Không đủ võ khí đạn dược khiến các đồng minh Ukraine gặp chọn lựa khó khăn
October 24, 2022
KIEV, Ukraine (NV) – Tình trạng thiếu võ khí trên khắp Châu Âu có thể buộc các đồng minh của Ukraine phải có những lựa chọn khó khăn, khi họ cân bằng sự ủng hộ dành cho Ukraine với nguy cơ bị Nga tấn công, theo AP hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Mười.
Trong nhiều tháng, Mỹ và các thành viên khác của NATO gửi cho Ukraine lượng võ khí và thiết bị trị giá hàng tỷ đô la để giúp nước này chống lại Nga. Nhưng đối với nhiều quốc gia NATO nhỏ hơn, và thậm chí một số quốc gia lớn hơn, cuộc chiến này đã gây áp lực lên các kho dự trữ võ khí vốn đã không nhiều của họ. Một số đồng minh đã gửi toàn bộ kho võ khí dự trữ có từ thời Liên Xô và đang chờ võ khí thay thế của Mỹ.
Một trực thăng Mi-17 được chuyển từ căn cứ Davis-Monthan Air Base, Arizona sang Ukraine. (Hình minh họa: Air Force Tech. Sgt. Sergio A. Gamboa/Bộ Quốc Phòng Mỹ)
Một số quốc gia châu Âu có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nhanh chóng bổ sung kho dự trữ vì họ không còn năng lực quốc phòng lớn mạnh để nhanh chóng chế tạo lượng thay thế, với nhiều quốc gia phải phụ thuộc vào ngành kỹ nghệ quốc phòng áp đảo của Mỹ, vốn đã khiến nhiều đối thủ ngoại quốc phải ra khỏi thị trường.
Giờ đây, họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Tiếp tục gửi võ khí tới Ukraine và có khả năng khiến quốc gia trở nên yếu thế hơn trước cuộc tấn công của Nga, hay giữ lại lượng võ khí còn lại để tự vệ, làm tăng khả năng chiến thắng của Nga ở Ukraine?
Đây là một sự lựa chọn khó khăn.
Sau tám tháng giao tranh dữ dội, các đồng minh dự trù cuộc chiến sẽ tiếp tục trong nhiều tháng, có thể là nhiều năm, với việc cả hai bên nhanh chóng sử dụng hết nguồn cung cấp võ khí. Chiến thắng có thể sẽ đến với phiá có năng lực chiến đấu lâu hơn.
Ông Hanno Pevkur, bộ trưởng Quốc Phòng Estonia, quốc gia vùng Baltic có chung đường biên giới dài 183 dặm (295 km) với Nga, cho biết vấn đề về nguồn dự trữ giới hạn đang được đề cập “ở mọi nơi,” đặc biệt là ở các nước NATO nhỏ hơn.
Vấn đề này đè nặng áp lực lên họ ngay cả khi ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, kêu gọi các thành viên của liên minh Tây phương “cung cấp thêm năng lực” cho Ukraine tại cuộc họp NATO gần đây ở Brussels.
Trong các bình luận công khai với hãng tin AP, giới chức châu Âu tuyên bố không thể để Nga giành chiến thắng ở Ukraine, và họ vẫn tiếp tục ủng hộ Kiev. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng vấn đề quốc phòng đang đè nặng áp lực lên tất cả các đồng minh.
Ông Pevkur nói: “Chúng tôi ước tính Nga sẽ sớm khôi phục khả năng của họ,” vì ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, có thể ra lệnh cho các nhà sản xuất võ khí bắt đầu sản xuất 24 giờ một ngày.
Hệ thống phòng không Gepard Đức viện trợ cho Ukraine. . (Hình minh họa: Morris MacMatzen/Getty Images)
Ông Pevkur cho hay Nga đã chỉ thị một số binh sĩ đến các nhà máy thay vì tiền tuyến. Theo ông, Nga có thành tích tái trang bị quân đội để có thể tiến hành các cuộc xâm lăng nhằm vào các nước láng giềng Châu Âu, cứ vài năm một lần, trích dẫn các hành động chống lại Georgia vào năm 2008, bán đảo Crimea ở Hắc Hải của Ukraine vào năm 2014, và toàn bộ Ukraine trong năm nay.
Tại một cuộc hội thảo tại Viện Nghiên Cứu German Marshall Fund vào tuần trước, ông Pevkur đặt ra câu hỏi “chúng ta đang sẵn sàng chấp nhận bao nhiêu rủi ro?”
Các quốc gia nhỏ hơn khác, chẳng hạn như Lithuania, cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Nhưng cả một số thành viên NATO lớn hơn cũng vậy, bao gồm cả Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, bà Dovile Sakaliene, thành viên của Quốc Hội Lithuania, cho biết “cuộc chiến ở Ukraine dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung cấp nói chung vì rất nhiều quốc gia đã quên rằng chiến tranh thông thường tiêu hao nhanh chóng kho dự trữ đạn dược của quốc gia. Trong một số tình huống nhất định, ngay cả từ ‘dư thừa’ cũng không được dùng để mô tả kho võ khí. Chúng tôi chỉ để lại trong nước một lượng tối thiểu.”
Trong email gửi cho hãng tin AP, Bộ Quốc Phòng Đức xác nhận nước này cũng đang đối mặt với tình huống tương tự. “Đúng vậy, kho dự trữ của quân đội Đức đang rất hạn chế, cũng như các nước Châu Âu khác.” (V.Giang)