Ca sĩ,bác sĩ Trung Chỉnh qua đời thọ 82 tuổi
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60199
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Ca sĩ,bác sĩ Trung Chỉnh qua đời thọ 82 tuổi

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 16, 2025 6:15 pm

    Hình ảnh



    TẠ TỪ TRONG ĐÊM / MỘT VÌ SAO CHỢT TẮT:

    BÁC SĨ, CA SĨ TRUNG CHỈNH

    (Bài: Trần Quốc Bảo)

    Mượn chữ Tạ Từ Trong Đêm, tựa đề một bài nhạc của Trần Thiện Thanh làm lời chia tay lưu luyến anh Trung Chỉnh bởi tôi không muốn dùng chữ Vĩnh Biệt nghe xót xa quá (như đã dùng trong nhiều bài về 7 đám tang xẩy đến suốt 2 tuần qua). Tạ Từ Trong Đêm cũng là một nhạc phẩm mà ca sĩ Trung Chỉnh hát rất thành công bên cạnh Nhịp cầu tri âm, Anh tiền tuyến Em hậu phương, 7000 đêm góp lại… hoặc Tình thư của lính, ca khúc mà Anh đã trình bày trong kỳ Nhạc Hội “Saigon Màu Kỷ Niệm” kỳ 7 do tôi cùng 70 ca nhạc sĩ Saigon trước 75 tổ chức tại Quận Cam (Cali) vào chiều Chủ Nhật 1 tháng 9 năm 2019.

    Nhiều bản tin thất thiệt về sự ra đi của Anh Trung Chỉnh suốt 3 tuần qua khiến gia đình cũng như Phương Hồng Quế và tôi phải nhiều lần đính chính trước sự quan tâm, yêu thương của nhiều thân hữu, bệnh nhân, người hâm mộ gọi đến hỏi han… Tôi vào thăm Anh lần đầu đi cùng với Phương Hồng Quế đó là ngày thứ hai 3 tháng 2 tại Pacific Haven (Garden Grove). Thời gian này tôi bận chăm sóc Mẹ trong Bịnh viện nhưng nghe tin Anh lâm bịnh là chúng tôi phải chạy vào vì Anh Trung Chỉnh còn là Bác sĩ gia đình của tôi.

    Khi chúng tôi bước vào phòng, chị Kim Phuợng / vợ anh nói nhỏ vào tai: “Phương Hồng Quế và Bảo đến thăm anh kìa”. Đôi mắt anh mở ra nhìn chúng tôi thật trìu mến như mỗi lần gặp anh ở phòng mạch. Tuy anh không nói được nữa nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn để trả lời những câu hỏi chúng tôi bằng cách viết. Ở bên ngoài, nhiều người đã hay tin anh bệnh nặng, tất cả hướng lòng cầu nguyện cho anh vượt qua giai đoạn này, tuy nhiên chúng tôi đã biết, mạng sống Anh chỉ còn đếm được bằng ngày vì chứng bệnh ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, Anh quyết định không cho bơm thức ăn qua ống thông dạ dầy cũng như không dùng thuốc giảm đau… Tôi và Quế hỏi: “Anh muốn chúng em làm điều gì cho Anh, xin cứ nói”… Anh viết 3 chữ: “Lo Cáo Phó”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Làm sao tụi em có chi tiết?”.. Anh ghi 2 chữ: “Hỏi chị”. Đến đây, chúng tôi biết mình sẽ làm gì và nói: “Anh yên tâm, chúng em sẽ phụ với chị lo những việc này”.


    Đúng một tuần sau cũng vào ngày thứ hai (Feb/10), tôi và Quế ghé thăm Anh, chỉ một tuần thôi, mọi thứ thay đổi nhiều quá, thần sắc không còn… nhưng hình ảnh làm tôi và Quế cảm động nhất, đó là lúc chị Kim Phuợng / vợ anh nói nhỏ vào tai chồng: “Mình ơi, Quế và Bảo vào thăm mình kìa”… Nghe xong, đôi bàn tay của Ông đang để trước bụng chợt đưa lên thật cao như muốn nắm chặt tay của 2 đứa tôi. Quế ứa nước mắt, còn tôi đứng chết lặng bùi ngùi xót xa vô tả như Thanh Tâm Tuyền từng viết: “Lệ khóc không rơi ngoài tim mình”. Khi đôi tay chúng tôi còn nắm chặt, tôi vội nói thật mau với Anh vì sợ không làm tròn lời hứa với một người giao phó. “Anh Chỉnh ơi, ca sĩ Thanh Thúy thời gian quá sức khỏe yếu quá không xuống thăm anh được, chị nhờ em chuyển lời kính thăm Anh và cầu xin Anh sớm hồi phục lại sức khỏe”. Chị Kim sợ chồng không nghe rõ, bèn kề sát lập lại những lời này vào tai chồng. Đôi mắt Ông yếu quá không mở ra nổi như tuần trước nhưng biểu cảm của khuôn mặt cho thấy Ông xúc động vô ngần.


    Cách đây 3 ngày, Phương Hồng Quế trước khi bay show xa có vào thăm Anh và nói lời Từ Biệt (nhưng cô đã biết đó là lời Vĩnh Biệt) và tối qua thứ bảy khi tôi báo: “Quế ơi Anh Chỉnh mới đi lúc 9g tối nay”… Quế viết trả lời: “Biết anh ấy sẽ ra đi nhưng vẫn không cầm được nước mắt hôm thứ năm với đến thăm anh trước khi đi đã nói lời tạ từ với anh rồi vì biết chẳng còn bao lâu nữa”.

    Tạ từ ông anh Trung Chỉnh yêu quý của chúng em và nhiều người. Anh em mình quá nhiều kỷ niệm chập chùng để thương để nhớ. Làm sao quên được rất nhiều những buổi ca nhạc của Anh luôn mời em tham dự, nhớ nhất đó là lần thu hình Video Kỷ Niệm 50 Năm Ca Hát của anh tổ chức ngày 13 tháng 11 năm 2016 tại Saigon Performing Arts…

    Và bây giờ, khi nghe tin Anh vĩnh viễn ra đi, tuy đã cảm nhận được đều này xẩy đến, nhưng Trần Quốc Bảo vẫn cảm thấy lặng người, đôi khi muốn bật khóc như nhà thơ Ruben Dario của Nicaragua lúc Ông viết 4 câu thơ dưới đây khi nhớ 1 người thân trong thời tuổi trẻ thanh xuân của Ông vừa nằm xuống. Ông khóc và viết:


    Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế
    Đã ra đi không thể trở về
    Lúc muốn khóc ta không khóc nổi
    nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi…


    Vĩnh biệt ca sĩ Trung Chỉnh tiếng hát chan chứa tình tự quê hương và một bác sĩ khả kính của cộng đồng Việt.
    Sau đây xin mời độc giả đọc bài viết:

    CA SĨ, BÁC SĨ TRUNG CHỈNH VÀ HÀNH TRÌNH 60 NĂM ÂM NHẠC

    (Bài: Trần Quốc Bảo trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ / Việt Tide số 92 phát hành ngày 11 tháng 11 năm 2016))


    Ca sĩ Trung Chỉnh tên thật là Huỳnh Văn Chỉnh, sinh ngày 4 tháng Giêng năm 1943 tại Mỹ Tho. Anh là con út trong gia đình có ba anh em, anh lớn tên Vàng (mất năm 1989), anh kế tên Mai chơi cổ nhạc (mất năm 1979). Ba mất sớm năm anh vừa lên bảy, mẹ cũng đã qua đời năm 1980.

    Từ những năm đệ lục đệ ngũ (1956-59), cậu học sinh Huỳnh Văn Chỉnh đã làm quen với cây guitar phím lõm và đờn cổ nhạc. Tới năm 1960 qua học trường công lập Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, anh chuyển sang tân nhạc nhờ thầy Đoàn Thể Hồng dìu dắt, dạy hòa âm. Thầy Hồng tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc, là con của thầy Hai, người em của thầy Hồng lúc ấy học chung với Trung Chỉnh.


    Năm 1963, đậu xong Tú Tài, sinh viên Huỳnh Văn Chỉnh lên Sài Gòn vào học dự bị y khoa. Sang năm sau 1964 thì bắt đầu học trường Y năm thứ nhất và từ đó, anh khởi sự sinh hoạt văn nghệ nhiều hơn.


    Lần đầu tiên cậu sinh viên y khoa đam mê văn nghệ gặp nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Tấn An vào năm 1965, được Tấn An đặt nghệ danh là Trung Chỉnh, và thu âm cho hãng dĩa Việt Nam hai bài song ca 7000 Đêm Góp Lại của Trầm Tử Thiêng với Phương Dung và Rồi 20 Năm Sau hát với Hà Thanh. Cuối năm 1966, Trung Chỉnh qua hãng dĩa Sóng Nhạc thu băng bài Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương (Minh Kỳ) với Hoàng Oanh.


    Cũng trong năm 1966, truyền hình Việt Nam ra đời, và ngay từ những ngày đầu, Trung Chỉnh đã có mặt trong các chương trình hợp ca cộng đồng với Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hà Thanh, Hoàng Oanh, Quỳnh Giao... Đài truyền hình khi ấy phát hình trắng đen, quay hình trước trong ngày rồi chiều tối mới phát sóng. Sang năm 1967, Trung Chỉnh được mời hát đơn ca cho đài nhiều hơn. Trong năm này, Trung Chỉnh thu với Thanh Tuyền bản Nhịp Cầu Tri Âm của Hoài Linh.


    Trong khoảng năm 1967-68, Trung Chỉnh sinh hoạt trong ban Hoa Tình Thương dưới quyền Tướng Cao Văn Viên. Cũng vì quá đam mê văn nghệ, cho dù chưa bao giờ thi rớt, anh suýt bị đuổi khỏi trường Quân Y vì cứ lén nhà trường đi hát. May là cầu cứu được Tướng Viên xin nhà trường cho trở lại học tiếp. Thế là năm 1969 trường Quân Y ra lệnh cấm không cho anh đi hát nữa nếu muốn tiếp tục học tại trường.


    Năm 1969 cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của anh khi chàng bác sĩ điển trai, trẻ trung, lịch lãm đang thực tập ở bệnh viện Bình Dân lập gia đình với nàng Kim Phượng xinh đẹp trường Gia Long vào ngày 18 tháng 2. Chàng tình cờ quen nàng năm trước đó, khi chàng từ bệnh viện ra, xe bể bánh phải chờ vá, còn chàng cùng người bạn vào quán sinh tố gần bệnh viện ngồi đợi. Nàng là em gái cô chủ quán, đang ra phụ cho chị. Hai người quen nhau và chưa đầy một năm sau làm đám cưới. Năm 1970 sanh cháu gái đầu lòng Huỳnh Khánh Dung, năm 1973 thêm cháu trai Huỳnh Tấn Khôi, 1976 cháu gái Huỳnh Thùy Dung, và 1979 út nam Huỳnh Khôi Việt.


    Bác sĩ Trung Chỉnh tốt nghiệp Quân Y khóa 18 vào lúc chiến cuộc tại Việt Nam đang ở những giai đoạn khốc liệt cuối năm 1971. Gặp ngay lúc "Mùa Hè Đỏ Lửa" 1972, đơn vị anh được điều ra Quảng Trị và liên tục chiến đấu chống Cộng Sản cho đến năm 1975. BS Chỉnh được thăng chức đại úy nhưng chưa kịp lãnh thẻ căn cước thì mất nước.
    * * *
    Sau biến cố tháng 4 năm 1975, BS Chỉnh đi tù cùng các quân y sĩ Quân Lực VNCH tới giữa năm 1976 thì được thả. Anh về làm ở bệnh viện Phước Kiến, Chợ Lớn khoảng 3 năm. Ngày 31 tháng 5 năm 1979, anh cùng vợ và 4 con, lúc ấy con út mới 3 tháng, vượt biển ra đi.


    Trong một cuộc phỏng vấn, anh kể lại hành trình vượt biên: “Chúng tôi về Mỹ Tho để đi, tại vì họ tổ chức ở đó. Từ Mỹ Tho, vào nửa đêm chúng tôi đi ra biển. Con đường đi nó thiên nan vạn nan, chúng tôi đi một lần mà thành hai. Chúng tôi không được may mắn vì thứ nhất là cái tàu của chúng tôi, họ định đi chỉ 200 người thôi. Thế nhưng người chủ tàu tham lam, họ lấy tới 338 người tức là chở thêm một trăm mấy chục người nữa. Tất nhiên người lớn thì trả tám cây vàng, con nít bốn cây. Họ chở đông người thành ra cái tàu không vững, ra khơi có khi nó muốn chìm. Thế nhưng cũng may mắn là trời tháng 5, thực tình mà nói, cuối tháng 5 qua tháng 6 thì biển êm lắm. Biển êm lắm nhưng người tài công là trung úy hải quân nhưng anh không có kinh nghiệm về hải hành... Chúng tôi cứ đi lạc mãi cho đến nỗi bị cướp Thái Lan ăn cướp 2 lần. Cho tới ngày thứ 8 chúng tôi đi vô tới địa phận của Mã Lai. Lúc bấy giờ chúng tôi vô cái tỉnh đó gọi là Kotabaru, tức là nó nằm ở miền nam Thái Lan, miền bắc của Mã Lai, cách biên giới Thái Lan 10 cây số. Thực ra, không dễ dàng vô đâu. Lính nó canh bờ biển mà. Họ biết người Việt Nam lúc bấy giờ đổ vào rất nhiều. Mà lúc đó đổ vào nhiều thật. Khi vô tới nơi đó thì mấy người mà gọi là trưởng ban tổ chức của tàu bị lính Mã Lai nó đánh, nó đánh dữ lắm. Sau đó thì chúng tôi phải đục tàu vì (như vậy) nó không có lý do nó đuổi mình trở ra tàu được”.


    Tàu cặp được vào Mã Lai, mọi người được đưa lên bờ cho chích ngừa, hồi sức tạm thời rồi lại dồn lên các chiếc tàu, đẩy trở ra khơi, mà theo lời giới hữu trách ở đó nói gạt rằng sẽ đưa qua trại tị nạn Pulau Bidong. Nhưng thực ra, họ kéo các chiếc tàu khốn khổ, mỗi tàu chứa hàng trăm người tị nạn ra khơi rồi cắt dây bỏ mặc cho trôi tiếp.


    BS Chỉnh kể lại, chuyến đi đó đúng là định mệnh vì số người trên tàu đi cùng với gia đình anh từ Việt Nam bị chia làm hai. Hai chiếc tàu cùng bị tàu Mã Lai kéo ra khơi, bị bỏ rơi, nhưng một chiếc không may gặp tàu Liên Sô bị kéo về Việt Nam. Còn chiếc chở gia đình anh thì suốt nửa tháng lây lất trên biển khơi, thêm một số người nữa thiệt mạng. Một kỷ niệm mà BS Chỉnh nhớ mãi là cơ hội đỡ đẻ cho một sản phụ ngay trên tàu, không một dụng cụ y khoa. Anh dùng chỉ may và kéo sát trùng bằng cồn, đỡ được một cậu bé kháu khỉnh ra đời.

    Đến tháng 7 năm 1979, tàu tấp vào đảo Pulau Luot của Nam Dương. Đây là một đảo nhỏ, thiếu thốn tiện nghi, thực phẩm, thuốc men, lại thêm chục người bỏ xác nơi này. Cả gia đình BS Chỉnh bị sốt rét. Giới chức trên đảo cầu cứu Liên Hiệp Quốc. Cao Ủy Tị Nạn LHQ cho tàu đến chở người tị nạn qua trại ở Galang.


    Từ trại tị nạn, gia đình BS Chỉnh được một người bà con xa bảo lãnh đi Denver, Colorado. Cả nhà đến Mỹ ngày 30 tháng 11 năm 1979. Ba năm đầu cơ cực trên xứ người, nhưng được hít thở không khí tự do, anh Chỉnh đi học Anh văn ở đại học cộng đồng và học luyện thi để trở lại ngành y, trong khi chị Kim Phượng đi làm công nhân một hãng sản xuất ribbon cho máy đánh chữ, lương khi đó 2.75 Mỹ kim/giờ. Tháng 8 năm 1981, chị thi đậu vô ngành bưu điện.


    Anh Chỉnh học tiếp nội trú ở Louisiana từ năm 1983 đến 86, rồi về Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, định cư cùng gia đình, làm cho một nhà thương của chính phủ. Tại đây, anh cũng mở thêm phòng mạch tư nhân. Năm 2004, anh nghỉ hưu và gia đình dọn về California. Hai năm đầu, anh làm cho tổ hợp y tế của BS Michael Đào. Tháng 10 năm 2006, BS Chỉnh mở phòng mạch riêng trên đường Bolsa, ngay trung tâm Little Saigon, vừa rồi kỷ niệm 10 năm thành lập.
    * * *
    Sau khi dọn về California nắng ấm, nơi có Little Saigon, thủ đô tinh thần của cộng đồng người Việt tị nạn, BS Trung Chỉnh trở lại sân khấu âm nhạc. Đầu tiên, năm 2004, anh xuất hiện trong Thúy Nga Paris By Night số 73 cùng với Hoàng Oanh trong liên khúc Chuyện Chúng Mình (Trúc Phương), Ngày Sau Sẽ Ra Sao (Vân Tùng). Anh thu hình thêm 2 cuốn nữa cho Trung Tâm Thúy Nga số 76 và 85, cũng song ca với Hoàng Oanh.


    Năm 2006, BS Trung Chỉnh hát trong Asia số 50 với Hoàng Oanh bài Chuyến Đi Về Sáng (Trần Thiện Thanh) và liên tục thu hình những năm sau đó trong các cuốn băng nhạc số 52, 54, 58, 61, 66, 67, 73, 74, 75... những sáng tác của Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Hoài Linh, Duy Khánh, Trúc Phương... hát chung với Chế Linh, Thanh Lan, Phương Dung, Ngọc Minh, Ngọc Đan Thanh, Doanh Doanh... do Trung Tâm Asia thực hiện.


    Ngày 13 tháng 11 năm 2011, BS Trung Chỉnh tổ chức một chương trình kỷ niệm 45 năm ca hát và 40 năm hành nghề y khoa tại một nhà hàng ở Westminster, California.

    Ngày 13 tháng 11 sắp tới đây, BS Trung Chỉnh sẽ thực hiện một chương trình thu hình, dàn dựng công phu trên sân khấu Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley. Chương trình đánh dấu 50 năm sinh hoạt văn nghệ của ca sĩ Trung Chỉnh có sự tham dự của Thanh Tuyền, Thanh Lan, Ngọc Đan Thanh, Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Quốc Anh, Tuấn Châu, Diễm Liên, Ngọc Quang Đông, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, vũ sư Quốc Dương, MC Minh Phượng, MC Trần Quốc Bảo...


    * * *
    Một trong những mong ước thiết tha của ca sĩ Trung Chỉnh tức BS Huỳnh Văn Chỉnh là thành lập một nơi chôn cất để vinh danh Quân Lực VNCH tại hải ngoại. Năm 2010, Ủy Ban Xây Dựng Nghĩa Trang Quân, Cán, Chính VNCH Hải Ngoại, ra đời lúc đầu với 9 thành viên, sau rút lần ra còn 5 người hiện nay gồm: BS Huỳnh Văn Chỉnh chủ tịch, Trần Duy Biên phó chủ tịch, Phạm Văn Hiền tổng thư ký, Trần Văn Hưng trưởng ban xây dựng, và Nguyễn Tấn Phú trưởng ban ngoại giao.
    Nghĩa Trang Quân, Cán, Chính VNCH hay còn gọi là Nghĩa Trang Biên Hòa Hải Ngoại là chương trình xây cất một nghĩa trang cho Quân, Cán, Chính VNCH và gia đình tại hải ngoại. Nghĩa trang có mô hình như nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa trước 1975, và có thêm Bức Tường Đá Đen ghi danh các tử sĩ VNCH. Ủy Ban Xây Dựng Nghĩa Trang đã mua được lô đất rộng 55 mẫu gần Thiền Viện Chân Nguyên thuộc San Bernardino County. Trong những năm vừa qua, Ủy Ban Xây Dựng Nghĩa Trang thường xuyên tổ chức các buổi dạ tiệc, nhạc hội truyền hình trực tiếp để gây quỹ cho công trình này.
    Chương trình nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát của BS Trung Chỉnh cũng không nằm ngoài mục đích phổ biến và kêu gọi đóng góp cho công trình xây cất nơi an nghỉ cuối cùng của Quân, Cán, Chính VNCH và gia đình tại hải ngoại.
    (trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ / Việt Tide số 92 phát hành ngày 11 tháng 11 năm 2016)
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60199
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Ca sĩ,bác sĩ Trung Chỉnh qua đời thọ 82 tuổi

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 16, 2025 6:18 pm

    Hình ảnh
    Hình ảnh

    Hình ảnh
    Hình ảnh

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 52 khách