Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Gió đảo chiều trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Gió đảo chiều trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 7 17, 2023 6:25 pm






    Từ chỗ e dè trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, châu Âu giờ đây cho thấy họ muốn Kiev giành chiến thắng đến mức nào, trong khi Mỹ tỏ ra thận trọng.

    Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước đã hé lộ bước thay đổi lớn trong liên minh xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu. Các quốc gia châu Âu, từng được coi là ít kiên định hơn trong nỗ lực ủng hộ Ukraine và dễ bị tổn thương hơn trước áp lực từ Nga, đang ngày càng trở nên quyết tâm trong nỗ lực giúp Kiev giành thắng lợi trước Moskva.

    Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, lại trở nên thận trọng hơn, bị hạn chế hành động bởi tình hình chính trị trong nước và mối lo ngại phải đối đầu trực diện với Nga.

    Hình ảnh
    Tổng thống Biden (ngoài cùng bên phải) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (giữa) vỗ tay chào mừng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva hồi tuần trước. Ảnh: WSJ

    Tại châu Âu, chia rẽ trong khu vực về viện trợ cho Ukraine đã giảm đáng kể, khi các quốc gia trước đây được coi là mềm mỏng với Nga, như Pháp, Italy, Tây Ban Nha hay Đức, đều đang xích lại gần hơn với những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất, như Ba Lan, các nước vùng Baltic và Bắc Âu.

    "Quá trình này phải mất một thời gian, nhưng sau đó hiệu ứng mới ngấm dần. Rất nhiều lãnh đạo châu Âu, trong đó có cả Đức, hiện hiểu rằng họ phải giúp Ukraine chiến thắng Nga nếu muốn bảo vệ an ninh của chính mình", Reinhard Butikofer, thành viên Nghị viện châu Âu, nói.

    Khác biệt giữa Washington và các đồng minh châu Âu trong lập trường với Ukraine ngày càng rõ rệt trong hàng loạt vấn đề, từ triển vọng gia nhập NATO đến việc hỗ trợ những khí tài mà Kiev cần cho cuộc phản công hay mong muốn về một giải pháp hòa bình với Điện Kremlin trong thời gian tới.

    "Thông điệp được Tổng thống Biden liên tục đưa ra là sự thống nhất của liên minh luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhưng vấn đề bây giờ là chính quyền Biden đang tụt hậu so với châu Âu và chính họ đang gây rắc rối cho mối đoàn kết trong khối", Slawomir Debski, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, bình luận.

    Mỹ vẫn là bên ủng hộ lớn nhất của Ukraine và Tổng thống Biden đã nhắc lại tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, rằng cam kết của Washington sẽ không lung lay, cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tham gia vào một "ván cược tồi" khi nghi ngờ sức mạnh đoàn kết của phương Tây.

    Nhưng những luồng gió chính trị đang đảo chiều ở hai bờ Đại Tây Dương. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa tìm cách lôi kéo cử tri bằng thông điệp sẽ chấm dứt mọi biện pháp hỗ trợ dành cho Ukraine để ưu tiên giải quyết các vấn đề của Mỹ. Vai trò của Washington với xung đột Ukraine nhiều khả năng sẽ trở thành chủ đề lớn trong các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ năm tới.

    Hồi giữa tuần trước, đề xuất ngừng mọi hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã nhận được 70 phiếu từ các nghị sĩ Cộng hòa, tương đương gần 1/3 tổng số thành viên Hạ viện của đảng này.

    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tìm cách trở lại Nhà Trắng vào năm tới, đã cáo buộc Tổng thống Biden đẩy Mỹ tới gần Thế chiến III bằng cách cung cấp đạn chùm cho Ukraine.

    Trong khi đó, không có nhiều lãnh đạo châu Âu phải vướng bận với vấn đề bầu cử trong thời gian tới. Các nền kinh tế châu Âu đã thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng Nga và ngay cả các đảng theo chủ nghĩa dân tộc từng ủng hộ Nga giờ đây cũng hiếm khi công khai đứng về phía Moskva.

    Nhiều lãnh đạo chủ chốt châu Âu, những người đã thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga vào năm ngoái, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang dần đi đến quan điểm thống nhất rằng không thể đạt được thỏa thuận nào về Ukraine cho đến khi Nga thất bại trên chiến trường.

    "Niềm tin ngày càng lớn ở châu Âu rằng thất bại của Nga cần phải cực kỳ rõ ràng", Camille Grand, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu tại Brussels, Bỉ, cựu trợ lý Tổng thư ký NATO, cho hay.

    Điện Kremlin đã chỉ trích quan điểm này, cho rằng xung đột Ukraine chỉ có thể kết thúc khi phương Tây từ bỏ kế hoạch giáng đòn "thất bại chiến lược" với Nga.

    Tổng thống Biden trong phát biểu tại Helsinki, Phần Lan, tuần trước, cho biết kỳ vọng của ông là "Ukraine đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc phản công" để có thể đi đến thỏa thuận hòa bình ở "đâu đó dọc chiến tuyến".

    Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nói rằng không có giải pháp hòa bình nào khả thi cho đến khi Ukraine giành lại được tất cả lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, chiếm khoảng 20% diện tích đất nước, và nhận được các khoản bồi thường từ Moskva.

    Tại hội nghị ở Vilnius, Mỹ đã khiến nhiều đồng minh ngạc nhiên khi từ chối thảo luận về việc kết nạp Ukraine vào NATO. Mỹ cho biết họ không muốn đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào khi xung đột Ukraine chưa có hồi kết rõ ràng, vì điều đó có nguy cơ kéo liên minh vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

    Tổng thống Zelensky đã vô cùng thất vọng và đăng dòng tweet đầy giận dữ khi đến Vilnius. "Tư cách thành viên của Ukraine trong NATO đang được để dành nhằm đàm phán với Nga. Và đối với Nga, điều này là động lực để họ kéo dài cuộc chiến", ông viết.

    Daria Kaleniuk, nhà hoạt động xã hội dân sự Ukraine, đã nêu quan điểm này trong một cuộc trao đổi gay gắt với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Bà đã hỏi ông Sullivan tại một diễn đàn công khai của NATO ở Vilnius rằng có đúng là Tổng thống Biden "không mời Ukraine vào NATO vì sợ Nga, sợ Nga thua, sợ Ukraine thắng?".

    Suy đoán rằng có những kênh liên lạc hậu trường giữa Washington và Moskva, bà tiếp tục đặt câu hỏi: "Tôi có nên chuẩn bị cho con trai mình trở thành một người lính và chiến đấu với Nga khi nó 18 tuổi, sau 7 năm nữa không?".

    Ông Sullivan trả lời rằng bất kỳ ám chỉ nào về kênh đàm phán bí mật giữa Washington với Moskva mà không có sự tham gia của Kiev là điều "hoàn toàn vô căn cứ và phi lý".

    Xuất hiện trên kênh NBC ngày 16/7, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng tái khẳng định Ukraine gia nhập NATO "không phải việc có thể đàm phán với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Nga".

    Những thay đổi về viện trợ quân sự cho Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và nhiều đồng minh châu Âu. Đến nay, hỗ trợ tổng thể của châu Âu và Mỹ gần như giống nhau. Washington vẫn cung cấp hầu hết các loại vũ khí mà Kiev sử dụng, nhưng các quốc gia châu Âu gần đây đã vượt lên trong nỗ lực cung cấp các loại vũ khí mới, tinh vi và tầm xa hơn mà Ukraine cho rằng sẽ giúp họ đạt được thành công trên chiến trường.

    Trong khi Mỹ chưa đồng ý cung cấp tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm bắn 300 km mà Ukraine mong mỏi, Anh và Pháp đã chuyển tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine, giúp Kiev tăng khả năng tập kích sâu trong phòng tuyến Nga.

    Washington chưa chuyển giao xe tăng Abrams như đã cam kết, trong khi rất nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực của Đức và Anh đã có mặt trên chiến trường Ukraine. Chính quyền Biden cũng trì hoãn nỗ lực của châu Âu nhằm cung cấp cho Kiev tiêm kích F-16 do các nước như Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy sở hữu.

    "Chúng tôi từng nghĩ rằng vấn đề nằm ở Đức, nhưng giờ đây, vấn đề ngày càng rõ ràng là ở Mỹ", Vygaudas Usackas, cựu ngoại trưởng Litva kiêm cựu đại sứ EU tại Moskva, nhận xét.

    Bên trong châu Âu, thay đổi đáng kể nhất có lẽ đang diễn ra ở Pháp, cường quốc hạt nhân duy nhất của EU. Tổng thống Macron, người từng tìm kiếm con đường ngoại giao với Tổng thống Nga Putin vào năm ngoái, ngày càng tin rằng chiến thắng của Ukraine là điều duy nhất có thể chấm dứt xung đột.

    Niềm tin này được ông thể hiện trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt ở Bratislava, Slovakia, hôm 31/5. "Chỉ có một nền hòa bình trong khả năng, một nền hòa bình dựa trên tôn trọng pháp luật và được lựa chọn bởi các nạn nhân của cuộc xung đột, người dân Ukraine", ông nói.

    Hình ảnh
    Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Ukraine Zelensky bắt tay trước cuộc họp báo chung tại Kiev hồi tháng hai. Ảnh: Reuters

    Tại Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni, người đứng đầu liên minh cánh hữu gồm các đảng có lịch sử thân thiện với Tổng thống Putin, giờ đây cũng trở thành một trong những lãnh đạo bảo vệ Ukraine mạnh mẽ nhất, kể từ khi bà lên nắm quyền vào tháng 10 năm ngoái.

    "Việc một số quốc gia châu Âu nghiêng về cánh hữu không nhất thiết đồng nghĩa rằng họ sẽ ngừng ủng hộ Ukraine", Nathalie Tocci, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Rome, Italy, bình luận.

    Việc châu Âu ngày càng kiên định ủng hộ Ukraine cho thấy một thực tế là "cuối cùng thì địa lý cũng đóng vai trò quan trọng. Mỹ ở rất xa và có thể chung sống với một thỏa hiệp mà người châu Âu sẽ phải đấu tranh nhiều hơn nữa mới chấp nhận được", bà cho biết thêm.



    Vũ Hoàng (Theo WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 22 khách