Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Hệ thống chiến lũy Ukraine phải vượt qua khi phản công
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Hệ thống chiến lũy Ukraine phải vượt qua khi phản công

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 6 12, 2023 4:21 pm







    Nga xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố nhiều lớp dọc chiến tuyến ở Ukraine, buộc lực lượng Kiev phải tìm cách xuyên thủng khi phản công.

    Trong lúc các binh sĩ Ukraine nhiều tháng qua huấn luyện với vũ khí phương Tây để chuẩn bị cho chiến dịch phản công, lực lượng Nga lại tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ để ngăn chặn họ.

    Ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đã xây dựng mạng lưới chướng ngại vật phức tạp gồm hệ thống hầm hào, công sự, phòng tuyến "răng rồng" ngăn xe tăng hay những bãi mìn khắp khu vực miền nam Ukraine, nơi Kiev dồn lực cho mũi phản công.

    Hình ảnh
    Lính Ukraine khai hỏa vào vị trí của quân đội Nga ở khu vực Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

    Để phản công thành công, Ukraine phải tìm cách đột phá qua nhiều lớp chiến lũy đã được Nga dày công xây dựng và củng cố. Phòng tuyến mà Nga thiết lập chủ yếu nằm ở khu vực Zaporizhzhia và Kherson, miền nam đất nước.

    Hồi tháng 5, giới chức Mỹ tin rằng quân đội Ukraine có thể tiến đủ xa về phía nam để cắt đứt hành lang trên bộ nối Nga với bán đảo Crimea, nơi Moskva đã sáp nhập từ năm 2014.

    Tuy nhiên, vụ vỡ đập Kakhovka trên sông Dnieper đã khiến kế hoạch này trở nên "bất khả thi". Quân đội Ukraine giờ đây không thể băng qua sông Dnieper cùng những vùng ngập nước rộng lớn ở hướng Kherson để tấn công phòng tuyến Nga. Mặt đất lầy lội vì nước lũ cũng ngăn cản họ sử dụng những vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất một tháng.

    Mùa thu năm ngoái, Ukraine đã mở đợt phản công bất ngờ đẩy lui quân đội Nga ở vùng đông bắc. Lúc bấy giờ, họ đạt được thành công vì Nga chưa xây dựng phòng tuyến kiên cố và Ukraine cũng áp đảo đối phương về quân số ở mặt trận Kharkov, do Nga đã điều phần lớn lực lượng tinh nhuệ xuống phía nam.

    Kể từ đó, Nga đã huy động hơn 300.000 nghìn quân dự bị triển khai tới Ukraine. Dù những binh sĩ này chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến, Moskva vẫn hy vọng số lượng đông đảo của họ có thể tạo ra thay đổi mang tính quyết định.

    "Họ không phải đội quân được huấn luyện và trang bị tốt nhất, nhưng điều quan trọng là họ ở đó", Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng tại RAND Corp, tổ chức nghiên cứu toàn cầu tại California, Mỹ, bình luận.

    Trong khi bộ binh Nga có thể thiếu kỹ năng tác chiến chuyên sâu, lực lượng công binh của họ không như vậy.

    Những rào cản mà Nga đã tạo ra bao gồm vô số chiến hào được đào theo hình zigzag. Từ đây, quân phòng thủ có thể bắn vào lực lượng tấn công ở nhiều góc. Chúng cũng được xây dựng thành nhiều lớp, để binh sĩ khi mất tuyến phòng thủ đầu tiên có thể rút về tuyến hai để tiếp tục chiến đấu.

    Các lô cốt được xây dựng với mục tiêu định sẵn, vì vậy binh sĩ sử dụng súng máy không cần bận tâm đến việc tính toán phần tử bắn, trong khi phe tấn công sẽ vừa phải nhanh chóng cơ động vừa ngắm bắn.

    Hình ảnh
    Hình ảnh vệ tinh từ đầu năm nay cho thấy các công sự và "răng rồng" của Nga ở Crimea. Ảnh: Maxar Technology

    "Những điều này cho phép một lực lượng kém năng lực hơn làm tốt hơn những gì có thể và khiến việc vượt qua phòng tuyến trở nên khó khăn hơn", Fabian nhấn mạnh.

    Ukraine đang nhắm vào vào hậu phương của Nga, sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công các kho nhiên liệu và trung tâm chỉ huy. Kiev từng sử dụng chiến thuật tương tự vào mùa thu năm ngoái, cắt đường tiếp tế cho quân đội Nga ở thành phố miền nam Kherson, khiến Moskva phải rút lui hồi tháng 11.

    Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy của lực lượng Mỹ đóng tại châu Âu, cho biết việc nhắm mục tiêu vào tuyến hậu cần, khiến quân đội đối phương thiếu hụt các nguồn cung cơ bản là cách mà Ukraine có thể tận dụng để làm giảm lợi thế nhân lực của Nga.

    "Chướng ngại vật chỉ có hiệu quả nếu chúng được yểm trợ bởi hỏa lực", ông nói.

    Theo Hodges, Ukraine sẽ không phải xuyên thủng phòng tuyến Nga trên một mặt trận rộng lớn, mà có thể chỉ cần tập trung vào một vài nơi yếu nhất. "Họ cần xâm nhập sâu vào hai hoặc ba khu vực. Tôi tin họ sẽ có sức mạnh áp đảo ở một số điểm nhất định", ông cho hay. "Nhưng họ sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại và nhiệm vụ rất thách thức".

    Để vượt qua hệ thống chướng ngại vật và chiến hào Nga, quân đội Ukraine sẽ phải sử dụng các thiết bị công binh chuyên dụng như xe ủi đất bọc thép hay xe bắc cầu có khả năng cơ động nhanh chóng trên chiến trường.

    Máy ủi hay lực lượng công binh có thể nhanh chóng dọn dẹp hoặc phá hủy phòng tuyến "răng rồng". Việc vô hiệu hóa bãi mìn tốn nhiều thời gian hơn và phức tạp hơn, ngay cả khi Ukraine đã được phương Tây cung cấp xe phá mìn chuyên dụng.

    Tướng Ivan Popov, tư lệnh Tập đoàn quân số 58 thuộc Quân khu miền Nam quân đội Nga, cho biết Lữ đoàn cơ giới số 47 tinh nhuệ của Ukraine hôm 8/6 đã mở 4 đợt tấn công vào phòng tuyến Nga tại Zaporizhzhia, nhưng đều bị những bãi mìn dày đặc ngăn cản.

    Hệ thống phòng thủ như những gì Nga đã tạo dựng không cần bố trí nhân sự dày đặc ở khắp mọi nơi. Khi một tuyến phòng thủ có nguy cơ bị tràn ngập, Nga có thể điều động binh lực, hỏa lực từ nơi khác để "bịt lỗ hổng" và lấy lại thế trận.

    Hình ảnh
    Chiến hào và phòng tuyến răng rồng Nga xây dựng ở tỉnh Zaporizhzhia trong ảnh vệ tinh công bố hôm 12/4. Ảnh: Drive

    Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi bộ binh Nga trong chiến hào phải kéo dài thời gian cầm cự đủ lâu để các lữ đoàn thiết giáp cơ động có thể nhanh chóng triển khai quân tiếp viện với số lượng đủ lớn.

    Nếu quân Ukraine vượt qua được các bãi mìn, Nga sẽ phải nhanh chóng điều xe tăng, thiết giáp chở quân tới khu vực với số lượng lớn. Điều này được cho là thách thức đối với Moskva, vốn chủ yếu dựa vào các tuyến đường sắt để vận chuyển lực lượng và trang thiết bị.

    Liệu Nga có lực lượng phản ứng đủ nhanh hay không là một trong những ẩn số lớn mà Kiev phải đối mặt. Nếu Nga đủ khả năng cơ động và điều quân từ vị trí này tới vị trí khác, Ukraine sẽ khó lòng vượt qua phòng tuyến của họ.

    Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở ở Washington, so sánh tình hình ở Ukraine hiện nay với cuộc chiến tranh Iran - Iraq vào những năm 1980, khi giao tranh diễn ra giữa các chiến hào, khiến xung đột rơi vào bế tắc kéo dài.

    Iraq khi đó đã xây dựng một chiến tuyến dài kết hợp giữa bộ binh trong chiến hào với các đơn vị thiết giáp và Vệ binh Cộng hòa cơ động cao ở phía sau.

    Cancian cho hay bộ binh Iraq đã cầm cự đủ lâu để quân tiếp viện từ lực lượng Vệ binh Cộng hòa được chuyển tới bằng xe thiết giáp, khiến quân Iran chưa bao giờ chọc thủng được phòng tuyến của họ.

    "Bộ binh phải đủ tốt để giữ vững phòng tuyến cho đến khi quân tiếp viện đến", ông nói. "Đấy là yêu cầu tối thiểu họ cần đáp ứng".



    Vũ Hoàng (Theo WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 26 khách