Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Trung Quốc đối mặt hậu quả từ suy giảm dân số
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Trung Quốc đối mặt hậu quả từ suy giảm dân số

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 1 18, 2023 4:11 pm







    Trung Quốc lần đầu ghi nhận dân số suy giảm trong hơn 60 năm, xu hướng có thể kéo dài, gây khủng hoảng nhân khẩu học và nhiều hệ lụy xã hội.

    Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 công bố thống kê cho thấy dân số nước này lần đầu tiên suy giảm kể từ năm 1961. Dân số Trung Quốc cuối năm 2022 là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021.

    Theo giới quan sát, dân số Trung Quốc đang giảm sớm hơn dự kiến và là một bước ngoặt về tâm lý, bởi quốc gia này đã duy trì vị thế đông dân nhất thế giới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá bất ngờ.

    "Thực sự không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chuyển sang thời kỳ suy giảm dân số bởi họ đã có mức sinh thấp trong một thời gian dài như vậy", tiến sĩ Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nói.

    "Chính phủ Trung Quốc dường như cũng đã dự liệu trước điều này. Chỉ có điều nó xảy ra sớm hơn một chút so với dự kiến vì Covid-19, khi ở nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh đã đẩy tỷ lệ sinh xuống mức rất thấp do bất ổn kinh tế và các vấn đề về việc làm", tiến sĩ Gietel-Basten cho biết thêm.

    Hình ảnh
    Người đàn ông bế cháu gái bên ngoài một cửa hàng trang trí lồng đèn đỏ trước thềm Năm mới ở Bắc Kinh hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

    He Yafu, chuyên gia phân tích nhân khẩu học độc lập ở Trung Quốc, cho rằng sau cột mốc suy giảm này, Trung Quốc "sẽ không thể chứng kiến bước gia tăng dân số nào nữa kể từ bây giờ, vì một giai đoạn suy giảm dân số bất tận đã bắt đầu vào năm 2022".

    Liệu xu hướng giảm dân số này có trở thành một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hay không còn phụ thuộc vào cách chính phủ phản ứng, ông lưu ý thêm. "Vấn đề lớn hơn nằm ở cách chính phủ Trung Quốc ứng xử với mô hình nhân khẩu học mới này như thế nào".

    Theo tiến sĩ Gietel-Basten, để đối phó với xu hướng giảm dân số, Trung Quốc sẽ phải xem xét hàng loạt yếu tố như năng suất lao động và số lượng người già so với những người trẻ tuổi đang đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế.

    Về mặt lý thuyết, nếu số người trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến số người thực sự làm việc ít đi, chi phí lao động ở Trung Quốc sẽ leo thang, làm tăng giá hàng hóa sản xuất.

    Khi ngày càng ít người lập gia đình, nhu cầu về nhà ở trong dài hạn cũng giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu với các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép.

    Chính phủ cũng có thể gặp khó khăn trong việc chi trả cho hệ thống lương hưu quốc gia khi có quá nhiều người cao tuổi. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn đối với nền kinh tế, nếu các chính sách khuyến sinh của chính phủ không phát huy hiệu quả.

    Hiệu ứng từ xu hướng giảm dân số ở Trung Quốc còn có thể lan tỏa ra bên ngoài đất nước. Việc các gia đình sinh ít con hơn có thể làm giảm số lượng sinh viên Trung Quốc du học Mỹ, Australia hay những nơi khác.

    Chuyên gia dự đoán dân số Trung Quốc có thể giảm 109 triệu người vào năm 2050, song lưu ý chính sách một con nghiêm ngặt mà nước này áp dụng từ năm 1980 đến 2015 dường như không phải nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên.

    Tiến sĩ John Donaldson, phó giáo sư khoa học chính trị tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Quản lý Singapore, cho biết chính sách một con đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giảm tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhưng từ năm 2016, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách, cho phép một cặp vợ chồng sinh hai con. Gần đây hơn, từ năm 2021, các vợ chồng Trung Quốc thậm chí được phép sinh ba con.

    "Nhưng điều buồn cười là ngay cả sau khi chính sách được nới lỏng, hầu hết người dân thành thị đều không muốn sinh thêm con vì các vấn đề như nhà ở hay chi phí giáo dục. Chi phí nuôi dạy trẻ em ở các thành phố rất tốn kém", tiến sĩ Donaldson nói. "Vì vậy, vấn đề không còn nằm ở chính sách một con. Chính sách đó đã được nới lỏng, nhưng người dân vẫn không muốn sinh thêm con".

    Ông lưu ý rằng tình trạng ở các vùng nông thôn Trung Quốc lại rất khác so với thành thị. Đó là nơi mà chính sách một con không được thực thi mạnh mẽ và phần lớn trẻ em không được hưởng chế độ chăm sóc, giáo dục như ở thành phố.

    Hình ảnh
    Một cặp vợ chồng làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Bắc Kinh năm 2012. Ảnh: AFP

    "Đa số trẻ em Trung Quốc sống tại vùng nông thôn, nơi không điều kiện đủ tiêu chuẩn như ở thành phố. Điều này tạo ra vấn đề nhân khẩu học dài hạn, gây đau đầu cho Trung Quốc khi nước này cố gắng cải thiện nền kinh tế", Donaldson nhận xét.

    "Trung Quốc sẽ không lo thiếu người. Họ vẫn có dân số khổng lồ", ông nói thêm. "Điều đáng lo ngại là nước này đã điều chỉnh quá mức cơ cấu dân số, khiến họ có quá nhiều người già, quá ít người trẻ, điều sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và tương lai đất nước".

    Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm ngoái là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với mức 7,52 năm 2021, và đây cũng là tỷ lệ sinh thấp nhất từng được ghi nhận.

    Tỷ lệ tử vong năm 2021 là 7,18 trên 1.000 người, gần bằng mức cao nhất kể từ năm 1974 là 7,37 trên 1.000 người.

    Tiến sĩ Gietel-Basten chỉ ra rằng các quốc gia có dân số già sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề căng thẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Chính phủ cần giữ cho dân số già khỏe mạnh và năng động nhất có thể và đây chắc chắn không phải nhiệm vụ dễ dàng.

    Để làm được điều đó, chính phủ cũng phải đảm bảo rằng lực lượng lao động đã bị thu nhỏ của họ phải làm việc hiệu quả hơn và phát huy hết tiềm năng.

    "Trung Quốc phải làm được nhiều hơn với lớp dân số trẻ của mình, tìm cách để họ phát huy hết tiềm năng trong nỗ lực cân bằng hệ thống nhân khẩu học mới này", ông lưu ý.

    Theo chuyên gia phân tích nhân khẩu học He Yafu, một trong những động thái cấp thiết nhất để khuyến khích sinh đẻ là loại bỏ hoàn toàn chính sách kế hoạch hóa gia đình và bỏ mọi giới hạn về số con.

    "Mặc dù hiệu quả thực tế còn hạn chế vì chỉ một số ít cặp vợ chồng muốn có nhiều hơn ba con, việc thay thế chính sách ba con bằng khuyến khích sinh không giới hạn sẽ có ý nghĩa tạo đà, cho thấy chính phủ sẵn sàng thay đổi hoàn toàn trong chính sách sinh đẻ", ông nói. Thêm vào đó, chính phủ Trung Quốc cũng cần tăng trợ cấp cho các cặp vợ chồng sinh con, đồng thời cung cấp dịch vụ mẫu giáo tốt hơn.

    Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Kang Yi cho biết số phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là độ tuổi sinh sản, đã giảm gần 4 triệu vào năm ngoái. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng giảm sinh và kết hôn ở Trung Quốc.

    Yuan Xin, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân, cho rằng Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình giảm dân số, đặc trưng bởi xu hướng dân số giảm liên tục nhưng ở mức nhẹ và chậm, đồng thời sẽ duy trì mức dân số ít nhất 1,25 tỷ người cho đến năm 2050.

    "Ít nhất trong 30 năm tới, chúng ta vẫn có cơ hội tận dụng lợi thế dân số và tối đa hóa chúng bằng các chính sách kinh tế xã hội đúng đắn", ông nói. "Chúng ta vẫn có một thị trường tiêu dùng tiềm năng rộng lớn. Chúng ta phải tiếp tục phát triển nền kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân để hiện thực hóa tiềm năng đó".



    Vũ Hoàng (Theo CNA, Bloomberg, SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 58 khách