Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ukraine suýt trả giá vì cơn giận của ông Zelensky
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27929
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ukraine suýt trả giá vì cơn giận của ông Zelensky

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 7 14, 2023 1:24 pm






    Phát biểu giận dữ của Tổng thống Zelensky vì Ukraine không thể nhanh chóng gia nhập NATO đã khiến nhiều đồng minh tính đến việc rút lại lời mời gia nhập với Kiev.

    Ngày 11/7, trước khi dự họp cùng các lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự ở Vilnius, Litva, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng một dòng tweet đầy giận dữ.

    "Trên đường tới Vilnius, chúng tôi nhận được thông tin rằng tuyên bố chung của NATO đang được thảo luận mà không có Ukraine. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những ngôn từ này là về lời mời Ukraine trở thành thành viên NATO", ông viết. "Việc một mốc thời gian không được thiết lập để kết nạp Ukraine là điều chưa từng có và vô lý".

    Hình ảnh
    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva hồi đầu tuần. Ảnh: AFP

    Đây là lần đầu tiên Tổng thống Ukraine đưa ra những lời chỉ trích công khai quyết liệt đến vậy nhắm vào các đồng minh phương Tây, những nước đã bơm hàng tỷ USD vũ khí và viện trợ để giúp Kiev chống lại Moskva.

    Lúc bấy giờ, NATO đang soạn thảo tuyên bố chung. Bloomberg đã phỏng vấn hơn 10 nhà ngoại giao, quan chức dự hội nghị NATO và cho biết vào tối 10/7, dự thảo tuyên bố chung vẫn chưa được các bên thống nhất, nhưng nó thể hiện lộ trình rõ ràng hơn cho Ukraine được kết nạp vào NATO.

    Tuy nhiên, phái đoàn Mỹ và Đức kiên quyết phản đối, khiến ngôn ngữ trong bản dự thảo được thay đổi và ít có lợi hơn cho Ukraine. Đây là lúc phái đoàn Ukraine nắm được thông tin và thông điệp tức giận được đăng trên tài khoản Twitter của Tổng thống Zelensky.

    Các nguồn tin cho biết lãnh đạo Ukraine và các cố vấn đăng thông điệp "khiêu khích" này nhằm tác động đến chương trình thảo luận của lãnh đạo NATO, nhưng lại gây hiệu ứng ngược, khiến Kiev suýt trả giá.

    Lời lẽ của ông Zelensky đã khiến những quan chức NATO đang nhóm họp tại Litva choáng váng, đồng thời làm phái đoàn Mỹ "nổi giận". Các đại sứ, bộ trưởng và nhà hoạch định chính sách cấp cao lập tức tổ chức những cuộc họp bên lề hội nghị để bàn về cách liên minh nên phản ứng với phát biểu của Tổng thống Ukraine.

    Các quan chức phái đoàn Mỹ "rất khó chịu" và đề xuất rút lại thông điệp: "Chúng tôi sẽ gửi lời mời gia nhập tới Ukraine khi toàn bộ liên minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng" trong dự thảo tuyên bố chung của NATO.

    Họ sẵn sàng điều chỉnh ngôn từ trong dự thảo để giảm bớt mức độ hoan nghênh Ukraine nhanh chóng gia nhập liên minh. "Vài người thậm chí còn muốn rút lại lời mời", một nhà ngoại giao NATO tham gia các cuộc thảo luận cho hay.

    Mặc dù đã viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát, Mỹ đến nay vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng vì lo ngại nguy cơ leo thang khủng hoảng và kéo NATO vào xung đột trực diện với Nga.

    Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest, Romania, năm 2008, Ukraine và Gruzia đã được đề nghị trở thành thành viên NATO với điều kiện họ phải đáp ứng một loạt điều kiện. Ukraine phàn nàn rằng sau 15 năm, họ vẫn phải đối mặt với nhiều yêu cầu cải cách, trong đó có những điều không cụ thể.

    Một quan chức Mỹ cho hay các chính trị gia nhóm họp tại Litva tính đến việc sửa đổi tuyên bố chung để cho thấy chính quyền Biden rất nhạy cảm với những lo ngại của Tổng thống Zelensky và hy vọng có thể giải quyết chúng bằng cách nào đó.

    Tuy nhiên, dòng tweet của ông Zelensky đã gây bất bình với phái đoàn Mỹ đến mức các quan chức Anh và Đức phải can thiệp. Vài người ủng hộ việc loại bỏ những câu chữ khiến Tổng thống Zelensky khó chịu ra khỏi tuyên bố chung của NATO, nhưng phái đoàn Mỹ "không muốn điều này".

    Sự việc cho thấy nỗi thất vọng bên trong NATO trước chiến thuật gây áp lực từ Tổng thống Zelensky, khiến ngay cả những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất cũng phải đặt câu hỏi rằng liệu những phản ứng quyết liệt của ông có phục vụ tốt nhất cho lợi ích của đất nước hay không.

    Tuy nhiên, cuối cùng, mọi người đều nhất trí rằng điều chỉnh tuyên bố sẽ trì hoãn việc công bố nó tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Phái đoàn Mỹ cũng không còn phản đối nội dung này.

    "Những người lo ngại về phản ứng của Ukraine đã đi đến kết luận rằng giữ nguyên nội dung và ngôn ngữ như bản dự thảo là tốt nhất", nguồn tin cho hay. "Nó gửi một thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ đến cả Ukraine và Nga".

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được hậu thuẫn bởi các quốc gia Trung Âu và Baltic, là một trong những người cố gắng duy trì ngôn ngữ của tuyên bố như đã được thống nhất ban đầu. Những lãnh đạo này coi đây là lời đề nghị mạnh mẽ nhất có thể dành cho Ukraine bởi Mỹ, Đức cùng các nước khác không muốn tiến xa hơn vì sợ rằng làm vậy sẽ kéo liên minh vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

    Khi ông Zelensky tới dự tiệc chiêu đãi khai mạc hội nghị NATO ở Vilnius vào tối 11/7, các lãnh đạo trong NATO đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới ông, đề nghị ông "bình tĩnh lại và nhìn vào bức tranh tổng thể".

    "Dù chúng tôi có thích hay không, mọi người vẫn muốn thấy lòng biết ơn", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với các phóng viên. "Bạn phải tìm cách thuyết phục những nước đã trao cho bạn kho vũ khí, đạn dược của họ".

    NATO cũng công bố các gói hỗ trợ quân sự trên diện rộng nhằm xoa dịu Kiev. "Chúng tôi đã thành công. Kết quả là tốt nhất có thể", nhà ngoại giao NATO nói.

    Tổng thống Zelensky sau đó đã dịu giọng hơn, bày tỏ biết ơn vì được tham gia các cuộc gặp với những lãnh đạo phương Tây ở Vilnius và kêu gọi NATO kết nạp Ukraine nhanh nhất có thể.

    Ông giải thích rằng vẫn xem xét cách dùng từ "vô lý" trong dòng tweet của mình, nhưng bày tỏ niềm tin rằng NATO sẽ không đưa ra các yêu cầu chính trị để Ukraine được mời gia nhập liên minh.

    Hôm 12/7, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak có cuộc trao đổi căng thẳng với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO - Ukraine.

    Một người chứng kiến cuộc trò chuyện cho biết có vẻ như Yermak đang cố thuyết phục Sullivan, nhưng cố vấn Mỹ "trông rất kiên quyết". Cuộc trao đổi kéo dài khoảng 30 phút.

    Nỗ lực căng thẳng để đảm bảo NATO giữ vững lập trường về vấn đề Ukraine thậm chí khiến một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Kiev cũng cảm thấy kiệt sức và bực bội.

    "Điều đó chẳng vui vẻ gì", một nhà hoạch định chính sách cấp cao NATO tham gia các cuộc đàm phán nói.

    Ukraine cũng không hoàn toàn hài lòng. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói rằng Kiev đã rất hy vọng nhận được lời mời chính thức gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh, ngay cả khi việc kết nạp chỉ có thể tiến hành sau khi chiến sự kết thúc.

    Nhưng điều đó đã không thành hiện thực. "Họ đã không có đủ ý chí chính trị", Ngoại trưởng Kuleba nói.


    Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Bloomberg)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 10 khách