Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tiếng nói của ông Trump đe dọa nguồn viện trợ cho Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tiếng nói của ông Trump đe dọa nguồn viện trợ cho Ukraine

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 2 07, 2024 3:13 pm






    Dù Trump chưa tái đắc cử, ảnh hưởng mạnh mẽ của ông với đảng Cộng hòa có thể ngăn chặn bất kỳ khoản viện trợ mới nào cho Ukraine.

    "Đừng ngu ngốc như vậy! Chúng ta cần một dự luật nhập cư và biên giới riêng biệt. Nó không nên bị ràng buộc với viện trợ nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào", cựu tổng thống Donald Trump ngày 5/2 tuyên bố, sau khi Thượng viện Mỹ đưa ra dự luật mới có điều khoản cung cấp viện trợ cho Ukraine.

    Theo dự luật sắp được đưa ra thảo luận tại Thượng viện, các thượng nghị sĩ Dân chủ nhất trí áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới phía nam với Mexico nghiêm ngặt hơn để đổi lấy gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine và các ưu tiên an ninh khác. An ninh biên giới phía nam là vấn đề mà Trump thường nêu lên để công kích đương kim Tổng thống Joe Biden.

    Trump hiện nay chưa phải là ứng viên chính thức đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống, nhưng ông vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với đảng. Sức ảnh hưởng đó cùng quan điểm "nước Mỹ trên hết" của Trump đang phủ bóng lên chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Ukraine.

    Hình ảnh
    Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Rochester, bang New Hampshire ngày 21/1. Ảnh: AP

    Các điều khoản nhập cư mà Thượng viện Mỹ công bố cuối tuần qua được coi là nghiêm khắc nhất trong lịch sử nước Mỹ, gồm những hạn chế đáng kể mà Tổng thống Joe Biden cam kết ký thành luật để ngăn chặn dòng người vượt biên vào nước này.

    Đảng Dân chủ đã đưa ra những nhượng bộ đáng kể như kiềm chế quyền quyết định của Tổng thống về tiếp nhận người nhập cư vì lý do nhân đạo, đẩy nhanh quy trình trục xuất và đóng cửa biên giới khi số người vượt biên trái phép vượt ngưỡng 5.000 người mỗi ngày. Dự luật dành 20 tỷ USD cho vấn đề biên giới và không bao gồm những ưu tiên mà đảng Dân chủ thường tìm kiếm, như mở đường cho khoảng 11 triệu người di cư không giấy tờ trở thành công dân Mỹ.

    Đây được xem là chiến thắng lớn cho phe diều hâu về vấn đề nhập cư ở Mỹ. Đổi lại, gói viện trợ 118,3 tỷ USD sẽ bao gồm 60 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel, 10 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo, gần 5 tỷ USD cho các đối tác châu Á - Thái Bình Dương.

    Dù Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã có những nhượng bộ nhất định và có thể thông qua gói viện trợ trong tuần này, các nghị sĩ Cộng hòa đang chiếm đa số ở Hạ viện nhiều khả năng sẽ tìm mọi cách ngăn chặn gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, theo lời kêu gọi của ông Trump.

    Do đó, viễn cảnh quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine trong những tháng tới hoặc thậm chí trong năm nay khó có thể xảy ra, Gideon Rachman, nhà phân tích của Financial Times, nhận định. Kịch bản này có thể là một thảm họa với Ukraine, quốc gia đang thiếu đạn dược, vũ khí nghiêm trọng và đang rất cần nguồn viện trợ từ phương Tây để đối phó đà tấn công của Nga.

    Nhưng ông Trump từ lâu đã bày tỏ quan điểm cứng rắn với vấn đề viện trợ cho Ukraine. Theo giới quan sát, động cơ lớn nhất của ông là ngăn chính quyền Tổng thống Biden đạt được thành tựu lớn về chính sách đối ngoại trước thềm cuộc bầu cử tháng 11, dù nó có thể khiến Ukraine phải trả giá nặng nề.

    "Điều đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay", Rachman cảnh báo.

    Jack Watling, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết tình hình ở Ukraine hiện tại "cực kỳ nghiêm trọng". Tình trạng thiếu đạn dược đã khiến thương vong của quân đội nước này gia tăng.

    Khi chưa chắc chắn về thời điểm nhận được nguồn viện trợ mới, quân đội Ukraine không thể lên kế hoạch tác chiến trong thời gian tới, theo Watling.

    Giới quan sát cho rằng thiếu vũ khí, đạn dược cũng tác động đến mức độ sẵn sàng nhập ngũ để tham chiến của thanh niên Ukraine, khiến tình trạng thiếu hụt quân ngày càng trở nên nghiêm trọng. Áp lực ngày càng tăng với chính phủ Ukraine cũng lý giải phần nào cho bất đồng công khai giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny.

    Một trong những tin tức tích cực với Ukraine hiện tại là thỏa thuận mà Liên minh châu Âu (EU) thông qua tuần trước, trong đó cam kết cung cấp 54 tỷ USD viện trợ tài chính cho Kiev.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng 4 lãnh đạo EU khác cũng kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất quốc phòng của châu lục này chưa sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống nếu nguồn viện trợ từ Mỹ, bên cung cấp nhiều vũ khí, hỗ trợ tài chính nhất cho Ukraine, bị cắt theo lời kêu gọi của ông Trump.

    Các chuyên gia cho rằng châu Âu ít nhất phải đến năm 2025 mới có thể tăng đáng kể sản lượng sản xuất quốc phòng. Điều đó khiến nửa cuối năm 2024 là khoảng thời gian nguy hiểm với Ukraine.

    Watling cho rằng hậu quả của thiếu vũ khí, đạn dược "sẽ được cảm nhận dần dần", song cảnh báo cho tới khi nó trở nên rõ ràng, "mọi chuyện đã quá muộn".

    Hình ảnh
    Binh sĩ Ukraine khai hỏa nhằm vào vị trí của quân đội Nga ở vùng Zaporizhzhia hồi tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

    Nhưng cựu tổng thống Trump và những đồng minh ở đảng Cộng hòa dường như không quan tâm. Rachman cho rằng họ sẵn sàng chấp nhận kịch bản Nga thắng Ukraine, nếu điều đó giúp tăng cơ hội đánh bại ông Biden trong cuộc bầu cử tháng 11.

    Năm ngoái, đảng Cộng hòa đã yêu cầu viện trợ quân sự cho Ukraine phải gắn liền với điều kiện về thắt chặt ngân sách và các biện pháp kiểm soát an ninh mới dọc biên giới Mỹ. Sau nhiều vòng thương lượng, đảng Dân chủ đã chấp nhận các yêu cầu đó, song ông Trump và các thành viên Cộng hòa giờ đây lại không đồng ý như vậy.

    "Ông Trump rõ ràng đang theo đuổi ý tưởng rằng Tổng thống Biden phải chịu trách nhiệm cho những hỗn loạn và thất bại từ biên giới phía nam tới Afghanistan và Ukraine", Rachman cho hay.

    Nhà phân tích của FT thêm rằng nếu số phận của Ukraine và an ninh của châu Âu là cái giá phải trả cho nỗ lực giành lại Nhà Trắng, ông Trump dường như sẵn sàng chấp nhận.

    Giới quan sát thậm chí cho rằng ông Trump nhiều khả năng sẽ hài lòng nếu Ukraine hứng chịu thất bại nặng nề đúng thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, để ông có thể chỉ trích những yếu kém, thất bại của chính quyền Tổng thống Biden.

    Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hồi tháng 3 năm ngoái, ông Trump cảnh báo chiến sự Nga - Ukraine có thể không được giải quyết trước bầu cử tổng thống Mỹ 2024, đồng thời chỉ trích chính sách của Tổng thống Biden "có nguy cơ dẫn đến Thế chiến III".

    "Nếu chiến sự Nga - Ukraine chưa được giải quyết, tôi có thể làm điều đó trong vòng 24 giờ với sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin và Zelensky", ông nói. Dù Trump không đưa ra được bất cứ giải pháp khả thi nào để thực hiện điều đó, tuyên bố này tạo ấn tượng rằng ông là người duy nhất có thể giải quyết rắc rối, khi Tổng thống Biden đã "bó tay".

    Vì Trump giờ chỉ là một công dân bình thường, quan điểm cứng rắn với Ukraine của ông chỉ có thể được thúc đẩy khi nhận được sự hỗ trợ của các thành viên đảng Cộng hòa ở quốc hội Mỹ nhằm "giáng đòn" vào chính quyền Tổng thống Biden.

    Chiến thắng áp đảo của ông Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở bang Iowa và New Hampshire đã thuyết phục hầu hết thành viên đảng Cộng hòa rằng họ cần phải ủng hộ ông. Đồng minh của ông Trump cuối tháng trước thậm chí đã trình dự thảo nghị quyết đề nghị đảng Cộng hòa coi cựu tổng thống là "ứng viên đề cử" để sớm kết thúc vòng sơ bộ.

    "Nếu ông Trump tiếp tục yêu cầu chặn viện trợ cho Ukraine, đảng Cộng hòa ở Hạ viện gần như chắc chắn sẽ đồng ý", Rachman nhận định.

    Thanh Tâm (Theo FT, AFP, Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 34 khách