Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Đội quân hỗn hợp giữ phòng tuyến Nga ở Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Đội quân hỗn hợp giữ phòng tuyến Nga ở Ukraine

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 8 08, 2023 4:41 pm






    Quân đội Nga triển khai lính tinh nhuệ vào các đơn vị tình nguyện hoặc nghĩa vụ để bảo vệ phòng tuyến trước chiến dịch phản công của Ukraine.

    Quân đội Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn hơn hai tháng, nhưng tới nay chưa xuyên thủng được phòng tuyến Nga, khi đối mặt trận địa được bố trí chặt chẽ và đội quân phòng ngự được đánh giá là chặt chẽ và kỷ luật hơn.

    Để làm được điều này, Nga đã áp dụng chiến lược "phối trộn", đưa các binh sĩ thuộc lực lượng tinh nhuệ vào các đơn vị thông thường, nhằm kết hợp giữa kỹ năng, kinh nghiệm tác chiến với quân số để giữ phòng tuyến.

    Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho hay các đơn vị thông thường của Nga, gồm lính nghĩa vụ, lính bộ binh và các tình nguyện viên sẽ phát huy hiệu quả chiến đấu cao hơn khi có sự dẫn dắt của lính đặc nhiệm và các cựu binh dày dạn kinh nghiệm.

    "Nga có lực lượng với các đơn vị đa dạng về chất lượng. Ở chiến tuyến miền nam, họ đã phát triển cách đối phó với Ukraine và giảm thiểu một số điểm yếu", chuyên gia Lee cho biết, đồng thời nhận định đây là những gì mà Nga học được từ đợt phản công chớp nhoáng của Ukraine năm ngoái tại tỉnh Kharkov và Kherson.

    Hình ảnh
    Thành viên đơn vị trinh sát Nga tham chiến tại tỉnh Lugansk ngày 30/6. Ảnh: BQP Nga

    Chuyên gia này cho biết tại những khu vực phòng thủ ít quan trọng, Nga triển khai những đơn vị với lính mới có trang bị kém và ít được huấn luyện hoặc lính tình nguyện như lực lượng Storm Z, vốn được phương Tây cho là gồm tù nhân tham gia chiến đấu để được ân xá.

    Quyết định này giúp các đơn vị thiện chiến hơn của bộ binh cơ giới và đặc nhiệm rảnh tay để tập trung có các khu vực quan trọng hơn. "Hải quân đánh bộ và những đơn vị thiện chiến hơn được điều tới những khu vực trọng yếu trên tiền tuyến, thậm chí tham gia các trận phản kích", ông Lee nói.

    Theo ông Lee, Nga từng sử dụng đặc nhiệm Spetsnaz làm đơn vị xung kích trong giai đoạn đầu của chiến sự với Ukraine để bù đắp điểm yếu của bộ binh tuyến dưới. Tuy nhiên, cách đánh này được cho là sai lầm, khiến lực lượng tinh nhuệ Nga, vốn chỉ được vũ trang gọn nhẹ, hứng chịu tổn thất lớn.

    Các đơn vị Spetsnaz giờ đây được sử dụng để phụ trách các đợt phản kích, thay vì trực tiếp đối mặt với hỏa lực hạng nặng của Ukraine.

    "Khi Ukraine tiến công vào một hướng nào đó, Nga có thể điều động các đơn vị Spetsnaz thiện chiến tới tăng viện cho những đơn vị yếu hơn tại đây. Điều này khiến đối phương nghĩ rằng ngay cả các đơn vị yếu hơn của Nga cũng có khả năng chiến đấu mạnh mẽ", ông Lee nhận định.

    Quân đội Nga tới nay vẫn áp dụng học thuyết phòng thủ riêng. Các đơn vị thông thường được bố trí trong chiến hào ở tuyến đầu, với hỗ trợ từ bãi mìn dày đặc và hỏa lực yểm trợ của pháo binh.

    Trong khi đó, các đơn vị thiện chiến được bố trí ở tuyến hai. Mỗi lúc tuyến đầu thất thủ và rút lui, lính Nga ở tuyến hai sẵn sàng phản kích để đánh bật lực lượng Ukraine trước khi họ có thể củng cố vị trí ở chiến hào vừa chiếm được.

    Hình ảnh
    Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

    "Chiến dịch phản công của Ukraine giống như trận đánh để chiếm các hàng cây. Khi lực lượng Ukraine tiến lên và chiếm được một hàng cây, xe tăng và thiết giáp Nga sẽ nã đạn vào hàng cây đó từ khoảng cách vài km", chuyên gia Lee nói.

    Đơn vị Ukraine tại hàng cây này sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu không có các vũ khí chống tăng hiệu quả có thể đối phó xe tăng, thiết giáp Nga ở khoảng cách xa. "Bãi mìn dày đặc sau lưng khiến họ gặp khó trong tiếp tế và triển khai các năng lực bổ sung", ông cho hay.

    Giới quan sát cho rằng quân đội Nga đã chứng tỏ được khả năng thích ứng với tình hình, sau những phản ứng chậm chạp trong đợt phản công của Ukraine ở Kharkov và Kherson năm ngoái.

    "Nga khi đó đã đánh giá thấp khả năng phản công của Ukraine. Họ không phòng thủ nghiêm túc, không cài mìn hay thiết lập nhiều phòng tuyến, cũng như phối hợp kém", ông Lee nói.

    Sai lầm ở Kharkov đã giúp Nga rút ra nhiều bài học và đang áp dụng với phòng tuyến hiện nay ở miền đông và nam Ukraine, khiến chiến dịch phản công của Kiev chậm chạp bất thường.

    Chiến thuật phối trộn lính cựu và lính mới trong các đơn vị bảo vệ phòng tuyến của Nga giúp họ có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao hơn, tạo ra thách thức lớn cho quân đội Ukraine, vốn đã bị áp đảo về quân số và vũ khí.

    "Các đơn vị Nga giờ đây không nhanh chóng đầu hàng hay rút chạy như một số người từng nghĩ. Họ đang thực sự chiến đấu", chuyên gia Lee nhận định.

    Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 35 khách