Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nỗi lo khủng bố trỗi dậy từ sân sau của Nga
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nỗi lo khủng bố trỗi dậy từ sân sau của Nga

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 3 26, 2024 4:41 pm







    Bốn nghi phạm khủng bố nhà hát ngoại ô thủ đô Nga đều đến từ Tajikistan, quốc gia đồng minh tại Trung Á, nơi được xem như sân sau của Moskva.

    Nga cuối tuần qua chấn động với vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall, ngoại ô Moskva, khiến ít nhất 139 người chết và hơn 180 người bị thương. Đây là vụ khủng bố chết chóc nhất ở Nga trong 20 năm qua.

    ISIS-K, chi nhánh tại Afghanistan của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Chính phủ Mỹ cũng xác định nhóm này đứng sau vụ tấn công, cho hay họ đã thu thập được thông tin tình báo về nguy cơ khủng bố từ IS vào đầu tháng 3 và đã cảnh báo với phía Nga.

    Tuy nhiên, 4 nghi phạm vụ khủng bố không đến từ Afghanistan, mà đều là công dân Tajikistan, quốc gia Trung Á từng thuộc Liên Xô và có mối quan hệ lịch sử sâu sắc với Nga. Tajikistan hiện là một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, liên minh mà Tổng thống Vladimir Putin từ lâu hy vọng trở thành phiên bản tương tự NATO.

    Tajikistan, quốc gia có dân số 10 triệu người, nằm kẹp giữa Uzbekistan, Afghanistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc, là nước nghèo nhất trong số các nước từng thuộc Liên Xô. Tajikistan có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhưng chưa được phát triển đúng mức do đầu tư nước ngoài thấp và dữ liệu địa chất chưa đầy đủ.

    Tình trạng đói nghèo và thất nghiệp cũng đã thúc đẩy nhiều người Tajikistan tới Nga tìm việc. Ước tính hơn 3 triệu người Tajikistan hiện là lao động nhập cư ở Nga, hầu hết làm những công việc lương thấp trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất hoặc dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng.

    Hình ảnh
    Một gia đình đang chuẩn bị nướng bánh mì tại ngôi nhà ở làng Dakhana Kiik, Tajikistan. Ảnh: AP

    Dù Nga ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư để đáp ứng nhu cầu công việc trong nước, thái độ của người Nga đối với những người đến từ Trung Á và khu vực Kavkaz nhìn chung không mấy tích cực.

    Tại Tajikistan ngày nay, những người có trình độ đại học hầu như không thể kiếm được công việc có mức lương đủ để họ xây dựng cuộc sống gia đình bình thường. Sống trong cảnh nghèo khổ, họ dễ dàng trở thành mục tiêu lôi kéo của những kẻ tuyển mộ Hồi giáo cực đoan.

    Một trong 4 nghi phạm thực hiện vụ khủng bố tại nhà hát Crocus cho biết anh ta nhận chỉ thị từ một giáo sĩ Hồi giáo trên mạng, được hứa trả gần 11.000 USD để tiến hành vụ khủng bố và "giết sạch những người trong nhà hát". Số tiền này bằng thu nhập trong gần 5 năm của một lao động bình thường ở Tajikistan.

    Cùng với nghèo đói, xã hội Tajikistan cũng chất chứa căng thẳng tôn giáo. Những người Hồi giáo bảo thủ là một trong những lực lượng chính chống chính phủ trong cuộc xung đột giai đoạn 1992-1997, khiến hơn 150.000 người thiệt mạng và tàn phá nền kinh tế.

    Tổng thống Emomali Rahmon sau đó ban hành nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa xung đột tôn giáo, như hạn chế xây đền thờ Hồi giáo, cấm phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi đến thánh đường.

    Bóng ma Hồi giáo cực đoan từ nước láng giềng Afghanistan cũng là một lý do khiến ông Rahmon thực thi các chính sách này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những quy định nghiêm ngặt đó đã góp phần thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội ở Tajikistan.

    Sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, kết hợp với cuộc sống khó khăn ở quê nhà được cho là "công thức hoàn hảo" khiến 4 nghi phạm người Tajikistan bị lôi kéo vào hoạt động khủng bố.

    Nghi phạm Dalerjon Mirzoyev, 32 tuổi, từng nhập cảnh vào Nga để tìm việc và được cấp tạm trú trong vòng ba tháng ở thành phố Novosibirsk, thuộc vùng Siberia, nhưng giấy phép này đã hết hạn.

    Nghi phạm Saidakrami Rachabalizod, 30 tuổi, được xác định nhập cảnh vào Nga từ ngày 6/3 theo diện lao động nhập cư, nhưng không đăng ký nơi cư trú hợp pháp. Rachalbalizod từng đến Nga làm việc và bị bắt vào năm 2018 với cáo buộc vi phạm thời hạn tạm trú dành cho người nhập cư. Nghi phạm khi đó bị phạt hành chính 2.500 ruble rồi bị trục xuất khỏi Nga.

    Muhammadsobir Fayzov, 19 tuổi, nghi phạm trẻ nhất, đến Nga làm thợ cắt tóc và đăng ký tạm trú ở thành phố Ivanovo, phía đông thủ đô Moskva.

    Shamsidin Fariduni, 25 tuổi, người được xác định là chỉ huy của nhóm, làm việc trong một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ở thành phố Podolsk, phía tây nam Moskva. Anh ta cũng từng làm nhân viên sửa chữa và tạp vụ ở Krasnogorsk, vùng ngoại ô Moskva, nơi có khu phức hợp trung tâm mua sắm và nhà hát Crocus City Hall.

    Giới quan sát cho hay hầu hết vụ tấn công khủng bố liên quan tới phần tử Hồi giáo cực đoan ở Nga hơn 20 năm trước đều do người Chechnya thực hiện, như vụ bắt con tin ở trường trung học Beslan năm 2004 khiến hơn 300 người chết hoặc vụ đánh bom chung cư năm 1999.

    Hình ảnh
    Vị trí Nga và Tajikistan. Đồ họa: World Atlas

    Song những cuộc tấn công khủng bố từ năm 2015 đều do các nhóm thân IS nhận trách nhiệm. Sau khi IS tuyên bố thành lập ở Syria và Iraq vào tháng 6/2014, hàng nghìn người đã gia nhập lực lượng cực đoan này, trong đó có hàng trăm người từ Tajikistan.

    Một trong những người nổi bật nhất gia nhập IS là Gulmurod Khalimov, từng là sĩ quan lực lượng đặc nhiệm của Tajikistan trước khi đào ngũ và gia nhập IS ở Syria năm 2015.

    Sự trỗi dậy của IS cùng các nhóm phiến quân Hồi giáo khác đã thúc đẩy Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria để bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar Assad từ năm 2015. Năm 2017, Nga cho biết Khalimov đã chết trong cuộc không kích của họ ở Syria.

    Chiến dịch của Nga được coi là một trong những lý do quan trọng khiến IS bị đánh bại ở Syria. Tàn quân IS rút vào sa mạc để khôi phục lực lượng và tăng cường nhắm mục tiêu vào Nga do cho rằng Moskva đã "đàn áp đạo Hồi".

    Nhóm này nhận trách nhiệm về vụ đánh bom năm 2015 vào máy bay Nga đang đưa khách du lịch trở về từ khu nghỉ mát Sharm al-Sheik của Ai Cập. Hai năm sau, họ tuyên bố đứng sau vụ đánh bom tự sát chuyến tàu điện ngầm ở St. Peterburg, khiến 15 người thiệt mạng.

    Hai tuần trước vụ khủng bố nhà hát Crocus, lực lượng an ninh Nga cho biết đã truy quét các thành viên IS đang lên kế hoạch tấn công giáo đường Do Thái ở Moskva. Đầu tháng này, họ thông báo tiêu diệt 6 phiến quân IS ở khu vực Ingushetia, tiếp giáp với Chechnya.

    Hình ảnh
    Lực lượng an ninh Nga tại nhà hát Crocus City Hall, Krasnogorsk, tỉnh Moskva ngày 22/3. Ảnh: RIA Novosti

    Giới quan sát cho rằng cách phản ứng của Nga đối với vụ khủng bố nhà hát Crocus cũng có thể gây chia rẽ giữa họ và Tajikistan, một trong những đồng minh truyền thống ở Trung Á.

    Quan hệ giữa Nga và Tajikistan trước đó đã có nhiều rạn nứt, khi ảnh hưởng của Moskva ở "sân sau" ngày càng suy giảm do tác động của xung đột ở Ukraine. Armenia, quốc gia ở Trung Á và là thành viên CSTO, hồi tháng 2 thông báo đình chỉ tham gia hiệp ước an ninh tập thể này, động thái được cho là đòn giáng với hình ảnh của Nga trong khu vực.

    Hồi tháng 10/2022, Tổng thống Rahmon đã gay gắt yêu cầu Nga tôn trọng Tajikistan. Ông cho biết Tajikistan đã phải "cầu xin" Nga tham dự diễn đàn Cộng đồng Các quốc gia Độc lập diễn ra ở nước này. "Chúng tôi chưa bao giờ được Nga đối xử như đối tác chiến lược. Chúng tôi muốn được tôn trọng", ông nói.

    Quan hệ song phương có thể chứng kiến những trắc trở nhiều hơn, khi Nga nhiều khả năng phải xem xét lại chính sách khuyến khích nhập cư với những người đến từ Trung Á, theo giới quan sát. Nếu Nga thắt chặt chính sách nhập cư, cuộc sống của khoảng 1/3 dân số Tajikistan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, tạo thêm áp lực với quốc gia này.



    Thanh Tâm (Theo The Conversation, Business Insider, AP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 34 khách