Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Sudan tiến thoái lưỡng nan giữa loạn lạc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27912
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người Sudan tiến thoái lưỡng nan giữa loạn lạc

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 4 25, 2023 6:07 pm







    Vài ngày sau khi giao tranh bùng phát ở Sudan, Dalia Mohamed và mẹ đối mặt với hai lựa chọn khó khăn: Chạy khỏi thủ đô Khartoum hoặc mạo hiểm bám trụ.

    Ngôi nhà của Mohamed, 37 tuổi, nằm ở tâm điểm giao tranh, nơi tiếng súng, đạn pháo và rocket liên tục vang lên. Đến ngày 20/4, căn nhà trúng rocket và bị hư hại nghiêm trọng. Hai mẹ con buộc phải chuẩn bị một số vật dụng cơ bản và tháo chạy.

    "Tôi đã cố tình trì hoãn ý định rời thủ đô", Mohamed nói. "Tôi vẫn thường xuyên nghe những câu chuyện về người dân bỏ nhà trốn chạy chiến sự, nhưng chỉ thật sự thấm thía khi bản thân lâm vào tình cảnh đó".

    Sudan là quốc gia có dân số gần 48 triệu người nằm ở đông bắc châu Phi, giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông. Thủ đô Khartoum từng là điểm đến hàng đầu cho dân tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc nội chiến ở miền nam, trước khi Nam Sudan tuyên bố độc lập hồi năm 2011.

    Khartoum, từng là một đô thị nhộn nhịp với 5 triệu dân, hiện là tâm điểm giao tranh ác liệt giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), nhóm dân quân hàng đầu tại quốc gia châu Phi này.

    Các cuộc đụng độ nổ ra ngày 15/4 giữa quân đội Sudan dưới quyền tướng Abdel Fattah al-Burhan và RSF của tướng Mohamed Hamdan Dagalo, sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Tướng Burhan cáo buộc RSF đảo chính, song phe đối lập chỉ trích quân đội là bên nổ súng trước.

    Hai bên đã thiết lập các trạm kiểm soát và liên tục đấu súng, khiến số người thiệt mạng gia tăng, kèm tình trạng thiếu lương thực, điện và nước trầm trọng. Người dân ồ ạt rời khỏi Khartoum, biến thủ đô Sudan thành một "thành phố ma".

    "Đó là quyết định khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện", Mohamed nói. "Chúng tôi sẽ quay lại ngay lập tức nếu ai đó nói khu phố đã an toàn, nhưng giờ thì không thể".

    Hình ảnh
    Khói bốc lên sau một vụ nổ ở thủ đô Khartoum, Sudan, hôm 19/4. Ảnh: AP

    Những người di tản khỏi Khartoum đang hướng tới thành phố Port Sudan ở phía đông. Đây là khu vực tương đối an toàn, có các tuyến đường biển nối với Djibouti và Ai Cập.

    Số còn lại hướng thẳng tới Ai Cập ở phía bắc. Chỉ trẻ em, người già và phụ nữ mới có thể nhập cảnh vào nước này mà không cần visa. Nam giới Sudan từ 16 đến 49 tuổi phải nộp đơn xin visa trước một ngày tại lãnh sự quán Ai Cập ở thành phố biên giới Wadi Halfa.

    Quy định này có thể chia cắt các gia đình trong khoảng thời gian ngắn. Nhiều người phải tạm biệt thân nhân, trong khi hy vọng sớm đoàn tụ còn bỏ ngỏ.

    Hàng triệu người Sudan khác sống trong cảnh thấp thỏm mỗi ngày, không biết đâu sẽ là khoảnh khắc cuối cùng của đời mình, khi xung đột lan rộng tới các thành phố khác.

    "Tôi vừa gọi cho chú, ông nói rằng mỗi sáng sớm thức dậy, ông lại cảm ơn Thượng đế vì mình vẫn sống", Fatna Mohamed, một người Sudan đang sống ở nước ngoài nhưng có gia đình đang bám trụ tại quê hương, cho biết.

    Fatna Mohamed và rất nhiều người Sudan khác cho rằng xung đột hiện nay là hậu quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái, còn dân thường đang phải hứng chịu hậu quả.

    "Rất nhiều người đã chết, thi thể nằm rải rác trên đường, cảnh cướp bóc tràn lan", Gamal Sharif, một người dân Sudan, cho biết. "Cuộc xung đột này phải chấm dứt".

    Tình hình an ninh ở Khartoum cũng khiến nỗ lực di tản của người dân gặp nhiều khó khăn. Một số người sơ tán cho biết tuyến đường đến Ai Cập không an toàn tuyệt đối, sau các trường hợp những tay súng chặn đường, cướp ôtô của dân thường.

    Shaima Ahmed, 27 tuổi, hiện ở London, đã cố gắng thuyết phục bố mẹ và anh chị em rời khỏi Khartoum, song cho biết rất khó khuyên nhủ họ.

    "Nỗi bất lực không thể cung cấp thông tin đáng tin cậy cho gia đình khiến tôi rất căng thẳng. Tôi muốn họ tới Ai Cập, nhưng không muốn thúc ép quá mức. Bất cứ chuyện gì xảy ra với họ sẽ là lỗi của tôi", cô nói.

    Hình ảnh
    Mọi người chạy trốn khỏi nơi giao tranh ở Khartoum, thủ đô Sudan, ngày 19/4. Ảnh: AFP

    Raga Makawi, công dân Anh gốc Sudan, cho biết tìm phương thức di chuyển cũng không dễ dàng. Cô đang thăm gia đình ở thủ đô Khartoum thì giao tranh bùng phát.

    Theo Raga, người sơ tán phải tự tìm phương tiện cũng như tài xế biết cách tránh các trạm kiểm soát, trong bối cảnh hệ thống giao thông công cộng tê liệt.

    "Một giờ trước, giá thuê một chiếc xe bus cỡ lớn từ Khartoum đến Cairo là 10.000 USD", cô nói vào đêm trước khi khởi hành đi Ai Cập. "Giá vài ngày trước chỉ 4.000 USD, nhưng nhà điều hành có thể tính thêm bất cứ chi phí nào và mọi người sẽ trả tiền để giữ mạng".

    Xung đột tại Khartoum cũng đang chia rẽ các gia đình. Một số quyết định bám trụ tại thành phố trong khi thân nhân di tản.

    Cha mẹ, dì và anh em họ của Dania Atabani, 23 tuổi, đều đã rời Khartoum, nhưng cô vẫn ở lại chăm sóc ông bà. Cô nói "gần như không còn nhận ra thành phố của mình, nơi chứa đựng rất nhiều kỷ niệm".

    "Khartoum đã thay đổi quá nhiều", Dania nói. "Tôi rất nhớ thời điểm mình còn là một cô gái 23 tuổi bình thường, đầy ước mơ, không phải chạy trốn xe tăng".

    Trong khi đó, Sammer Hamzar, 26 tuổi, và những người trẻ khác vẫn chưa quyết định nên đi hay ở lại, giữa lúc giao tranh tiếp tục leo thang trong khu vực, khiến việc rời đi ngày càng nguy hiểm.

    Các phe phái đã nhất trí thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 72h bắt đầu từ ngày 25/4 nhằm đảm bảo hành lang nhân đạo cho hoạt động sơ tán. Nhưng ngay cả khi hành trình di tản an toàn hơn, Hamzar cũng cho rằng rời bỏ tổ ấm sẽ là quyết định khó khăn nhất.

    "Tôi thực sự không muốn rời nhà. Tôi đã hy vọng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra tại Sudan hay Khartoum", Sammer nói, cố kìm nước mắt.


    Đức Trung (Theo Al Jazeera)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 70 khách