Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Động lực thúc đẩy Hamas bắt đầu trao trả con tin
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Động lực thúc đẩy Hamas bắt đầu trao trả con tin

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 10 25, 2023 2:48 pm






    Trả tự do cho 4 con tin đầu tiên trong hơn 220 người bị giam ở Gaza, Hamas dường như muốn thể hiện thiện chí đàm phán, cũng như trì hoãn chiến dịch của Israel.

    Hamas ngày 23/10 thông báo thả thêm hai phụ nữ bị bắt làm con tin trong đợt tấn công của nhóm nhằm vào Israel hồi đầu tháng, sau nỗ lực đàm phán của Qatar và Ai Cập. Hai người này là công dân Israel Yocheved Lifshitz, 85 tuổi, và Nurit Cooper, 79 tuổi, được trở về an toàn và khỏe mạnh sau hai tuần bị Hamas giam trong mạng lưới đường hầm ở Dải Gaza.

    Tuần trước, Hamas thả hai công dân Mỹ là Judith Tai Raanan và con gái Natalie Shoshana Raanan cũng với lý do nhân đạo sau nỗ lực đàm phán của Qatar. Tuy nhiên, theo thông báo từ giới chức Israel, Hamas hiện vẫn giữ ít nhất 220 con tin.

    Hình ảnh
    Các tay súng Hamas ở Dải Gaza hồi năm 2016. Ảnh: AFP

    Stephen Zunes, giáo sư chính trị Trung Đông tại Đại học San Francisco, cho rằng việc Hamas trả tự do cho các con tin đầu tiên là một "tín hiệu tốt" cho nỗ lực đàm phán nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng.

    "Hamas làm điều này như một cử chỉ thiện chí, nhằm cho Israel biết rằng họ sẵn sàng đàm phán", ông nói. Đây là động thái quan trọng, trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng, khi Israel liên tục không kích nhắm vào Dải Gaza, còn Hamas đáp trả bằng những đợt phóng rocket vào lãnh thổ đối phương.

    Tín hiệu giảm căng thẳng được Khaled Meshaal, cựu thủ lĩnh Hamas, đưa ra trong cuộc phỏng vấn hôm 23/10, khi thông báo Hamas sẽ xem xét thả con tin khi Israel giảm không kích Dải Gaza. "Cơ hội đàm phán hòa bình thực sự sẽ đến nếu Israel rút khỏi những vùng đất họ đang chiếm đóng", Meshaal cho hay.

    Tuy nhiên, Zunes cũng lưu ý rằng nỗ lực đàm phán có thể gặp khó khăn do những cuộc oanh tạc liên tục của Israel tại Gaza, điều mà ông mô tả là một môi trường "không lý tưởng cho các cuộc thảo luận".

    Christopher O'Leary, chuyên gia về giải cứu con tin, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho rằng hai đợt thả con tin của Hamas là những động thái đã được tính toán kỹ lưỡng, nhằm phát thông điệp không chỉ tới Israel, mà còn tới Mỹ và dư luận thế giới.

    Theo đó, việc Hamas thả hai con tin người Mỹ đầu tiên là bước đi nhằm gây áp lực buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden thuyết phục Israel trì hoãn cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Các nguồn tin nói rằng Mỹ đã gây sức ép để Israel hoãn đưa quân vào khu vực này để có thêm thời gian đàm phán giải cứu con tin.

    Hamas tiếp đó thả hai phụ nữ Israel lớn tuổi nhằm cho thế giới thấy rằng họ "là đối tác đàm phán thích đáng và có khuynh hướng nhân đạo nhất định", O'Leary nói.

    Sau khi được trả tự do, Yocheved Lifshitz tiết lộ rằng bà và một số người khác đã bị tách khỏi nhóm chính, đưa đến một căn phòng nhỏ hơn trong mạng lưới đường hầm bí mật của Hamas ở Gaza. Bà được đối xử tử tế trong thời gian này, cho đến khi được trả tự do.

    O'Leary cho rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

    "Hamas có lẽ muốn phân loại các nạn nhân thành những nhóm khác nhau như phụ nữ và trẻ em, người có bệnh lý, người mang hai quốc tịch, dân thường và binh sĩ Israel", ông cho hay. "Bạn không muốn xếp chung binh lính với dân thường, bởi họ sẽ tìm cơ hội để trốn thoát hoặc thu thập thông tin, khiến Hamas phải tăng cường an ninh".

    Cả Lifschitz và Cooper đều được trao trả mà không có chồng của họ, những người vẫn bị giữ lại tại Gaza. O'Leary suy đoán rằng Hamas sẽ "thả nhỏ giọt con tin theo thời gian" để trì hoãn cuộc tấn công của Israel và khôi phục hình ảnh của nhóm sau vụ tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7/10. "Họ muốn được coi là lực lượng chiến đấu hợp pháp, hành động theo luật chiến tranh", ông nói.

    Nhưng O'Leary nhận định Hamas sẽ không thả vô điều kiện các binh sĩ Israel, bởi đây là những "quân bài thương lượng có giá trị nhất".

    "Hamas từng bắt một binh sĩ Israel làm con tin từ năm 2006 đến 2011 và đã đàm phán đổi người này lấy hàng nghìn tù nhân Palestine", ông cho biết, đề cập đến thỏa thuận giữa Tel Aviv và Hamas nhằm trao đổi binh sĩ Israel Gilad Shalit.

    Sử dụng những binh sĩ Israel bị bắt làm đòn bẩy đàm phán để Tel Aviv thả hàng nghìn tù nhân đang bị giam ở Israel là một phần trong mục tiêu lớn hơn của nhóm.

    Giới quan sát cho rằng việc Hamas dần thả các con tin cũng sẽ gián tiếp gây áp lực lên giới lãnh đạo Israel. Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang mắc kẹt giữa cam kết "xóa sổ" Hamas và lời hứa mang các con tin trở về an toàn. Lời kể của các con tin về những gì họ phải trải qua trong tay Hamas sẽ thôi thúc gia đình những nạn nhân khác lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa nhằm thúc giục chính quyền hành động.

    "Israel muốn người dân của họ được quay về, nhưng cũng muốn giáng một đòn chí mạng vào Hamas khiến lực lượng này không bao giờ hồi phục được nữa. Hai mục tiêu trên có lẽ đang xung đột với nhau. Nếu muốn giải cứu con tin, họ sẽ phải đàm phán", tiến sĩ HA Hellyer từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, chuyên gia tại Viện Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), bình luận.

    Các chuyên gia quân sự đều nhận định rằng Israel gần như không có khả năng giải cứu con tin bằng các chiến dịch đột kích. Môi trường đô thị đổ nát ở Gaza, việc thiếu thông tin tình báo và địa điểm giam con tin nằm rải rác trong mạng lưới đường hầm phức tạp sẽ khiến cơ hội thành công của chiến dịch giải cứu gần như bằng không.

    "Triển khai một chiến dịch giải cứu là điều cuối cùng chúng ta nên làm nếu muốn tối đa hóa cơ hội sống sót của con tin", Timor Israel, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm Israel, đánh giá.

    Các chuyên gia cũng cho rằng chiến thuật gây áp lực lên bên bắt con tin là rất nguy hiểm và có thể khiến nhiệm vụ của những bên trung gian trở nên khó khăn hơn.

    "Các nhà đàm phán sẽ muốn tình hình được kiểm soát, cô lập bên giữ con tin và bắt đầu nói chuyện", Zorka Martinovich, người đã có 18 năm kinh nghiệm làm nhà đàm phán con tin cho FBI, giải thích. "Điều mà chúng tôi gọi là 'thao túng lo âu' bằng cách gây áp lực lớn có khả năng kích động phản ứng thái quá của bên bắt con tin, khiến mọi thứ đổ bể".

    "Bất kỳ mối đe dọa nào cũng cần được xem xét nghiêm túc, nhưng nhìn chung con tin còn sống luôn có giá trị cao nhất. Hamas mới chỉ thả 4 con tin, nhưng đó cũng đã là điều đáng khích lệ và là tín hiệu tích cực rằng họ vẫn có thể đàm phán", ông nói, nhấn mạnh rằng tình hình sẽ vô cùng nguy hiểm khi mọi cánh cửa đàm phán đều đóng sập.



    Vũ Hoàng (Theo NYPost, Guardian, Al Jazeera)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 16 khách