Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Động lực thúc đẩy ông Trump thắng áp đảo ở Iowa
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Động lực thúc đẩy ông Trump thắng áp đảo ở Iowa

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 1 16, 2024 8:34 am







    Sự ủng hộ với lập trường của Trump về kinh tế, nhập cư cũng như quan điểm "nước Mỹ trên hết" trở thành động lực giúp ông dễ dàng đánh bại các đối thủ trong vòng sơ bộ ở Iowa.

    Thời tiết tại Iowa những ngày gần đây "lạnh đến mức nguy hiểm", với nhiệt độ liên tục giảm sâu sau nhiều ngày tuyết rơi. Nhưng điều đó không ngăn được hàng trăm người hôm 14/1 đổ ra đường để gặp cựu tổng thống Donald Trump ở Indianola, thị trấn nhỏ phía nam Des Moines, thủ phủ bang Iowa ở trung tây nước Mỹ.

    Một ngày trước cuộc họp kín ở Iowa, họ đội mũ, mặc áo in khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại Trở lại" tham gia buổi mít tinh vận động tranh cử của cựu tổng thống.

    Hình ảnh
    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ tại thủ phủ Des Moines, bang Iowa, ngày 15/1. Ảnh: AFP

    Hơn ba năm sau khi những người ủng hộ Trump xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ ở Washington để ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden, động lực ủng hộ mà các đảng viên Cộng hòa dành cho ông vẫn ổn định. Điều đó không thay đổi bất chấp loạt vụ truy tố mà Trump đang đối mặt.

    Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của cựu tổng thống Mỹ càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết khi các hãng truyền thông Mỹ đồng loạt dự báo ông Trump giành chiến thắng trong vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang Iowa ngày 15/1, chỉ 30 phút sau khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Đây là cuộc họp kín đầu tiên để bầu chọn ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm 2024.

    Ông Trump giành được hơn 51% phiếu ủng hộ tại Iowa, vượt xa các đối thủ phía sau là Thống đốc Florida Ron DeSantis và cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley với lần lượt 21,2% và 19%. Doanh nhân Vivek Ramaswamy, người xếp thứ tư với 7,7% số phiếu, đã tuyên bố từ bỏ tranh cử và quay sang ủng hộ Trump.

    George Hutton, người ủng hộ ông Trump tại hạt Madison, cho rằng các đối thủ của cựu tổng thống trong đảng Cộng hòa chỉ đang "lãng phí thời gian". "Tôi nghĩ ông Trump sẽ thắng áp đảo hơn những gì họ dự đoán", Hutton nói.

    Trong cuộc mít tinh hôm 14/1, những người tham gia đã xếp hàng suốt 15 phút dưới cái lạnh cắt da cắt thịt bên ngoài trường cao đẳng cộng đồng nơi ông Trump phát biểu. Khi vào bên trong, nhiều người thậm chí không được gặp trực tiếp cựu tổng thống, mà phải ngồi xem bài phát biểu qua màn hình lớn, do hội trường đã kín chỗ.

    Nhiều người Mỹ cho rằng nhiệm kỳ của Trump chỉ gắn liền với hỗn loạn, nhưng trong mắt các cử tri ủng hộ cựu tổng thống, quãng thời gian ông điều hành Nhà Trắng là tuyệt vời hơn cả.

    Chiến thắng quyết định của Trump ở Iowa đã cho thấy quan hệ giữa ông với những người ủng hộ trong đảng Cộng hòa là một trong những động lực bền bỉ nhất trên chính trường Mỹ, giới chuyên gia đánh giá. Động lực đó đã giúp ông thắng chóng vánh ở Iowa và có thể tạo bệ phóng cho Trump trong chặng đường tranh cử tiếp theo.

    Những người ủng hộ Trump nêu ra ba lý do chính khiến họ tiếp tục đứng về phía ông, gồm kinh tế, vấn đề nhập cư và tình trạng bất ổn toàn cầu. Tính cách hướng ngoại sôi nổi của Trump hay những rắc rối pháp lý mà ông đang đối mặt cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa.

    Chính quyền Tổng thống Biden vẫn khẳng định nền kinh tế Mỹ hoàn toàn ổn, nhấn mạnh đến tỷ lệ thất nghiệp thấp, đồng thời lưu ý rằng tình trạng lạm phát tàn phá nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát.

    Nhưng với cử tri ở Iowa, những khó khăn kinh tế mà họ gặp phải, cùng với lãi suất cao đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác.

    "Chúng ta cần thứ gì đó khác với những gì chúng ta đang làm bây giờ. Nó không hiệu quả. Tôi từng kiếm được rất nhiều tiền, nhưng giờ tôi khánh kiệt", David Brunell, 32 tuổi, cư dân tại Iowa, nói. "Nó nói lên rất nhiều điều về nền kinh tế của chúng ta đang ở đâu".

    Khi được hỏi tại sao không cân nhắc một gương mặt khác, nhiều người nói rằng ông Trump là chính trị gia nổi tiếng và họ đã thấy cách ông điều hành đất nước.

    "Chúng tôi muốn đất nước trở lại như xưa. Chúng tôi muốn quay lại như thời ông Trump còn là tổng thống và tốt hơn nữa", Hutton cho biết.

    Mặc dù chính sách đối ngoại hiếm khi được chú ý trong các cuộc bầu cử gần đây tại Mỹ, một số người ủng hộ ông Trump đã nhắc đến cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza như là hệ quả từ những chính sách mà họ cho là "tồi tệ" của Tổng thống Biden.

    Khi còn là tổng thống, Trump rất ủng hộ Israel. Ông chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, chấm dứt tài trợ của Mỹ cho cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), đồng thời làm trung gian cho những thỏa thuận ngoại giao giữa Israel với các nước Arab.

    Tổng thống Biden cũng có cam kết tương tự với Israel. Nhưng đối với những người ủng hộ ông Trump, tình trạng hỗn loạn trong khu vực không bắt nguồn từ vấn đề chính sách, mà nằm ở tính cách.

    Nghị sĩ Jim Jordan hôm 14/1 gợi ý rằng chiến sự ở Ukraine sẽ không xảy ra nếu ông Trump còn nắm quyền. "Chúng ta đã đi từ một Tổng thống Trump, người luôn thể hiện sức mạnh ra toàn thế giới, ở Phòng Bầu dục để đến với Joe Biden", Jordan tuyên bố trước đám đông người ủng hộ cựu tổng thống Mỹ.

    Blaine Melvin, nhân viên trông coi sân cỏ cho trường đại học tại địa phương, đã than thở về tình hình thế giới và đất nước dưới thời Tổng thống Biden.

    "Đây là thời điểm chạm gần nhất tới Thế chiến III mà tôi từng chứng kiến", Melvin nói.

    Hình ảnh
    Người ủng hộ ông Trump tại cuộc mít tinh ở thị trấn Indianola, bang Iowa, hôm 14/1. Ảnh: Al Jazeera

    Tuần trước, chính quyền Biden đã ra lệnh phát động cuộc tập kích nhằm vào lực lượng Yemen ở Houthi sau khi nhóm này liên tục tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ để thể hiện ủng hộ với Hamas và gây áp lực lên Israel.

    Nhưng cựu tổng thống Trump được biết đến với những hành động còn cứng rắn hơn thế. Ông đã ra lệnh hạ sát tướng hàng đầu Iran Qassem Soleimani hồi năm 2020 và rút Mỹ khỏi một thỏa thuận hạt nhân đa phương, trong đó Iran đồng ý thu hẹp quy mô chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

    Theo giới quan sát, quan điểm không can thiệp của ông đến nay vẫn nhận được ủng hộ từ không ít cử tri Cộng hòa, những người ngày càng hoài nghi về hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài sau cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

    Kể từ khi tuyên bố tranh cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 2015, ông Trump đã đặt vấn đề nhập cư vào tầm ngắm của mình, đôi khi sử dụng những ngôn từ có phần gay gắt chống lại những người nhập cư vào Mỹ.

    Số lượng người di cư đến biên giới phía nam Mỹ đang tăng vọt, với hơn 2 triệu người vào năm ngoái. Tổng thống Biden đã cố gắng hạn chế tình trạng nhập cư trái phép, bất chấp những lời chỉ trích từ các nhóm bảo vệ quyền của người nhập cư và những người cấp tiến trong đảng Dân chủ. Nhưng trong vấn đề này, ông vẫn không thể mạnh tay như người tiền nhiệm.

    "Ông Trump là một lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy đã siết chặt kiểm soát biên giới của chúng ta", Bob Snyder, cư dân thành phố Des Moines, bang Iowa, nói.

    Theo cuộc khảo sát do AP VoteCast thực hiện, 40% người tham gia cuộc họp kín ở Iowa xác định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất đối với quốc gia, trong đó phần lớn ủng hộ chính sách của cựu tổng thống Trump. Họ đồng tình với chính sách hạn chế nhập cư cứng rắn của ông. 90% người được hỏi ủng hộ xây tường biên giới với Mexico. Khoảng 75% nói rằng người nhập cư làm tổn hại đến nước Mỹ.

    Tháng trước, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden cáo buộc ông Trump có "tư tưởng phát xít" sau khi cựu tổng thống nói rằng những người nhập cư đang "đầu độc dòng máu" Mỹ.

    Họ cũng cố gắng khắc họa ông Trump như là mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ, xoáy sâu vào việc cựu tổng thống từng muốn lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.

    Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Trump cho rằng chính quyền hiện tại mới là mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ. Họ tin những cáo trạng mà cựu tổng thống Mỹ đang phải đối mặt có động cơ chính trị và nhằm mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024.

    "Mọi người đều biết các cáo trạng là sai sự thật", Snyder nói. Đây cũng là suy nghĩ của hàng chục người khác tham dự cuộc mít tinh cuối tuần qua ở Iowa.

    Ông Trump đang đối mặt 4 vụ án hình sự ở cấp bang và liên bang, trong đó có những cáo buộc về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Nhưng các cáo buộc đó dường như không làm lung lay quan điểm của những người ủng hộ cựu tổng thống Mỹ.

    Một số người cho rằng cuộc họp kín ở Iowa là cơ hội để các đảng viên Cộng hòa "phán xét" Trump. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Kết quả cho thấy thay vì phán xét, họ vẫn ngưỡng mộ ông.

    "Trump không phải ứng viên, ông ấy là người lãnh đạo một phong trào quốc gia", cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich nhấn mạnh. "Không ai hiểu được việc đối đầu với người dẫn dắt một phong trào là như thế nào. Đó là lý do các rắc rối pháp lý chồng chất chỉ khiến phong trào ủng hộ của ông ấy tức giận và làm tăng thêm cơn giận dữ theo cách đáng kinh ngạc".

    Hôm 14/1, ông Trump đã phát biểu trong 1 tiếng 40 phút, đề cập tới nhiều chủ đề, từ di cư đến chính sách đối ngoại, kinh tế hay những câu chuyện cá nhân.

    Khi được hỏi bản thân thích gì ở cựu tổng thống Trump, Evan Walker, 18 tuổi, người đi bỏ phiếu lần đầu tiên trong năm nay, nói rằng anh ấn tượng bởi tính cách của ông.

    "Ông ấy biết mình đang làm gì", Walker cho hay.


    Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, AFP, Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 26 khách