Đăng trả lời 72 bài viết
Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60167
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 8:05 pm

    Nhạc sĩ Lam Phương 19 năm lặng lẽ bên đời

    Hơn 19 năm gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn, nhưng nhìn từ bên ngoài, ai cũng thấy nhạc sĩ Lam Phương lạc quan, hài hước. Lúc nào ông cũng cười tươi và hay pha trò chọc cười người khác. Nhưng chỉ những người thân bên cạnh mới hiểu được đằng sau nụ cười lúc nào cũng tươi rói của ông là bao nỗi niềm chất chứa

    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60167
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 8:07 pm

    Niềm mơ ước rất thú vị của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80

    Tối Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu, 2017, tại hội trường nhật báo Người Việt diễn ra chương trình văn nghệ “Lam Phương- 80 cuộc đời, 65 năm âm nhạc” thu hút đông đảo khán giả thuộc nhiều thế hệ đến xem.

    Nhân dịp này, phóng viên Người Việt đã có cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng” với nhạc sĩ Lam Phương để nghe ông chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa. Đặc biệt là niềm mơ ước rất thú vị của ông ở tuổi 80.


    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60167
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 6 Tháng 12 25, 2020 5:30 am

    'Thành phố buồn' - dấu son trong sự nghiệp Lam Phương

    12/25/20

    "Thành phố buồn" - nổi tiếng với tiếng hát Chế Linh - từng giúp nhạc sĩ Lam Phương có tiền mua nhà ở Sài Gòn.

    Khi nhạc sĩ Lam Phương mất, nhiều khán giả tìm nghe các ca khúc nổi tiếng của ông, trong đó có bài Thành phố buồn. Tác phẩm ra đời năm 1970, lúc nhạc sĩ theo đoàn văn công Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Giữa khung cảnh thành phố bảng lảng khói sương, ông tức cảnh sinh tình sáng tác. Cố nhạc sĩ lồng ghép câu chuyện về một đôi tình nhân không đến được với nhau, khiến nhiều người từng lầm tưởng đó là chuyện tình thật của ông.



    Chế Linh hát "Thành phố buồn" - ca khúc giúp Lam Phương trở thành cái tên tiêu biểu của âm nhạc Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975. Video: Youtube.

    Đà Lạt trong ca khúc giống như nhân chứng tình yêu cho đôi tình nhân. Bức tranh thành phố hiện lên với nét buồn thơ mộng, lãng đãng:

    "Thành phố nào vừa đi đã mỏi
    Đường quanh co quyện gốc thông già
    Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
    Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
    Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn"


    Lời thủ thỉ của chàng trai đau khổ vì tình thêm cảm xúc nhờ từng chi tiết cảnh vật ở phố núi được lồng ghép. Những ai từng đặt chân đến Đà Lạt, từng cảm nhận nỗi cô đơn giữa con dốc, hay thiếu vắng vòng tay người yêu trong đêm lạnh sẽ không khỏi chùng lòng khi nghe lại:

    "Thành phố buồn lắm tơ vương.
    Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn.
    và con đường ngày xưa lá đổ.
    Giờ không em sỏi đá u buồn.
    Giờ không em hoang vắng phố phường.
    Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương.
    Tiễn đưa người quên núi đồi quên cả tình yêu!"


    Hình ảnh

    Tờ nhạc "Thành phố buồn" xuất bản năm 1970. Ảnh: Gia đình cung cấp.

    Thành phố buồn của Lam Phương được Đài Phát thanh Đà Lạt phát sóng đầu tiên, sau đó lan tỏa khắp miền Nam. Trong sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương, do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút theo tài liệu của gia đình, hồi đó, ông nhận khoảng 12 triệu đồng tác quyền, tiền Việt Nam Cộng hòa (tương đương 432.000 USD). Năm 1971, vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương mua căn biệt thự gần 300 mét vuông ở số 42 đường Nguyễn Lâm, quận 10, Sài Gòn. Ngôi nhà này giờ là tài sản của người thân gia đình nhạc sĩ Lam Phương.

    Thành phố buồn không chỉ phổ biến trên đài phát thanh mà còn lan tỏa nhờ kịch nói. Thời đó mỗi tối thứ năm, Đài Truyền hình Sài Gòn có tiết mục thoại kịch và những vở của Ban Kịch Sống Túy Hồng bao giờ cũng thu hút người xem. Người ta kéo nhau tới những nhà có tivi, đứng kín trong nhà, cửa ra vào và cả cửa sổ để xem kịch. Ngay sau đêm vở Phi vụ cuối cùng phát sóng với ca khúc Thành phồ buồn vang lên xuyên suốt, người dân lùng sục tờ in bài hát. Chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn có tờ bài nhạc Thành phố buồn để trên kệ sách, theo tác giả kịch Thanh Thủy.

    Thành phố buồn đại chúng đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả nhưng chỉ cần nghe đoạn nhạc dạo là nhận ra ca khúc. Bài hát gắn với Chế Linh - một trong "tứ đại danh ca Sài Gòn" cùng với Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), Duy Khánh và Hùng Cường.

    Ca sĩ Quang Thành nói: "Ca khúc đi vào lòng mọi tầng lớp, từ người thành thị đến nông thôn, bình dân đến trí thức, qua nhiều bản phối khác nhau nhưng phổ biến nhất là điệu slow rock của chú Chế Linh. Những người thích lối hát sang trọng có thể tìm nghe bản thể hiện của chú Tuấn Ngọc". Với riêng Quang Thành, nhạc sĩ Lam Phương từng gợi ý anh phối ca khúc theo âm hưởng rumba.



    Thành phố buồn - Quang Thành
    Quang Thành hát "Thành phố buồn". Video: Bến Thành.

    Nhạc sĩ cũng từng uốn nắn Quang Thành câu hát "trốn phong ba, em làm dâu nhà người". Anh sử dụng ngữ âm miền Bắc nên hay hát thành "chốn". Ông giải thích: "Đà Lạt đâu phải chốn phong ba. Cô gái - nhân vật trong ca khúc chia tay chàng trai, chọn một bến đỗ bình yên hơn để tránh những phong ba, giông bão tình yêu trong đời".

    Đàm Vĩnh Hưng kể anh thu âm ca khúc năm 2008, trong đĩa Dạ khúc cho tình nhân 2. "Thành phố buồn là bản hit đi qua nhiều thời. Giai điệu trầm buồn của bài hát ám ảnh tâm trí tôi từ khi còn nhỏ. Khi thể hiện bài hát, tôi tự tạo áp lực cho mình, không thể trật nhịp, luyến láy sai. Tôi hát một cách thành kính, trân trọng với tư cách một đại diện mới, sau cái bóng quá lớn mà chú Chế Linh đã tạo ra", Đàm Vĩnh Hưng nói.


    Hà Thu
    Sửa lần cuối bởi 2 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60167
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 6 Tháng 12 25, 2020 5:35 am

    Lam Phương - Gọi nhau trong giấc mộng

    12/25/20

    Những ngày cuối năm 2020 công chúng yêu nhạc Việt đau buồn khi nhận được tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời vào tối 22/12 tại Mỹ. Ông mất ở tuổi 83 sau thời gian chữa tai biến mạch máu não. Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương để lại niềm tiếc thương cho nhiều nghệ sĩ và khán giả.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ.

    Nhắc đến Lam Phương là nhắc đến những tình khúc da diết, sâu lắng làm lay động lòng người. Sau 7 thập kỷ gắn bó với âm nhạc, gia tài đồ sộ của Lam Phương gồm hơn 200 tác phẩm với những ca khúc quen thuộc như Thành phố buồn, Cỏ úa, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc, Mưa lệ, Chờ người, Thu sầu, Xin thời gian qua mau, Như giấc chiêm bao...

    “Thành phố nào nhớ không em?

    Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

    Thành phố nào vừa đi đã mỏi

    Đường quanh co quyện gốc thông già

    Chiều đan tay nghe nắng chan hòa

    Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em

    Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn”

    (Thành phố buồn - Lam Phương)

    Tuổi trẻ tài cao

    Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhà nghèo, cha của ông lại bỏ 6 người con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định, đi theo người đàn bà khác. Năm 10 tuổi, mẹ gửi cậu bé Phùng lên Sài Gòn học ở trường Les Lauriers.

    Ngoài học văn hóa, Lâm Đình Phùng tự học guitare bằng các tài liệu tiếng Pháp do lúc đó ở Việt Nam chưa có sách dạy nhạc tiếng Việt. Thấy cậu học trò nghèo nhưng chăm chỉ, các nhạc sĩ Hoàng Lang, Lê Thương tận tình chỉ dạy cho cậu mà không nhận tiền thù lao.

    Năm 1952, sáng tác đầu tay ký tên Lam Phương ra đời, đó là nhạc phẩm Chiều thu ấy. Lam Phương phải vay tiền của bạn bè để in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Năm ấy, nhạc sĩ mới tròn 15 tuổi!

    Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Nhạc rừng khuya, Khúc ca ngày mùa... Đặc biệt, nhạc phẩm Khúc ca ngày mùa thành công vượt bậc hơn cả. Bản nhạc được viết theo thể loại nhạc đồng quê, nhịp điệu Mambo, với âm giai bằng cung rê thứ.

    Các hãng đĩa nhựa như Dư âm, Sóng nhạc, Asia... tranh nhau ký hợp đồng với Lam Phương để được thu âm bài hát Khúc ca ngày mùa, tiếng tăm của bản nhạc mới thật sự bùng nổ. Với tiếng hát điêu luyện của đôi song ca tài danh Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, lúc hợp, lúc bè, lúc đuổi như càng đưa bài hát lên chín tầng mây.

    Khúc ca ngày mùa còn được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa. Lam Phương đã thật sự nổi tiếng khi ông mới 18 tuổi. Đặc biệt, sau này ông còn sáng tác nhạc nền cho đoàn kịch nói Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… và sáng tác ca khúc cho đoàn kịch Túy Hồng. Lam Phương được coi là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt với trên 200 nhạc phẩm được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như hải ngoại.

    Đến tháng 3/1999, ông bị tai biến mạch máu não, liệt một nửa người. Tuy sức khỏe không tốt nhưng nhạc sĩ vẫn lạc quan, yêu đời và những ca khúc của ông vẫn liên tục góp mặt tại nhiều chương trình ca nhạc trong nước lẫn hải ngoại. Nhạc sĩ cũng cởi mở, nhiệt tình trả lời nhiều cuộc phỏng vấn với báo chí. Ông tâm sự: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng ngày trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.

    Thành công ở nhiều dòng nhạc

    MC Minh Đức, người chuyên dẫn các chương trình âm nhạc, cho rằng Lam Phương là trường hợp lạ lùng và xuất sắc khi sáng tác dòng nhạc nào cũng có tác phẩm đỉnh cao, luôn đi đến cùng đặc điểm thể loại. Từ các bài nhạc tình sang trọng, đến những bài bolero. Từ thập niên 1980 trở đi, khi ông sống ở nước ngoài, Lam Phương viết nên những bài nhạc trẻ đích thực. Rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi, cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại, đều từng hát và thuộc nằm lòng âm nhạc của Lam Phương.

    Với nhạc sĩ Hoài Phương - chồng của nữ diễn viên Việt Hương, Lam Phương là “một nhạc sĩ đại thụ tài hoa với hàng trăm tác phẩm để đời”. Còn sự nghiệp của ông là “di sản vô giá” của nền âm nhạc. Ca sĩ Quang Dũng tôn vinh ông là “tượng đài âm nhạc Việt Nam”.

    Nhạc sĩ Lam Phương đã từ giã cõi tạm giản dị và chân thành như tấm lòng người nghệ sĩ như những tuyệt phẩm và tình cảm của khán thính giả vẫn còn lưu lại mãi trên những giai điệu tài hoa, sâu lắng, chứa chan tình yêu của thân phận người, như những tâm sự ông gửi lại:

    “Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng

    Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm

    Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ

    Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ”


    (Cỏ úa - Lam Phương)

    VŨ THANH HOA
    Sửa lần cuối bởi 1 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 72 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 45 khách