Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Bê bối vaccine 3 năm trước phủ bóng chiến dịch tiêm phòng Covid-19
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27911
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Bê bối vaccine 3 năm trước phủ bóng chiến dịch tiêm phòng Covid-19

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 1 24, 2021 10:56 pm




    PHILIPPINES- Khoảng 700.000 trẻ đã được tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết năm 2017 thì nhà sản xuất thông báo "có thể nguy hiểm". Niềm tin vào vaccine xuống thấp, kể cả với Covid-19.

    "Tiêm phòng á? Không phải tôi, tôi sẽ không làm đâu", Carlito Cristo Niniado khăng khăng khi được hỏi về vaccine Covid-19.

    Người thợ mộc 68 tuổi ở Manila cho biết đã đọc thông tin về 23 người Na Uy tử vong khi sau khi tiêm vaccine của Pfizer. "Nếu tôi không chết vì nCoV, tôi sẽ chết vì tiêm chủng. Tốt hơn hết là không nên thử", anh nói.

    Niniado không phải người Philippines duy nhất có quan điểm này. Niềm tin của công chúng vào chương trình tiêm phòng xuống mức thấp nhất lịch sử trong vài năm trở lại đây. Một vụ bê bối và hiểu lầm về vaccine sốt xuất huyết năm 2015 đã tạo ra sự hoảng loạn trên diện rộng, khiến nhiều người trở nên hoài nghi.

    Thuyết phục người dân tiêm vaccine trở thành thách thức với Philippines. Chính phủ gặp khó khăn do bị cáo buộc vô tổ chức, chậm trễ và quan liêu khi lên kế hoạch tiêm chủng cho 108 triệu người.

    Cuộc thăm dò của Tổ chức Pulse Asia Research hồi tháng 11/2020 cho thấy 32% trong số 2.400 người tham gia sẵn sàng dùng vaccine Covid-19. Gần một nửa số người được hỏi cho biết sẽ không tiêm chủng, 21% chưa chắc chắn về quyết định của mình bởi không rõ về độ an toàn của các liều tiêm.

    Tuy nhiên, người Philippines từng rất tin tưởng vào vaccine. Theo báo cáo của Global Vaccine Confidence Index năm 2015, 93% dân số cho rằng vaccine rất quan trọng. Đây là quan niệm được xây dựng từ nhiều thập kỷ, chuyên gia cho biết.

    "Những năm 1990, chúng tôi có lòng tin đối với vaccine cao nhất trên thế giới. Kể từ 1981 đến 1993, khoảng 5 đến 8 triệu trẻ em được tiêm chủng. Chẳng có bất cứ vấn đề gì và chúng tôi đã xóa sổ được bệnh bại liệt", tiến sĩ Lulu Bravo, giám đốc điều hành Tổ chức Tiêm chủng Philippine, nói.

    Đến năm 2019, niềm tin vào tiêm chủng giảm mạnh. Bộ trưởng Y tế Francisco Duque gọi đây là "trải nghiệm đáng tiếc", tất cả bắt đầu từ một chiến dịch ngừa sốt xuất huyết.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế diễn tập tiêm vaccine Covid-19 tại Manila. Ảnh: Reuters

    Năm 2015, cựu Tổng thống Benigno Aquino khởi động chương trình trị tiêm phòng trị giá 3 tỷ peso (151 triệu USD) cho toàn dân. Năm 2017, nhà sản xuất Sanofi, đơn vị cung cấp vaccine Dengvaxia, thông báo sản phẩm có thể gây nguy hiểm nếu tiêm cho người chưa từng mắc sốt xuất huyết. Khi ấy, khoảng 700.000 trẻ em nước này đã được chủng ngừa.

    Tin tức gây phẫn nộ khắp đất nước, thúc đẩy các cuộc điều tra của Quốc hội. Hàng loạt phiên điều trần được thực hiện giữa bối cảnh hỗn loạn y tế, sự hoảng loạn của người dân và luận điểm chính trị sai lệch.

    Nhiều gia đình tuyên bố con cái họ đã chết sau khi tiêm vaccine Dengvaxia. Các câu chuyện vô căn cứ lan truyền chóng mặt trên mạng, thậm chí được Văn phòng Luật sư Công (PAO) đem vào các phiên điều trần. Có cáo buộc cho rằng các quan chức y tế được hối lộ để sử dụng Dengvaxia cho người dân.

    "Mỗi ngày, báo đài sẽ đưa tin về một ca tử vong vì Dengvaxia. Trên phương tiện truyền thông, PAO nói rằng họ được cha mẹ yêu cầu khám nghiệm tử thi của những trẻ em đã chết. Nếu bạn hỏi tôi, chẳng ai chết cả. Nhưng PAO sẽ bảo là có hàng trăm người", tiến sĩ Bravo nói.

    Các chuyên gia y tế trở thành "kẻ thù" của công chúng. Họ bị gièm pha, châm biếm, xúc phạm. Trong phiên điều trần tại Quốc hội năm 2018, một người mẹ hét lên: "Các người đã giết con tôi" và cố gắng tấn công cựu Bộ trưởng Y tế Janette Garin. Người phụ nữ sau đó thừa nhận con mình chưa chết.

    Năm 2018, một nhóm bác sĩ Philippines viết một bức thư chỉ ra các sai sót mà nhà chức trách mắc phải trong việc triển khai vaccine Dengvaxia. Họ cho rằng chiến dịch được thực hiện quá gấp rút, không tham vấn các bên liên quan đa ngành và chưa có sự giáo dục nhận thức công khai.

    "Chương trình quá vội vàng. Thông thường, cần có một bộ quy tắc, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho cộng đồng từ ba đến 6 tháng trước khi khởi động tiêm chủng quốc gia", tiến sĩ Anthony Leachon, giám đốc y tế của Unilever Philippines, nhận định.

    Theo ông, dù không thể xác định Dengvaxia trực tiếp gây ra các ca tử vong, chúng có thể là nguyên nhân gần nhất dẫn đến điều này. Thực tế, ít nhất hai người chủng ngừa sau đó đã chết. Cuối các phiên điều trần, cựu Tổng thống Benigno Aquino và một số quan chức cũng phải đối mặt với cáo buộc biển thủ và nhận hối lộ. Chương trình phân phối Dengvaxia được cho là không tuân theo các quy tắc thương mại của chính phủ, có sự "vội vàng vô hình" trong việc thực hiện.

    Vụ việc khiến người dân đồng loạt mất niềm tin vào vaccine. Số ca tử vong do bệnh có thể phòng ngừa tăng vọt. Một số bậc cha mẹ vì quá sợ hãi đã không cho con cái mình tiêm chủng. Nhiều dịch bệnh vốn đã bị tiêu diệt tận gốc bắt đầu xuất hiện trở lại.

    "Năm 2000, Philippines tuyên bố diệt trừ hoàn toàn bệnh bại liệt. Đến tháng 9/2019, chúng tôi nhận được báo cáo về ca nhiễm đầu tiên, sau đó là một vài trường hợp khác", tiến sĩ Bravo nói. Philippines bùng phát sởi vào tháng 1/2019. Đến tháng 4 năm ấy, khoảng 500 người đã tử vong vì căn bệnh này. Trước đó, kể từ 2005, Philippines không ghi nhận trường hợp nào mắc sởi.

    Bà Bravo cho rằng Philippines đang có mức độ do dự về vaccine cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà cũng thừa nhận rất nhiều nhà khoa học đã mắc lỗi giao tiếp, không kịp cảnh báo lợi ích và rủi ro của Dengvaxia.

    Hình ảnh
    Hai lọ vaccine Dengvaxia ngừa sốt xuất huyết của Sanofi. Ảnh: AFP

    Hiện nay, Philippines là một trong những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Tính đến ngày 25/1, nước này ghi nhận hơn 500.000 ca nhiễm nCoV và ít nhất 10.000 trường hợp tử vong. Cái bóng của vụ Dengvaxia vẫn bao trùm lên nỗ lực tiêm chủng Covid-19.

    Để giảm tình trạng bài xích vaccine, tiến sĩ Anthony Leachon cho biết chính phủ nên tham khảo y kiến của các cơ sở y tế và tìm hiểu mối lo ngại của người dân. "Họ cần khảo sát mọi người và hỏi họ, rằng bạn có sẵn sàng tiêm chủng không? Nếu có, lý do là gì và loại vaccine cụ thể nào? Một số chính quyền địa phương đã tiên phong làm điều này", ông nói.

    Tại thành phố Cainta thuộc tỉnh Rizal, người dân cho biết họ không muốn sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất. Hồi đầu tháng 1, trong phiên điều trần, Bộ trưởng Y tế Duque tuyên bố sẽ khởi động một "chiến dịch xã hội lớn" nhằm thuyết phục người dân tiêm chủng.

    Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto trước đó đã cảnh báo ông Duque rằng chính phủ đang yếu thế trong trận chiến thông tin mạng xã hội. "Bạn bị áp đảo bởi những thông tin sai lệch rằng người được tiêm chủng sau đó sẽ nói tiếng Trung", ông cho biết.

    Bravo nhận định nỗ lực tiêm chủng lần này cần có sự tham gia của các hiệp hội y tế, đơn vị tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và giới học thuật. Trong khi đó, cuộc tranh cãi Dengvaxia vẫn tiếp tục để lại hậu quả đáng kể.

    Thục Linh (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 84 khách