Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những đá tảng chặn cửa NATO
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những đá tảng chặn cửa NATO

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 3 06, 2023 2:03 pm






    10 tháng từ khi Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, liên minh vẫn chưa thể mở rộng vì vấp "đá tảng" Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

    Khi Phần Lan và Thụy Điển thông báo ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái, nhiều người xem đây là đòn giáng nhắm vào Nga và cũng là bằng chứng cho thấy thay đổi trong tư duy của châu Âu. Trong nhiều thập kỷ, hai nước Bắc Âu duy trì chính sách trung lập để tránh khiêu khích Moskva, song xung đột Ukraine đã thay đổi điều đó.

    Đa số các thành viên NATO đều muốn thấy Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của liên minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11/7. Tuy nhiên, cánh cửa mở rộng của NATO tới nay chưa thể mở ra, khi vướng trở ngại lớn do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê duyệt đơn xin gia nhập của hai nước.

    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan vì lý do an ninh. Ông nói hai nước Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, chứa chấp các thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà Ankara xem là khủng bố. Tổng thống Erdogan muốn những tay súng này bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ, song Thụy Điển phản đối.

    Các nhà ngoại giao NATO đang chia làm hai phe tranh cãi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7. Yếu tố tác động lớn nhất là cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ năm nay, được xem là mối đe dọa chính trị lớn nhất mà ông Erdogan phải đối mặt trong nhiều năm.

    "Hình ảnh về lãnh đạo mạnh mẽ mang lại lợi ích cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ mà ông ấy xây dựng đã bị phá vỡ khi nước này trải qua nhiều thách thức kinh tế", Gonul Tol, thành viên của chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông ở Mỹ, nói. "Làn sóng bài phương Tây, chống người Kurd đang lan rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một chủ đề tốt để ông ấy tận dụng và xoay chuyển tình thế".

    Hình ảnh
    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest, Hungary hồi tháng 11/2019. Ảnh: Xinhua.

    Chuyên gia Tol cho rằng Tổng thống Erdogan cũng có những lý do khác để nhanh chóng phê duyệt Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ vào NATO, điều có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận.

    "Nga đã trở thành cứu cánh kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các nước khác áp lệnh trừng phạt Ankara vì mở chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, ký hợp đồng mua tên lửa S-400 với Moskva và các vấn đề khác", Tol giải thích. "Nếu không có tiền của Nga, ông Erdogan sẽ không thể tăng lương hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Ông đang hứa hẹn sẽ tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất. Do đó, Nga vẫn là một đối tác hấp hẫn với ông Erdogan".

    Giống nhiều quan chức phương Tây, Tol tin rằng cáo buộc "chứa chấp khủng bố" mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra với Thụy Điển và Phần Lan chỉ là cái cớ để Ankara không nhượng bộ NATO vào thời điểm chính trị nhạy cảm.

    Dù không có nhiều triển vọng từ các cuộc đàm phán ba bên vào cuối tuần này, nhiều cuộc tranh luận vẫn diễn ra ở châu Âu xoay quanh vấn đề ông Erdogan sẽ làm gì nếu chiến thắng sau cuộc bầu cử.

    Đầu tiên là nhóm lạc quan về triển vọng NATO mở rộng, gồm Thụy Điển, Phần Lan và một số quốc gia giáp biên giới Nga hoặc từng chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Họ tin Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được hưởng lợi nhiều khi là thành viên NATO, cuối cùng sẽ chọn điều có lợi và từ bỏ nỗ lực ngăn cản mở rộng liên minh.

    Để điều này xảy ra, các quan chức nhóm lạc quan đang chuẩn bị những điều khoản có thể trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ, như dỡ lệnh cấm vận của Mỹ để cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ F-35 mà nước này rất cần cho lực lượng không quân.

    Nhóm lạc quan tin rằng việc thỏa hiệp sẽ mang lại lợi ích cho NATO. Phần Lan và Thụy Điển là minh chứng cho chính sách mở cửa của liên minh với bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập. Ngoài ra, hai nước Bắc Âu đáp ứng vượt mức các tiêu chí gia nhập của liên minh.

    Một quan chức NATO nói rằng họ tin ông Erdogan sẽ đợi tới hội nghị thượng đỉnh của khối để chấp thuận đơn gia nhập của hai quốc gia và nhận được "lời khen ngợi của tất cả đồng minh phương Tây".

    Nhưng với nhóm bi quan, họ không cho rằng Tổng thống Erdogan sẽ thay đổi quan điểm trước hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7. "Tôi nghĩ ngày càng có nhiều khả năng Phần Lan sẽ phải tách khỏi Thụy Điển để gia nhập một mình", một nhà ngoại giao NATO nói.

    Những thành viên khác của liên minh thậm chí bi quan hơn khi cho rằng cả hai nước vẫn bị chặn và họ đang xem xét làm thế nào để NATO có thể xử lý tốt nhất kịch bản này.

    Nhiều quan chức và nhà ngoại giao NATO nói rằng mối nguy hiểm ở đây là động thái chặn cửa NATO của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp động lực cho tuyên bố của Điện Kremlin về một phương Tây và NATO chia rẽ.

    "Công việc của liên minh sẽ là phải làm rõ rằng ngay cả khi không là thành viên chính thức, Phần Lan và Thụy Điển vẫn liên kết chặt chẽ với NATO. Họ có thể không là thành viên nhưng là đối tác thân thiết và không còn trung lập nữa", Luke McGee, nhà phân tích của CNN, nhận định.

    Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không phải hòn đá tảng duy nhất, khi Hungary cũng là thành viên khiến NATO đau đầu. Thủ tướng Viktor Orban công khai rằng ông không phản đối hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh, nhưng vẫn âm thầm tìm cách cản trở.

    Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Hungary có một số lý do để làm như vậy. Phần Lan và Thụy Điển đều chỉ trích Hungary về vấn đề pháp quyền của nước này. Ông đã đề cập tới vấn đề đó trong cuộc phỏng vấn gần đây, khi nói rằng "làm sao ai đó có thể muốn trở thành đồng minh của chúng tôi mà lại tuyên truyền những lời nói dối đáng xấu hổ về Hungary?".

    Thủ tướng Orban được xem là lãnh đạo nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thân cận nhất với ông Putin. Ông Orban đã "dành hơn thập kỷ để xây dựng một chính phủ giống mô hình của ông Putin", do đó bất kỳ chiến thắng nào của NATO trước Nga cũng có thể ảnh hưởng tới chính phủ của ông, Katalin Cseh, thành viên Nghị viện châu Âu, lý giải việc Orban chặn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.

    Hình ảnh
    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) cùng Ngoại trưởng Phần Lan và Thụy Điển tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hồi tháng 7/2022. Ảnh: Reuters.

    Giới quan sát cũng cho rằng ông Orban đang tìm kiếm nhượng bộ từ các thành viên EU khác đã cáo buộc Budapest vi phạm luật lệ của khối, khiến Hungary không thể tiếp cận các quỹ của EU. Dù NATO và EU tách biệt, hai liên minh có nhiều thành viên chung và Hungary là một trong số đó.

    Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập của hai nước Bắc Âu, Hungary cũng sẽ từ bỏ nỗ lực cản trở họ.

    Một trong những lý do chính để ông Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là ngăn NATO mở rộng về phía đông. Tuy nhiên, điều trớ trêu là chính cuộc chiến của ông lại đẩy các nước trung lập ở sườn đông NATO tìm cách gia nhập liên minh, theo Luke McGee.

    Phần Lan và Thụy Điển đã chọn phe sau khi xung đột Ukraine bùng phát và nhiều khả năng không trở lại vị thế trung lập khi xung đột kết thúc.Tuy nhiên, cho đến khi đạt được thỏa thuận gia nhập cho hai thành viên mới, tương lai của liên minh vẫn chưa chắc chắn.

    "NATO và phương Tây sẽ đối mặt rủi ro lớn hơn nếu hai nước không trở thành thành viên và Điện Kremlin sử dụng câu chuyện đó cho mục đích tuyên truyền. Nếu điều đó xảy ra, ngay cả khi cuộc chiến kết thúc, câu chuyện về một phương Tây chia rẽ sẽ tiếp tục được các đối thủ của NATO tận dụng", McGee cảnh báo.



    Thanh Tâm (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 71 khách