Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Bóng đen' bao phủ Samsung sau vụ bắt giam người thừa kế
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27911
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    'Bóng đen' bao phủ Samsung sau vụ bắt giam người thừa kế

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 1 21, 2021 1:52 pm




    Phán quyết bắt giữ người thừa kế Samsung - Phó chủ tịch Lee Jae-yong - đang khiến việc quản lý kinh doanh quan trọng của tập đoàn rơi vào trạng thái chờ.

    Ngày 18/1, tòa án cấp cao Seoul đã kết án Phó chủ tịch Lee Jae-yong 2 năm rưỡi tù giam vì tội tham ô và hối lộ. Luật sư của Lee đã gọi quyết định này của tòa là "đáng tiếc", nhưng không cho biết liệu thân chủ có kháng cáo hay không. Nhóm đại diện pháp lý của Samsung cũng không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc.

    Các chuyên gia nhận định án tù của Lee sẽ tạo ra khoảng trống lớn trong dàn lãnh đạo cấp cao của Samsung, khiến công ty mất người ra quyết định chiến lược ở các ngành kinh doanh cốt lõi. Trong bối cảnh tính cạnh tranh trên thị trường chất bán dẫn và thiết bị điện tử ngày càng gay gắt, việc thiếu người điều hành lúc này có thể khiến Samsung tụt lại so với các đối thủ trên thế giới.

    Đây là lần thứ hai ông Lee vướng vòng lao lý và phải quay trở lại nhà giam. Năm 2017, thái tử Samsung từng bị kết án hối lộ sau vụ bê bối liên quan tới Tổng thống Park Geun Hye và bạn thân Choi Soon Sil bị phanh phui. Ông được thả sau chưa đầy một năm khi Tòa án cấp cao Seoul đình chỉ bản án. Tuy vậy, gần đây Tòa án tối cao Hàn Quốc lại yêu cầu xét xử lại vụ việc và dẫn tới phán quyết hôm 18/1 vừa qua.

    Khoảng trống quyền lực

    Samsung là tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc. Công ty hoạt động kinh doanh ở đa lĩnh vực, từ thiết bị điện tử, công viên giải trí tới bảo hiểm. Samsung được biết đến là nhà sản xuất smartphone và TV lớn nhất thế giới, ngoài ra, hãng cũng cung cấp chip nhớ và màn hình cho Apple và Huawei.

    Hình ảnh
    Lee Jae Yong đến dự phiên xét xử tại tòa án Seoul sáng 18/1. Ảnh: Reuters.

    Nhiều năm qua, Lee Jae-yong là người điều hành Samsung với vai trò Phó chủ tịch và quyền Chủ tịch tập đoàn. Sau khi cha ông - Chủ tịch Lee Kun Hee - qua đời năm ngoái, Lee Jae-yong chính thức trở thành người dẫn dắt Samsung.

    Nhà phân tích SK Kim của Daiwa Securities cho biết: "Các công ty thành viên vẫn hoạt động mà không gặp quá nhiều vấn đề, nhưng việc vắng Lee sẽ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư và M&A quan trọng". Ông chỉ ra rằng Phó chủ tịch Lee là người đưa ra quyết định then chốt với các thương vụ lớn tại công ty, như vụ mua lại Harman International trị giá 8 tỷ USD năm 2016 hay khoản đầu tư 27 tỷ USD vào dây chuyền sản xuất linh kiện bán dẫn ở Pyeongtaek.

    "Đây là những quyết định kinh doanh trị giá hàng chục tỷ USD. Khi Lee vắng mặt, Samsung sẽ phải cực kỳ cân nhắc trong việc đưa ra các quyết định đầu tư mạo hiểm", Kim nói.

    Theo Jeff Dongwon Kim, Phó trưởng bộ phận nghiên cứu của KB Securities, việc lãnh đạo công ty sau song sắt cũng là một vấn đề. "Hãy tưởng tượng mức độ tác động tới tình hình kinh doanh toàn cầu nếu Tim Cook bị bỏ tù vì hối lộ chính phủ Mỹ hàng triệu USD", ông nói. Kim cho biết thêm, trong những năm gần đây, các công ty đầu tư ngày càng quan tâm tới ảnh hưởng dư luận và không muốn làm ăn với các công ty dính bê bối.

    Ảnh hưởng tới Hàn Quốc

    Với giá trị vốn hóa chiếm hơn 30% thị trường Hàn Quốc, đóng góp 20% thuế doanh nghiệp và tạo việc làm cho khoảng 300.000 lao động trong nước, Samsung đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Hàn Quốc. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, ông Park Yong Maan, được cho là đã trình đơn kiến nghị, kêu gọi tòa án nương tay với Lee.

    Tuy nhiên, theo Chung Sun-sup, Tổng biên tập báo Chaebol.com - trang tin chuyên phân tích các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc, về dài hạn, phán quyết này của tòa có thể có tác động tích cực tới xã hội. Nhiều nhà phân tích từ lâu đã coi hoạt động mua bán ân huệ giữa các chính trị gia và doanh nghiệp Hàn Quốc là một "căn bệnh nan y" ở nước này.

    Trong quá khứ, cố chủ tịch Samsung và nhiều lãnh đạo Chaebol khác dù bị kết tội hối lộ và trốn thuế, đều được ân xá và cho phép trở lại điều hành doanh nghiệp. Việc đưa Lee trở lại nhà tù lần này cho thấy Hàn Quốc đang sẵn sàng nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn.

    "Đây là bước khởi đầu cho hành trình gỡ rối mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Đó là một điều tốt cho nền kinh tế Hàn Quốc về lâu dài", Chung nói.

    Đăng Thiên (theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 95 khách