Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Liên minh châu Âu chia rẽ vì Hungary
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27890
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Liên minh châu Âu chia rẽ vì Hungary

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 12 07, 2022 1:00 pm







    Liên minh châu Âu tiếp tục xuất hiện rạn nứt khi Hungary một lần nữa chọn lối đi riêng, chặn gói viện trợ gần 19 tỷ USD cho Ukraine.

    Quyết định phủ quyết gói viện trợ tài chính 18,93 tỷ USD cho Ukraine được Hungary đưa ra trong cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế và tài chính Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ ngày 6/12.

    Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga tuyên bố Budapest sẽ hỗ trợ song phương cho Kiev, nhưng phản đối gói vay ưu đãi cho Ukraine thông qua khoản vay chung của EU.

    "Nợ chung của EU không phải là giải pháp. Nếu tiếp tục đi theo con đường hướng tới cộng đồng nợ nần, chúng ta không thể quay đầu", Thủ tướng Hungary Viktor Orban viết trên Twitter. "Chúng tôi hình dung về một tương lai khác cho châu Âu. Tương lai được xây dựng dựa trên các quốc gia thành viên vững mạnh, thay vì đống nợ chung khổng lồ".

    Lập trường này làm trầm trọng thêm tranh cãi trong nội bộ EU về Hungary dưới thời Thủ tướng Orban và quan điểm của ông về xung đột Nga - Ukraine. Giới quan sát cho rằng Hungary đã sử dụng những thể chế phức tạp như nguyên tắc đồng thuận của EU để ngăn liên minh kịp thời hỗ trợ Ukraine, quốc gia đang gặp khó khăn nghiêm trọng vì chiến sự.

    Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đòi hỏi sự đoàn kết và tốc độ. "Hàng triệu người đang sống trong cảnh không có nước, điện hoặc nhiệt sưởi ấm. Do đó, chúng ta cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp", ông nói.

    Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Sigrid Kaag cho rằng "uy tín của EU sẽ bị giảm" nếu khối không thể triển khai gói hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

    Hình ảnh
    Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Brussels, Bỉ hôm 22/10. Ảnh: Reuters.

    Nhiều quốc gia trong số 26 thành viên EU còn lại tin rằng ông Orban từ chối đi cùng đường với EU vì khối đe dọa đóng băng gần 14 tỷ USD tiền viện trợ cho Hungary do không thực hiện được các cải cách cần thiết để ngăn chặn tham nhũng và đảm bảo độc lập tư pháp.

    Các bộ trưởng tài chính EU ban đầu dự kiến phản hồi đề xuất đóng băng ngân sách cho Hungary vào ngày 6/12. Nhưng vấn đề đã vấp tranh cãi khi một số nước EU muốn giảm lập trường cứng rắn với Budapest. Các thành viên EU sẽ bỏ phiếu về việc ủng hộ, từ chối hoặc thay đổi khuyến nghị về đóng băng khoản viện trợ cho Hungary trước ngày 19/12.

    Litva chỉ trích động thái của Hungary chặn viện trợ cho Ukraine là "vô đạo đức", thêm rằng Budapest đang sử dụng điều này như con bài mặc cả để buộc các quốc gia thành viên khác nhất trí chuyển hàng tỷ USD từ ngân sách chung của EU cho họ.

    "Thủ tướng Orban đang lạm dụng quyền phủ quyết, điều mà chưa ai từng làm. Ông ấy thậm chí đang biến khoản viện trợ dành cho các bệnh viện Ukraine thành con tin để phục vụ lợi ích của mình. Ông Orban đã tặng cho ông Putin một món quà không thể tuyệt vời hơn", Daniel Freund, thành viên nghị viện châu Âu, nói, đề cập tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Lo ngại về nguy cơ chia rẽ có thể lan rộng trong liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cho biết ông sẽ đến Brussels để "tham khảo ý kiến của các quan chức Hungary và đối tác cấp cao của EU, NATO" về loạt vấn đề cấp bách được quan tâm.

    "Việc duy trì tinh thần đoàn kết vào thời điểm này là tối quan trọng", ông nói.

    Theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối, EU cần sự nhất trí của toàn bộ thành viên để cung cấp gói viện trợ tài chính cho Ukraine thông qua các kênh của khối. Khi Hungary dựa vào nguyên tắc này để phủ quyết, các quốc gia thành viên EU còn lại có thể tự chuyển viện trợ cho Ukraine thông qua kênh song phương, dù việc phối hợp hành động sẽ phức tạp hơn.

    "Chúng tôi đang cố hết sức để đảm bảo số tiền viện trợ đó có thể được giải ngân vào đầu tháng 1. Dù đó là kế hoạch A hay B, chúng tôi phải thực hiện bằng bất kỳ giá nào", Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura, quốc gia đang là chủ tịch luân phiên của EU, cho biết.

    Freund cũng tin điều này sẽ xảy ra. "EU sẽ tìm cách hỗ trợ Ukraine ngay cả khi không có Hungary. Nhưng điều đó có nghĩa là khối sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhiều nỗ lực và chi phí hơn", ông nói.

    Hungary là quốc gia EU duy nhất chưa được phê duyệt kế hoạch chi tiêu, điều kiện tiên quyết để nhận ngân sách hỗ trợ từ EU. Nếu kế hoạch không được phê duyệt vào cuối năm nay, EU cho biết 70% số tiền dự kiến hỗ trợ sẽ bị mất. Điều này cho phép Brussels có thể gây áp lực cho Thủ tướng Orban, người muốn nhận được hàng tỷ USD viện trợ của EU để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Hungary.

    "Chậm trễ trong giải ngân ngân sách của EU đã gây thêm áp lực tài chính công cho Hungary, quốc gia vốn căng thẳng do chi phí năng lượng tăng cao và những hệ quả khác từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine", Jacob Suwalski, giám đốc khu vực công tại Scope Ratings, lưu ý.

    "Hungary coi đây là một tiền lệ nguy hiểm, khi việc chuyển các khoản hỗ trợ của EU cho Hungary lại bị ràng buộc bởi các vấn đề hoàn toàn không liên quan khác. Chúng tôi không chấp nhận việc phải thay đổi quan điểm vì quỹ viện trợ của EU", người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs nói.

    Trong 12 năm cầm quyền, ông Orban từng có những cuộc đối đầu gay gắt với EU về quyền của cộng đồng LGBT và cách đối xử với người di cư ở Hungary, cùng nhiều vấn đề khác.

    Giữa vòng xoáy tranh cãi EU - Hungary, chính phủ của ông Orban còn phủ quyết thỏa thuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm áp đặt mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn quốc tế lớn trên toàn EU.

    Đây không phải lần đầu tiên Hungary cản trở các quyết sách chung của EU. Budapest hồi tháng 10 chỉ trích lệnh trừng phạt EU áp đặt với Nga, khi cho rằng nó gây ra khủng hoảng năng lượng và muốn liên minh không áp thêm biện pháp hạn chế với nguồn cung dầu khí Nga.

    Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong 27 nước thành viên EU, khi nhiều lần nói liên minh tự hủy hoại chính mình vì áp các lệnh trừng phạt với Moskva, hay cảnh báo các biện pháp này có nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu.

    Những động thái của Hungary thậm chí khiến giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc EU cần phải tìm giải pháp để tránh những cản trở từ Budapest trong các quyết định quan trọng của Brussels.

    "Giờ là lúc xem xét lại nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong EU và NATO", giáo sư Robert I. Rotberg, giám đốc chương trình Intrastate Conflict tại Trường Harvard Kennedy ở bang Massachusetts, Mỹ, nói.



    Thanh Tâm (Theo AP, Reuters, Euronews)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 26 khách