Hầu như tất cả mọi đứa trẻ đều mê Tết, mình cũng không ngoại lệ.
Rồi có ai đó lại nói rằng:
Con nít mê Tết phần lớn là vì những bao lì xì đỏ trong có nhét những tờ tiền giấy mới thơm phức mùi mực in.
Không sai!
Nhưng ngồi hồi tưởng lại những cái Tết êm đềm của thuở ấu thơ, sự hấp dẫn của Tết nó còn bao gồm nhiều thứ khác ngoài xấp bao lì xì dầy cui quyến rũ!
Trước Tết khoảng mươi ngày, trước cả khi tiễn ông Táo về trời mẹ đã làm bà đại tướng "điều hành" đám con lau chùi, xịt nước rửa hết mớ cửa sổ trong nhà.
Con nít mà, cái gì chứ dính tới cầm vòi nước xịt thì khoái lắm. Chùi rửa chắc chắn cũng có đấy, nhưng cơ hội được danh chính ngôn thuận mà nghịch nước với nhau thì nhiều hơn.
Sau cửa sổ là tới bữa dọn bàn thờ, lau cửa kiếng.
Cái màn này mình chẳng mấy thích vì bụi bặm dơ, nên hay kiếm cớ mắc đi học thêm mà trốn việc, mà ... lánh nạn.
Ngày vui nhất trước Tết là ngày nấu bánh chưng.
Tiếc cái, chẳng hiểu vì sao nhà mình thường không nấu nhiều, nhưng chỉ vài lần nấu thôi mà đã nhớ cho cả đời!
Ôi chao cả gian bếp trong ngày này bầy la liệt những nào lá giong, đậu xanh, gạo nếp, thịt thà, giây lạt, v,v... đựng trong những cái rổ đặt trên sàn, ngó đã đủ thấy quá vui mắt rồi. Lại còn mấy bác hàng xóm qua phụ gói bánh, tán chuyện rân ran ồn cả một góc nhà nữa chứ.
Ngồi vơ vẩn vòng quanh để chờ được sai. Thỉnh thoảng rình lúc không ai dòm, lén khều một nắm đậu xanh còn âm ấm, bóp cho thật chặt trong lòng bàn tay. Ôi sao mà đậu xanh nó có thể bùi & ngon đến như thế? Mà phải ăn lén nó mới đã kia.
Cuối ngày, cố ý để dư mỗi thứ một chút, mẹ cho mỗi đứa con tự gói cho mình cái bánh chưng nho nhỏ, móp méo, xâu xấu. Khi bánh chín kiếm cái bánh của mình tự gói sao mà nó vui thế.
Nhiều khi vì gói không khéo, cái bánh nó đổi dạng đến nỗi ngó nhận không ra luôn nhưng mở ra ăn vẫn thấy ngon, có lẽ vì là thành quả lao động của chính bản thân chăng?!
Đêm thức canh nồi bánh chưng là đáng nhớ nhất.
Ông anh rủ bạn lại, mấy cây guitar ngồi vòng quanh thùng phi bánh, lửa bập bùng.
Ông anh sẵn cao ráo đẹp trai lại còn có giọng hát ấm áp truyền cảm. Và có lẽ tự biết thế nên mỗi lần có nấu bánh là lại phừng phừng mà rủ nhau đàn hát, và cứ thế mà cái chị em gái đêm ấy cứ nườm nượp lượn qua lượn lại thường xuyên hơn trước nhà như đàn bươm bướm...
Rồi tiếp nối là tới đêm giao thừa.
Trong lúc chờ đợi tới giờ nhiều khi mấy đứa con nằm ngủ vật vưỡng trên ghế xa-lông. TV đêm ấy hay để chiếu những chương trình nhạc Xuân, có mấy bài hát tới hát lui mà nghe vẫn thấy thích.
Gần giờ giao thừa là cả đám được mẹ cho phép lôi đồ mới ra mặc để cả nhà cùng đi chùa lễ phật & hái lộc.
Nhớ mãi cái lần mẹ mua từ đâu cho cái cravate con con màu đỏ xinh xinh, kẹp vào ngay cổ áo. Mặc vào mà đi đâu cũng tưởng là ai cũng đang ... dòm mình, mặt cứ thế mà hếch lên (con nít mà!).
Ngôi chùa Long Hoa không xa nhà mấy nên cả nhà đi bộ tới chùa.
Bố trong bộ đồ lớn veston lịch sự, tóc tai láng bóng. Mẹ diện áo dài màu thanh tú. Cả nhà 7 người nắm tay nhau mà đi.
Chùa nghi ngút khói nhang & trầm hương. Tiếng "kong kong" của mõ, tiếng rền trầm trầm của chiềng làm rộn rã toàn cảnh của ngôi chùa nhỏ trong đêm giao thừa lên.
Cả nhà bỏ giầy bên ngoài, bước vào trong chính điện mà xì xụp lạy Phật.
Mẹ bảo: "Lạy Phật Tổ trước. Rồi qua tới Phật Quan Âm. Rồi sau đó mới tới Phật Di Lặc cùng các vị hộ pháp.
Bố mẹ lầm rầm khấn gì trong miệng mà lâu lắm.
Mấy đứa con thì lạy vài cái là xong xuôi rồi. Trong lúc chờ đợi bố mẹ, ngó vòng quanh!
Lạy Phật xong đi ra hái lộc rồi đi về. Chùa Long Hoa nhỏ, không có sân nên cây cối được trồng trong chậu. Cứ mỗi lần giao thừa là dù muốn dù không cây cối của Chùa cũng ... trụi lũi!
Có vài năm trước 75 cho đốt pháo. Xóm mù mịt những khói pháo ngó mơ mộng, mùi pháo thơm thơm hấp dẫn lắm.
Về tới nhà là qua tới tục lệ "xông nhà" trước khi cả nhà được bước vào. Thông thường bố hay tự "xông nhà".
Trong sân trước mẹ đã xếp trước một mâm để cúng giao thừa, đón Táo quân về. Lại thêm một màn xếp hàng thắp hương khấn vái.
Và tiết mục cuối của đêm giao thừa là xếp hàng chúc Tết bố mẹ để nhận bao lì xì. Khi này đàn con được quyền nhón ăn những miếng mứt dừa, mứt sen, mứt bí, mứt gừng, cắn hạt dưa, đựng trong những chiếc hộp đẹp đẽ để trên bàn xa-lông.
Cũng có nhiều lúc mẹ mở cái bánh chưng ra cho cả nhà ăn.
Không khí của đêm giao thừa thích lắm, mùi pháo lẫn lộn với mùi nhang cùng trầm hương, lại thêm mùi nhang đốt muỗi nữa. Tất cả hoà lại thành một cái mùi "giao thừa của tuổi thơ" khó quên cùng khó kiếm lại được!
Sáng mùng một.
Lúc nào nắng cũng như tươi hơn những ngày khác (hình như ở Sài gòn không nhớ có ngày tết nào bị mưa!)
Cái không khí của mấy ngày tết nó lạ lắm. Có lẽ màu sắc của những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa lay-ơn đã là cho bầu không khí tươi lên hơn những ngày bình thường.
Bộ đồ mới của đêm qua được mặc vào lại. Cả nhà ngồi vào cùng ăn bữa cơm trưa gia đình đầu tiên của năm trong mùi nhang thoang thoảng từ trên bàn thờ.
Những món ăn của ngày Tết cũng đăc biệt hơn. Có canh măng hầm chân giò, chả giò, dĩa đồ xào, giò chả, và chắc chắn không thể nào thiếu dĩa bánh chưng với dưa món & củ kiệu.
Sáng mùng Một Tết gia đình xup họp bên bàn tiệc quả thật nó đầm ấm một cách lạ lùng lắm.
Ăn xong là được tự do chạy qua nhà bác Liệu (chị của mẹ) hay cô chú Đát ở gần đó để được ... lì xì. Nhà bác Liệu dịp Tết các anh hay có lập sòng bài cào, bài xì-dách, tha hồ mà lấy tiền lì- xì ra mà đánh, chả ai cấm.
Ăn thì ôm hết mà chạy. Còn thua thì nhiều khi ngồi rặn ra mà khóc để biết đâu được thương tình hay sợ mà các anh ... trả lại cho một ít.
Mồng một nhiều người kiêng ra đường nên phần lớn ít ai tới nhà.
Tới mùng hai các bác bắt đầu ào ào ghé thăm hỏi cùng chúc Tết. Ngày mùng hai này cũng là ngày mà các anh chị em không ai bảo ai mà dính cứng hết ở nhà để được lì xì. Lỡ dại có đi đâu mà về nghe có khách lại là tiếc hùi hụi vì không có nhà là coi như mất luôn bao lì xì!
Qua tới ngày mùng 3, mùng 4 là Tết bắt đầu nhạt nhẽo đi dần, tuy rằng mấy đứa nhỏ vẫn nuối tiếc muốn kéo dài cái Tết ra...
Sau 1975, vì tình hình kinh tế gia đình chẳng còn được như xưa nên những cái Tết cũng không còn vui nhiều.
Ra tới ngoại quốc, cái Tết Nguyên Đán nó mới còn ... lãng nhách hơn nhiều.
Tết rơi trong 3 ngày cuối tuần thì còn đỡ chứ Tết mà vào ngày thường thì chẳng có tí không khí gì vì chung quanh người Mỹ vẫn đi làm, thư vẫn được phát. Muốn có không khí Tết thì mỗi cá nhân phải tự tạo ra, tự đi kiếm đồ về mà trưng nhà cửa thôi.
Về sau này người Việt tụ tập về California càng nhiều nên có cầu thì có cung, bắt đầu có chợ hoa, có những tiệm mở chỉ để ha.
Các siêu thị của người Việt cũng bắt đầu bán đủ thứ đồ cho Tết. Các ngôi chùa thì giao thừa nào cũng đốt những phong pháo dài thòng nên Tết tới mọi người hay đi chùa để kiếm không khí Tết Nguyên Đán mà ở nhà không có, để được ngửi mùi khói pháo, để lạy Phật, xin xâm, hái lộc...
Bởi thế California có lẽ là một vùng đất ngoài Việt Nam mà có được không khí Tết nhiều nhất.
Nhưng dù cho thế nào đi nữa, vẫn chẳng kiếm được lại những cảm xúc về Tết của tuổi ấu thơ?! Có lẽ cái gì nằm trong tâm khảm, trong kỷ niệm lúc nào cũng thấy như đẹp hơn hiện thực chăng?
Don Hồ
Mùng Một Tết Tân Sửu.
Thứ sáu 12 tháng 02, 2021
(Hình chụp bởi nhiếp ảnh gia Huy Khiêm. Áo dài bởi nhà thiết kế Hulo's. Cám ơn Huy Khiêm & Hulo' nhiều.)
NGUỒN:
https://www.facebook.com/photo/?fbid=27 ... onhosinger #singerDonHo #vietsinger #donho #Tet #thelunarnewyear #journal #donhojournal
