Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nỗi bất bình khiến thương binh Ukraine tìm cách đào ngũ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nỗi bất bình khiến thương binh Ukraine tìm cách đào ngũ

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 9 26, 2023 4:37 pm






    Sau khi hồi phục vết thương và được lệnh quay lại chiến trường, Andrii quyết định đào ngũ, khi chứng kiến tình trạng tham nhũng trong quân đội khiến anh bất bình.

    Andrii, 20 tuổi, trúng đạn ở vai trong trận đánh tại chiến trường miền đông Ukraine hồi mùa xuân. Vài phút sau, một mảnh đạn pháo găm vào lưng Andrii, khi anh vẫn đang nằm lăn lộn trên mặt đất lầy lội.

    Andrii được đưa về hậu phương để chữa trị. Vài tháng sau, Andrii nhận quyết định xuất viện và được lệnh phải quay trở lại chiến trường. Đó là lúc anh quyết định đào ngũ, dù từng tình nguyện gia nhập quân đội cách đây hai năm.

    "Nếu tôi bị thương một lần nữa, đó sẽ là vết thương do chính tôi gây ra. Tôi sẵn sàng bắn vào chân mình để không phải quay lại chiến trường", Andrii nói tại nơi trú ẩn ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine.

    "Tôi là quân nhân chuyên nghiệp phục vụ theo hợp đồng", Andrii cho biết. "Tuy nhiên, khi chứng kiến quá nhiều nạn tham nhũng và bất tài trong hệ thống vốn không quan tâm tới tôi, tôi không muốn quay lại để chết trong chiến hào".

    Phần lớn dư luận xã hội Ukraine vẫn ủng hộ quân đội và Tổng thống Volodymyr Zelensky chống lại chiến dịch của Nga, nên những người đào ngũ có quan điểm như Andrii là thiểu số. Tuy nhiên, nó cũng phần nào phản ánh thách thức của Kiev trong nỗ lực duy trì nguồn binh lực ra tiền tuyến, khi đối mặt với nỗi bất bình về tình trạng tham nhũng trong quân đội, hiện tượng trốn nhập ngũ và cách đối xử với thương binh.

    Hình ảnh
    Tân binh Ukraine trong buổi huấn luyện tại miền trung nước này hồi tháng 3. Ảnh: Reuters

    Andrii cho biết khi anh bị thương, viên đạn xuyên qua vai, để lại các mảnh kim loại kẹt ở khớp xương, gây đau đớn. Ca phẫu thuật tại bệnh viện ở Vinnytsia chỉ thành công một phần, các mảnh đạn không được lấy ra hết khiến tay trái của Andrii thường xuyên đau nhức, tê bì.

    "Các bác sĩ nói họ không thể lấy hết mảnh đạn ra ngoài do sợ có thể làm tổn thương dây thần kinh và khiến tay tôi bị liệt", anh cho biết.

    Một bác sĩ đề nghị Andrii hối lộ ông ta 1500 USD để được cấp chứng nhận không đủ điều kiện sức khỏe quay lại chiến trường, song Andrii từ chối vì muốn được chữa trị triệt để và "tiếp tục chiến đấu chống lại Nga và trả thù cho những người bạn đã chết".

    Các ủy ban quân y, cơ quan phụ trách khám tuyển nghĩa vụ quân sự và chăm sóc sức khỏe cho thương binh, là tâm điểm trong cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn mà giới chức Ukraine đang tiến hành nhằm vào hệ thống tuyển quân.

    Các quan chức liên quan bị cáo buộc đã nhận hối lộ để giúp hàng nghìn thanh niên Ukraine trốn nghĩa vụ quân sự. Mức hối lộ ở mỗi nơi khác nhau, nhưng những người trốn tránh nghĩa vụ thường được yêu cầu chi 6.000 USD để làm giả giấy chứng nhận y tế không đủ điều kiện nhập ngũ.

    Yevhen Borysov, người đứng đầu trung tâm tuyển quân vùng Odessa, hồi tháng 7 đã bị bắt để điều tra hành vi tham nhũng, sau khi bị phát hiện sở hữu một căn biệt thự trị giá 4,5 triệu USD tại Tây Ban Nha.

    Tổng thống Zelensky ngày 30/8 cho biết số người được miễn nghĩa vụ quân sự vì lý do y tế đã tăng gấp 10 lần kể từ khi chiến sự nổ ra, cho rằng đây "hoàn toàn là vì hành vi tham nhũng". Ông trước đó thông báo cách chức toàn bộ quan chức tuyển quân cấp tỉnh, cho rằng hệ thống tuyển quân cần được vận hành bởi "những người hiểu chính xác chiến sự là gì".

    Theo Valeriy Bolhan, thành viên một tổ chức phi chính phủ về chống tham nhũng tại Odessa, miền nam Ukraine, các quan chức biến chất không chỉ nhận tiền để giúp thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, mà còn tìm cách lợi dụng những binh sĩ có vấn đề về sức khỏe như Andrii.

    "Chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp cần được giải ngũ vì bị thương, song lại bị ép phải chi tiền hối lộ mới được ra quân", Bolhan nói. "Một số trường hợp muốn nhập ngũ nhưng không đủ điều kiện sức khỏe, nên lại phải chi tiền để được ra chiến trường".

    Nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời khỏi đất nước kể từ tháng 2/2022, thời điểm chiến sự với Nga nổ ra. Họ phải sẵn sàng nhập ngũ khi có yêu cầu, ngoại trừ những người được miễn nếu có lý do y tế, du học, làm cha đơn thân, có từ ba con trở lên hoặc phải chăm sóc người khuyết tật.

    Ukraine tháng trước đã mở rộng đối tượng gọi nhập ngũ, loại những người mắc một số bệnh như viêm gan siêu vi, tuyến giáp, rối loạn tâm thần dạng nhẹ ra khỏi diện được miễn triệu tập. Từ tháng 10, phụ nữ làm việc trong một số lĩnh vực y tế cũng có thể được gọi vào quân đội.

    Hình ảnh
    Tân binh Ukraine tập luyện tại tỉnh Rivne hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

    Các chính sách này giúp lực lượng quân sự Ukraine tăng đáng kể so với trước khi xung đột bùng phát. Quân đội Ukraine hiện có khoảng 700.000 binh sĩ, bên cạnh hơn 250.000 người thuộc các lực lượng biên phòng, cảnh sát và vệ binh quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung lực lượng của Kiev vẫn rất lớn, khi ước tính khoảng 70.000 binh sĩ nước này đã thiệt mạng kể từ đầu chiến sự, theo số liệu được giới chức Mỹ công bố hồi tháng 8.

    Việc duy trì các lực lượng thiện chiến cũng là mục tiêu của quân đội Ukraine. Tân binh thường thiếu kinh nghiệm và không được đào tạo kỹ lưỡng trước khi ra chiến trường, nên các binh sĩ như Andrii luôn được chú trọng giữ lại, dù là bằng cách từ chối cho họ ra nước ngoài chữa trị.

    "Tôi được biết rằng tay của mình có thể hoạt động bình thường trở lại nếu được phẫu thuật tại Đức, nên tôi đã lên kế hoạch sang đó", Andrii cho biết. "Tuy nhiên, họ không cấp phép cho tôi rời khỏi đất nước".

    Khi Andrii chuẩn bị xuất viện, các quan chức cho rằng vết thương của anh chưa đến mức được giải ngũ hay ra nước ngoài phẫu thuật. Thay vào đó, anh được lệnh phải trở về đơn vị chiến đấu ở Donbass.

    Cay đắng và đau đớn, Andrii nhờ tiểu đoàn trưởng của mình giúp đỡ, nhưng sĩ quan này yêu cầu anh "đừng làm phiền". Đó là giọt nước tràn ly đối với Andrii.

    "Tôi chợt nhận ra rằng tiểu đội 6 người của tôi chỉ có hai người sống sót. Tay tôi đã hỏng, nhà thì mất. Bác sĩ đòi tôi hối lộ mới được giải ngũ, trong khi tôi không có tiền. Họ bắt tôi phải chiến đấu tiếp dù tôi đang bị thương", binh sĩ này nói.

    "Tại sao tôi phải quay lại chiến trường? Tôi không quan tâm nữa. Họ biết tôi ở đâu, nếu muốn thì cứ tới bắt, nhưng tôi sẽ không bao giờ chiến đấu nữa", Andrii tuyên bố.




    Phạm Giang (Theo Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 20 khách