Géant De Papier(DângTrọnTráiTim)
  • Hình đại diện của thành viên
    luna
    Bài viết: 14
    Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 10 06, 2020 12:15 am

    Besame Mucho : Bài Hát Thế Kỷ

    by luna » Thứ 7 Tháng 3 09, 2024 8:59 pm

    Bésame Mucho : Bài Hát Thế Kỷ




    Dù đã mất hơn mười năm nhưng những di sản âm nhạc mà nữ nhạc sĩ huyền thoại người Mexico, Consuelo Velazquez để lại là vô giá, trong đó là bài tình ca bất hủ, Besame Mucho.




    Hình ảnh




    Nụ Hôn Tưởng Tượng


    Tên tuổi Consuelo Velazquez đã từ lâu không còn của riêng đất nước Mexico nữa. Besame Mucho đã mở cánh cửa đưa âm nhạc Mexico ra bên ngoài biên giới và đưa tên tuổi bà ra thế giới.

    Consuelo Velazquez sinh năm 1916, mất năm 2005 tại Mexico. Bà đã bắt đầu chơi dương cầm từ lúc bốn tuổi, vào nghề như một pianist nhạc cổ điển ở Nhạc viện Palacio De Bellas Artes và XEQ Radio, nhưng sau đó trở thành một ca sĩ và ca - nhạc sĩ thu âm. Bà đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó Besame Mucho nổi tiếng nhất và được nhiều người mến mộ nhất.

    Điều gì đã làm Besame Mucho được mến mộ nhiều đến vậy?

    Đầu tiên, Besame Mucho (Kiss Me A Lot - Hãy hôn em thật nhiều) là một bản nhạc tình buồn. Nỗi buồn ấy được viết bằng điệu bolero lúc ấy chỉ mới vừa du nhập vào Mexico trong khi samba, mambo, tango mới là thứ âm nhạc đang nổi khắp nơi tại khu vực Latin này. Và Consuelo Velazquez là một nữ tác giả hiếm hoi viết nhạc bằng thức điệu bolero vào thời điểm ấy.



    Thứ đến, nỗi buồn của bài hát là một nỗi buồn đẹp, nỗi buồn muôn thuở của một cặp tình nhân khi sắp phải chia lìa. Trong bài hát, cô gái thổn thức “Hãy hôn em thật nhiều/ Như thể đêm nay là đêm cuối/ Bởi vì em sợ sẽ mất anh/ Mất anh mãi mãi/ Hãy ôm em thật chặt/ Để được thấy em trong mắt anh/ Để được thấy anh thật gần/ Bởi vì ngày mai/ Em sẽ phải xa anh/ Xa anh muôn trùng”…

    Một bài hát với lời lẽ trữ tình, lãng mạn, say đắm và nồng nàn, có thể ở thời buổi sau này, đó là điều hết sức bình thường, nhưng vào những năm ba mươi thế kỷ trước, đó là sự đột phá mang tính biểu tượng.

    Khi nghe bài hát nhiều người lầm tưởng đây phải là lời lẽ của một tác giả đã trải nghiệm những đớn đau trong tình yêu. Nhưng không. Khi viết bài hát này Consuelo Velazquez là một thiếu nữ còn trinh trắng, chưa có một mảnh tình vắt vai và (như bà kể lại sau này) chưa hôn ai bao giờ.

    Mặc dù đến năm 1931, bài hát này mới được chính thức xuất hiện nhưng thực tế là Besame Mucho đã được Consuelo Velazquez sáng tác khi bà mới chỉ mười lăm tuổi.
    “Đó là vào một buổi chiều, ngồi bên dương cầm, trong tâm trạng ngẫu hứng tôi đã ứng tấu những tình cảm và ước vọng đang tràn ngập. Khi đó, thậm chí tôi còn chưa biết ghi lại nốt nhạc”, Consuelo Velazquez sau này nhớ lại.

    Besame Mucho lúc ra đời đã trở thành một quả bom, chẳng khác nào hình ảnh gây náo động cả một thế hệ khi Brigitte Bardot mặc áo tắm hai mảnh trong bộ phim Và Chúa đã tạo ra đàn bà. Bởi lúc ấy, những năm ba mươi thế kỷ trước, xã hội Mexico vẫn còn rất bảo thủ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, trọng nam khinh nữ, tôn giáo quyết định những chuẩn mực, đàn bà cần tránh tiếp xúc với đàn ông, tránh xa cám dỗ, hôn nhau là tội lỗi…

    Vậy mà có một cô gái dám đứng lên kêu gọi “hãy hôn em thật nhiều”. Giai điệu bolero cùng với những lời ca nồng cháy cứ len lỏi, chầm chậm nhưng thấm sâu vào tâm can người nghe, làm nên một nỗi buồn man mác.

    Besame Mucho nhanh chóng trở thành tâm tư, mộng ước của đa phần công chúng khi ấy, cho dù đó chỉ là nụ hôn tưởng tượng của người sáng tác. Và cũng chỉ bằng Besame Mucho, Consuelo Velazquez đã trở thành tượng đài, thành một người đấu tranh cho nữ quyền, một kiểu mẫu cho phong trào giải phóng phụ nữ vào thời mà bà đã sống.

    Và từ đó trở đi, Besame Mucho trở thành bài hát hay nhất mọi thời đại, trở thành niềm tự hào của Mexico.





    Hình ảnh




    Kế Thừa Di Sản


    Nhiều người khi đó không thể nghĩ rằng một khúc mộng ảo thời thiếu nữ của một cô nàng tuổi teen đó bỗng nổi tiếng đến vậy.

    Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng Besame Mucho không thuần là sáng tác của một mình Consuelo Velazquez bởi bà cũng chịu ảnh hưởng từ người khác.

    Hai câu mở đầu bài này bà đã lấy từ giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển người Tây Ban Nha cuối thế kỷ 19, Enrique Granados trong tổ khúc Đôi tim non trẻ yêu đương (Los Majos Enamorados), đặc biệt là ở khúc thứ năm. Lời thở than hay thiếu nữ và cánh chim họa mi (Quejas, O La Maja Y El Ruisenor) với những cảm xúc giai điệu tình tứ sâu lắng nhất. Những câu sau nhất là phần điệp khúc bà đã dựa theo câu mở đầu theo ngẫu hứng mà biến tấu, thay đổi cấu trúc thành điệu bolero cũng rất đẹp và hài hòa.

    Nhưng cho dù có sự ảnh hưởng từ đâu thì Besame Mucho vẫn được xem là một sáng tác nổi tiếng nhất của Consuelo Velazquez. Sau khi nổi tiếng tại quê nhà, bài hát đã vượt biên giới vào Mỹ. Besame Mucho cũng lập tức xuất hiện trong một bộ phim và đến năm 1941 bài hát này chính thức được phát hành qua giọng ca của Emilio Tuero.

    Lúc ấy Besame Mucho thoát khỏi những vướng mắc mang tính xã hội tại Mexico và trở thành bài hát chuyên chở nỗi lòng của những người ra trận khi Thế chiến II lôi những chàng trai ra chiến trường và chia cách tình yêu của họ. Và vì thế nó lại càng nổi tiếng.

    Từ Mỹ, bài hát này đi một vòng Bắc Mỹ, sang toàn bộ Nam Mỹ rồi đến Pháp, châu Âu, sang Liên Xô tới châu Á và nhanh chóng trở thành bài hát quen thuộc trên toàn thế giới.

    Một loạt giọng ca hàng đầu từ những vocal huyền thoại như Frank Sinatra, Dean Martin, Cesaria Evora… cho đến những nhóm nhạc chỉ mới vừa chập chững vào nghề như The Beatles (hát năm 1962), The Ventures… hay những hảo thủ jazz danh tiếng Joao Gilberto, Wes Montgomery, Bill Evans, kể cả những giọng tenor dữ dằn như Placido Domingo cùng những dàn nhạc danh tiếng cũng đã biểu diễn bài này.

    Thời điểm nào Besame Mucho cũng vẫn được hát như mới lần đầu, kể cả sau này khi Celine Dion, Diana Krall hay Michael Buble… hát lại cũng thế. Năm 1980, bộ phim Moskva không tin vào nước mắt đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar, lay động người xem một phần cũng nhờ sử dụng bài hát này.

    Thống kê chưa chính xác thì Besame Mucho trở thành một trong những bài hát được thu âm nhiều nhất thế giới với hơn ngàn phiên bản, bán hơn trăm triệu đĩa, được biểu diễn trên ti-vi và đài phát thanh hơn hai triệu lần, và tác quyền, như lời Consuelo Velazquez, “không phải nghĩ, đủ để tôi sống sung túc cả đời”.

    Ở Việt Nam bài hát tồn tại dưới ba phiên bản, của nhạc sĩ Y Vân với Đẹp như giấc mơ, của Phong Vũ với nhan đề Giấc mơ xưa và một bản lời Việt khác của Trường Kỳ với tựa Yêu nhau đi. Phiên bản của Trường Kỳ thông dụng hơn vì được khá nhiều ca sĩ chọn để trình diễn và thu âm.

    Ra khỏi biên giới quê nhà, Besame Mucho phần nào bị mai một đi ý nghĩa cháy bỏng của lời gốc. Nhưng bất luận thế nào thì theo thời gian, Besame Mucho vẫn là bài hát được xưng tụng dưới bất cứ ngôn ngữ nào. Đó là bài hát của tự do, của tình yêu, của tuổi trẻ và là bản tình ca thế kỷ.

    Bản Besame Mucho qua tiếng hát của Cesaria Evora, người được xem là diễn đạt ngọt ngào nhất ca khúc này.



    https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/besame- ... 740681.htm




    Alexandra Ilieva & Family - Bésame Mucho (Consuelo Velázquez)








    Chris Isaak - "Bésame Mucho" (English Version)







    Dalida - Bésame Mucho (French Version)







    Tuấn Nghĩa - Có Yêu Là Có Đau (Lời Việt: Đinh Công Minh)







    Hauser - Bésame Mucho







    Rumba - Bésame Mucho


  • Hình đại diện của thành viên
    luna
    Bài viết: 14
    Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 10 06, 2020 12:15 am

    Géant De Papier (DângTrọnTráiTim)

    by luna » Chủ nhật Tháng 6 09, 2024 8:25 pm

    Le Géant De Papier




    Hình ảnh




    “Le Géant De Papier” là một trong những ca khúc kinh điển của nền âm nhạc lãng mạn Pháp và luôn được xếp trong album những bài nhạc Pháp hay nhất mọi thời đại.
    Bài hát làm cho tên tuổi của chàng trai nghèo khổ vô danh, với đôi mắt xanh biếc hiền dịu trở nên vụt sáng chói sau một đêm…
    Ở Việt Nam, chẳng mấy ai biết bản gốc, nhưng Lạc Mất Mùa Xuân phần lời Việt của nhạc sĩ Lữ Liên đã chinh phục trái tim những khán giả khó tính nhất…


    Được phát hành vào năm 1985, tức cách đây 39 năm, bản nhạc Le Géant de Papier (có nghĩa là Chàng khổng lồ bằng giấy) đã phá kỷ lục số bán ra thời bấy giờ với gần bốn triệu bản chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng.
    Trong vòng ba năm liền, chàng ca sĩ Jean-Jacques Lafon liên tục đi biểu diễn ở nước ngoài kể cả Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Phi hay Canada.


    Với gần năm trăm phiên bản khác nhau ghi âm trong sáu thứ tiếng, nhạc phẩm Le Géant de Papier vào thời kỳ được phát hành đã đoạt rất nhiều giải thưởng, kể cả giải sáng tác của hiệp hội các tác giả ở Pháp và giải dành cho ca khúc Pháp ăn khách nhất ở nước ngoài.
    Với thời gian, bài hát cũng trở thành một trong những tình khúc tiêu biểu nhất thập niên 1980.


    Lạc Mất Mùa Xuân của nhạc sĩ Lữ Liên: Xuất sắc như một tác phẩm độc lập
    Nếu ai không biết tác phẩm gốc mà bắt đầu thưởng thức Lạc Mất Mùa Xuân của nhạc sĩ Lữ Liên, do ca sĩ Anh Tú thể hiện, thì có lẽ người ấy không thể nhận ra đây là ca khúc nước ngoại phổ lời Việt.
    Lữ Liên cũng chính là người cha tài năng của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Anh Tú, Lưu Bích, Khánh Hà… Ông sinh năm 1920 tại Hải Phòng và mất ngày 8.7.2012 Bệnh viện Garden Grove (bang California, Mỹ), ông đã từng là thành viên của những ban nhạc xuất sắc như Thăng Long và AVT.
    Ca khúc thật hoàn hảo trong tiếng Việt, không hề có điểm “phô” về dấu câu so với giai điệu (một điểm dễ mắc nhất của các nhạc sĩ khi phổ lời Việt cho ca khúc). Ở các ca khúc khác, người nghe vẫn cảm thấy đâu đó lỗi dấu câu, tức là câu từ bị “lơ lớ”, không thực sự đúng như âm sắc tiếng Việt, hoặc lời bài hát có phần khiên cưỡng khi ép nhập vào giai điệu.


    Còn ở Lạc Mất Mùa Xuân thì không, mặc dù nội dung của phiên bản Việt này hoàn toàn khác biệt so với tác phẩm gốc.


    Dìu em đến đem cho đời anh thôi hoang vắng
    Tim ta say đắm đã yêu em trong cuộc tình
    Dòng tháng năm đó đã cho tình yêu em tha thiết
    Những ái ân để phôi pha
    Đành hỡi đuyên kiếp em bước đi trong chiều mưa rơi
    Lặng đứng trên bến anh với trông thuyền ra khơi
    Những tháng năm đếm lá theo mùa thu chết
    Những thu chết…
    Xuân về cho cây xanh lá,
    Có riêng mình anh, lạc mất mùa xuân
    Cớ sao tình ta chỉ có mùa thu
    Đêm đêm nằm nghe hồn bâng khuâng,
    Bên song anh trông đầu non trăng xế
    Thương bèo trôi theo sông nước
    Biết bây giờ em lạc bước về đâu
    Tương tư về thương đôi mắt nâu
    Đêm đêm tìm trong màn tối muôn sao
    Ngồi suốt canh vắng lãng quên sầu thương trong men đắng
    Cơn say mê đắm sóng dâng cao ngọn thủy triều
    Rồi thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc
    Đôi mắt ưu buồn thiên thu
    Rồi nắng mai đến mây trắng bay khi tàn cơn say
    Tình đã xa vắng nỗi nhớ vẫn còn đâu đây
    Những tháng năm đến lá theo mùa thu chết
    Những thu chết…
    Xuân về cho cây xanh lá,
    Cớ sao tình ta chỉ có mùa thu
    Đêm đêm nằm nghe hồn tương tư
    Bên song đầu non tàn canh bóng xế
    Thương bèo trôi theo muôn hướng
    Biết bây giờ em lạc bước về đâu
    Em ơi, chờ em đến kiếp nao?
    Xin cho ngày sau, mình mãi bên nhau.



    Câu chuyện đầy bi hài xung quanh ca khúc gốc: từ một chàng trai nghèo khổ thành ngôi sao sáng chói, và dường như bài hát chỉ dành riêng cho anh.



    Điều kỳ lạ là ca khúc Le Géant de Papier (Chàng khổng lồ bằng giấy) phải nằm yên chờ đợi trong tủ trong gần mười năm trời trước khi được Jean-Jacques Lafon thể hiện, do ca khúc từng bị nhiều ca sĩ nổi tiếng thời đó từ chối, với lý do giai điệu bài hát bị chê là “hơi lỗi thời”.
    Chắc hẳn họ sẽ phải nuối tiếc, vì đã để hào quang sáng chói ấy rơi vào tay một chàng trai vô danh nghèo khổ: Jean-Jacques Lafon.


    Giờ đây, sau ba mươi chín năm, ca khúc bị chê là “lỗi thời” vào thập niên 80 đó -nhạc phẩm Le Géant de Papier – vẫn mãi là một tình khúc để đời, gắn liền với tên tuổi của Jean-Jacques Lafon.
    Và người ta vẫn mãi nhắc đến giai đoạn tột đỉnh sáng chói, đỉnh cao vinh quang của anh khi nỗi thổn thức của Chàng Khổng Lồ Bằng Giấy chinh phục trái tim hàng triệu triệu khán giả toàn cầu.


    Jean-Jacques Lafon ghi âm album đầu tiên năm anh gần ba mươi tuổi, sau khi thất bại với hai đĩa đơn đầu tay. Anh xuất thân từ một gia đình nghèo tại Toulouse, thành phố Miền Tây nước Pháp, bố anh là thợ sửa xe.
    Từ nhỏ, anh đã có năng khiếu âm nhạc, học đàn từ năm lên tám. Đến năm mười sáu tuổi, anh bắt đầu chơi đàn với các nhóm nghiệp dư, đi hát những ngày cuối tuần để kiếm thêm tiền túi trong các phòng trà, quán nhạc.
    Thế nhưng gia đình nghèo nào cũng muốn cho con ăn học thành tài, tới nơi tới chốn. Jean-Jacques Lafon đành phải gác qua một bên giấc mơ đeo đuổi sự nghiệp sân khấu.
    Sau tú tài, anh thi vào trường y, rồi tốt nghiệp bằng dược sĩ bốn năm sau đó. Điều này có thể giải thích vì sao Jean-Jacques Lafon dấn thân vào nghề ca hát hơi trễ so với các bạn đồng nghiệp.


    Khi gần ba mươi tuổi, anh hợp tác làm việc với hai nhà sản xuất Jeff Barnel và Sylvain Lebel, nhóm tác giả chuyên viết ca khúc cho nữ ca sĩ nổi tiếng Dalida.
    Hai tác giả này mới đề nghị anh ghi âm nhạc phẩm Le Géant de Papier, chỉ để cho đủ số ca khúc để có thể hoàn tất một album.
    Vốn chỉ là một ca khúc lót, cho đầy album để có thể phát hành
    Khi đến phiên Jean-Jacques Lafon, thì trước khi vào phòng thu, anh đề nghị chỉnh sửa lại lối hoà âm và một số ca từ làm sao cho thật lãng mạn.
    Bản nhạc Le Géant de Papier là bài hát cuối cùng được ghi âm, chỉ với mục đích làm cho đầy đủ số lượng bài hát cho album, chứ không hề tính đến chuyện khai thác sau này. Nào ai ngờ…


    Sau này, chính nam ca sĩ Jean-Jacques Lafon phải thừa nhận rằng, nếu không có nhạc phẩm này, thì có lẽ chẳng bao giờ anh có cơ hội thành công trên đường đời, thành danh trong sự nghiệp.
    Không hiểu là do cơ duyên nào đẩy đưa, nhưng rõ ràng là ca khúc này đã đến với anh như một trong những món quà đẹp nhất trong đời, một món quà từ Thượng Đế.
    Nhờ nhạc phẩm Le Géant de Papier mà Jean-Jacques Lafon thành công rực sáng năm anh tròn ba mươi tuổi.
    Bài hát được dịch sang nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ hay tiếng Ba Tư. Với bản tiếng Việt, đó chính là Lạc Mất Mùa Xuân, do nhạc sĩ Lữ Liên soạn lời.
    Ca từ tuyệt đẹp của ca khúc: ca từ vô cùng đặc biệt, mang đặc trưng lãng mạn rất “Pháp”, và gần như không dịch nổi sang lời bài hát tiếng Việt.


    Bài hát nói về tình yêu mãnh liệt của một chàng trai dành cho người đẹp mà chàng tôn thờ, vì nàng mà chàng sẵn sàng thực hiện những việc nguy hiểm nhất không chút nề hà, những mong đổi lại dẫu chỉ là một nụ cười hay một ánh mắt yêu thương của nàng.
    Tình yêu là vậy, đẹp, mãnh liệt và đầy quyền lực. Và chàng khi ấy cảm thấy vô cùng dũng mãnh, tuy nhiên trước vẻ đẹp của nàng thì chàng tự thú nhận mình chỉ yếu đuối như một “người khổng lồ bằng giấy” mà thôi.


    Hãy bảo tôi chiến đấu với ác quỷ
    Hay đi khiêu chiến với loài rồng trong cõi hư vô
    Để xây cho nàng những ngọn tháp hay những thánh đường
    Dù rằng – trên cát lún. Tôi vẫn làm được
    Hãy bảo tôi phá núi
    Hay trầm mình trong miệng núi lửa trào dâng
    Tất cả những điều đó tôi đều có thể, ấy thế nhưng…
    Khi nhìn nàng, tôi – chú sói với trái tim bằng thép
    Trước nàng, cũng chỉ là một gã khổng lồ bằng giấy mà thôi
    Khi tôi chạm vào nàng, tôi lại sợ đánh thức nàng dậy
    Với tất cả sự dịu dàng của mình, tôi cũng chỉ là gã khổng lồ bằng giấy mà thôi.


    Theo Hà Phương Linh (Đại Kỷ Nguyên)





    Jean-Jacques Lafon  ♪ Le Géant De Papier







    Anh Tú - Lạc Mất Mùa Xuân (Lữ Liên)







    Trọng Nghĩa  - Dâng Em Trọn Trái Tim Mềm (Trọng Nghĩa)







    Lệ Thu Nguyễn - Le Géant De Papier







    Hình ảnh ✨




    Fausto Papetti - Femmes


Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 263 khách