Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nga khó giành chiến thắng ở Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nga khó giành chiến thắng ở Ukraine

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 1 26, 2023 3:08 pm







    Nga ngày càng bị cô lập và cạn khí tài, trong khi Ukraine liên tục được phương Tây bơm vũ khí hiện đại, khiến mục tiêu chiến thắng của Moskva trở nên xa vời.

    Cựu thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori ngày 25/1 kêu gọi chính phủ nước này không hỗ trợ quá mức cho Kiev, nói rằng Nga sẽ "không thể thua" trong cuộc chiến ở Ukraine. "Nếu Nga thua, điều gì đó tồi tệ hơn nhiều có thể sẽ đến", cựu thủ tướng Nhật nói.

    Tình báo Ukraine tin rằng Nga thời gian tới có thể tiến hành các các đợt huy động quân tiếp theo, giúp nước này tập hợp lực lượng khoảng hai triệu người cho đợt tấn công mới. Tổng thống Volodymyz Zelensky gần đây cảnh báo Moskva có thể sớm thực hiện kế hoạch tiến công mới nhằm kiểm soát Kiev.

    Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với tình hình chiến trường hiện nay, Nga khó giành chiến thắng hoàn toàn ngay cả khi đạt được những bước đột phá trong giao tranh.

    Dimitri Trenin, chiến lược gia ủng hộ Điện Kremlin, trong một bài viết gần đây thừa nhận rằng thách thức lớn nhất ngăn Nga giành chiến thắng lâu dài là việc phải "đơn thương độc mã" trong cuộc xung đột. Trong các cuộc chiến quy mô lớn trước đây, Nga từng là một phần trong liên minh châu Âu rộng lớn. Nhưng giờ đây, "lần đầu tiên trong lịch sử, Nga không có bất kỳ đồng minh nào ở phương Tây".

    Trong khi đó, liên minh chống Nga đã vượt ra ngoài châu Âu. "Mức độ gắn kết giữa các nước nói tiếng Anh, châu Âu và đồng minh châu Á của Mỹ đã đạt đến ngưỡng chưa từng thấy trước đây", Trenin nói.

    Hình ảnh
    Xe tăng Nga bị bỏ lại ở ngoại ô Izyum, tỉnh Kharkov, miền đông Ukraine hồi tháng 9/2022. Ảnh: AFP.

    Trong tình cảnh hiện tại, Nga chỉ còn cách tìm kiếm bạn bè ở châu Á và châu Phi. Các nước thân thiện như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia không tham gia nỗ lực trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga, song họ cũng không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Moskva.

    Việc tăng phụ thuộc vào các nước này cũng khiến Nga phải định hướng lại nền kinh tế. Trong 30 năm qua, Nga đã xây dựng nền kinh tế chủ yếu dựa trên xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.

    "Ông Putin đã đóng cánh cửa với châu Âu mà Peter Đại đế từng mở ra vào những năm 1700", theo Angela Stent, chuyên gia tại Đại học Georgetown ở Mỹ.

    Giới quan sát cho rằng tình hình có thể được cải thiện nếu Tổng thống Putin sẵn sàng chấp nhận lùi bước và chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, dường như đây không phải là lựa chọn của ông. Thay vào đó, ông thúc đẩy cuộc chiến một cách quyết liệt hơn.

    Các chiến lược gia Nga lập luận rằng Moskva phải tăng cường cuộc chiến, không phải bởi họ thấy triển vọng chiến thắng, mà vì khó lòng chấp nhận thất bại. Trenin, cựu đại tá tình báo quân đội Nga, cho biết nhượng bộ phương Tây là điều không thể chấp nhận được đối với Nga, bởi nó sẽ kéo theo "thảm họa quốc gia, hỗn loạn và đánh mất chủ quyền vô điều kiện".

    Nỗi lo ngại về kết quả đó khiến Trenin kết luận rằng Nga không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục cuộc chiến, dù điều này đòi hỏi "hy sinh lớn" trong nhiều năm. Chiến lược gia này thêm rằng lựa chọn đó đòi hỏi "lòng yêu nước vô điều kiện" của người Nga.

    Ukraine tin rằng nỗ lực thúc đẩy cuộc chiến của Nga nhiều khả năng tập trung vào các khu vực ở miền đông nước này.

    "Chúng tôi hiện tập trung vào lực lượng dự bị và các nhóm quân mà Nga đưa vào các vùng lãnh thổ kiểm soát. Chúng tôi đang nói về tình hình thời kỳ đông xuân tập trung ở ba hướng: Donbass, Kharkov và Zaporizhzhia", Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân sự Ukraine, nói.

    Quân đội Nga từng bị giáng đòn mạnh trước cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine hồi tháng 10/2022. Quân Nga đã gặp nhiều khó khăn để giữ được các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát.

    Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 25/1 thông báo lực lượng của họ đã rút khỏi thành phố Soledar ở miền đông sau nhiều tháng cầm chân lực lượng Nga. Đây là bước đột phá duy nhất mà Nga đạt được kể từ mùa hè, dù đã rất nỗ lực dồn quân tấn công khu vực này.

    Frank Ledwidge, giảng viên chiến lược quân sự tại Đại học Portsmouth ở Anh, cho rằng những chiến thắng cục bộ như ở Soledar khó có thể thay đổi cán cân xung đột theo hướng có lợi cho Nga. Chuyên gia này tin Nga đang nhanh chóng cạn nguồn cung xe bọc thép và thiết bị quân sự khác, trong khi quân đội nước này gặp nhiều khó khăn với quá trình huấn luyện tân binh.

    Hình ảnh
    Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

    Trong khi đó, quân đội Ukraine được NATO huấn luyện và đang nhận ngày càng nhiều vũ khí tốt hơn từ đồng minh phương Tây. Đầu tháng này, Mỹ công bố gói viện trợ 3,75 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có hỗ trợ xe thiết giáp Bradley, pháo và tên lửa đất đối không.

    Lầu Năm Góc hôm 26/1 thông báo sẽ gửi 31 xe tăng Abrams, trong khi Na Uy viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Trước đó, Đức thông báo sẽ chuyển 14 xe tăng Leopard 2 trong biên chế cho Ukraine, đồng thời duyệt đề nghị của các nước đối tác nhằm tái xuất khẩu loại xe tăng này cho Kiev.

    "Nga có thể huy động thêm quân để tạo ưu thế về lực lượng", Ledwidge nói. "Nhưng quân đông sẽ không phát huy hiện quả trên chiến trường hiện đại nếu không được sử dụng bằng chiến thuật hợp lý và được bảo vệ bằng số lượng xe bọc thép tương ứng. Đây là điều mà Nga hiện khó có thể làm được".



    Thanh Tâm (Theo FT, NBC News)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 76 khách