Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Mỹ ồ ạt rút 100 tỷ USD tiền gửi khỏi các ngân hàng
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Người Mỹ ồ ạt rút 100 tỷ USD tiền gửi khỏi các ngân hàng

    by music123 » Thứ 7 Tháng 3 25, 2023 7:25 pm

    Người Mỹ rút 100 tỷ USD tiền gửi khỏi các ngân hàng

    25/03/2023


    Ngành ngân hàng Mỹ đang rơi vào cảnh hỗn loạn sau sự sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng. Điều này khiến người gửi tiền lo ngại.

    Theo CNBC, các dữ liệu mới nhất cho thấy khách hàng Mỹ đã rút gần 100 tỷ USD tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng. Giới chức trách Washington phải lên tiếng trấn an rằng hệ thống ngân hàng nước này vẫn an toàn.

    Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và hơn 10 quan chức vừa tham gia một cuộc họp kín của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính hôm 24/3.

    Một thành viên của Fed New York đã trình bày tóm tắt về tình hình thị trường trong cuộc họp.

    "Hội đồng đã thảo luận về các điều kiện hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng. Dù một số tổ chức đang gặp căng thẳng, hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn lành mạnh và chống chịu tốt", tuyên bố nhấn mạnh.

    Hình ảnh

    Theo dữ liệu mới nhất của Fed, các khách hàng tại Mỹ đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD khỏi tài khoản ngân hàng trong tuần kết thúc vào ngày 15/3. Ảnh: Reuters.

    Gần 100 tỷ USD rời khỏi các ngân hàng

    "Hội đồng cũng đang thảo luận về những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan thành viên nhằm giám sát lĩnh vực tài chính", tuyên bố nói thêm.

    Tuyên bố được đưa ra cùng lúc với dữ liệu mới nhất của Fed. Theo đó, các khách hàng tại Mỹ đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD khỏi tài khoản ngân hàng trong tuần kết thúc vào ngày 15/3.

    Làn sóng rút tiền diễn ra sau khi Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - sụp đổ. Ngay giữa bê bối của SVB, Signature Bank cũng bị đóng cửa, đánh dấu vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 3 ở Mỹ.

    Các dữ liệu cho thấy làn sóng rút tiền chủ yếu xảy ra ở những ngân hàng nhỏ. Có tới 120 tỷ USD rời khỏi các tài khoản tiền gửi mở tại những nhà băng này. Trong khi đó, 67 tỷ USD chảy vào các tổ chức lớn.

    Làn sóng rút tiền khiến tổng tiền gửi ngân hàng tại Mỹ giảm còn 17.500 tỷ USD. Con số này đã giảm liên tục trong một năm qua. So với thời điểm tháng 2/2022, mức giảm lên tới 582,4 tỷ USD.

    Theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Đầu tư, đến ngày 22/3, tài sản của các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ đã tăng 203 tỷ USD sau 2 tuần lên 3.270 tỷ USD.

    Tìm phao cứu sinh


    Các ngân hàng đã tìm tới sự giúp đỡ sau rắc rối của SVB and Signature Bank. Theo dữ liệu được công bố hôm 23/3, mỗi ngày, có tới 116,1 tỷ USD được vay từ cửa sổ chiết khấu của ngân hàng trung ương - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

    Các nhà băng cũng rút 53,7 tỷ USD từ Bank Term Funding Program (BTFP) - chương trình cho vay khẩn cấp dành cho ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản của hệ thống tài chính sau vụ phá sản của SVB.

    Trong họp báo sau cuộc họp chính sách mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần thừa nhận rằng đến nay, vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng từ những biến động trong ngành ngân hàng.

    "Các sự kiện mới đây có thể dẫn đến điều kiện tài chính thắt chặt hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Chưa biết chính xác mức độ ảnh hưởng là như thế nào", cơ quan hoạch định chính sách của Fed cho biết trong tuyên bố.

    Ông Powell cũng mô tả làn sóng rút tiền khỏi SVB là "rất nhanh". Sự sụp đổ của nhà băng này diễn ra đột ngột tới mức giới chức Mỹ phải đặt ra câu hỏi: "Nó đã diễn ra như thế nào?".

    Chỉ trong vài tuần, 3 nhà băng của Mỹ đã sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước này. Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng được UBS Group mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.

    17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse đã gần như bốc hơi hoàn toàn sau thương vụ gây chấn động toàn cầu. Các trái chủ của ngân hàng này đang chuẩn bị đâm đơn kiện.

    Giá cổ phiếu của Deutsche Bank - nhà băng lớn nhất nước Đức - đã giảm 8,5% vào phiên giao dịch ngày 24/3. Nguyên nhân là đêm 23/3, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này đã tăng vọt do lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng châu Âu.

    Thảo My
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Người Mỹ ồ ạt rút 100 tỷ USD tiền gửi khỏi các ngân hàng

    by music123 » Chủ nhật Tháng 3 26, 2023 9:22 am

    Mỹ: Tiền gửi giảm kỷ lục tại các ngân hàng nhỏ sau khi SVB sụp đổ


    Tom Ozimek • 26/03/23

    Hình ảnh

    Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tại Tempe, Arizona, Mỹ, 10/01/2020. (Tony Webster / Flickr / CC BY 2.0)

    Lượng tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ của Mỹ đã giảm kỷ lục trong tuần kết thúc vào ngày 15/3/2023, do sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) khiến người gửi tiền hoảng sợ và khiến nhiều người rút tiền tiết kiệm.

    Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy, tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ — những ngân hàng nhỏ hơn 25 ngân hàng lớn nhất — đã giảm 119 tỷ USD xuống còn 5,46 nghìn tỷ USD, nhiều hơn gấp đôi so với mức giảm kỷ lục trước đó.


    Trong khi đó, tiền gửi tại các ngân hàng lớn của Mỹ đã tăng 67 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/3, đạt 10,74 nghìn tỷ USD.

    Điều này cho thấy rằng các ngân hàng lớn hơn, thường được coi là "quá lớn để cho phép sụp đổ" và có nhiều khả năng nhận được cứu trợ trong trường hợp gặp khó khăn, là những người hưởng lợi từ sự dao động trong tiền gửi.

    Ngành ngân hàng nổi sóng, và những lo lắng rộng lớn hơn trong ngành này, xuất hiện sau sự sụp đổ ngoạn mục của SVB — ngân hàng có tỷ lệ cao bất thường các khoản tiền gửi không được bảo hiểm, nghĩa là những khoản vượt quá mức trần bảo đảm tiền gửi là 250.000 USD.

    Gần 94% tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm. Điều này có nghĩa là chúng có thể bị mất đi trong trường hợp ngân hàng sụp đổ, và khi những người gửi tiền biết tin SVB lỗ 1,8 tỷ USD khi bán trái phiếu, họ đã vội vã rút tiền.

    "Chỉ 1% số ngân hàng là có mức đòn bẩy không được bảo hiểm cao hơn [mức của SVB]. Kết hợp lại, các khoản lỗ và đòn bẩy không được bảo hiểm đã tạo ra động lực cho một cuộc rút tiền gửi không bảo hiểm hàng loạt tại SVB", các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài đăng gần đây trên Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN). Bài đăng này cho hay, có 186 ngân hàng trên khắp nước Mỹ có nguy cơ sụp đổ nếu người gửi tiền của họ rút tiền.

    Một ngày trước khi SVB sụp đổ, khách hàng của họ đã rút 42 tỷ USD chỉ trong một ngày, khiến số dư tiền mặt của SVB bị âm khoảng 1 tỷ USD.

    Chính quyền California đã can thiệp và chỉ định Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) làm người tiếp nhận tài sản. FDIC đã thành lập một ngân hàng bắc cầu — được gọi là Ngân hàng Cầu nối Thung lũng Silicon. FDIC đã chuyển tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng sang ngân hàng bắc cầu — ngân hàng này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường — và đưa ra một bảo đảm lên toàn bộ các khoản tiền gửi, để ngăn chặn dòng tiền gửi tiếp tục chảy ra. Bảo đảm toàn bộ các khoản tiền gửi có nghĩa là gỡ bỏ mức trần tiền gửi được bảo hiểm 250.000 USD và bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi khỏi bị mất đi.

    Đồng thời, Fed đã thiết lập một cơ chế cho vay khẩn cấp dành cho các ngân hàng, để giúp họ tiếp cận với nguồn thanh khoản dồi dào và đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người gửi tiền.

    Các khoản vay bởi các ngân hàng nhỏ đã tăng 252 tỷ USD lên mức kỷ lục 669,6 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/3.

    "Kết quả là, các ngân hàng nhỏ có thêm 97 tỷ USD tiền mặt vào cuối tuần, cho thấy rằng một số khoản vay là để gây dựng khoản tiền dự định dùng trong tình huống khó khăn, như một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp người gửi tiền yêu cầu rút tiền của họ", nhà phân tích của Capital Economics là Paul Ashworth cho biết.

    Không rõ liệu việc dòng tiền gửi chảy ra khỏi các ngân hàng nhỏ hơn có tiếp tục hay không.

    "Dòng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đã ổn định trong tuần qua", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hôm 22/3.

    Một số người cho rằng, để xoa dịu những người gửi tiền đang lo lắng và ngăn chặn tiền gửi chảy ra ngoài, FDIC nên tạm thời gỡ bỏ mức trần bảo hiểm tiền gửi, và đưa ra một bảo đảm chung cho toàn bộ ngành ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, một biện pháp như vậy sẽ cần có sự chấp thuận của quốc hội, và một số nhà lập pháp — đặc biệt là các thành viên của nhóm chính trị Freedom Caucus — đã bày tỏ sự phản đối.

    Bảo đảm cho toàn bộ?

    Những nhà lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ đã đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về việc mở rộng bảo đảm tiền gửi.

    Tổng thống Joe Biden cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Ottawa hôm 24/3 rằng, nếu có nhiều ngân hàng sụp đổ hơn ở Mỹ, thì bảo đảm tiền gửi rộng lớn hơn là có khả năng.


    "Nếu chúng tôi thấy rằng có nhiều bất ổn hơn ban đầu, chúng tôi sẽ có thể yêu cầu FDIC sử dụng quyền lực mà họ có để đảm bảo cho những [khoản tiền gửi] trên 250.000 USD như họ đã từng làm", Tổng thống Biden nói.

    Nếu không có sự chấp thuận của quốc hội để mở rộng bảo đảm tiền gửi một cách rộng rãi, thì cách duy nhất khả dụng là các cơ quan tài chính Mỹ đưa ra "các ngoại lệ mà gây rủi ro cho hệ thống" đối với các ngân hàng riêng lẻ, mà sự sụp đổ của chúng được coi là có khả năng gây bất ổn cho hệ thống tài chính. Một ngoại lệ như vậy đã được thực hiện trong trường hợp của SVB và Ngân hàng Signature, đã sụp đổ vài ngày sau SVB do lây lan.

    Tổng thống Biden nói rằng các ngân hàng Mỹ đang ở "tình trạng khá tốt" và tiền gửi vẫn an toàn, đồng thời thêm rằng ông không nghĩ ngành ngân hàng sắp sụp đổ.

    "Và vì vậy tôi nghĩ rằng sẽ mất một thời gian để mọi thứ lắng xuống", ông Biden tiếp tục. "Nhưng tôi không cho rằng có bất cứ thứ gì sắp phát nổ đến nơi".

    Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp kín của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) hôm 24/3 để đánh giá các diễn biến của thị trường.

    FSOC đã thảo luận về các tình trạng hiện tại của ngành ngân hàng và kết luận rằng "hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn vững chãi và có sức bật", một tuyên bố từ Bộ Tài chính cho hay.

    Bà Yellen cho biết trong phiên điều trần tại Thượng viện vào ngày 22/3 rằng, việc mở rộng bảo đảm tiền gửi ra toàn bộ ngành ngân hàng Mỹ không được coi là một lựa chọn tức thời. Một ngày trước đó, bà nói rằng các cơ quan chức năng sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ có sẵn trong trường hợp việc rút tiền hàng loạt lây lan.

    Cựu chủ tịch FDIC Sheila Bair đã lên tiếng phản đối việc mở rộng bảo đảm tiền gửi trong trường hợp của SVB và Signature, mô tả biện pháp này giống như một gói cứu trợ và gây hại nhiều hơn lợi bằng cách gây hoảng sợ cho những người gửi tiền có số dư lớn không được bảo hiểm tại các ngân hàng khác.

    Tuy nhiên, bà Bair nói rằng, nếu cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, thì Quốc hội nên hành động để thông qua việc mở rộng tạm thời bảo đảm tiền gửi trên toàn hệ thống rộng lớn hơn như một biện pháp xây dựng lòng tin.

    Theo The Epoch Times

    Cao Dương biên dịch
    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 125 khách