Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nga hụt hơi trên thị trường xuất khẩu vũ khí
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nga hụt hơi trên thị trường xuất khẩu vũ khí

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 3 16, 2023 1:27 pm







    Các lệnh trừng phạt phương Tây và xung đột Ukraine đã giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga, vốn từng là thế mạnh của Moskva.

    Nga từ lâu đã là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, xếp sau Mỹ. Tuy nhiên, doanh số bán vũ khí của nước này trên thị trường quốc tế đã liên tục giảm kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

    Các lệnh trừng phạt của phương Tây để phản đối động thái này đã bắt đầu gây trở ngại cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, ngăn họ tiếp cận một số loại linh kiện công nghệ cao để chế tạo vũ khí.

    Tập đoàn Thales của Pháp từng cung cấp nhiều hệ thống quang học cho các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga, nhưng nguồn cung này đã bị chặn do lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tình báo quân sự Anh cho hay việc không thể tự sản xuất các thiết bị quang học chất lượng cao, được dùng để chụp ảnh và nhắm mục tiêu, có thể làm suy yếu nỗ lực chế tạo thiết bị mới của Nga.

    Xuất khẩu vũ khí Nga giai đoạn 2017-2022 đã giảm 31% so với 5 năm liền trước đó, theo dữ liệu được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển, công bố hồi đầu tuần. Thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga cũng giảm từ 22% xuống 16% trong giai đoạn này.

    Hình ảnh
    Doanh thu từ xuất khẩu vũ khí Nga giai đoạn 2013-2022. Đồ họa: SIPRI

    SIPRI cho hay xuất khẩu vũ khí Nga năm 2022 giảm 1,3% so với năm trước. Điều này đồng nghĩa lượng vũ khí Nga xuất khẩu năm ngoái chỉ bằng 35% so với năm 2013.

    Xuất khẩu vũ khí giảm có nguy cơ kéo doanh thu của Nga đi xuống, làm mất lượng tiền lớn thường được dùng để tài trợ cho các chương trình phát triển và sản xuất hệ thống vũ khí mới.

    Đối với các công ty quốc phòng phương Tây, đà suy giảm của vũ khí xuất khẩu Nga lại mở ra những cơ hội kinh doanh lớn, khi các khách hàng truyền thống của Moskva bắt đầu tìm kiếm đối tác mới.

    Serbia, khách hàng mua vũ khí lớn của Nga, tháng trước cho biết họ đang đàm phán đặt hàng chiến đấu cơ Rafale với công ty Pháp Dassault Aviation, do lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt khiến nỗ lực mua phụ tùng, linh kiện cho phi đội tiêm kích do Nga sản xuất trở nên khó khăn hơn.

    Philippines đã hủy đơn đặt hàng 16 trực thăng vận tải Mi-17 của Nga vài tháng sau khi xung đột Ukraine nổ ra, giải thích rằng lệnh trừng phạt khiến họ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán.

    "Việc theo đuổi dự án không còn khả thi do các biện pháp trừng phạt liên quan đến Nga", Jose Faustino Jr., quan chức quốc phòng cấp cao Philippines, phát biểu trước Thượng viện nước này hồi tháng 9 năm ngoái.

    Một tháng sau, Đại sứ Mỹ MaryKay Carlson thông báo Washington sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD cho quân đội Philippines mà theo bà có thể "dùng để bù đắp cho quyết định hủy thương vụ mua trực thăng Mi-17".

    Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. sau đó cho biết Philippines đã "đảm bảo được nguồn cung trực thăng thay thế từ Mỹ" sau khi đồng ý mua 32 chiếc Black Hawk của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin.

    Bên hưởng lợi lớn từ đà suy giảm của vũ khí xuất khẩu của Nga trong những năm gần đây là Pháp. Dữ liệu từ SIPRI cho thấy tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Pháp trong giai đoạn 2018-2022 đạt 11%, tăng từ mức 7,1% trong 5 năm 2012-2017.

    Thị phần của Mỹ cũng đang mở rộng, tăng 7 điểm phần trăm lên mức 40% trong cùng kỳ. Điều này được thúc đẩy nhờ các đồng minh châu Âu đẩy mạnh đặt hàng vũ khí từ Washington, trong đó có tiêm kích F-35, chiến đấu cơ mà Nga coi là mối đe dọa.

    Hình ảnh
    Tiêm kích tàng hình Mỹ diễn tập tiếp nhiên liệu trên không hồi tháng 9/2019. Ảnh: US Air Force.

    Trung Quốc và Ấn Độ, những khách hàng lớn từng mua rất nhiều vũ khí Nga, cũng đang nỗ lực tự mình sản xuất nhiều loại khí tài.

    Dữ liệu từ SIPRI cho thấy xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc liên tục giảm kể từ năm 2005. Theo giới quan sát, Trung Quốc từng phụ thuộc nhiều vào công nghệ Nga, nhưng Bắc Kinh ngày càng trở nên độc lập hơn. Họ thậm chí đã chuyển sang sử dụng động cơ nội địa cho tiêm kích.

    Ấn Độ cũng nỗ lực giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga. Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố một danh sách thiết bị nhập khẩu mà họ muốn tự sản xuất, trong đó có cả linh kiện vũ khí Nga.

    Ấn Độ thường nhập khẩu trực thăng từ Nga, nhưng nước này năm ngoái đã giới thiệu một mẫu máy bay trực thăng chiến đấu hạng nhẹ mới tự phát triển để biên chế cho không quân.

    Một số nhà phân tích nhận định chiến sự Ukraine đã giáng thêm đòn vào đà suy giảm của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Loạt bước lùi của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine có thể là lý do khiến khách hàng toàn cầu bớt mặn mà với vũ khí của họ.

    Hình ảnh
    Một thiết giáp Nga bị phá hủy ở Ukraine. Ảnh: AFP.

    "Hình ảnh những xe tăng, thiết giáp bị phá hủy hoặc bỏ lại ven đường đặt ra câu hỏi về chất lượng cũng như độ tin cậy của những khí tài quân sự do Nga sản xuất", Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Singapore, nhận xét.

    Những người khác cho rằng còn quá sớm để xác định liệu các vấn đề mà lực lượng Nga gặp phải trên chiến trường Ukraine là do thiết bị, chất lượng huấn luyện hay bảo trì kém.

    Dù liên tục suy giảm thị phần, vũ khí Nga có khả năng vẫn giữ được lợi thế so với các đối thủ phương Tây về giá cả, theo bình luận viên Alistair MacDonald của WSJ.

    Mỗi chiếc xe tăng Leopard 2 của Đức có giá khoảng 10,7 triệu USD, trong khi xe tăng T-90 mới của Nga có thể được bán với giá thấp hơn một nửa, chuyên gia tư vấn quốc phòng Nicholas Drummond cho hay.

    Lợi thế này có thể bị thách thức trong tương lai, khi Trung Quốc trỗi dậy với tư cách một nhà sản xuất vũ khí thống trị những phân khúc thấp trên thị trường.

    "Trong khi phương Tây sản xuất các vũ khí giá cao, thị phần giá rẻ sẽ chứng kiến nhiều cạnh tranh hơn", Vasabjit Banerjee, phó giáo sư tại Đại học bang Mississippi, Mỹ, người có hiểu biết sâu rộng về ngành công nghiệp vũ khí Nga, bình luận. "Trung Quốc rõ ràng đang từng bước tiến vào phân khúc đó".


    Vũ Hoàng (Theo WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 60 khách