McCarthy: Phiên tòa luận tội Trump; Thiếu một quy trình tố tụng đúng nghĩa!
2/9/21
Ảnh chụp màn hình video Fox News
Cuộc luận tội không phải là một phiên tòa công bằng đúng nghĩa – nó về bản chất là một quy trình chính trị.
Luật sư Andrew C. McCarthy là thành viên cấp cao của Viện National Review và là cộng tác viên của tờ National Review – một tờ báo theo trường phái bảo thủ lớn ở Mỹ. Ông đã có bài bình luận đăng trên tờ Fox News bàn về phiên tòa luận tội Tổng thống Trump sắp tới.
Sau đây là nguyên văn bài viết của ông:
Vậy… chính xác thì điều gì sẽ xảy ra tại phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện bắt đầu vào thứ Ba (9/2 theo giờ Mỹ) tới? Chà, chúng ta không biết chắc được. Và đó chính là vấn đề.
Bạn có biết, chúng ta gọi quá trình luận tội này là một “phiên tòa.” Về mặt kỹ thuật, cách gọi đó chính xác. Hiến pháp (tại Điều I, Phần 3) ghi rõ rằng “Thượng viện bảo lưu quyền độc nhất trong việc xét xử tất cả các vụ luận tội“. Hạ viện, cơ quan có quyền lực duy nhất trong việc luận tội, đã làm như vậy, khi buộc tội cựu tổng thống Trump “kích động nổi dậy”. Chính vì thế, Thượng viện sẽ xét xử vụ đó [và đưa ra phán quyết cuối cùng].
Nhưng chúng ta hãy tạm dừng một chút. Trong ca luận tội bất thường này, Thượng viện sẽ có quyền lực tiến hành xét xử. Khái niệm này về cơ bản khá xa lạ với chúng ta. Hàng ngàn phiên tòa diễn ra trên khắp Hoa Kỳ hàng ngày. Tuy nhiên, đó là những phiên tòa xét xử thuộc hệ thống tư pháp. Họ là những người mà chúng ta đã khá quen thuộc. Chúng ta đã rất quen thuộc với các tiêu chuẩn cao của thủ tục tố tụng hợp pháp mà các phiên tòa phải tuân thủ, được phát triển qua nhiều thế kỷ phát triển của hệ thống Thông luật (Common Law) (hay hệ thống pháp luật Anh – Mỹ hay Hệ thống pháp luật Anglo – Saxon hay hệ thống luật Án lệ).
Trong một vụ án hình sự, vốn có tính chất tương đồng nhất đối với một vụ luận tội, tòa án là một tổ chức độc lập, có vai trò bảo đảm rằng bị cáo sẽ không bị áp đảo trước quyền lực chính phủ. [Tòa án thuộc hệ thống tư pháp, chính phủ thuộc hệ thống hành pháp]. Một thẩm phán trung lập sẽ chủ tọa. Bị cáo được mặc định là vô tội và không cần phải làm gì để chứng minh mình không có tội. Bên công tố chịu hoàn toàn nghĩa vụ chứng minh bị cáo có tội. Thậm chí để khiến quy trình công bằng hơn, bị đơn còn được quyền tư vấn và xem xét nội dung vụ kiện của chính phủ, bao gồm cả các bằng chứng bào chữa trong hồ sơ vụ kiện đó.
Có lẽ quan trọng nhất đối với các mục đích hiện nay, bị cáo có quyền được có một bồi thẩm đoàn công bằng và khách quan, và có thể không bị kết tội trừ khi bồi thẩm đoàn nhất trí rằng công tố viên đã chứng minh được cáo buộc vượt quá mức nghi ngờ hợp lý (beyond reasonable doubt – ý là chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa). Và ngay cả khi điều đó xảy ra, luật liên bang cho phép bị cáo có nhiều vòng kháng cáo – và nếu việc truy tố bằng cách nào đó đã vi phạm Hiến pháp hoặc các luật liên bang khác theo cách diễn giải của tòa liên bang trong vòng kháng cáo, thì bản án sẽ bị đảo ngược.
Tất cả những điều trên ý để nói rằng, nếu đây là ý tưởng của bạn về một phiên tòa công bằng, và nếu bạn có thể đến dự phiên tòa vào thứ Ba, bạn có thể sẽ phải thất vọng. Bởi lẽ từ quan điểm của thủ tục tố tụng hợp pháp, hôm đó bạn sẽ không đến một miền đất hứa (Utopia), mà sẽ đến một vùng phản địa đàng (dystopia).
Donald Trump không hề được giả định vô tội trong phiên tòa này. Từ “giả định” hoàn toàn không được đặt đúng chỗ khi đề cập đến phiên tòa luận tội hôm thứ Ba. Bởi lẽ từ đó ngụ ý rằng có một số giả định đã được dàn xếp (tổng thống được giả định vô tội cho tới khi được nguyên đơn chứng minh), tương tự như thủ tục tố tụng tư pháp, chi phối một phiên tòa Thượng viện. Hoàn toàn không có điều đó ở đây. Một lần nữa, chúng ta không thể biết chắc chắn điều gì sẽ diễn ra tại phiên tòa.
Trên thực tế, cho đến vài tuần trước đây, chúng ta thậm chí còn không biết ai sẽ đứng chủ tọa phiên tòa này. Có nhiều đồn đoán về việc liệu đó có phải là Chánh án John Roberts, người năm ngoái đã ngồi trong phiên tòa luận tội Trump đầu tiên của Thượng viện hay không. Nhưng sẽ không có chỗ cho ông ấy vào năm nay. Hiến pháp yêu cầu một quan chức ngành tư pháp – người có cấp bậc cao nhất trong đất nước – khi luận tội một tổng thống đương nhiệm. Trump đã mãn nhiệm … vì vậy chúng ta đang có một phiên tòa mà không có thẩm phán hiến định thực sự.
Điều này không chỉ đặt ra một câu hỏi sâu sắc về tính toàn vẹn của thủ tục tố tụng. Nó cũng làm dấy lên một vấn đề hiến pháp nghiêm trọng về việc liệu phiên tòa ở Thượng viện có được cho phép hay không – trên thực tế, 45 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng phiên tòa này không nên được phép.
Điểm chính của việc luận tội là loại bỏ một quan chức tại nhiệm, và Trump đã trở thành một cựu tổng thống, một người rõ ràng không thể bị loại bỏ [khỏi vị trí đương nhiệm nào cả]. Các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa có chỉ ra rằng Hiến pháp cũng quy định rằng hình phạt cho việc bị kết tội trong phiên tòa luận tội là người đó sẽ không đủ tư cách giữ các chức vụ trong tương lai, và do đó, họ khẳng định phiên tòa là hợp lệ. Nhưng nếu hình phạt đó được dự định áp dụng cho các cựu tổng thống, thì các những người soạn thảo Hiến pháp sẽ yêu cầu một thẩm phán thực sự, không thiên vị đứng ra chủ tọa phiên tòa luận tội ở Thượng viện, theo lập luận phản bác của đội ngũ pháp lý của TT Trump.
Trong mọi trường hợp, “viên chức chủ tọa phiên tòa” giờ đây sẽ là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, một trong những đảng viên Đảng Dân chủ khét tiếng nhất tại Hạ viện. Nếu bạn tưởng rằng phó tổng thống Hoa Kỳ sẽ là người chủ trì các quy trình tại Thượng viện [bởi Phó Tổng thống mặc định là Chủ tịch Thượng Viện], thì bạn đã nhầm lẫn lớn rồi đó. Trong trường hợp này, Phó Tổng thống Kamala Harris đã chọn không tham gia vì chính quyền Biden lo lắng rằng phiên tòa Thượng viện xét xử một tổng thống từ đảng đối lập – một phiên tòa mà, với việc Trump đã mãn nhiệm, sẽ hứng chịu sự phản đối kịch liệt từ các cử tri Đảng Cộng hòa trên toàn quốc – và như vậy đã tự khoác lên mình dáng dấp của một tòa án kangaroo mang tính đảng phái, thù hận.
Có phải bạn đang nghĩ rằng vì thủ tục tố tụng này là một “phiên tòa”, nên sự công bằng phải là một yêu cầu tuyệt đối phải không. Không hề.
Để TNS Leahy lấp đầy khoảng trống với tư cách là chủ tịch Thượng viện tạm quyền không phải là điều có thể hoàn toàn mang lại sự yên tâm từ quan điểm và tiêu chuẩn công bằng.
Có phải bạn đang nghĩ rằng vì thủ tục tố tụng này là một “phiên tòa”, nên sự công bằng phải là một yêu cầu tuyệt đối phải không. Không hề. Phiên tòa luận tội không có chủ đích công bằng. Nó có chủ đích chính trị.
Nhưng đây không phải là một sai sót, nó là một điểm đặc trưng. Sự tự do và tài sản của Trump không bị đe dọa trong trường hợp này, trong khi ở các phiên tòa tư pháp bình thường thì lại không phải như thế. Lý do là vì luận tội là một quyền lực chính trị mà Hiến pháp trao cho Quốc hội, một nhánh chính trị , nhằm tước bỏ quyền lực chính trị , bằng cách loại bỏ nó hoặc phủ nhận nó trong tương lai.
Chức vụ công (public office) không phải là quyền lợi cá nhân; nó thể hiện cho mức độ tín nhiệm mang tính chính trị [của quần chúng. Các quan chức được dân bầu lên]. Việc tước bỏ khả năng nhận ủy thác tín nhiệm đó [từ quần chúng] của một cá nhân chính là một chủ đích mang tính chính trị. Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, việc này đòi hỏi một phán quyết chính trị, chứ không phải là thủ tục tố tụng xét xử bình thường.
Hãy đi từ những khái niệm trừu tượng của những nguyên tắc cao xa sang một thực tế chính trị cụ thể. Trong một phiên tòa ở Thượng viện, sẽ không bao giờ có một bồi thẩm đoàn công bằng. Ngay cả khi chánh án chủ trì các phiên tòa như vậy, vai trò của ông ta chỉ là thực thi phán quyết. Thượng viện có quyền bác bỏ bất kỳ phán quyết nào được chánh án đưa ra. Các quy tắc tư pháp và tiền lệ án không áp dụng [trong phiên tòa đặc thù này]. Sự hiện diện của một thẩm phán cấp cao sẽ chỉ đơn giản nhằm ngụy trang cho sự thật nghiệt ngã rằng thủ tục tố tụng này mang tính chính trị, chứ không phải dựa trên luật pháp.
Trump bị luận tội vì đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Ông sẽ được tuyên trắng án vì không có đủ số phiếu của các đảng viên Đảng Cộng hòa để kết tội ông. Nó không bao hàm bất kỳ quy trình pháp lý thông thường nào.
Đối với việc luận tội, các nhà soạn thảo hiến pháp không đặt niềm tin của họ vào luật. Họ dựa vào chính trị. Họ đã cân nhắc đến việc giao các phiên tòa luận tội cho một tòa án tư pháp; nhưng họ lại chọn Thượng viện – tức là dựa vào phán quyết của các chính khách dày dạn kinh nghiệm (hồi đó các thượng nghị sĩ đều là đàn ông), những người sẽ không phớt lờ các nguyên tắc pháp lý nhưng họ sẽ không bao giờ quên rằng họ phải chịu trách nhiệm trước cử tri và chính điều này – bởi lẽ luận tội là một quy trình phi dân chủ theo đúng bản chất của nó – đang tước đi sự lựa chọn của cử tri đối với [quyền quyết định số phận của] tổng thống. Chính vì vậy nó nên chỉ được dành cho những trường hợp khẩn cấp thực sự do những hành vi sai trái kinh khủng gây ra.
Ngay cả khi hành vi sai trái của Trump là nghiêm trọng, thì liệu đây có thực sự là một trường hợp khẩn cấp?
Triển vọng trở lại nắm quyền của cựu tổng thống bị nghi ngờ rất nhiều. Đảng Dân chủ quyết tâm triển khai phiên tòa ngay bây giờ, nhưng Thượng viện có thể đình chỉ nó cho đến thời điểm đó, thời điểm mà Trump có thể sẽ bắt đầu một chiến dịch tái tranh cử. [Họ có thể triển khai việc luận tội khi đó] để làm nản lòng chiến dịch tranh cử năm 2024 của Trump [nếu ông quyết định tranh cử], hơn là một phiên tòa ngay lập tức vốn sẽ kết thúc với một sự tha bổng chắc chắn.
Dù sao đi nữa, phiên tòa vẫn sẽ tiếp tục. Bởi vì nó là một quy trình mang tính chính trị, sẽ dễ dàng dự đoán kết quả hơn quá trình. Có thể sẽ có một phiên tòa toàn diện tại Thượng viện. Tuy nhiên, theo thủ tục luận tội của Thượng viện, TNS Leahy có thể giao vụ này cho một ủy ban – có thể là một cơ quan được thành lập đặc biệt, hoặc có thể là một ủy ban thường trực, mà rất có thể là Bộ Tư pháp – vốn có thể tiến hành một phiên tòa một cách hiệu quả, trong đó nhân chứng được gọi lên và bằng chứng được đưa ra, cùng lúc không chặn đứng việc tham gia có ý nghĩa của Thượng viện.
Nếu điều đó xảy ra, ủy ban sẽ chứng nhận hồ sơ tố tụng của mình và phổ biến nó lên toàn thể Thượng viện. Tại thời điểm đó, Thượng viện có thể quyết định cung cấp thêm vào hồ sơ với lời khai bổ sung, hoặc nó có thể chỉ cần xem xét cách đưa ra phán quyết cuối cùng [tha bổng ông Trump].
Tất cả điều này sẽ diễn ra bắt đầu từ thứ Ba (hôm nay). Nó sẽ diễn ra như thế nào, chúng ta không thể biết chắc chắn. Chúng ta chỉ có thể biết rằng, mặc dù nó sẽ được gọi là một “phiên tòa”, những gì chúng ta sẽ được chứng kiến sẽ không phải là thủ tục tố tụng hợp pháp. Nó sẽ là một quá trình mang tính chính trị .
Quý Khải