Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Armenia tiến tới gia nhập ICC
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27917
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Armenia tiến tới gia nhập ICC

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 10 03, 2023 2:06 pm






    Quốc hội Armenia phê chuẩn Quy chế Rome, hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế, để trở thành thành viên của tòa này, bất chấp cảnh báo từ Nga.

    Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan ngày 3/10 cho biết 60 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 22 nghị sĩ bỏ phiếu chống về việc phê chuẩn Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Quốc hội Armenia thông qua tuyên bố về công nhận quyền tài phán của cơ quan này.

    Phê chuẩn Quy chế Rome là thủ tục để gia nhập ICC. Tổng thống Armenia sẽ ký quyết định và nó sẽ có hiệu lực 60 ngày sau cuộc bỏ phiếu.

    Nga chỉ trích quyết định của Armenia. "Từ góc độ quan hệ song phương, chúng tôi không cho rằng việc Armenia tham gia Quy chế Rome là đúng. Chúng tôi vẫn tin đó là quyết định sai lầm", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

    Gia nhập ICC đồng nghĩa với việc Armenia sẽ có nghĩa vụ bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đặt chân tới quốc gia này. ICC hồi tháng 3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin vì những cáo buộc liên quan tới xung đột Ukraine.

    Armenia giải thích động thái của họ là vì lợi ích an ninh của đất nước, nhằm giải quyết "tội ác chiến tranh" do Azerbaijan gây ra, chứ không nhằm vào Nga.

    Hình ảnh
    Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan. Ảnh: Photolure

    Từ khi xuất hiện thông tin Armenia chuẩn bị gia nhập ICC vào tháng trước, Nga đã nhiều lần cảnh báo Armenia đây là động thái "thù địch". Tuy nhiên, Yerevan sau đó nói rằng họ đã bàn thảo kế hoạch với Moskva. Quan chức Nga hôm nay nhận xét giới chức Armenia đã sai lầm khi cho rằng việc gia nhập ICC không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

    Armenia ký tham gia Quy chế Rome từ năm 1999 nhưng chưa thông qua. Năm 2004, Tòa án Hiến pháp Armenia phán quyết Quy chế Rome vi hiến. Tuy nhiên, Armenia sau đó sửa đổi hiến pháp, mở đường cho quá trình phê duyệt Quy chế Rome tại quốc hội.

    Nga và Armenia là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Nga cũng có căn cứ quân sự ở Armenia, nhưng căng thẳng giữa hai bên ngày càng leo thang liên quan tới vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực Nagorno-Karabakh.

    Khi Azerbaijan mở chiến dịch "chống khủng bố" ngày 19/9 ở vùng ly khai này, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không có bất cứ hành động can thiệp nào nhằm ngăn cản lính Azerbaijan, mà chủ yếu tập trung vào nỗ lực sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh. Phe ly khai Nagorno-Karabakh ngày 20/9 đầu hàng, chấp nhận giải tán lực lượng.

    Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan sau đó chỉ trích Nga không làm đủ để bảo vệ người gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh. Armenia tháng này cũng tuyên bố sẽ tổ chức tập trận chung với lực lượng Mỹ, điều bị Moskva lên án là "bước đi không thân thiện".



    Ngọc Ánh (Theo Reuters/TASS)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 19 khách