Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Vết thương vô hình ám ảnh binh sĩ Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Vết thương vô hình ám ảnh binh sĩ Ukraine

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 3 10, 2023 4:45 pm







    Hết đêm này qua đêm khác, vô số ký ức kinh hoàng của những trận chiến vừa trải qua lại ập đến, khiến Mykyta Ivanov giật mình tỉnh giấc.

    Ivanov, 22 tuổi, mơ thấy chỉ huy xe tăng của anh, người thiệt mạng trong trận đánh hồi tháng 5 năm ngoái, trở về và hét lớn: "Xung phong! Chúng ta phải làm gì đó!".

    Yevhen Bas, một lính dù 26 tuổi, lại toát mồ hôi lạnh khi mơ thấy thân thể mình "hoàn toàn bị chia làm hai".

    Trong mơ, lính bộ binh Andriy Dobrovolskyi, 47 tuổi, thấy mình vừa giẫm phải một quả mìn. Ông giật bắn người thức dậy, sờ tìm bàn chân trái rồi bất giác nhận ra nó đã bị cắt cụt.

    Hình ảnh
    Yevhen Bas, lính dù Ukraine, tìm thấy một con mèo hoang gần bệnh viện anh điều trị chấn thương tâm lý ở vùng Dnipropetrovsk. Ảnh: Washington Post.

    Sau hơn một năm chiến sự, nhiều binh sĩ Ukraine đang trải qua những triệu chứng căng thẳng tâm lý nghiêm trọng, như gặp ác mộng, ngủ không ngon giấc, cảm giác tội lỗi, lo lắng và hoảng loạn, theo các cuộc phỏng vấn với quân nhân trên khắp Ukraine và các nhà tâm lý học điều trị cho họ.

    Những vết thương vô hình này đã khiến một số người tự sát, những người khác âm thầm chịu đựng trong bệnh viện, tại các căn cứ quân sự hay trên tiền tuyến, nơi họ phải đối mặt với mối đe dọa liên tục từ các cuộc tấn công của quân đội Nga.

    Vấn đề đang lan rộng và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Dù không thể nhìn thấy hay chạm vào, tâm lý chán nản, mệt mỏi và chấn thương tinh thần trong binh sĩ vẫn là một thách thức khó khăn mà quân đội Ukraine phải đối mặt.

    Quân đội Ukraine không tiết lộ có bao nhiêu binh sĩ đang phải chịu những tổn thương về tâm lý như vậy, nhưng giới chuyên gia cho rằng đây là tình trạng đáng lo ngại khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, đặc biệt tại chiến trường Bakhmut, miền đông đất nước.

    Trên chiến tuyến miền đông Ukraine, một số binh sĩ Ukraine hoảng loạn đã bỏ vị trí. Những người khác bị căng thẳng nghiêm trọng nói rằng họ không muốn xin nghỉ phép để hồi phục vì biết rằng Nga có nhiều quân tiếp viện hơn.

    Dobrovolskyi đã gặp những cơn ác mộng ngay cả trước khi mất đi chân trái trong lúc đang làm nhiệm vụ ở ngoại ô thành phố đông bắc Izyum hồi tháng 12 năm ngoái.

    Ông chưa bao giờ chia sẻ về những giấc mơ của mình cho các đồng đội. "Bạn không thể biết họ sẽ cảm thấy thế nào về điều đó hoặc liệu họ có muốn bạn quay lại cuộc chiến với họ hay không", ông nói.

    Các binh sĩ Ukraine cho hay họ đang dần chấp nhận cách mà cuộc chiến thay đổi họ. Một số bị tổn thương tinh thần khi phải bất lực nhìn đồng đội tử trận.

    Yehor Firsov, 34 tuổi, đã mất 16 thành viên lữ đoàn của mình trong vài tuần gần đây. Theo Firsov, hầu hết những người lính mà anh biết đều đang có những triệu chứng căng thẳng tột độ.

    "Tôi luôn căng thẳng, sẵn sàng cho đợt pháo kích tiếp theo", anh nói. Firsov từng nghe thấy một đồng đội, người luôn tỏ ra bình tĩnh trước các cuộc pháo kích, la hét trong giấc ngủ về hỏa tiễn Grad.

    Ngay cả khi nghỉ ngơi, Firsov cũng không thể ngắt dòng suy nghĩ về chiến trường. "Nếu trời mưa, tôi sẽ nghĩ đến nước ngập trong chiến hào", anh kể. Xem lại những bức ảnh trên điện thoại chụp từ trước khi xung đột bùng phát, Firsov gần như không thể nhận ra chính mình.

    Với số lượng chuyên gia tâm lý ít ỏi trong quân đội, một số nhà tâm lý học dân sự, như Oleksandr Fedorets, 62 tuổi, đang phải điều trị cho các binh sĩ Ukraine

    Tại một bệnh viện ở vùng Dnipropetrovsk, miền trung Ukraine, cách xa mặt trận, Fedorets đang điều trị cho các binh sĩ bị rối loạn căng thẳng cấp tính (ASD), hội chứng gây buồn nôn, tăng nhịp tim và đau đầu.

    Một số bệnh nhân của ông nhảy xuống đất hoặc trốn dưới gầm giường khi nghe âm thanh lớn. Nhiều người không thể ngủ. Họ sợ không gian im lặng hoặc thường xuyên lo lắng những người xung quanh là nội gián của Nga.

    "Họ sợ ngủ quên vì khi đó, họ sẽ mất kiểm soát và họ đã quen với việc bị pháo kích bất cứ lúc nào", Fedorets giải thích. "Họ sợ sẽ bị tổn thương tâm lý mãi mãi và không thể trở lại cuộc sống bình thường".

    Chấn động tâm lý có thể bao gồm nhiều triệu chứng, như đau đầu, đau tai, mất trí nhớ hay suy giảm khả năng tập trung.

    Trong các buổi trị liệu, bác sĩ Fedorets áp dụng kỹ thuật phân tâm và hướng dẫn bệnh nhân cách thở. Ông thường thực hiện liệu pháp nhóm, khích lệ những người lính chia sẻ mối lo âu của bản thân. Thông thường, họ sẽ cảm thấy ổn sau một tuần điều trị, đủ để quay trở lại chiến đấu.

    Trên tiền tuyến, một số quân nhân Ukraine được huấn luyện để đóng vai trò tương tự bác sĩ trị liệu tâm lý như Fedorets.

    Ngoài nhiệm vụ chi viện pháo binh cho đơn vị, Ivanov còn được giao trọng trách theo dõi sức khỏe tinh thần của những người lính trong đội.

    Mùa thu năm ngoái, Ivanov tình cờ gặp một người lính say rượu cầm lựu đạn và dọa tự sát. Anh đã mất 4 tiếng để thuyết phục người này từ bỏ ý định. "Cuối cùng, anh ấy bật khóc", Ivanov nhớ lại. "Anh ấy đưa cho tôi quả lựu đạn và đi ngủ".

    Kinh nghiệm hỗ trợ người khác đã giúp Ivanov nhận ra các triệu chứng của chính mình. "Sẽ dễ dàng vượt qua sang chấn tâm lý hơn khi bạn hiểu điều gì đang xảy ra với mình", anh nói.

    Sau khi chỉ huy của anh thiệt mạng ở thành phố Lyman vào mùa xuân năm ngoái, Ivanov đã nghĩ rằng "Tại sao mình lại không ở đó? Lẽ ra mình có thể cố gắng làm điều gì đấy để giúp đỡ".

    Phải mất nhiều tuần sau, kết hợp với uống thuốc, Ivanov mới có thể rũ bỏ "cảm giác thờ ơ tội lỗi" của mình.

    Nhiều tháng sau, khi lực lượng Ukraine giành lại quyền kiểm soát Lyman, Ivanov tìm thấy chiếc xe tăng cháy rụi của chỉ huy giữa đống đổ nát bị bỏ lại. "Tôi suýt khóc", anh nhớ lại.

    Kyryl, 24 tuổi, chỉ huy đơn vị xe tăng trong cùng lữ đoàn với Ivanov, cho hay anh thường xuyên thức giấc, la hét vì những cơn ác mộng kinh hoàng. Oleksandr, 34 tuổi, chỉ huy một đơn vị xe tăng khác, mô tả nỗ lực vượt qua nỗi ám ảnh tâm lý "vô cùng khó khăn".

    "Tôi liên tục bị căng thẳng. Sự thật là những giấc mơ tồi tệ vẫn đeo bám tôi", anh cho biết.

    Hình ảnh
    Oleksandr, 34 tuổi, chỉ huy xe tăng Ukraine, đứng giữa một khu rừng ở vùng Donetsk, miền đông đất nước, hôm 1/3. Ảnh: Washington Post.

    Nhà tâm lý học quân đội Andriy Kozinchuk, 38 tuổi, cho biết áp lực buộc các binh sĩ phải trở thành "người hùng" của đất nước càng khiến họ thêm căng thẳng. Hai người trong tiểu đoàn của anh đã tự sát từ cuối tháng hai năm ngoái.

    "Chúng tôi đang gặp vấn đề lớn và cần được giúp đỡ", anh nhấn mạnh.

    Theo Kozinchuk, những nhà tâm lý học như anh giống như "một cây cầu nhỏ" kết nối giữa đời sống quân sự và dân sự của người lính.

    Tại một cơ sở trị liệu tâm lý ở vùng Kharkov, Maksym Bayda, 34 tuổi, nhà tâm lý học quân đội từng ra tiền tuyến, đang điều trị cho các binh sĩ. Từ mùa hè năm ngoái, khoảng 2.500 người đã hoàn thành chương trình trị liệu kéo dài một tuần ở đây.

    Bayda cho hay hơn 10% người tới cơ sở với ý nghĩ muốn tự tử, một nửa đến từ những chiến trường khốc liệt quanh Bakhmut.

    Điều những người lính sợ nhất là gặp lại những sang chấn trong quá khứ, Bayda nói. "Họ quay lại chiến trường và sợ rằng sẽ lại bị pháo kích hoặc mất bạn bè thêm lần nữa", anh giải thích. "Nỗi mệt mỏi làm tăng thêm tâm lý lo lắng, hoang mang".

    Sau khi xung đột kết thúc, anh hy vọng có thể dành nhiều thời gian hơn giúp những người lính bị chấn thương tâm lý hồi phục. Nhưng khi đất nước vẫn chìm trong khói lửa, Bayda chỉ cố gắng "ổn định tinh thần cho họ để họ có thể quay trở lại đơn vị của mình và thực hiện mệnh lệnh".

    Bên trong cơ sở điều trị, Ivan Hrebin, 57 tuổi, thả mình giữa hồ nước nóng. Ông cho biết sau 5 ngày điều trị, ông bắt đầu cảm thấy phục hồi, ngủ ngon hơn, căng thẳng cũng giảm bớt, những cơn đau đầu tan biến.

    Hình ảnh
    Ivan Hrebin, 57 tuổi, tại một trung tâm phục hồi ở vùng Kharkov hôm 3/3. Ảnh: Washington Post.

    Hrebin ước có thể ở lại lâu hơn, nhưng ông đoán mình sẽ phải sớm trở lại đối mặt với làn đạn pháo và không biết nỗi sợ hãi có tiếp tục kéo đến hay không. Nhưng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi khiến ông cảm thấy được nạp đủ năng lượng và tin rằng mình có thể vượt qua.

    "Không sợ hãi khiến bạn trở thành một chiến binh giỏi. Song sợ hãi mới là thứ khiến bạn sống", ông nói.



    Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 59 khách