Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những điểm chính từ hội nghị thượng đỉnh G20
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những điểm chính từ hội nghị thượng đỉnh G20

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 11 17, 2022 4:35 pm







    Lãnh đạo G20 kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Bali, với kinh tế, an ninh lương thực và xung đột ở Ukraine là các vấn đề nổi bật được thảo luận.

    Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia, trong hai ngày 15-16/11. Các điểm nổi bật trong chương trình nghị sự gồm xung đột Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, nền kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và một số vấn đề nóng bỏng khác.

    Phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine

    Những cuộc gặp của bộ trưởng các nước G20 hồi đầu năm kết thúc mà không ra được tuyên bố chung do Nga, một thành viên của nhóm, phản đối đề cập tới chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali, G20 đã nhất trí được tuyên bố chung, trong đó cho hay phần lớn các nước thành viên lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân vô điều kiện.

    "Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây đau khổ cho con người, khiến nền kinh tế toàn cầu càng thêm mong manh, kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng tình trạng mất an ninh năng lượng và lương thực cũng như tăng rủi ro về ổn định tài chính", tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 có đoạn.

    Tuy nhiên, tuyên bố chung thừa nhận vẫn "có những quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như biện pháp trừng phạt".

    Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cho biết tất cả đã thể hiện "sự linh hoạt".

    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người dẫn đầu phái đoàn nước này dự G20, đã lên án việc "chính trị hóa" hội nghị.

    Quan hệ Mỹ - Trung ổn định hơn

    Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống hồi tháng 1/2021.

    Cuộc gặp không mang lại kết quả đột phá, nhưng được đánh giá là dấu hiệu tích cực giúp quan hệ Mỹ - Trung trở nên ổn định sau thời gian dài gia tăng căng thẳng.

    Cuộc gặp ba tiếng không giúp giải quyết những bất đồng lớn, nhất là về vấn đề Đài Loan, hạn chế thương mại và chuyển giao công nghệ, song cả hai bên đều nhất trí nối lại liên lạc và tránh đối đầu.

    Kết quả cụ thể nhất từ cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước có lẽ là kế hoạch thăm Trung Quốc vào đầu năm tới của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đánh dấu chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Mỹ tới Trung Quốc trong hơn 4 năm.

    Tập trung vào kinh tế toàn cầu

    Các nền kinh tế G20 nhất trí sẽ kiểm soát đà tăng lãi suất thận trọng nhằm tránh các tác động tiêu cực toàn cầu. Đây là thay đổi lớn so với năm ngoái, khi các nước chủ yếu tập trung vào khắc phục hậu quả từ đại dịch Covid-19.

    Hình ảnh
    Từ trái qua phải: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia, hôm 15/11. Ảnh: Reuters

    Khủng hoảng Ukraine cùng các gói chi tiêu khổng lồ thời đại dịch Covid-19 bị coi là nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao. Các nước G20 nhất trí rằng các biện pháp kích thích tài chính tiếp theo chỉ nên "tạm thời và có mục tiêu".

    Về vấn đề nợ, lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại trước tình hình tệ đi ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các chủ nợ cùng san sẻ gánh nặng.

    An ninh lương thực

    Các lãnh đạo G20 cam kết sẽ phối hợp hành động nhằm giải quyết các thách thức an ninh lương thực và hoan nghênh sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động xã hội vẫn chỉ trích G20 thiếu các biện pháp cụ thể để giải quyết nạn đói trên thế giới.

    "G20 chỉ đơn giản lặp lại các cam kết cũ từ những năm trước hoặc ghi nhận diễn biến mới ở nơi nào đó, thay vì đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống nạn đói. 50 triệu người đang có nguy cơ chết đói ngay lúc này. Không có thời gian để G20 kêu gọi hành động, họ phải là những người hành động", Friederike Roder, thành viên nhóm hoạt động Công dân toàn cầu, nói.

    Biến đổi khí hậu

    Các lãnh đạo G20 nhất trí theo đuổi nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.

    Điều này có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập, nơi một số nhà đàm phán lo ngại G20 sẽ không ủng hộ mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C, điều có thể cản trở thỏa thuận giữa gần 200 nước.

    Bên lề hội nghị G20, Mỹ, Nhật Bản và các đối tác cho biết sẽ huy động 20 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân để giúp Indonesia đóng cửa các nhà máy điện than.

    Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đồng ý nối lại hợp tác Mỹ - Trung về chống biến đổi khí hậu.

    Lịch trình bận rộn của lãnh đạo Trung Quốc

    Trong chuyến thăm nước ngoài thứ hai kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chủ tịch Trung Quốc đã liên tục gặp song phương với nhiều đồng minh của Mỹ, thể hiện thiện chí hàn gắn quan hệ.

    Bên cạnh cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ, ông Tập cũng thảo luận với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

    London cho biết cuộc gặp giữa ông Tập với Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bị hủy do vướng lịch trình. Chủ tịch Trung Quốc tuần này tiếp tục có kế hoạch gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

    "Đó không phải điều mang tính quyết định, nhưng là bước quan trọng để tìm cách giảm bớt bất đồng", Thời Ân Hoằng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định về các cuộc gặp của ông Tập tại G20.



    Ngọc Ánh (Theo Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 52 khách