Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Moldova cảm nhận sức nóng từ lửa xung đột Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Moldova cảm nhận sức nóng từ lửa xung đột Ukraine

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 2 27, 2023 1:33 pm






    Căng thẳng đang gia tăng ở Moldova, quốc gia giáp biên giới Ukraine, nơi giới chức cáo buộc Nga tìm cách kéo nước này vào xung đột.

    Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/2 ra tuyên bố cảnh báo mọi hành động "đe dọa đến an ninh của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Transnistria đều sẽ bị coi là tấn công nhằm vào Liên bang Nga theo luật quốc tế". Transnistria là vùng ly khai thân Nga nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine.

    Nga gần đây cáo buộc Ukraine có kế hoạch tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình Nga để kiểm soát khu vực này và yêu cầu "Mỹ, các thành viên NATO cùng Ukraine không có bất cứ hành động liều lĩnh nào liên quan đến Transnistria".

    Các quan chức Moldova bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho rằng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, quốc gia này phải hứng chịu áp lực chính trị ngày càng lớn từ Nga nhằm đưa họ trở lại với phạm vi ảnh hưởng của Moskva.

    Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita hồi đầu tháng tuyên bố từ chức, sau nhiều tháng đất nước chìm trong khủng hoảng do giá khí đốt tăng vọt và lạm phát cao. Tổng thống Moldova Maia Sandu sau đó bổ nhiệm Dorin Recean, một người có tư tưởng ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), làm thủ tướng mới. Quyết định này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Nga ở thủ đô Chisinau.

    Tổng thống Sandu cáo buộc Nga đang tìm cách lợi dụng tình hình bất ổn ở quốc gia này. Bà cho biết chính phủ Moldova mùa thu năm ngoái đã lên kế hoạch hành động để đối phó với "những kẻ phá hoại cải trang thành dân thường để tấn công vào các tòa nhà chính phủ và bắt con tin".

    Bà Sandu không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này, nhưng cảnh báo những người cải trang thành "phe đối lập" sẽ tìm cách thay đổi quyền lực ở Chisinau bằng bạo lực.

    "Những mối đe dọa này rõ ràng bắt nguồn từ Nga và họ rất muốn biến chúng thành xung đột với chúng tôi", Iulian Groza, cựu thứ trưởng ngoại giao Moldova và hiện là giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách và Cải cách châu Âu ở Chisinau, nói.

    Hình ảnh
    Binh sĩ và dân thường đi qua doanh trại lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Transnistria, vùng ly khai ở Moldova, hồi tháng 9/2021. Ảnh: AFP.

    Ông Groza thêm rằng Moldova là một trong những bên bị ảnh hưởng nhiều nhất kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát. "Chúng tôi vẫn là quốc gia nhỏ với nền kinh tế kém phát triển, nên chịu rất nhiều áp lực", ông nói.

    Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng giới chức Moldova không nên "rơi vào cơn cuồng loạn chống Nga", cảnh báo những tuyên bố mà họ đưa ra gần đây có thể gây tổn hại quan hệ giữa Moskva và Chisinau.

    Tuy nhiên, Nga gần đây liên tục có những động thái khiến Moldova lo ngại về nguy cơ bị kéo vào xung đột. Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/2 thu hồi sắc lệnh năm 2012, trong đó cam kết giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria dựa trên "tôn trọng chủ quyền Moldova".

    Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/2 cáo buộc Ukraine "chuẩn bị hành động khiêu khích vũ trang" chống lại khu vực ly khai Transnistria mà Nga hậu thuẫn "trong tương lai gần", theo TASS. Moskva không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này và Chisinau lên tiếng bác bỏ.

    Tuy nhiên, tuyên bố này của Nga khiến các lãnh đạo phương Tây cảnh giác. Một năm trước, Tổng thống Putin đã đưa ra cáo buộc tương tự rằng người nói tiếng Nga ở vùng Donbass bị "diệt chủng" để phát động chiến dịch tấn công Ukraine.

    "Chúng tôi đã thấy Nga đang tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền ở Moldova và phát huy tối đa các công cụ họ từng sử dụng ở những nơi khác", Groza nói.

    Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng bày tỏ lo ngại về những động thái của Nga và cho rằng "chúng ta cần giúp đỡ Moldova, bởi họ là một quốc gia yếu".

    Mối quan tâm hàng đầu của Nga ở Moldova là Transnistria, vùng lãnh thổ ly khai dọc sườn đông đất nước, nơi khoảng 1.700 lính gìn giữ hòa bình Nga đã đóng quân suốt hàng chục năm qua.

    Transnistria có dân số hơn 500.000 người, chủ yếu là những người nói tiếng Nga đã rời Moldova năm 1990, một năm trước khi Liên Xô tan rã, do lo ngại rằng Moldova sẽ hợp nhất với Romania.

    Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Transnistria từ năm 1993.

    Chính quyền Transnistria không được quốc tế, thậm chí cả Nga, công nhận, nhưng chính phủ Moldova cũng không kiểm soát được khu vực này và coi đây là vùng ly khai.

    Moldova trong năm qua trở thành điểm nóng ở rìa xung đột Ukraine, khi nhiều tên lửa được phóng từ chiến hạm Nga trên Biển Đen đã bay qua không phận nước này để tập kích mục tiêu tại Ukraine. Một loạt vụ nổ ở Transnistria hồi tháng 4 năm ngoái cũng làm dấy lên lo ngại rằng ông Putin đang tìm cách kéo lãnh thổ này vào xung đột Ukraine.

    Những bước lùi liên tiếp của Nga trong chiến dịch tại Ukraine phần nào xoa dịu nỗi lo ngại này. Tuy nhiên, giới chức Moldova cảnh báo phương Tây rằng quốc gia này có thể là mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắm của ông Putin.

    Người đứng đầu Cơ quan An ninh Moldova tháng trước cảnh báo nguy cơ "rất cao" rằng Nga sẽ phát động cuộc tấn công mới ở sườn đông nước này trong năm nay. Moldova không phải thành viên NATO, khiến nước này có thể dễ gặp nguy hiểm.

    "Nếu Nga phát động chiến dịch mùa xuân ở miền nam Ukraine, lực lượng của Moskva có thể tìm cách tiến về phía Odessa và sau đó là Transnistria, tạo thành hành lang bộ vắt qua miền nam Ukraine và tiến sát lãnh thổ NATO", Rob Picheta, nhà phân tích của CNN, nhận định.

    Hình ảnh
    Vùng ly khai Transnistria ở Moldova, giáp biên giới Ukraine. Đồ họa:Time.co.uk.

    Các quan chức Nga đã công khai cảnh báo Moldova không nên ngả về phương Tây. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đầu tháng này tuyên bố Moldova có thể là "Ukraine tiếp theo".

    "Moldova đang gặp nguy hiểm. Nếu Ukraine thất thủ, Moldova sẽ đối mặt với mối đe dọa trực tiếp", Lilian Carp, người đứng đầu ủy ban an ninh quốc gia của quốc hội Moldova, nói.

    Người dân Moldova cũng lo lắng về viễn cảnh xung đột. "Tất cả những gì tôi muốn là hòa bình. Với mọi thứ đang xảy ra ở Ukraine, chúng tôi thật sự lo lắng", Victoria Ubei nói khi đẩy đưa con trai 2 tuổi trên xích đu ở công viên trung tâm thủ đô Chisinau.



    Thanh Tâm (Theo CNN, WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 51 khách