sẽ tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi người, nhưng cử tri Mỹ sẽ tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc", giáo sư Bitzer chia sẻ. "Có rất ít cử tri dao động hay khu vực bầu cử dao động để trở thành yếu tố định đoạt cuộc bầu cử".

    Tuy nhiên, ông Bitzer cho rằng lịch sử đang đứng về phía đảng Cộng hòa. "Những gì tôi biết là 16 trong 18 cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ kể từ sau Thế chiến II, đảng của tổng thống đương nhiệm đã mất thế đa số trong quốc hội, đặc biệt ở Hạ viện", ông nói.

    "Có lý do để tin rằng mô hình này sẽ được duy trì", phó giáo sư Hankla đồng tình.

    Để thu hút cử tri, đảng Dân chủ xoáy vào các thông điệp như quyền phá thai, quyền bỏ phiếu, trong khi phe Cộng hòa nhấn vào vấn đề lạm phát và tội phạm.

    Giới quan sát nhận xét trong cuộc chiến thông điệp trước thềm bầu cử, đảng Dân chủ dường như yếu thế, khi không đề cập tới những vấn đề gây nhức nhối hiện tại. Các cuộc thăm dò của CNN cuối tháng 10 chỉ ra lạm phát và kinh tế sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử, với 51% cử tri quan tâm.

    "Việc mất ghế ở quốc hội thường liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ ủng hộ của tổng thống đương nhiệm, mà đối với ông Biden, tỷ lệ này hiện khoảng dưới 40%. Lịch sử cho thấy tổng thống có mức độ ủng hộ như ông Biden sẽ bị mất 20-40 ghế ở quốc hội", ông Bitzer nói.

    Quốc hội Mỹ gồm Hạ viện và Thượng viện, là nhánh lập pháp trong chính quyền liên bang, phụ trách soạn thảo và ban hành các luật. Hạ viện gồm 435 ghế nghị sĩ có nhiệm kỳ hai năm, còn Thượng viện gồm 100 ghế thượng nghị sĩ, nhiệm kỳ 6 năm.

    Đảng Dân chủ tin rằng có thể tiếp tục kiểm soát Thượng viện, bởi họ chỉ phải bảo vệ 14 ghế, trong khi phe Cộng hòa phải giữ 21 ghế.

    "Kịch bản có khả năng cao nhất là đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Nhưng chúng ta không thể chắc chắn cho đến khi bầu cử kết thúc", phó giáo sư Hankla nhận định.

    Tuy nhiên, cuộc thăm dò của FiveThirtyEight tuần trước cho thấy lợi thế đang nghiêng về phe Cộng hòa, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 7, đảng Dân chủ không được ủng hộ để tiếp tục kiểm soát Thượng viện.

    "Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát được một hoặc cả hai viện, chính trị Mỹ sẽ đối mặt với một cục diện điển hình trong hai năm tới: chính phủ bị chia rẽ, với quốc hội chủ yếu tập trung vào điều tra tổng thống", giáo sư Bitzer nhận định.

    Đảng Cộng hòa khi đó cũng có thể chặn hầu hết chương trình nghị sự của ông Biden, biến ông thành một "tổng thống thiếu quyền lực" trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

    "Trong kịch bản này, chúng ta sẽ thấy rất ít sáng kiến chính sách được thông qua. Hầu hết các hành động của cả hai nhánh lập pháp và hành pháp trong hai năm tiếp theo chủ yếu chỉ nhằm phát thông điệp cho cuộc bầu cử tổng thống 2024", ông Bitzer nói về tương lai khó khăn với Tổng thống Biden nếu đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.


    Thanh Tâm
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 66 khách