Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ngoại giao vaccine của Trung Quốc vướng trở ngại
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ngoại giao vaccine của Trung Quốc vướng trở ngại

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 1 26, 2021 10:09 am




    Vaccine Covid-19 được Trung Quốc kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng địa chính trị vang dội, song ở một số nơi, chúng lại đang nhận về chỉ trích.

    Giới chức Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn rằng các công ty Trung Quốc rất chậm chạp trong việc chuyển giao vaccine cũng như các thành phần điều chế. Các dữ liệu công bố về vaccine Trung Quốc thường muộn và không rõ ràng. Một số ít thông báo được đưa ra cho thấy vaccine Trung Quốc không đạt mức độ hiệu quả cao như vaccine của Pfizer và Moderna, hai hãng dược phẩm của Mỹ.

    Hình ảnh
    Nhân viên tại một phòng thí nghiệm của Sinovac ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

    Tại Philippines, nhiều nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích chính phủ vì quyết định mua vaccine Sinovac do công ty Trung Quốc sản xuất. Các quan chức Malaysia và Singapore, hai nước đều đã đặt hàng vaccine Sinovac, phải trấn an người dân rằng họ sẽ chỉ phê chuẩn nếu vaccine được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

    "Hiện tại, tôi sẽ không tiêm bất cứ vaccine nào từ Trung Quốc bởi chúng không có đầy đủ dữ liệu", Bilahari Kausikan, một cựu quan chức tại Bộ Ngoại giao Singapore, tuyên bố.

    Ít nhất 24 nước, hầu hết là những nước thu nhập thấp hoặc trung bình, đã ký thỏa thuận mua vaccine từ công ty Trung Quốc bởi chúng dễ tiếp cận, trong khi những nước giàu có hơn đã đặt hàng hết vaccine từ Pfizer hay Moderna. Nhưng sự chậm trễ trong việc chuyển giao vaccine và thực tế là vaccine Trung Quốc tỏ ra ít hiệu quả hơn đồng nghĩa các nước này có thể phải mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ Covid-19 thông qua tiêm chủng.

    Các quan chức ở Bắc Kinh, những người từng hy vọng vaccine Covid-19 sẽ đưa danh tiếng Trung Quốc vươn lên trên toàn cầu, đang ra sức bảo vệ sản phẩm của quốc gia. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch tuyên truyền nhắm vào vaccine Mỹ, đặt câu hỏi về tính an toàn của vaccine Pfizer và Moderna, đồng thời quảng bá vaccine Trung Quốc là giải pháp tốt hơn.

    Liu Xin, người dẫn chương trình kênh truyền hình CGTN Trung Quốc, đặt câu hỏi trên Twitter về việc vì sao truyền thông phương Tây không "đào sâu" về cái chết của những người sau khi tiêm vaccine Covid-19 ở Đức, dù các nhà khoa học đã nêu rõ rằng những người này đều bị bệnh nền nặng từ trước.

    Dòng tweet của Liu được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chia sẻ lại.

    George Gao, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, lại đặt nghi vấn về tính an toàn của vaccine Mỹ vì cho rằng các nhà phát triển chúng sử dụng những công nghệ, kỹ thuật mới thay vì những phương pháp truyền thống được các nhà sản xuất Trung Quốc áp dụng.

    Trung Quốc hiện sở hữu số vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc đang trong thử nghiệm giai đoạn cuối ngang bằng với Mỹ. Sinopharm, công ty sản xuất vaccine thuộc sở hữu nhà nước, và Sinovac cho biết họ có thể sản xuất tổng cộng 2 tỷ liều vaccine trong năm nay.

    Khác với sản phẩm của Pfizer và Moderna, vaccine Trung Quốc có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh và dễ vẫn chuyển hơn, khiến chúng trở nên hấp dẫn với các nước đang phát triển. Chúng cũng được sử dụng để viện trợ cho một số nước như Pakistan hay Philippines.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế Indonesia vận chuyển các thùng chứa vaccine Sinovac. Ảnh: AFP.

    Tuy nhiên, chiến dịch "ngoại giao vaccine" nhằm nâng cao hình ảnh của Trung Quốc đã vấp phải nhiều hoài nghi. Nhiều người vẫn chưa quên được những bê bối vaccine của nước này trong quá khứ. Một số chính phủ vẫn giận dữ vì cáo buộc Bắc Kinh thiếu minh bạch thông tin ở thời điểm dịch mới bùng phát. Nỗ lực của Trung Quốc phân phối khẩu trang và đồ bảo hộ tới phương Tây hồi đầu năm ngoái không được đánh giá cao vì những cáo buộc về sản phẩm kém chất lượng.

    Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường YouGov, trụ sở ở Anh, thực hiện trên khoảng 19.000 người ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy hầu hết đều không tin tưởng vào vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Mặt khác, chiến dịch đưa thông tin sai lệch về vaccine phương Tây mà Bắc Kinh đang thực hiện còn có thể làm xấu thêm hình ảnh của họ.

    Tình trạng chậm trễ trong chuyển giao vaccine tới các nước như Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khiến chiến lược của Bắc Kinh nhận thêm đòn giáng.

    Chính phủ Trung Quốc ban đầu hứa hẹn rằng 10 triệu liều vaccine Sinovac sẽ cập bến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 12. Nhưng đến đầu tháng một, mới chỉ có ba triệu liều được chuyển giao, theo Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca. Số còn lại chỉ đến vào hôm 25/1.

    Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lý giải nguyên nhân chậm trễ bắt nguồn từ nhu cầu quá lớn ở trong nước. Các đợt bùng phát dịch lẻ tẻ tại Trung Quốc cũng có thể là nguyên nhân gây cản trở sản xuất vaccine. Sinovac hồi cuối tuần trước cho hay họ đang tìm kiếm công nhân cho một cơ sở ở Bắc Kinh vì một đợt bùng phát mới khiến người lao động sợ hãi.

    Tại Brazil, Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello cho biết Trung Quốc không kịp thời cung cấp các tài liệu, hồ sơ cần thiết để phục vụ việc xuất khẩu nguyên liệu thô dùng cho điều chế vaccine sang nước này.

    Bên cạnh đó, thế giới cũng không khỏi bất ngờ trước thông tin cho rằng vaccine Sinovac có thể không hiệu quả như người ta vẫn nghĩ. Trước đây, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc thử nghiệm cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vaccine Sinovac là 91%, trong khi tỷ lệ ở Indonesia và Brazil lần lượt là 68% và 78%.

    Tuy nhiên, đến ngày 12/1, các nhà khoa học nói rằng tỷ lệ hiệu quả của nó chỉ trên 50%, cao hơn không đáng kể so với tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra để xác định một loại vaccine là có hiệu quả.

    Tại một cuộc họp báo hồi tuần trước, giám đốc điều hành Sinovac Yin Weidong tái khẳng định vaccine của họ có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm nghiêm trọng. Theo ông, tỷ lệ hiệu quả thấp là kết quả của việc thử nghiệm tập trung vào nhóm nhân viên y tế, những người có xu hướng tiếp xúc với virus cao hơn người dân bình thường.

    Hình ảnh
    Người dân bản địa Brazil chờ tiêm vaccine Sinovac ở Sao Paulo. Ảnh: NYTimes.

    Chắc chắn vaccine Trung Quốc có sức hấp dẫn đối với nhiều quốc gia. Hơn 40 nước đã bày tỏ quan tâm về việc nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc, theo Bộ Ngoại giao nước này. Một số lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayyip Erdogan và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đã tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac.

    Nhưng những thông tin thiếu nhất quán về vaccine vẫn là một trở ngại lớn đối với Trung Quốc. Sinopharm từng thông báo một ứng viên vaccine do Viện Sinh phẩm Bắc Kinh, một chi nhánh của họ, phát triển có tỷ lệ hiệu quả 79%, song không cung cấp các thông số quan trọng khác.

    Tại Hong Kong, chính quyền đặc khu đã đặt hàng 7,5 triệu liều vaccine Sinovac song họ chưa nhận được giấy phép phân phối khẩn cấp hay bất kỳ dữ liệu nào từ công ty Trung Quốc.

    "Liệu họ sản xuất không đủ hay họ chưa có kế hoạch chuyển vaccine tới Hong Kong, tôi không rõ nữa", tiến sĩ Lau Chak Sing, người đứng đầu một ban cố vấn của chính quyền Hong Kong về vaccine Covid-19, cho hay.

    Vấn đề minh bạch thông tin cũng đang tạo nên làn sóng phản đối ở Philippines, nước đã đặt hàng 25 triệu liều vaccine Sinovac. Nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros cáo buộc chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte "đang nhồi nhét sự ưa thích của họ đối với vaccine Trung Quốc xuống cổ họng công chúng mà ko có phê chuẩn sử dụng khẩn cấp hay dữ liệu nhất quán".

    Dù thiếu chắc chắn, nhiều người vẫn phải miễn cưỡng chọn vaccine Trung Quốc. "Tôi sẽ tiêm", Kayihan Pala, thành viên Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Tôi đang chờ đến lượt bởi làm gì còn lựa chọn nào nữa".

    Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 18 khách