Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Houthi, lực lượng thách thức sức mạnh Mỹ ở Trung Đông

Đã gửi: Thứ 4 Tháng 12 27, 2023 9:50 am
by VietNews






Liên tiếp tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ, nhóm Houthis đang tạo ra thách thức lớn với quyền lực của Mỹ, buộc Washington phải tìm phương án ứng phó.

Khi các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn liên tiếp tập kích lực lượng Mỹ ở Syria và Iraq gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã mạnh tay đáp trả bằng vũ lực. Lầu Năm Góc ngày 25/12 thông báo đã triển khai các đợt không kích "cần thiết và tương xứng" nhằm vào ba cơ sở mà nhóm vũ trang Kataib Hezbollah sử dụng ở Iraq, khiến nhiều tay súng thiệt mạng.

Nhưng khi nhóm Houthi ở Yemen tiến hành hơn 100 vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào loạt tàu trên Biển Đỏ, trong đó có các chiến hạm Mỹ, Washington đến nay chưa tung ra đòn đáp trả quyết liệt.

Các vụ tập kích tàu hàng là một phần trong cuộc đối đầu khu vực ngày càng tăng giữa các đồng minh của Iran với Mỹ và Israel. Một tài liệu giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra các vụ tấn công của Houthi trong nửa đầu tháng 12 là 8, trong khi nửa cuối tháng 11 chỉ là 3.

Động thái của nhóm Houthi đã mở ra mặt trận mới ở khu vực, giữa lúc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn diễn tiến căng thẳng. Đây cũng là phép thử mới nhất đối với khả năng của Mỹ trong tiếp tục hỗ trợ Israel, đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông, đồng thời phải ngăn xung đột lan rộng thành chiến tranh khu vực.

"Mọi bên, gồm cả Iran, đều đang cố tránh leo thang xung đột và rơi vào tình thế nguy hiểm", Andrew Tabler, cựu giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

Hình ảnh
Trực thăng chở các tay súng Houthi áp sát một tàu hàng ở Biển Đỏ trong hình ảnh được công bố ngày 20/11. Ảnh: Reuters

Yemen đã chìm trong nội chiến gần 10 năm, trong đó Iran hậu thuẫn Houthi, nhóm kiểm soát thủ đô và nhiều khu vực rộng lớn khác ở phía tây đất nước, đối đầu với chính quyền được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong.

Sau khi chiến sự bùng phát ở Gaza, Houthi đã bày tỏ sự ủng hộ với Hamas bằng cách phóng tên lửa vào miền nam Israel, đồng thời tuyên bố sẽ tấn công mọi tàu hàng "có liên quan tới Tel Aviv", bất chấp những cảnh báo và răn đe của Mỹ. Hàng loạt công ty hàng hải lớn đã quyết định cho tàu đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, nhằm tránh rủi ro ngày càng tăng trên Biển Đỏ.

Các cuộc tấn công liên tiếp của Houthi khiến Mỹ và đồng minh phải triển khai tàu chiến đến khu vực, nhằm xoa dịu lo ngại cho một số chủ hàng. Tàu khu trục USS Thomas Hudner của Mỹ hôm 15/11 phóng tên lửa bắn hạ ba UAV được Houthi phóng từ Yemen qua Biển Đỏ.

Nhưng động thái này không ngăn được Houthi tiếp tục tập kích tàu hàng, trong khi Mỹ không đủ nguồn lực để tuần tra vùng biển quá rộng, cũng như đánh chặn mọi UAV, tên lửa do nhóm vũ trang phóng ra.

Hôm 15/12, tàu Ardmore Encounter đăng ký tại Bermuda đang chở nhiên liệu từ Ấn Độ tới Tây Phi thì một chiếc xuồng nhỏ chở theo nhóm vũ trang xuất hiện. Một người trong đó liên lạc với tàu, tự nhận là thuộc hải quân Yemen, yêu cầu Ardmore Encounter di chuyển đến một kho lưu trữ do Houthi kiểm soát nếu không muốn bị tấn công.

"Chúng tôi không làm theo và đã lập tức bị tấn công", thành viên thủy thủ đoàn kể. Nhóm người trên xuồng đã phóng hai tên lửa về phía tàu, nhưng đều không trúng mục tiêu.

Những vụ tấn công kiểu này đã thúc đẩy Mỹ hối hả thành lập liên minh hải quân 20 nước nhằm chung tay đối phó Houthi. Liên minh này sẽ tiến hành Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng, trong đó Mỹ cùng với Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy và các đồng minh khác sẽ tiến hành tuần tra chung ở phía nam Biển Đỏ và vịnh Aden, nhằm ngăn chặn và đáp trả các cuộc tấn công của Houthi.

Ngày 24/12, công ty vận tải biển và hậu cần A.P. Moller-Maersk nói rằng nỗ lực do Mỹ dẫn đầu giúp họ yên tâm tiếp tục cho tàu hàng hoạt động ở Biển Đỏ. Song nhiều công ty khác như BP PLC của Anh hay Equinor của Na Uy từ chối nối lại hoạt động ở khu vực này.

Houthi ngay sau đó cảnh báo tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn để đáp trả việc Mỹ cùng đồng minh điều tàu chiến tới khu vực. "Mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải quốc tế bắt nguồn từ hoạt động quân sự hóa Biển Đỏ của Mỹ và đồng minh", Mohammed Abdul Salam, người phát ngôn của nhóm Houthi, viết trên mạng xã hội X.

Hai ngày sau, công ty MSC Mediterranean Shipping cho biết tàu United VIII của họ bị tấn công khi đang trên đường từ Arab Saudi tới Pakistan. Thủy thủ đoàn đã phát tín hiệu cầu cứu tới một tàu chiến của lực lượng hải quân chung do Mỹ dẫn đầu trong khu vực.

Chiến đấu cơ, chiến hạm và các khí tài của Mỹ sau đó bắn hạ 12 UAV, ba tên lửa chống hạm và hai tên lửa đối đất của Houthi trên Biển Đỏ trong vòng 10 giờ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Mỹ cùng liên quân sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực khi phải liên tục phóng tên lửa đắt tiền để đánh chặn những UAV giá rẻ của Houthi.

Điều này đặt ra thách thức rất lớn với Mỹ, trong bối cảnh Washington không thể sử dụng vũ lực để đáp trả Houthi do lo ngại làm bùng phát xung đột trực tiếp với Iran, quốc gia hậu thuẫn nhóm vũ trang ở Yemen.

Mỹ cũng ngày càng lo ngại về sự tham gia trực tiếp của Iran vào các cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ. Washington ngày 22/12 nói rằng lực lượng Iran đã cung cấp thông tin tình báo thời gian thực cùng vũ khí như UAV và tên lửa cho Houthi để nhắm mục tiêu tàu hàng qua vùng biển này.

Hình ảnh
Vị trí Biển Đỏ, Yemen và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: AFP

Tuy nhiên, các cuộc tấn công cũng cho thấy căng thẳng trong nội bộ chính quyền Iran. Các hoạt động quân sự của Iran ở nước ngoài thường do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tiến hành. Đây là lực lượng bán quân sự hoạt động tách biệt với chính phủ dân sự và thường bất đồng về các chương trình nghị sự ngoại giao.

Chính quyền Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cố gắng giữ khoảng cách với các cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ. Ngày 24/12, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran phủ nhận thông tin Tehrean liên quan tới các cuộc tấn công mục tiêu Israel, theo truyền hình nhà nước Press TV.

Giữa tháng 12, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói với người đồng cấp Lebanon Abdallah Bou Habib rằng ông không khuyến khích các đồng minh của Tehran leo thang căng thẳng. Nhưng các cuộc tập kích trên Biển Đỏ vẫn leo thang, cho thấy quan điểm của IRGC dường như bất đồng với chính quyền của Tổng thống Raisi.

Giới chức Mỹ đang thúc giục Israel nhanh chóng chấm dứt chiến dịch ở Gaza, với hy vọng động thái này giúp ngăn chặn các cuộc tấn công ở Biển Đỏ. Ngoại trưởng Iran cũng cho rằng chìa khóa để ngăn các cuộc tấn công là một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

"Nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza, sẽ có lệnh ngừng bắn trên toàn khu vực", ông nói.


Thanh Tâm (Theo WSJ, Reuters, Press TV)