Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ông Tập trở lại với vũ đài chính trị thế giới
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ông Tập trở lại với vũ đài chính trị thế giới

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 11 20, 2022 4:39 pm






    Với những cái bắt tay và cuộc gặp liên tiếp với các lãnh đạo thế giới, ông Tập trở thành tâm điểm chú ý tại G20 và APEC sau gần ba năm vắng mặt.

    Sau hơn 1.000 ngày chỉ tiến hành các cuộc họp trực tuyến, điện đàm với các lãnh đạo thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở lại vũ đài quốc tế, tham gia vào loạt cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia và hội nghị cấp cao APEC tại Bangkok, Thái Lan.

    Ông Tập bắt đầu hội nghị G20 vào sáng 15/11, sau cuộc hội đàm ba giờ với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, trong đó họ cam kết hợp tác và duy trì các kênh liên lạc để ngăn bất đồng giữa hai cường quốc leo thang vượt kiểm soát thành xung đột.

    Với nụ cười và những cái bắt tay, cùng cam kết về các cuộc đàm phán khí hậu và thương mại mới, ông Tập dường như muốn đưa chính sách đối ngoại thành một trong những ưu tiên hàng đầu, phác họa hình ảnh bản thân là nhà ngoại giao sẵn sàng đối mặt với thách thức toàn cầu và thiết lập các mối quan hệ.

    "Ông Tập Cận Bình chắc chắn đang nỗ lực để bù đắp thời gian vắng bóng trên chính trường quốc tế", Danny Russel, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á ở New York, nói, mô tả các hoạt động ngoại giao bùng nổ của ông Tập giống như "cuộc tấn công quyến rũ".

    Ngoài Tổng thống Biden, ông Tập cũng có những cuộc trao đổi với lãnh đạo nhiều nước như Nhật Bản, Australia, Pháp, Canada.

    "Trung Quốc đánh giá cao tinh thần sẵn sàng cải thiện và phát triển quan hệ song phương gần đây của Australia", ông nói với Thủ tướng Australia Anthony Albanese. "Hai bên có tiềm năng lớn trong hợp tác kinh tế và thương mại".

    Hình ảnh
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia hôm 16/11. Ảnh: AFP.

    Cái bắt tay giữa hai lãnh đạo đánh dấu bước ngoặt cho mối quan hệ Bắc Kinh - Canberra, vốn đã lao dốc nghiêm trọng sau khi Trung Quốc phản ứng dữ dội trước đề xuất của Australia về cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trung Quốc sau đó đã áp các lệnh trừng phạt thương mại, cấm nhập khẩu lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá hàng tỷ USD của Australia.

    Tuy nhiên, quyết định trừng phạt Canberra đã phản tác dụng, khi khiến chính phủ Australia từ bỏ chính sách ngoại giao cân bằng và ký hiệp ước an ninh AUKUS với Mỹ và Anh, củng cố vị trí của họ trong liên minh phương Tây.

    Trong cuộc gặp trực tiếp ông Albanese bên lề hội nghị G20, ông Tập nói muốn đưa quan hệ song phương sang trang mới. "Quan hệ Trung Quốc - Australia đã gặp khó khăn trong vài năm qua, điều mà cả hai bên đều không muốn thấy", ông nói, thêm rằng cải thiện và thúc đẩy quan hệ song phương không chỉ phục vụ lợi ích cơ bản của người dân hai nước mà "còn có lợi cho hòa bình và phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả thế giới".

    Đây là lần đầu tiên trong 6 năm, ông Tập Cận Bình hội đàm với một thủ tướng Australia, sau hội nghị G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc năm 2016. Bắc Kinh dường như coi việc Công đảng, vốn có quan điểm ôn hòa hơn so với chính phủ tiền nhiệm, lên nắm quyền ở Australia là cơ hội để thay đổi chính sách.

    "Các lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng họ cần làm việc với các đồng minh, đối tác chiến lược của Mỹ và cải thiện quan hệ với họ, nhằm giảm bớt tác động từ chiến lược kiềm tỏa của Washington với Bắc Kinh", giáo sư Li Mingjiang, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.

    Cũng tại G20, ông Tập lần đầu gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới "kế hoạch táo bạo" của Hàn Quốc, trong đó cung cấp viện trợ kinh tế cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý đàm phán phi hạt nhân hóa. Ông Tập nói sẽ ủng hộ và hợp tác để hiện thực hóa kế hoạch này nếu Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị.

    Tổng thống Yoon hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng hơn khi Triều Tiên đang tăng cường phóng tên lửa và có khả năng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy. Hai lãnh đạo nhất trí sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc thảo luận cấp cao.

    "Trung Quốc dường như nhận ra hầu hết các nước phương Tây đã quay lưng đáng kể với họ cả về mặt chính trị và dư luận", Richard McGregor, thành viên cấp cao về Đông Á tại Viện Lowy, nói. "Cách tiếp cận trước đây đã không còn hiệu quả. Trung Quốc cần có bạn bè".

    Masafumi Ishii, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Gakushuin ở Tokyo, cũng nhận thấy thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh với Mỹ.

    "Trung Quốc đã không phản ứng ngay lập tức với các hạn chế mới của Mỹ về chất bán dẫn", Ishii nói, nhấn mạnh cách làm hiện nay trái ngược với những đòn thuế quan "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước thời tổng thống Donald Trump.

    Việc Chủ tịch Tập dành hơn ba giờ hội đàm với Tổng thống Biden báo hiệu Bắc Kinh muốn giải quyết nhiều vấn đề tranh cãi và tránh những hiểu lầm. Thực tế đảng Dân chủ của ông Biden thể hiện tốt hơn dự kiến trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có thể đã thuyết phục Trung Quốc tham gia nhiều hơn với chính quyền Mỹ hiện tại.

    "Cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập và ông Biden làm dấy lên hy vọng rằng hai cường quốc giờ đây có thể sẵn sàng tách biệt các vấn đề toàn cầu khỏi những bất đồng giữa họ", Russel, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á ở New York, nói.

    Trong vấn đề Ukraine, Trung Quốc cũng đã có những thay đổi đáng chú ý. Bắc Kinh đã không phản đối tuyên bố chung của G20, trong đó nói rằng "hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine". Trong cuộc gặp với ông Biden, ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc phản đối hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

    Trung Quốc hồi đầu năm tuyên bố tình hữu nghị giữa họ với Nga là "không giới hạn" và Bắc Kinh cũng không lên án chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Tuy nhiên, việc nước này không chặn tuyên bố chung của G20 cho thấy Trung Quốc đang điều chỉnh lập trường của mình với cuộc xung đột, theo các chuyên gia.

    "Sự điều chỉnh nhỏ này nhiều khả năng liên quan đến lợi ích và mục tiêu của Bắc Kinh trong cải thiện quan hệ với các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ và các thành viên EU", giáo sư Li Mingjiang ở Singapore nói.

    Hình ảnh
    Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia ngày 15/11. Ảnh: Reuters.

    Tuy nhiên, ông McGregor cho rằng các mục tiêu và tham vọng cơ bản của Trung Quốc không thay đổi. "Suy nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên ổn định là sai lầm. Thay vào đó, đây chỉ là nỗ lực cân bằng ngoại giao của Bắc Kinh", ông nhận định.

    Ông Tập đã không thay đổi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, nói với ông Biden rằng đó là "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và "là lằn ranh đỏ không thể vượt qua trong quan hệ Mỹ - Trung".

    Các nhà phân tích cho biết giới chức Trung Quốc có thể đã cảm thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới dự G20. Điều này giúp họ không phải thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với ông Putin khi đối mặt với sức ép từ phương Tây.

    "Sự vắng mặt của ông Putin giúp ông Tập giành được nhiều chú ý hơn, cũng như có nhiều cơ hội để đưa ra quan điểm của Trung Quốc trên vũ đài chính trị quốc tế", Chong Ja Jan, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.



    Thanh Tâm (Theo AFP, Nikkei Asia)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 62 khách