Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Kỳ vọng của Nga - Trung từ cuộc gặp thượng đỉnh
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Kỳ vọng của Nga - Trung từ cuộc gặp thượng đỉnh

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 3 22, 2023 2:05 pm






    Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Putin được kỳ vọng củng cố vị thế quốc tế cho Trung Quốc, đồng thời giúp Nga thoát hình ảnh bị cô lập.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/3 bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Moskva, hơn một năm từ khi ông đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh dự Olympic Mùa đông.

    Lãnh đạo hai nước dự kiến họp thượng đỉnh hôm nay, nhằm thảo luận về tăng cường hợp tác thiết thực, trao đổi chiến lược song phương cũng như "các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm", theo phát biểu của ông Tập ở cuộc gặp không chính thức tại Điện Kremlin tối qua.

    Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định chuyến thăm của ông Tập đến Nga không chỉ tập trung vào quan hệ song phương, mà còn mang theo kỳ vọng về giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine, theo Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Chuyến thăm diễn ra gần một tháng sau khi Trung Quốc công bố lập trường về "Giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine", được các bên xem là kế hoạch hòa bình đầu tiên mà Bắc Kinh đưa ra nhằm giải quyết chiến sự kéo dài hơn một năm qua giữa Nga và Ukraine.

    Trước chuyến thăm, truyền thông nhà nước Nga đăng bài viết của ông Tập, trong đó có thông điệp "đây là hành trình của tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình". Ông Putin trong cuộc tiếp ngày 20/3 nhấn mạnh Moskva đã nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất hòa bình của Bắc Kinh, khẳng định Nga luôn sẵn sàng đàm phán và sẽ thảo luận với ông Tập về những sáng kiến "mà Nga rất tôn trọng".

    Tổng thống Putin cũng có bài viết đăng trên People's Daily, khẳng định quan hệ Nga - Trung là "đối tác hướng đến tương lai".

    Lý Hải Đông, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, lưu ý thông thường chỉ có lãnh đạo nước đi thăm mới gửi bài viết cho truyền thông nước chủ nhà. Việc Tổng thống Putin viết bài đăng trên People's Daily chứng tỏ "quan hệ Nga - Trung rất đặc biệt và cực kỳ khăng khít", cho thấy hai bên cùng dành mức độ quan tâm lớn nhất cho cuộc gặp giữa hai lãnh đạo.

    Hình ảnh
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin ngày 20/3. Ảnh: Reuters.

    Trong khi đó, giới chuyên gia phương Tây đánh giá lãnh đạo Nga và Trung Quốc bước vào bàn họp với bối cảnh địa chính trị không mấy tương đồng.

    Cả hai nước đều đang chịu áp lực từ phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ, song chỉ có Nga kẹt trong một cuộc chiến đúng nghĩa và đối đầu trực diện với vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đang mong muốn cải thiện ảnh hưởng quốc tế và tăng hợp tác kinh tế, sau thời gian dài đóng cửa chống Covid-19.

    Emma Ashford, chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại có trụ sở chính ở Mỹ, nhận định kết quả thực chất mà Nga và Trung Quốc có thể gặt hái từ cuộc gặp thượng đỉnh sẽ chủ yếu giới hạn ở hợp tác kinh tế hoặc tầm nhìn chiến lược.

    "Cuộc gặp thượng đỉnh lần này ít có khả năng dẫn đến tuyên bố nào nặng ký về chiến sự tại Ukraine hay hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc cho Nga. Những tuyên bố khả thi sẽ tập trung vào những ưu tiên chính sách của Trung Quốc, trong đó có thỏa thuận nhập khẩu khí đốt Nga với giá ưu đãi", Ashford nói.

    Về kỳ vọng của Nga, Ashford cho rằng Moskva có thể nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình để thuyết phục Bắc Kinh tăng hỗ trợ và hợp tác công nghiệp quốc phòng.

    Trung Quốc đang hứng chịu sức ép rất lớn từ Mỹ và các đồng minh về việc không hỗ trợ quân sự cho Nga, cũng như tăng áp lực để Moskva chấm dứt chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, Joseph Torigian, giáo sư tại Đại học Mỹ, nhận định chuyến thăm của ông Tập cho thấy Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước sức ép này.

    Ông Tập đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa Nga và Trung Quốc là xu hướng bền vững, nhận định hai nước có lập trường giống nhau về chính sách đối ngoại độc lập và ủng hộ hệ thống quốc tế đa cực, theo Xinhua.

    Đây cũng là cơ hội để Nga tái khẳng định vị thế cường quốc và xua tan hình ảnh "bị cô lập" trên trường quốc tế như mong muốn của phương Tây.

    "Nga và Trung Quốc đều hiểu rõ hai nước cần đoàn kết để đối đầu sức ép từ Washington, vì nếu một nước gục ngã thì nước còn lại sẽ rơi vào tình thế đơn độc", Dmitry Trenin, chuyên gia Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Nga, nhận định.

    Trenin cho rằng trong chuyến thăm này, Bắc Kinh - Moskva sẽ không xây dựng một liên minh quân sự, song sẽ chủ động thúc đẩy trật tự đa cực. "Tình hình toàn cầu đòi hỏi Nga và Trung Quốc tiếp tục nâng cấp quan hệ để đương đầu với loạt thách thức từ bên ngoài", ông nói.

    Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin còn là dịp để Nga trấn an Trung Quốc về cục diện chiến sự Ukraine và những tính toán của họ trong tương lai. Trong những lần bày tỏ quan ngại về khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc thường thể hiện phản đối mạnh mẽ nhất về nguy cơ leo thang hạt nhân và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa.

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskvov hôm 20/3 cho biết Tổng thống Putin sẽ "trực tiếp làm rõ hết mức" về tình hình Nga hiện nay với lãnh đạo Trung Quốc.

    "Tổng thống Putin cần Trung Quốc hiểu rõ tầm nhìn của mình về kết cục của cuộc chiến. Ông đã nhiều lần nói Nga chỉ sẵn sàng đàm phán nếu Ukraine và phương Tây chấp nhận thực tế địa chính trị hiện nay, đồng nghĩa công nhận những vùng Nga đang kiểm soát tại Ukraine", Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại Bỉ, nhận định.

    Hình ảnh
    Ông Tập duyệt đội danh dự tại sân bay Vnukovo-2 ở ngoại ô Moskva hôm nay. Ảnh: Reuters.

    Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh muốn tập trung vào quan hệ chiến lược và kinh tế với Nga nhiều hơn là can dự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hơn một năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn đưa ra thông điệp trung lập, kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền quốc gia, không tham gia vào các lệnh trừng phạt "thân Ukraine", nhưng cũng bác bỏ mọi cáo buộc về kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

    Theo chuyên gia Joseph Torigian tại Washington, trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Trung Quốc khó thay đổi lập trường về viện trợ quân sự cho Nga vì những hệ quả kéo theo sẽ quá lớn. Viễn cảnh này sẽ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Trung Quốc, mà còn có thể khiến Bắc Kinh hứng chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây, dẫn đến thiệt hại kinh tế giữa giai đoạn nước này đang ưu tiên xốc lại động lực tăng trưởng.

    Khi cuộc cạnh tranh siêu cường với Mỹ ngày càng trở nên quyết liệt, bảo vệ mối quan hệ chiến lược với Nga mang ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc cả về địa lý, kinh tế và chính trị, theo Alexander Gabuev, chuyên gia thuộc Quỹ Carnegie.

    Gabuev chỉ ra rằng Nga không chỉ là nguồn cung vũ khí hiện đại cho Trung Quốc, mà còn là đối tác kinh tế quan trọng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều được kỳ vọng đạt 200 tỷ USD trong năm 2024. Trung Quốc là điểm đến của khoảng 30% hàng hóa Nga xuất khẩu và chiếm khoảng 40% hàng nhập khẩu vào Nga trong năm 2022.

    Yang Sheng, bình luận viên của Global Times, đánh giá quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc "không chỉ mang lại lợi ích hữu hình cho người dân hai nước, mà còn đóng góp quan trọng cho tiến bộ của thế giới".

    Theo chuyên gia Lý Hải Đông, Trung Quốc rất tự tin vào khả năng giúp các bên xung đột nhận ra rằng ngừng bắn và bắt đầu đàm phán hòa bình là điều cần thiết để chấm dứt xung đột. "Điều đó đã được thể hiện trong nỗ lực thành công gần đây của Trung Quốc khi kết nối hai kình địch Iran và Arab Saudi nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao", ông Lý nói. "Điều đó khiến Trung Quốc tin rằng không điều gì là không thể nếu các bên liên quan sẵn sàng đối thoại thay vì giao tranh".

    Tuy nhiên, ông Lý cũng thừa nhận rằng khả năng Trung Quốc đạt được thành công trong nỗ lực trung gian hòa giải cho xung đột Ukraine sẽ rất thấp, do cả Kiev lẫn phương Tây đều bày tỏ hoài nghi với đề xuất hòa bình mà Bắc Kinh đưa ra.

    Trong khi đó, Craig Singleton, chuyên gia tại Quỹ Phòng vệ Dân chủ tại Mỹ, cho rằng kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đưa ra là một phần trong nỗ lực củng cố hình ảnh thành viên quốc tế có trách nhiệm, đồng thời vẫn duy trì được quan hệ tốt đẹp với Nga.

    "Kỳ vọng thật sự của Bắc Kinh trong nỗ lực này là vừa cải thiện vị thế trong mắt châu Âu lẫn các nước đang phát triển, vừa duy trì xu hướng thắt chặt quan hệ với Moskva", Stephen Wertheim, thành viên tổ chức nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình của Mỹ, nhận định.



    Thanh Danh (Theo Vox, RT, Global Times, SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 72 khách