Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thông điệp của Nga khi muốn đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27890
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thông điệp của Nga khi muốn đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 3 28, 2023 5:03 pm






    Tuyên bố đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, ông Putin dường như muốn phát thông điệp răn đe phương Tây khi thổi bùng nỗi lo về xung đột hủy diệt.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 bất ngờ tuyên bố Moskva sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đã triển khai 10 máy bay có khả năng mang loại vũ khí này ở quốc gia láng giềng và đã chuyển giao cho Belarus một số tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

    Dù Tổng thống Putin nói rằng điều này "không có gì bất thường", tuyên bố của ông đã châm ngòi cho làn sóng lo ngại và chỉ trích từ Ukraine và các nước phương Tây, bởi đây là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ trong hàng chục năm qua.

    Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN), liên minh dân sự xã hội toàn cầu có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, gọi tuyên bố của Nga là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bởi nó gây ra nguy cơ tính toán sai lầm.

    "Khi xung đột Ukraine tiếp diễn, việc chia sẻ vũ khí hạt nhân làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc", ICAN viết trên Twitter.

    Hình ảnh
    Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko sau một cuộc hội đàm ở Minsk, hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AP

    Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng tuyên bố trên không đồng nghĩa Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tạo bước ngoặt trên chiến trường Ukraine, thay vào đó là một nỗ lực nhằm khoét sâu nỗi lo sợ leo thang hạt nhân của phương Tây, từ đó phát thông điệp răn đe tới Mỹ và các nước châu Âu.

    "Nga từ lâu đã sở hữu vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào mà đầu đạn hạt nhân chiến thuật đặt tại Belarus có thể nhắm tới", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, viết trong một báo cáo. Bởi vậy, việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus không tạo thêm bất cứ lợi thế nào cho Nga nếu sử dụng trên chiến trường.

    ISW thêm rằng Tổng thống Putin "đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng chưa bao giờ có ý định hành động".

    Hồi tháng hai năm ngoái, Tổng thống Nga cho biết ông đã đặt lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động cao, nhưng giới quan sát quân sự từ đó đến nay không nhận thấy bất kỳ thay đổi hay động thái di chuyển vũ khí bất thường nào từ phía Moskva.

    Sau tuyên bố ngày 25/3 của ông Putin, Mỹ cũng chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay.

    Ông Putin còn cho biết để thúc đẩy quá trình triển khai vũ khí, Nga sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Belarus lái máy bay mang bom hạt nhân từ đầu tháng 4 và hoàn thành các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus trước ngày 1/7.

    Các chuyên gia hạt nhân hoài nghi về những mốc thời gian này, chỉ ra rằng Moskva đã xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga, trong ít nhất 7 năm qua, nhưng vũ khí hạt nhân dường như vẫn chưa được sẵn sàng triển khai tại đây.

    Đến nay, chưa có hình ảnh vệ tinh nào cho thấy hoạt động xây dựng tương tự đang diễn ra ở Belarus.

    "Tôi đã xem xét một số địa điểm tiềm năng có thể bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus, nhưng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về hoạt động xây dựng kho lưu trữ", Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, cho biết.

    Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn cỡ nhỏ, có sức công phá thấp, được thiết kế để sử dụng trong cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn. Tuy nhiên, chúng vẫn cần được bảo quản tại những cơ sở đặc biệt, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, do rủi ro rất lớn.

    Trong tuyên bố hôm 25/3, Tổng thống Putin còn đề cập đến lời phàn nàn lâu nay của Moskva về thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Mỹ với 5 đồng minh châu Âu là Đức, Hà Lan, Bỉ, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Theo thỏa thuận này, Mỹ triển khai khoảng 100 quả bom trọng lực B61, loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ, ở các quốc gia trên và phi hành đoàn của họ được huấn luyện để lái máy bay mang chúng trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra.

    Nga cho rằng đây là hành vi vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) năm 1968 và mới tuần trước, tuyên bố chung của Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn nhấn mạnh "tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, đồng thời rút vũ khí hạt nhân đã triển khai bên ngoài lãnh thổ trở về".

    Thông báo mới nhất của Tổng thống Nga về vũ khí hạt nhân ở Belarus cho thấy ông đã thay đổi suy nghĩ. Nga dường như muốn tìm một biện pháp "đối trọng" với phương Tây nhằm tăng năng lực răn đe của mình.

    "Đây là một động thái rất quan trọng", Nikolai Sokol, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Quân bị và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân Vienna, nhận xét. "Nga luôn đề cao việc họ không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ nhưng giờ đây, họ đang thay đổi quan điểm đó".

    Về mặt kỹ thuật, thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và đồng minh không vi phạm NPT, vì chúng được ký trước khi hiệp ước này có hiệu lực. Liên Xô lúc bấy giờ đã chấp nhận chúng và Moskva có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus hay bất kỳ nước cộng hòa thuộc Liên Xô nào khác. Nhưng khi Liên Xô tan rã, Nga đã mất đi quyền này.

    Với việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus mà không chính thức chuyển giao chúng cho Minsk, Nga tin rằng đây là một cách để lách quy định của NPT, tương tự cách Mỹ đang làm ở châu Âu. Tuy nhiên, đối với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân và những người ủng hộ kiểm soát vũ khí hạt nhân, chúng đi ngược lại tinh thần của NPT.

    Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất kế hoạch thu hồi bom B61 khỏi châu Âu như một bước tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng một số đồng minh châu Âu phản đối, cho rằng nó có thể khiến chiếc ô hạt nhân của khu vực mỏng đi.

    Sau đó, mối quan hệ giữa Nga với phương Tây lao dốc, khiến Washington thay đổi quan điểm, quyết định nâng cấp số đầu đạn này thay vì thu hồi. Phiên bản bom trọng lực B61-12 đang trong quá trình chuyển giao tới châu Âu, thay thế những quả đạn B61 cũ hơn.

    Hình ảnh
    Tiêm kích F-35 Mỹ thử nghiệm với mô hình bom hạt nhân B61-12. Ảnh: BQP Mỹ

    Bom B61-12 được coi là vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, do có độ chính xác và tính tùy biến cao, có thể tích hợp dễ dàng trên tiêm kích tàng hình F-35.

    B61-12 có sức công phá khoảng 50 kiloton, tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT, khá nhỏ so với nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến lược khác, nhưng nó có sai số trượt mục tiêu chỉ 30 m, nhỏ hơn nhiều so với các thế hệ bom trước đây. Điều này khiến B61-12 trở thành vũ khí phù hợp nhất cho các đòn tấn công hạt nhân chính xác.

    "Những quả bom hạt nhân mới là mối quan tâm lớn đối với người dân châu Âu", chuyên gia Susi Snyder từ ICAN nhấn mạnh. "Việc Tổng thống Putin chỉ ra điều này và đe dọa có hành động tương tự đã cho thấy một vấn đề đã tồn tại khá lâu mà phần còn lại của thế giới cũng đang cố gắng khắc phục".

    Tuy nhiên, Kristensen lập luận rằng chính việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ là nguyên nhân chính khiến châu Âu cảm thấy bất an và phản đối Mỹ thu hồi bom B61 trên châu lục. "Nếu Tổng thống Putin không thực hiện động thái sáp nhập năm 2014, những quả bom hạt nhân đó rất có thể đã biến mất trên lãnh thổ châu Âu", ông nói.



    Vũ Hoàng (Theo WSJ, CNBC, Guardian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 18 khách