Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Thế khó của Israel khi tấn công Gaza

Đã gửi: Thứ 3 Tháng 10 31, 2023 4:57 pm
by VietNews





Israel đối mặt áp lực ngày càng lớn khi phải lựa chọn giữa "hủy diệt" Hamas và bảo toàn mạng sống của con tin cùng hơn 2 triệu dân thường Gaza.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gần đây liên tục tiến hành các đợt đột kích bằng bộ binh, xe tăng trong chiến dịch "tiến công mở rộng" nhằm vào Dải Gaza sau trận không kích dữ dội chưa từng có hôm 27/10.

"Mặt đất Gaza đang rung chuyển", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sáng 28/10, mô tả đây là "giai đoạn tiếp theo" trong cuộc chiến nhằm "xóa sổ" nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas. "Chúng tôi tấn công cả trên bộ và dưới lòng đất".

Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của Israel đang được tiến hành trong một khu vực rất đông dân. Gaza là vùng đất có diện tích 365 km2, nhưng có khoảng 2,3 triệu người sinh sống, trở thành một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Chiến dịch không kích của Israel cùng các đợt tiến công trên bộ đã khiến hơn 8.000 người ở Gaza đã thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương. Khoảng một triệu người ở miền bắc Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, nhiều khu phố biến thành đống đổ nát, hơn 200 trường học bị phá hủy, trong đó 29 cơ sở do Liên Hợp Quốc điều hành.

Hình ảnh
Người dân Gaza sau trận không kích ở Rafah, miền nam Gaza ngày 29/10. Ảnh: AFP

Khi số dân thường thiệt mạng ngày một tăng, Israel đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ dư luận Trung Đông và nguy cơ suy giảm ủng hộ từ đồng minh, làm dấy lên lo ngại về hiệu quả chiến dịch chống lại Hamas.

"Lực lượng Israel đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan", Shimrit Meir, từng là cố vấn ngoại giao của cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett, nói. Bà lưu ý rằng lựa chọn của Tel Aviv là rất khó khăn, bởi họ vừa muốn loại bỏ mối đe dọa Hamas, vừa phải bảo vệ tính mạng của hơn 220 con tin và khoảng 2 triệu thường dân Palestine, cũng như duy trì sự ủng hộ của phương Tây với hoạt động quân sự của mình.

Quân đội Israel tới nay đã sử dụng khoảng 10.000 quả bom, tên lửa, đạn pháo các loại để tập kích Gaza, gấp đôi lượng bom đạn mà lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu từng khai hỏa để giành lại thành phố Mosul, miền bắc Iraq trong chiến dịch tháng 3/2017 chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo nhóm theo dõi thiệt hại dân sự Airwars ở Anh.

IDF thừa nhận rằng chiến dịch tấn công trên bộ và không kích sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho 2,3 triệu dân Gaza. "Mọi chiến thắng đều phải trả giá. Song để tiêu diệt kẻ thù, không có cách nào ngoài dùng vũ lực xâm nhập lãnh thổ này", tướng Herzi Halevi, phát ngôn viên IDF, nói ngày 28/10.

IDF tuyên bố họ luôn cố gắng tuân thủ luật pháp quốc tế và giảm thiểu thương vong bằng cách tấn công chính xác vào những mục tiêu đã được tình báo Israel xác định. Họ cũng cáo buộc Hamas vi phạm luật quốc tế khi dùng dân thường làm "lá chắn sống" cho khoảng 30.000 tay súng và cất trữ vũ khí trong hệ thống đường hầm dài 400 km, trong đó nhiều đường hầm chạy dưới các địa điểm dân sự như bệnh viện và trường học.

"Chúng tôi biết các đường hầm nằm dưới bệnh viện Shifa. Quản lý bệnh viện ở miền bắc Gaza này đã từ chối yêu cầu sơ tán và tuyên bố 'sẽ tử vì đạo'", Meir, cựu cố vấn chính phủ Israel, nói.

Quan chức Hamas đã gọi những tuyên bố như vậy của Israel là "vô căn cứ và dối trá".

Hiệu quả chiến dịch không kích của IDF hiện chưa rõ. Hamas và đồng minh, nhóm Islamic Jihad của người Palestine, vẫn tiếp tục nã rocket vào lãnh thổ Israel. Tốc độ khai hỏa của Hamas đã giảm, song giới phân tích cho rằng có thể nhóm đang tiết kiệm vũ khí để phục vụ cuộc chiến lâu dài.

"Mục tiêu nên là loại bỏ năng lực quân sự của Hamas, đặc biệt là khả năng khai hỏa rocket. Đó là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Israel. Nó giống như có khẩu súng liên tục chĩa vào đầu chúng tôi", Meir nói.

Giới phân tích nói rằng chiến dịch "tấn công mở rộng" hiện nay của IDF phục vụ một số mục đích, trong đó chủ yếu là khiến các chỉ huy Hamas rối loạn.

"Những gì chúng ta đang thấy là lực lượng Israel đang nhanh chóng tiến hành các cuộc tấn công đồng thời. Nó không chỉ khiến các chỉ huy Hamas bối rối về những gì đang xảy ra, mà còn đảm bảo nhóm này không kịp phản ứng", Mick Ryan, cựu tướng quân đội Australia và hiện là nhà phân tích quân sự, cho hay.

Ryan thêm rằng "bằng cách tiến hành nhiều hoạt động" cả trên không và trên mặt đất, Israel hy vọng có thể kéo các thành viên Hamas ra khỏi đường hầm để "phát hiện và vô hiệu hóa".

Hình ảnh
Khói bốc lên từ một tòa nhà bị không quân Israel tập kích ở Beit Lahiya, miền bắc Dải Gaza ngày 27/10. Ảnh: AFP

IDF cũng cho biết đã hạ hàng chục chỉ huy quân sự của Hamas, trong đó có phó lãnh đạo cơ quan tình báo Shadi Barud, người được cho là đã lên kế hoạch cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. Song giới quan sát tin rằng hầu hết nhóm lãnh đạo cấp cao và thành viên Hamas đang ẩn náu dưới mạng lưới đường hầm.

Trong một đợt không kích Dải Gaza năm 2021, không quân Israel đã thả gần 500 quả bom phá boongke, trong đó mỗi quả mang một tấn chất nổ, xuống hệ thống đường hầm của Hamas chỉ trong 30 phút. IDF đã tìm cách dụ các tay súng Hamas vào vị trí chiến đấu bằng cách thông báo mở đợt tấn công trên bộ. Tuy nhiên, Hamas đã không mắc bẫy và quân đội Israel sau đó thừa nhận đối phương không chịu nhiều thương vong trong cuộc rải bom.

Giới phân tích cho rằng đợt tấn công mở rộng mà Israel đang tiến hành ở Dải Gaza chưa phải là chiến dịch tổng lực. Các đơn vị bộ binh Israel thâm nhập Dải Gaza chủ yếu nhằm thu thập thông tin tình báo để đánh giá hiệu quả của các đợt không kích và mài dũa chiến thuật cho trận chiến sắp tới.

"IDF đã rút được nhiều bài học và bất kỳ chiến dịch không kích nào cũng đều được tiến hành sau khi có thông tin tình báo về vị trí của đường hầm và độ sâu của chúng", Edward Stringer, cựu trung tướng không quân Anh từng giám sát chiến dịch không kích do NATO dẫn đầu ở Libya năm 2011, nói.

Theo Stringer, nếu không làm theo chiến thuật này, Israel chỉ còn một lựa chọn duy nhất là san phẳng cả thành phố, biến nó thành vùng đất hoang và tuyên bố chiến thắng. "Họ sẽ phải đi trên lằn ranh giữa thực thi quyền tự vệ với gây ra một thảm họa nhân đạo", ông nói.

Mỹ đã kêu gọi Israel kiềm chế trong chiến dịch tấn công, dù ủng hộ quyền tự vệ của Tel Aviv. 9 quốc gia Arab cũng đã lên án hành động "nhắm mục tiêu vào dân thường", trong đó có các cuộc tấn công của Hamas và đòn không kích trả đũa của Israel.

Dù vậy, trong đợt tấn công này, IDF đã gần như từ bỏ chiến thuật "gõ nóc nhà", trong đó quân đội Israel thả những quả bom huấn luyện cỡ nhỏ, không chứa chất nổ xuống tòa nhà mục tiêu khoảng 10 phút trước khi tung đòn không kích quy mô lớn, nhằm cảnh báo người dân rời đi.

Chiến đấu cơ Israel cũng tiếp tục tấn công miền nam Gaza bất chấp dòng người di cư từ phía bắc xuống. Họ nói nhà của các thành viên Hamas là "mục tiêu hợp pháp", dù có dân thường sống ở đó.

Cư dân địa phương cho biết cuộc tập kích ngày 25/10 của Israel đã đánh sập một số khu chung cư ở Khan Younis, cách biên giới Ai Cập khoảng 10 km. Tuy nhiên, một cuộc tập kích khác đã phá hủy kho rocket của Hamas lưu trữ bên dưới một tòa nhà. Những cuộc tập kích như vậy cho thấy Hamas đã bố trí cơ sở hạ tầng quân sự nằm sâu trong các khu dân cư đông đúc ở Gaza.

Robert Pape, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, Mỹ, cho rằng chúng cũng cho thấy lý do chiến dịch oanh tạc của Israel sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

"Israel không có cách nào để tách hơn 2 triệu dân thường khỏi Hamas. Yêu cầu dân thường Gaza di chuyển tới miền nam để đảm bảo an toàn là biện pháp không có nhiều ý nghĩa", Pape nói.

Giáo sư này thêm rằng "lịch sử cho thấy những chiến dịch ném bom quy mô lớn không bao giờ bẻ gãy được ý chí của đối phương, thậm chí phản tác dụng. Đó là sai lầm mà những bên muốn trả thù liên tục phạm phải".


Thanh Tâm (Theo Financial Times)