Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nguy cơ khi Mỹ đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nguy cơ khi Mỹ đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 1 18, 2024 10:01 am







    Việc Mỹ đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố có thể kích động nhóm có hành động leo thang, gây căng thẳng hơn nữa tình hình Trung Đông.

    Chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức vào đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định đưa Houthi ra khỏi danh sách "khủng bố toàn cầu", vốn được người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt với nhóm vũ trang ở Yemen.

    Lúc bấy giờ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết thông qua động thái này, Mỹ "thừa nhận tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại Yemen". Houthi kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền bắc Yemen, trong đó có cảng Hudaydah, cửa ngõ quan trọng giúp duy trì nguồn lương thực nuôi sống hàng triệu người Yemen đang bên bờ nạn đói sau nhiều năm nội chiến.

    Liên Hợp Quốc, cũng như các nhóm nhân đạo và một số nhà lập pháp ở Washington, từng cảnh báo việc liệt Houthi vào danh sách khủng bố có thể làm gián đoạn dòng viện trợ nhân đạo cho Yemen.

    Hình ảnh
    Những tay súng mới gia nhập Houthi trong buổi lễ kết thúc khóa huấn luyện ở thủ đô Sanaa, Yemen, hôm 11/1. Ảnh: Reuters

    Giờ đây, gần ba năm sau, chính quyền Biden tuyên bố Houthi là "nhóm khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt" (SDGT) trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng trong khu vực.

    Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết quyết định này nhằm cản trở "việc tài trợ cho Houthi, hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường tài chính của họ và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình". Nhưng giới phân tích chính trị cảnh báo điều đó có thể một lần nữa gây tác động nghiêm trọng với dân thường Yemen.

    "Tôi rất lo ngại về những hậu quả tàn khốc đối với dân thường Yemen sau quyết định này", Afrah Nasser, chuyên gia thuộc Trung tâm Arab ở Washington, người trước đây từng là nhà nghiên cứu về Yemen tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho hay.

    Ông lưu ý quyết định của Mỹ có nguy cơ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen, nơi đã chứng kiến cuộc chiến kéo dài suốt nhiều năm giữa lực lượng Houthi với liên minh do Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn đầu.

    Theo Liên Hợp Quốc, hơn một nửa dân số Yemen, tương đương khoảng 18,2 triệu người, đang cần được hỗ trợ khi đất nước này lao đao vì khủng hoảng kinh tế, lạm phát, xung đột khiến người dân phải sơ tán hàng loạt và nạn đói.

    "Những gia đình Yemen hiện phải chịu đau khổ vì cả chính sách của Houthi cũng như của cộng đồng quốc tế ở Yemen, như việc Mỹ đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố mà chúng ta vừa nghe", Nasser nói. "Người Yemen bị kẹt giữa hai đám cháy".

    Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm 17/1 cho biết quyết định liệt Houthi vào SDGT được đưa ra nhằm đáp trả các cuộc tập kích của nhóm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. "Nếu Houthi ngừng tấn công ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, Mỹ sẽ đánh giá lại việc chỉ định này", ông cho hay.

    Houthi, lực lượng do Iran hậu thuẫn và đang kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Yemen, bắt đầu phóng tên lửa vào Israel và tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ ngay sau khi giao tranh ở Gaza nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái.

    Nhóm tuyên bố nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel như một phần trong nỗ lực gây áp lực buộc Tel Aviv chấm dứt chiến dịch tấn công Gaza và cho phép vận chuyển nhiều hàng viện trợ nhân đạo hơn tới dải đất. Sau đó, Houthi mở rộng lời đe dọa đối với bất kỳ tàu thương mại nào đến và đi từ Israel dọc theo tuyến đường thương mại huyết mạch ngoài khơi bờ biển Yemen.

    Những cuộc tấn công đã khiến các công ty vận tải biển phải đình chỉ hoạt động ở Biển Đỏ, nơi khoảng 12% dòng chảy thương mại toàn cầu đi qua. Mỹ và các đồng minh liên tục lên án Houthi, cảnh báo nhóm sẽ phải chịu hậu quả nếu không dừng lại.

    Washington hồi tháng 12/2023 thành lập một liên minh hải quân để bảo vệ tàu thương mại và thực hiện một số cuộc tập kích tên lửa nhằm vào các mục tiêu Houthi ở Yemen trong tháng này, điều mà theo giới quan sát là một bước "leo thang nguy hiểm".

    Chính quyền Biden đã bảo vệ quyết định liệt Houthi vào SDGT, nói rằng họ sẽ có biện pháp để đảm bảo dòng chảy viện trợ tới Yemen.

    "Quyết định này nhằm vào Houthi, không phải người dân Yemen", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh trong một cuộc họp báo.

    Khi được hỏi liệu Mỹ có áp đặt trừng phạt lên Houthi không và chúng sẽ tác động như thế nào tới các cuộc đàm phán với nhóm, Kirby khẳng định: "Không có cuộc đàm phán nào cả. Không có cuộc thương lượng nào. Đây là cách để buộc Houthi phải chịu trách nhiệm".

    Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về việc đưa Houthi vào SDGT có thể khiến nhóm ngừng các cuộc tấn công trên Biển Đỏ như chính quyền Mỹ kỳ vọng.

    "Sẽ rất khó có bất kỳ tác động tích cực nào đến hành vi của Houthi", Brian Finucane, cố vấn cấp cao từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức nghiên cứu tại Brussels, Bỉ, nhận định. "Tôi nghĩ với quyết định này, Mỹ chỉ muốn thể hiện rằng họ đang làm gì đó".

    Theo ông, việc đưa Houthi vào SDGT cho thấy Washington muốn từ chối thừa nhận các cuộc tấn công gần đây do Houthi thực hiện liên quan đến xung đột tại Dải Gaza.

    "Chính quyền Biden đã tự đặt mình vào thế khó, nơi họ không có những lựa chọn chính sách tốt", Finucane cho hay.

    Quyết định liệt Houthi vào SDGT sẽ khiến tài sản của nhóm ở Mỹ bị đóng băng và công dân Mỹ bị cấm thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với lực lượng này. Những cá nhân, tổ chức vi phạm có thể đối mặt với các hình phạt dân sự và hình sự.

    Dù vậy, danh sách SDGT mà chính quyền Biden đưa ra có phạm vi hẹp hơn so với một danh sách khác mà chính quyền Trump từng áp đặt cho Houthi là "tổ chức khủng bố nước ngoài" (FTO). Mỹ coi việc cung cấp hỗ trợ cho một nhóm nằm trong FTO là tội danh nghiêm trọng.

    "Việc chỉ định Houthi vào SDGT là hành động gần như ở mức tối thiểu. Nó hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn từ nước ngoài và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế của nhóm. Đây là những thứ mà Houthi không có và chưa bao giờ có. Họ không sở hữu cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán New York", Nabeel Khoury, cựu quan chức đại sứ quán Mỹ tại Yemen, giải thích.

    Khoury đánh giá việc đưa Houthi vào SDGT "chỉ giống như hành động thách thức, nhưng không thực sự làm tổn thương" nhóm này. Tuy nhiên, Houthi khó có thể phân biệt giữa SDGT hay FTO và sẽ coi quyết định hôm 17/1 của Mỹ là một hành động sỉ nhục, có thể dẫn đến nguy cơ leo thang nhiều hơn.

    Vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định, Houthi tuyên bố đã phóng tên lửa vào một tàu Mỹ trên Vịnh Aden. Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ sau đó xác nhận tàu Genco Picardy do một doanh nghiệp nước này sở hữu và điều hành đã bị trúng đạn, nhưng không có thương vong về người.

    Nasser cũng cảnh báo Houthi có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường các hoạt động tuyên truyền thù địch nhắm vào Mỹ, thuyết phục nhiều người dân Yemen gia nhập nhóm hơn nữa. Houthi hiện có khoảng 20.000 tay súng và đang cố gắng tuyển mộ nhiều thành viên nhất có thể.

    Theo Finucane, chính quyền Biden rõ ràng nhận thức được biện pháp trừng phạt này có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với người dân Yemen, bởi các tổ chức tài chính và viện trợ nhân đạo "có thể sẽ rất thận trọng khi tiếp xúc với Houthi", đặc biệt là cho đến khi các quy định rõ ràng liên quan đến việc liệt nhóm này vào SDGT được đưa ra.

    Hình ảnh
    Chiến đấu cơ Anh trong liên minh do Mỹ dẫn đầu xuất kích tấn công mục tiêu Houthi ở Yemen trong bức ảnh được công bố hôm 12/1. Ảnh: Reuters

    Chính quyền Biden cho biết họ đang "thực hiện các bước quan trọng để giảm thiểu mọi tác động bất lợi có thể gây ra đối với người dân Yemen". Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken, quyết định sẽ có hiệu lực sau 30 ngày, trong thời gian đó, chính quyền sẽ tham khảo ý kiến từ các tổ chức viện trợ và những bên liên quan khác.

    Bộ Tài chính Mỹ cũng dự kiến công bố giấy phép cho phép thực hiện một số giao dịch nhất định liên quan đến việc cung cấp thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, thư tín, dịch vụ cảng biển, sân bay cho người dân Yemen.

    Nhưng tất cả những điều này không thể làm giảm bớt lo ngại việc đưa Houthi vào SDGT sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Yemen.

    "Nó sẽ làm gia tăng mức độ bất ổn cũng như các mối đe dọa đối với dân thường Yemen, vốn đang bị nhấn chìm bởi một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới", Scott Paul, phó giám đốc phụ trách chương trình hòa bình và an ninh tại Oxfam America, tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh chống bất bình đẳng toàn cầu, trụ sở tại Massachusetts, Mỹ, lưu ý. "Chính quyền Biden đang đùa với lửa. Chúng tôi kêu gọi họ rút lại quyết định này ngay lập tức và ưu tiên mạng sống của người dân Yemen".


    Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, Reuters, AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 33 khách