Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chuyến công du kêu gọi viện trợ gây thất vọng của ông Zelensky
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Chuyến công du kêu gọi viện trợ gây thất vọng của ông Zelensky

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 12 14, 2023 3:56 pm







    Tổng thống Zelensky tới Washington với hy vọng có thể thuyết phục quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD, nhưng trở về với cam kết chỉ 200 triệu USD.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng được chào đón như người hùng trong chuyến thăm 10 tiếng tới Washington gần một năm trước. Tuy nhiên, lần này mọi thứ đã khác nhiều.

    Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới Washington hôm 12/12 là lần thứ hai lãnh đạo Ukraine tới quốc hội Mỹ trong ba tháng qua, nhưng sự tiếp đón dành cho ông từ phía đảng Cộng hòa tương đối lạnh nhạt, đặc biệt ở Hạ viện.

    Chuyến công du của ông, do Nhà Trắng sắp xếp trong bối cảnh Ukraine tiến gần tới bờ vực cạn nguồn vũ khí và tài chính, diễn ra đúng lúc Đồi Capitol đối mặt nhiều bất đồng về viện trợ cho Ukraine. Các thành viên đảng Cộng hòa đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập cư ở biên giới phía nam, coi đó như điều kiện để thông qua đề xuất viện trợ mới của ông, điều mà Nhà Trắng kiên quyết bác bỏ.

    Hình ảnh
    Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12/12. Ảnh: Reuters

    Phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ ở Đồi Capitol, ông Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ trong cuộc chiến chống lại Nga, nhưng cảnh báo nếu không có hỗ trợ từ phương Tây, xung đột sẽ trở nên tàn khốc, khi quân đội của ông không thể bảo vệ lãnh thổ trước đối thủ được trang bị tốt hơn.

    Phát biểu tại Nhà Trắng sau đó, ông Zelensky mô tả cuộc thảo luận ở quốc hội Mỹ "trên cả tích cực", song thừa nhận người Ukraine sẽ phải nhìn vào kết quả thực tế hơn lời nói suông.

    "Điều quan trọng là tới cuối năm nay, chúng ta có thể gửi tín hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết đến đối phương. Đó là sự đoàn kết của Ukraine, Mỹ, châu Âu và toàn thế giới", ông nói.

    Đứng cạnh Tổng thống Zelensky trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, ông Biden cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hy vọng Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ cho Ukraine. "Chúng ta phải chứng minh ông ấy đã sai", ông nói.

    Tuy nhiên, dường như có rất ít hy vọng cho điều đó trong thời gian tới.

    Sau cuộc trao đổi riêng với ông Zelensky, các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết bài phát biểu của Tổng thống Ukraine đầy cảm xúc, nhưng dường như không thể tác động đến tình cảnh bế tắc ở quốc hội Mỹ hoặc thúc đẩy họ phê duyệt viện trợ bổ sung trước khi các nhà lập pháp bước vào kỳ nghỉ cuối năm từ tuần tới.

    Quốc hội Mỹ đến nay đã phê duyệt hơn 111 tỷ USD hỗ trợ Ukraine. Yêu cầu viện trợ bổ sung cho Ukraine của ông Biden là một phần trong gói ngân sách lớn hơn mà Nhà Trắng yêu cầu, trong đó gồm cả viện trợ cho Israel và giải quyết những thách thức về dòng người nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico.

    Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown nói rằng nếu không có viện trợ của Mỹ, Ukraine có thể sẽ bị lực lượng Nga áp đảo, khiến cuộc chiến trở thành vấn đề của NATO. Nhiều nước trong liên minh lo ngại nếu Ukraine thất bại, Nga sẽ nhắm tới các thành viên NATO, dẫn tới cuộc chiến lớn hơn và có thể kéo Mỹ vào cuộc.

    "Không ai muốn điều đó", Brown nói.

    Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer nói sau cuộc gặp với ông Zelensky rằng nếu Ukraine nhận được hỗ trợ lâu dài từ Mỹ, họ có thể thắng.

    Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker nói "cả hai đảng sẽ cần đàm phán theo cách phù hợp hơn, thay vì chỉ kiên quyết đưa ra lập trường của riêng mình". Tuy nhiên, ông cho biết có rất ít triển vọng phe Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội sẽ đạt thỏa thuận viện trợ Ukraine trong tuần tới. Các thành viên Hạ viện dự kiến rời Washington đi nghỉ cuối năm vào cuối tuần này.

    Ông Zelensky đã gặp riêng các lãnh đạo Hạ viện, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson. Ông Johnson mô tả cuộc gặp diễn ra "tốt đẹp" và cho biết ông đã nói với lãnh đạo Ukraine rằng "chúng tôi sẽ sát cánh với ông ấy chống lại cuộc chiến của Nga".

    Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng nói rõ với Nhà Trắng rằng "an ninh biên giới của Mỹ là điều kiện tiên quyết của chúng tôi với bất kỳ gói viện trợ bổ sung nào". Ông khẳng định sẽ không có viện trợ cho Ukraine nếu Nhà Trắng không cải cách chính sách về biên giới.

    Trên Đồi Capitol, tranh cãi này trở nên gay gắt. Tuần trước, ông Zelensky dự kiến phát biểu trực tuyến tại một cuộc họp của Hạ viện, nhưng sau đó hủy bỏ khi cuộc họp biến thành cuộc tranh cãi về chính sách biên giới của Mỹ và một số thành viên Cộng hòa giận dữ bỏ ra ngoài.

    Tổng thống Biden đã báo hiệu rằng sẵn sàng chấp nhận những biện pháp siết kiểm soát nhập cư để đạt thỏa thuận hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Mỹ ngày 12/12 nói ông sẵn sàng làm việc với phe Cộng hòa để "khắc phục những vấn đề của hệ thống nhập cư", dù không nói cụ thể.

    "Thỏa hiệp là cách nền dân chủ hoạt động và tôi sẵn sàng thỏa hiệp. Biến gói viện trợ Ukraine thành lá bài mặc cả cho nỗ lực thông qua chương trình nghị sự về biên giới của đảng Cộng hòa không phải là cách phù hợp. Chúng ta cần những giải pháp thực sự", ông nói.

    Một số nhà lập pháp nói rằng quốc hội nên tiếp tục làm việc tuần tới để thúc đẩy thỏa thuận. "Chúng ta không nên rời khỏi đây cho đến khi tìm cách giải quyết bất đồng để tiếp tục tài trợ cho Ukraine. Chúng ta sắp hết thời gian", thượng nghị sĩ Dân chủ Michael F. Bennet nói, thêm rằng cuộc đàm phán sẽ "khó khăn hơn" nếu các nhà lập pháp trì hoãn thảo luận.

    "Lời khuyên của tôi đối với Nhà Trắng là Tổng thống đã cam kết với ông Zelensky. Để tôn trọng cam kết đó, họ sẽ cần phải bảo vệ biên giới nước Mỹ", thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney nói. "Nếu tôi là Tổng thống, tôi sẽ thuyết phục các thành viên Dân chủ và một số thành viên Cộng hòa thay đổi lập trường về chính sách quản lý nhập cư ở biên giới".

    Hình ảnh
    Xe tăng Leopard 2A6 và thiết giáp Bradley của Ukraine bị phá hủy tại mặt trận Zaporizhzhia hồi tháng 6. Ảnh:Telegram/Voin_Dv

    37% người Mỹ tin rằng quốc gia này đã làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine, theo cuộc thăm dò do WSJ công bố gần đây. Con số này đã tăng nhẹ kể từ tháng 10/2022, khi 30% người được hỏi có quan điểm này.

    Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức ngày 14/12 công bố nghiên cứu mới cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022.

    Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. "Động lực viện trợ cho Ukraine đã giảm", Viện Kiel cho hay.

    Mỹ là quốc gia viện trợ hàng đầu cho Ukraine và nếu Mỹ rút lui, khó có quốc gia nào khác có thể bù đắp khoảng trống, theo Viện Kiel. Các nhà phân tích cảnh báo bất kỳ sự suy giảm nào trong viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine cũng sẽ làm tê liệt nỗ lực chiến đấu của Kiev.

    Sau cuộc gặp với ông Zelensky, Tổng thống Biden thông báo ông đã ký phê duyệt thêm 200 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, con số này có lẽ là quá ít so với mục tiêu hơn 60 tỷ USD mà lãnh đạo Ukraine kỳ vọng.

    "Ông Zelensky có thể đã bay nửa vòng Trái Đất tới Washington, nhưng khả năng Ukraine nhận được thêm hỗ trợ quân sự từ Mỹ vẫn không cải thiện", Anthony Zurcher, nhà bình luận của BBC, cho hay, mô tả chuyến thăm "nhuốm màu tuyệt vọng".


    Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ, BBC)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 18 khách