Đăng trả lời 344 bài viết
DON HỒ: "You Are Mine"
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60145
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Niềm vui còn đó

    by music123 » Thứ 3 Tháng 12 01, 2020 7:35 pm

    NIỀM VUI CÒN ĐÓ

    (Đây là chỉ là lời tường thuật của cá nhân - một người dân California - cảm nhận được với đời sống chung quanh trong tuần lễ đầu tiên của lần đóng cửa lần 3 vì bịnh dịch trong năm nay. Biên xuống như một dạng nhật ký (journal) của bản thân.

    Đây không phải là một "diễn đàn chính trị", chẳng có tí gì chính trị chính em trong này.

    Bởi thế quí vị nào muốn bàn về chính trị hay nêu ra quan điểm chi đó của quí vị, xin hãy mang về trang của mình.
    Nếu qui vị mang vào đây, mình xin phép trước là sẽ xoá ngay.


    Xin tôn trọng nhau.

    Don Hồ xin thành thật cám ơn)

    California đã bước qua tuần lễ thứ nhì của lần lockdown thứ 3 (đóng cửa) vì dịch bịnh gia tăng. Ở ngoài đường, đường xá thấy như vẫn bình thường, chợ búa vẫn bình thường,không thấy vắng đi, chỉ thấy tội, thiệt hại cho những thương vụ buôn bán...

    Trong lần đóng cửa thứ 3 này có dính 3 ngày lễ lớn: Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh & Năm mới.

    3 ngày lễ này là lễ ăn mừng lớn nhất trong năm của người Mỹ, để coi người Mỹ họ có chịu tuân thủ theo không? Vì trong những lần đóng cửa trước đã có một số chống đối.

    Nghe thoáng trên radio trong một lần lái xe, lần phong toả thứ 3 này:

    - Không cho tụ tập ở nhà quá 3 gia đình.

    Không hiểu ai có thể lại nhà đếm & kiểm soát xem là 3 gia đình hay hơn?

    - Không cho hát Karaoke ở nhà, có lẽ vì khi hát nước miếng sẽ văng xa hơn. Nhưng, người ta hát trong nhà thì ai biết được mà vào cấm?

    - Ca đoàn không được hát.

    Bữa có nghe chị bạn trong ca đoàn nhà thờ nói lễ tới chị ta chỉ hát đơn ca thôi, còn ca đoàn thì hiện tại đang ... nghỉ.
    - Các nghi lễ tôn giáo chỉ được tổ chức ngoài trời.

    - Nhà hàng chỉ cho ngồi bên ngoài.

    Tội những nhà hàng nào không có khoảng bên ngoài để sắp xếp! Những nhà hàng có chỗ mở bên ngoài thì phải mua máy sưởi vì trời đã qua mùa lạnh rồi, không có máy sưởi ai mà dám ngồi ăn ngoài trời

    Vân vân và vân vân...

    Nhưng câu cuối cùng, cái không cấm thì lại là:

    - Cho phép biểu tình.

    Sao mà cấm tùm lum mà lại cho ... biểu tình, tụ tập cả đống người? Là sao ta???

    Chẳng hiểu luôn!

    Tháng 3, lần đầu tiên đóng tiểu bang, đường xá vắng tanh vắng ngắt, người ta sợ & hoang mang nên ít thấy ai ra đường.
    Cuối tháng 6, lần thứ nhì đóng cửa, mình ở nhà. Bạn bè gọi lại cho hay chợ búa vẫn đông nghẹt.

    Làm như không có chỗ đi thì người ta ... đi chợ cho đỡ cuồng chân hay sao ấy?

    Lần này tháng 11 là lần thứ ba đóng cửa, lại có thêm giới nghiêm từ 10h đêm cho tới 5h sáng, thì thật sự có lẽ bắt đầu quen & lờn, mình không thấy có sự khác biệt với khoảng thời gian 2, 3 tuần trước khi đóng cửa này. Có lẽ tại cá nhân ít đi ra ngoài từ khi có dịch nên thấy ... vẫn thế chăng?

    Vụ giới nghiêm nghe đài radio nói là bởi vì những ngày lễ lớn dân Mỹ hay tụ họp ăn mừng, uống beer uống rượu. Khi ngà ngà say người ta sẽ bắt đầu buông thả không còn biết giữ gìn nữa nên ... giới nghiêm. Cũng có lý...

    Ông thống đốc tiểu bang California tuần lễ trước khi ra lệnh đóng cửa, đi ăn uống tụ họp ở nhà bạn không tuân thủ theo như những lời ông ta khuyên dân chúng.

    Rồi xui xẻo sao đó mà để báo chí chụp được hình chiếu lung tung trên các đài TV. Sau đó đã phải lên xin lỗi cư dân tiểu bang. Té ra "cấp trên" cũng thế. Nói thì dễ, tuân theo những gì mình đã nói cũng chẳng dễ.

    Hôm qua ngồi nhà đang coi TV, người em họ ghé qua lấy đồ. Thấy cậu ta mặc đồ đẹp đẽ quá, ngứa miệng hỏi:
    - "Ủa sau này còn... đi đâu nữa hả?"


    - "Đi party..."

    - "Ủa, đang phong toả, cấm tụ họp mà? Nghe nói bịnh dịch đang tăng lên nặng lắm. Không sợ sao? Sao không ở nhà đi?"
    Cậu ta tỉnh bơ:

    - "Đi hoài mà. Tuần nào cũng đi."

    Nghe người nói xong bỗng chút lạnh người, có chút sợ khi thấy cậu ta không đeo khẩu trang khi vào nhà.

    Không lẽ ... chỉ có mình tuân theo mà ở nhà sao ta?

    Đã bảo không nghe radio, không coi tin tức nữa vì nhức đầu, để tới đâu thì tới. Nhưng những lần lái xe, bật radio nghe nhạc. Nhảy từ đài này qua đài nọ thì thấy đài nào cũng nói về ... vaccine.

    Nào là cơ quan y tế CDC đang họp khẩn để kiếm phương pháp phân phối vaccine trên toàn quốc.

    Nào là vaccine của hãng Pfizer thử trên con người, đã công hiệu lên tới 95%. Chỉ đang chờ được cơ quan y tế chấp thuận.

    Tuy biết bao lần hy vọng rồi thất vọng. Đã bảo lòng rằng không hy vọng nữa, để bao giờ thật sự có rồi hẵng mừng.
    Nhưng khi nghe được những tin như thế này thì lòng lại rộn ràng, phấn khởi, niềm hy vọng lên vùn vụt vươn lên.

    Sau đó khi nghe xong xuôi rồi thì lại tự đè niềm hy vọng xuống để cho khỏi thất vọng thêm nữa...

    Dịch bệnh đã gần một năm rồi, để giữ cho bản thân có chút niềm vui trong những tháng ngày ảm đạm, mình đã nẩy ra thói quen hăng say tập gym hàng ngày.

    Thứ nhất để giữ sức khoẻ tốt.

    Thứ nhì để đầu óc có thứ để mà vươn tới, để lúc nào cũng giữ được sự lạc quan.

    Thứ ba, để giữ cho thân thể không bị cứ ăn rồi ngồi xem phim mà bị bèo nhèo, lủng bủng.

    Lần này nghe tin đóng cửa này có hơi nản chí vì gym chắc chắn sẽ đóng cửa như 2 lần trước. Vì tiểu bang chỉ cho "tập ở bên ngoài" thì "bên trong" chắc chắn phải đóng rồi!

    Ai ngờ đâu gym của mình đã chịu chơi, dời hết tất cả máy móc dụng cụ thể thao ra ngoài bãi đậu xe. Dĩ nhiên là bên trên có mái che, nhưng chung quanh chỉ là hàng rào bao bọc, bởi thế chuyện nóng-lạnh khi tập sẽ tuỳ thuộc vào thời tiết mùa đông của Cali.

    Ngó sơ qua cũng thấy họ đã tốn rất nhiều tiền cho việc dời nguyên cái gym ra ngoài trời như thế này:

    - Căn lều mái che thật lớn, lớn như những giáo xứ khi tổ chức hội chợ hay dựng lên.

    - Rồi nệm trải xuống mặt đường này.

    - Rồi loa cùng đèn chạy bên trên để cho người tập có được những sự thoải mái tối thiểu này.

    - Nguyên cái màn dời những máy móc nặng nề từ trong ra ngoài cũng thấy rất công phu.

    - Vòng quanh cái hồ bơi ở ngoài trời cũng được dựng lều & đặt máy vòng quanh...

    Tập ngoài trời cảm giác lạ lắm, có thấy an toàn hơn chút thật. Buổi trưa trời ấm còn thấy ok chứ buổi tối lúc thời tiết lạnh lên thì chắc chắn phải mặc áo lạnh quần dài vào mà tập chứ không thôi bệnh chết. Bởi thế trong xe lúc nào cũng thủ sẵn bộ đồ ấm phòng hờ.

    Vòng quanh bãi đậu xe này là những căn apartment. Làm như cư dân trong những dẫy apartment ấy họ rủ nhau đồng loạt mà lôi cây giáng sinh ra & dựng lên hay sao đó.

    Bên này đang tập ngó ra bên ngoài, xa xa ánh đèn của những cây Giáng Sinh chớp chớp, tự dưng cái cảm giác không biết tả sao để lột tả hết được: nó âm ấm, là lạ, hay hay. Nó giống như không gian chỗ tập là một loại trại tập trung, bên ngoài hàng rào có những ánh đèn lấp lánh là sự tự do, là niềm hy vọng, là sự sống còn.

    Chắc chắn cảm giác này chỉ có được trong mùa Giáng Sinh đại dịch năm nay mà thôi!

    3 hôm trước, miền Nam California lại bị một đêm gió thật mạnh, lá cây lại rụng đầy.

    Lều dựng cho khách ngồi ở trước nhà hàng của người bạn bị gió thổi bay mất phải mua gấp & dựng lên cái mới.

    Nghĩ cái lều của gym to như thế thì khả năng gió thổi nó sẽ như cánh buồm căng lên rồi sẽ bật tung đi, làm sao có thể chịu nổi!

    Ấy thế mà khi chạy tới, cái lều vẫn sừng sững y nguyên tại vị.


    Mừng thế!

    Chỉ có cái phía bên trong lều, chỗ tập, vì bị hàng rào chắn chung quanh, lá khô bay vào không thể bay ra được đọng dưới đất lên tới mắt cá chân. Nhân viên không thu dọn hút lá đi kịp.

    Đi vào tập thể thao mà có cảm tưởng như mình đang tập trong một không gian thơ mộng của một công viên mùa thu lá phủ vàng, bước trên lá khô kêu rào rạo.

    Tuyệt vời lắm.

    Chỉ thiếu mấy con nai & thác nước nho nhỏ là thành cảnh trong bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư rồi:

    "Em không nghe rừng thu

    Lá thu kêu xào xạc

    Con nai vàng ngơ ngác

    Đạp trên lá vàng khô..."

    Sống trong thời dịch này thì ngày nào cũng phải kiếm niềm vui, phải biết biến những điều không may thành chuyện... bình thường để mà vui sống, để giữ đầu óc ổn định.

    Bởi thế sẵn với đầu óc hay tưởng tượng, giờ thì sự tưởng tượng ấy được xử dụng cho tẹt ga tối đa, hết công xuất luôn.
    Kệ cho vui mà...

    Phần lớn những gym tập thể thao của bạn bè đều đã bị đóng cửa cả rồi. Trừ cái Gold's gym của mình do có bãi đậu xe rộng nên dời được ra bên ngoài nên còn được hoạt động.

    Tuy thế, gần nhà mẹ mình có một cái gym tên Choze lớn lắm. Hồi trưa chạy qua thấy xe vẫn đậu nghẹt.

    Tò mò ngó vào thì vẫn thấy gym hoạt động bình thường ở bên trong một cách ...tỉnh rụi như không hề có lệnh đóng cửa.

    Vậy thì gym nào được mở, gym nào phải đóng & dựa trên cái gì mà "phải đóng" hay "được phép mở"???
    Lại thêm một điều không hiểu nổi!!!

    Thôi, thây kệ không để ý nữa...

    Don Hồ
    Thứ hai 30 tháng 11, 2020
    TB: Tập gym ở ngoài trời được tiểu bang California cho phép.

    Dĩ nhiên là ai cũng phải đeo khẩu trang.

    Khi vào gym, sẽ có một nơi để những bình xịt nước sát khuẩn & những cái khăn. Người vào tập sẽ lấy một cái bình cùng khăn & trước cùng sau khi tập ở cái máy nào, họ sẽ phải tự sát trùng cái máy đó.

    Ngoài ra những máy móc được sắp xếp cách nhau 6 feet (2m), và quay mặt trái chiều nhau để người tập sẽ không phải châu đầu vào nhau. Ai cũng có một khoảng cách riêng.

    Gym, nhà hàng hoặc tất cả những business nào mà dọn ra hè, ra bãi đậu xe, đều phải vẽ lên một cái "plan" & đem cái "plan" này lên trình & xin phép thành phố.

    Thành phố thấy ok- an toàn, chấp thuận thì họ mới được làm tới.

    Còn không sẽ phải sửa lại tới lui cho tới khi nào thành phố chấp thuận.

    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=225 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60145
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: 2 Đôi đũa

    by music123 » Thứ 3 Tháng 12 01, 2020 7:41 pm

    2 ĐÔI ĐŨA


    Đã một lần mình đã biên bài về cách thức ăn này của dân Hồng Kông. Với thực trạng dịch bệnh hiện tại, càng thấy người Hồng Kông quá hay. Họ đã ngó xa hơn, đã thay đổi cách ăn uống của họ để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm qua nước miếng, để bảo vệ nhau.

    Năm 2015, lần đầu tiên đi nhà hàng bên Hồng Kong, mỗi người khách ăn được đặt những ... 2 đôi đũa trước mặt.
    Thấy lạ, ngoắc người tiếp viên lại hỏi và được trả lời:

    - "Đôi trắng dùng để ăn. Đôi màu còn lại để gắp đồ ăn!"

    Sau đó anh ta lại bồi thêm:

    - "Hong Kong là một hòn đảo nhỏ đông dân, chúng tôi ngăn ngừa trước. Phòng hờ có dịch xẩy ra thì còn tránh kịp."

    Mà đúng, dân Á Châu phần lớn trước giờ phần lớn có thói quen trong bữa ăn thường dùng cùng đôi đũa của mình để gắp lung tung cho nhau và cuối cùng cũng sẽ dùng chính nó để và cơm vào miệng. Sẽ chẳng có vấn đề gì cho đến khi một người trong bàn bị cảm cúm, hoặc sợ hơn, đang mang mầm bệnh Covid 19 thời đại trong người mà không hay, là chắc chắn cả bàn ăn không những chỉ san sẻ đồ ăn với nhau mà còn được san sẻ luôn cả mầm bịnh lẫn con bịnh!

    Nhiều gia đình người Việt ăn cơm trong gia đình nhúng cả đầu đũa đang ăn vào tô canh để gắp rau, gắp thịt...

    Người Đại hàn trên phim ảnh, thấy có thói quen ăn chung tô mì. Chọc luôn cái muỗng mình đã ngậm trong miệng vào tô mì của người bạn chung bàn mà ngoáy, mà múc, rồi bỏ vào miệng húp xùn xụt...

    Chắc chắn đây sẽ là những cách lây bệnh cho nhau nhanh chóng và chính xác nhất.

    Và tự trước đến ngay, đặc biệt là trong mùa cảm cúm, khi đi ăn mà phải ăn chung món, mình thường xin thêm một hai đôi đũa. Đặt ngay ở giữa bàn và nói nửa đùa nửa thật đại khái như là:

    - "Ê các bạn nè, đôi này để tụi mình dùng để gắp đồ ăn nha. Lát nữa lỡ ăn không hết còn tha hồ xin hộp bỏ mang về mai ăn mà không sợ bị thiu..."

    Phòng bịnh hơn chữa bịnh mà, lỡ dại ngày xui tháng hạn xúi quẩy lây cảm, lây cúm rồi mất giọng sao đi làm, sao hát chứ?!

    Những người có ý tứ sẽ để ý làm theo.

    Những người vô ý hơn, có thể sẽ cố gắng làm theo trong 1,2 lần gắp đầu, rồi trở lại ngay thói quen cố hữu, quán tính tự thuở nhỏ tới giờ ...

    Cũng có người vừa ăn vừa nói lẫy: "Ối chao, sao mà ăn uống mà ... kiểu cách, mà khó khăn thế nhỉ?".

    Nghe tuy cũng hơi nhột, cũng hơi áy náy chút, nhưng thôi thà mang tiếng "khó" còn hơn về nhà một vài tuần sau đó cả đám lại có cơ hội gặp lại nhau trong ... cùng bệnh viện.

    Thực sự trước giờ những khi đi ăn tiệc, khi bưng ra mỗi dĩa đồ ăn đều được để sẵn một cái muỗng. Nhưng để ý xem bao nhiêu người xài cái muỗng ấy để múc đồ ăn? Bao nhiêu người sẽ lấy đũa của mình mà gắp luôn cho tiện mà chẳng cần để ý đến những người còn lại trong bàn?

    Đi ăn lẩu mới còn ... hãi hùng hơn, đôi đũa ăn được xài để khoắng luôn vào nồi nước dùng để kiếm con tôm, con mực mà khi nãy mới bỏ vào. Sau đó lại còn hà hà cười mà bảo: "Nước sôi đã giúp khử hết vi trùng..."

    Cách thức xài 2 đôi đũa khác màu nhau trong bữa ăn với mình là một trong những cách thức hay.

    Trong thời dịch bệnh cả thế giới đã phải ít nhiều thay đổi cách sống & lối sống của mình để sống còn. Chắc chắn mỗi gia đình chúng ta trong bữa ăn chung đều có cách này hay cách khác để giữ gìn cho nhau.

    Cách gì cũng được, miễn là tất cả chúng ta được an toàn cho chính bản thân, cho nhau & cho cả cộng đồng chung quanh mình...

    Don Hồ
    Chủ nhật 29 tháng 11, 2020
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=224 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60145
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Truyện ma có thật: tiếng khều

    by music123 » Thứ 4 Tháng 12 02, 2020 11:54 am

    TRUYỆN MA: TIẾNG KHỀU

    (Đây là một câu chuyện có thật.

    Cách đây khoảng 5, 7 năm mình đã có thuật lại nhưng chỉ nửa chừng rồi vì lý do gì đó đã ngưng ngang. Giờ định hoàn tất thì bài cũ lại kiếm chẳng còn ra, thôi thì biên lại từ đầu vậy!

    Vì đã xảy ra khá lâu rồi nên nhưng chi tiết nhỏ nhặt như ngày- tháng-địa điểm không còn nhớ rõ lắm...

    Ai vì công việc mà hay ở khách sạn một mình thì không nên đọc vì sẽ có cơ hội bị ám ảnh.

    Ai có máu sợ ma cũng chẳng nên đọc.

    Cứ tò mò đọc tới xong lỡ có sợ thì mình hoàn toàn không chịu trách nhiệm.

    Và tấm hình là chỉ để ... cho có hình thôi chứ cũng chẳng hề dính dáng đến câu chuyện...)


    Là một người ở khách sạn nhiều, từ khách sạn sang đế loại motel dỏm nhất, từ Mỹ sang Âu sang Á sang Úc, sang luôn tới những hòn đảo nhỏ chơi vơi giữa Thái Bình Dương, mình nghiệm ra được một điều là: những căn phòng ở trong những khách sạn đều có những "lịch sử" riêng của nó.

    Có những phòng yên bình chẳng hề bao giờ có chuyện gì xảy ra.

    Ngược lại, cũng lại có những phòng cứ có những cái gì đó lặt vặt hay xảy ra để khách ở khi rời đi họ phải than phiền. Hay nói một cách khác rõ ràng hơn là: Phòng có ... ma!

    Rất tin vào trực giác của bản thân khi lần đầu tiên mở cửa kéo valise vào phòng.

    Nếu tự dưng thấy toàn thân gai gai, rùng mình, cảm giác gì đó ớn lạnh không được thoải mái. Hoặc căn phòng trông cứ âm âm u u, gờm gờm như muốn đẩy mình ngược trở ra, là tin ngay. Kéo ngay valise trở ngược xuống quầy tiếp tân để xin đổi ngay lấy phòng khác.

    Rồi khi đã vào trong phòng rồi, ngay cả khi linh tính không báo động gì cả, mình cũng thường hay khấn trong đầu:
    - "Tôi chỉ là một người khách tới trú ở đây vài đêm. Xin cho tôi được ở yên lành, đừng cho tôi thấy gì cả. Tôi nhát lắm, lỡ thấy là tôi chết sẽ bị thêm tội đó..."

    Bởi vì xưa nay người ta có nói hồn người chết nếu làm ai chết thêm sẽ tăng thêm nghiệp chướng, tội sẽ năng hơn.

    Bởi thế "có kiêng có lành", cứ cầu thế để lỡ ... phòng có bị gì đó thì hy vọng mình còn được bình an mà ra khỏi.
    Và một điều quan trọng nữa:

    Tuy bạn có thể không tin trên cuộc đời này có ma cỏ, tuyệt đối đừng nên thách thức "người khuất mặt". Vì đâu ai chắc chắn ngoài không gian mình đang ở, không có hiện hữu song song một thế giới siêu nhiên nào khác?

    Và dưới đây là một trường hợp mình đã trải nghiệm qua & đang thuật lại...

    Giữa thập niên 90, những chương trình của Paris By Night thường xuyên hay quay hình tại một phim trường lớn của đài truyền hình CBC bên thành phố Toronto của xứ Canada.

    Mỗi lần như thế là phải kiếm khách sạn nào còn nhiều phòng trống để cả đoàn quay mấy chục tới cả trăm người ở cùng để tiện việc đưa đón.

    Phim trường ở ngay downtown, ngay phố chính của Toronto, nên khách sạn cũng mướn vòng vòng khu đó. Nhiều lần được ở những khách sạn rất sang, rất đẹp.

    Nhưng có một khách sạn hay ở thường xuyên nhất (không còn nhớ nổi tên).

    Khách sạn này là nguyên một building chắc trên dưới 10 tầng. Phòng phiếc đẹp đẽ sạch sẽ. Duy chỉ có cái hallway, con đường dẫn vào các phòng ở các tầng trông nó cứ ... âm u thế nào ấy ...

    Lần quay đó vào mùa thu, trời Toronto đã lạnh lắm rồi.

    Vì thói quen có người ở chung là không ngủ được nên lúc nào mình cũng ở riêng một phòng. Lần ấy, phòng trên lầu 6.
    Căn phòng không lớn không nhỏ, 1 giường ngủ nối tiếp là cái phòng tắm bên hông .

    Ngó bình thường, giống như bao căn phòng khác. Trang trí màn hoa, khăn trải giường cũng hoa nên bước vào có ngay cái cảm giác ấm cúng, chào mời, không bị âm u như cái đường đi bên ngoài.

    Thời ấy mình chưa biết đến chuyện vào phòng là nên khấn xin trước nên tỉnh bơ bơ như bao lần bơ bơ trước đó.

    Thông thường những tiết mục có nhảy nhót trong trường trình Paris By Night thời đó, ca sĩ cùng vũ công phải qua trước 4 ngày.

    - Ngày đầu bay tới, vào khách sạn nghỉ ngơi ăn uống.

    - Ngày thứ nhì tập lại với dancers trên sân khấu.

    - Ngày thứ ba là ngày mặc đồ diễn quay như quay thật sự trên sân khấu. Được gọi là "Security Taping".

    Quay trước phòng hờ lỡ ngày quay chính có bị trục trặc gì đó thì còn có những lần quay này bù vào. Vì mục đích chính là quay video mà.

    - Ngày thứ tư là ngày quay chính có khán giả.

    - Ngày thứ năm bye bye bay về.

    Đêm đầu tiên lo đi ngủ sớm vì sáng mai có lịch phải vào phim trường sớm để dợt.

    Máy sưởi mở nhẹ đủ ấm. Trùm mền coi chút TV xong với tay tắt ngọn đèn để ngủ.

    Không khí im lặng. Lâu lâu có tiếng léo nhéo của ai đó đang đi ngang qua trước cửa phòng...

    Cái giường của khách sạn này không có cái miếng gỗ đầu giường nên đầu giường sát vào ngay vách tường.

    Đang lim dim sửa soạn "thăng" vào giấc ngủ thì giật mình vì ngay trên đỉnh đầu mình, có một tiếng gì như một tiếng khều "xoạt" một cái rất nhẹ, nhẹ lắm...

    Vì không gian quá im lặng nên tiếng "khều" ấy tuy nhẹ nhưng rõ mồn một.

    Mở vội mắt ra rồi chăm chú lắng nghe thì chẳng còn thấy gì nữa cả..

    Mươi phút sau vừa lại lim dim sắp sửa thì lại một tiếng khều thật khẽ ngay trên đỉnh đầu... Lần này thì ngồi bật dậy, mở đèn. Kéo luôn cái giường ra để coi toàn bộ bức tường, coi có cơ hội có thể có ... con côn trùng gì đó đang bò lổn nhổn trên tường mà tạo ra cái âm thanh đó không? Ngó luôn cả dưới gậm giường.

    Chẳng thấy gì cả...

    Và cứ thế mà thêm 2, 3 lần nữa y chang cho đến khi quá mệt mỏi mà thiếp đi luôn.

    Buổi sáng hôm sau, trước khi đi qua phim trường ghé quầy tiếp tân mà hỏi:

    - "Hồi tối làm như trong tường phòng tui có con gì hay cái gì đó nó cứ gây ra những tiếng động. Có thể lên coi dùm tui được không?"

    - "Thưa được chứ. Chúng tôi xin lỗi quí khách. Tôi biên xuống cái note, một lát cô dọn phòng sẽ coi lại ạ."

    Tối đó về lại phòng, quên mất cái chuyện đêm qua. Căn phòng khi đi để sưởi nên mở cửa bước vào phòng thấy ấm áp đã làm sao.

    Lại phải đi ngủ sớm để mai quay mặt cho tươi tỉnh.

    Lại coi chút tin tức trên TV rồi lại tắt đèn để ngủ.

    Hơi mệt vì nguyên cả ngày lo chạy việc nên mới nhắm mắt là bắt đầu ngủ ngay. Và đúng ngay lúc ấy lại "xoẹt" một tiếng khều nhẹ tênh, giống như móng tay của ai đó cạ nhẹ kéo một đường trên tường.

    Lần này nổi khùng nhỏm dậy ngay, kéo hẳn cái giường ra (giường có bánh xe), lật luôn cả tấm trải, cả cái nệm lên mà săm soi.

    Và dĩ nhiên cũng chẳng có gì...

    Nằm xoay người lại để bàn chân giờ sát tường thay vì cái đầu. Khi bắt đầu lim dim vẫn nghe một tiếng khều nhẹ nơi bàn chân.

    Mở TV lên cho có tiếng động thì tai vẫn lắng nghe xem có còn tiếng khều ấy nữa không, lại càng không ngủ được.
    Mãi cho tới 4, 5 giờ sáng lại mệt quá mà thiếp đi.

    Buổi sáng hôm sau lại ghé quầy tiếp tân, vẫn lại cái cô bé hôm qua làm việc.

    - "Hôm qua cô dọn phòng có nhớ mà coi dùm tôi cái phòng không em?"

    - "Thưa có ạ. Chúng tôi chẳng thấy gì cả thưa ông. Nếu ông muốn tôi có thể sắp xếp cho ông qua một phòng khác ngay lúc này ạ"

    Giờ đang qua rạp để sửa soạn quay rồi, vả lại đồ đạc đã xả ra đầy phòng, đổi phòng sẽ phải lên xếp đồ bỏ trở lại valise rồi qua phòng mới lại phải bầy ngược ra trở lại.

    Ngại quá, chỉ còn một ngày mai nữa thôi, ráng cho xong.

    Nhưng trong lòng bắt đầu có chút hoài nghi...

    - "Những khách ở phòng đó trước đây có ai than phiền chi giống tôi không em?"

    - "Thưa không ạ..."

    Thế rồi tối hôm ấy lại trở về căn phòng đó, lại cứ sắp ngủ thì lại khều nhè nhẹ, rất nhẹ! Nhẹ đến nỗi chỉ làm khó chịu cùng thắc mắc thôi, không đủ để sợ.

    Đêm thứ ba rồi giấc ngủ cũng nặng nề tới lúc bình minh như 2 đêm trước.

    Ngủ không đủ toàn thân rã rời, 2 con mắt lúc nào cũng cứ như sắp sửa bị kéo xụp xuống!

    Bữa quay cũng xong. Show Paris By Night mà, lúc nào cũng rầm rộ, khách hứng khởi thấy mà sướng.

    Ở ngay downtown, gần phố Tàu nên khi nào quay xong cả đám cũng rủ nhau đi ăn đêm ở phố Tàu vì đồ ăn Trung Hoa ở đây tuyệt ngon, nhất là món ốc xào dừa cùng cơm chiên cá mặn.

    3h đêm trở về lại phòng. 5h sáng mọi người sẽ phải tụ họp bên dưới để xe đưa ra phi trường.

    Tắm rửa, xếp valise xong thì đúng 4 giờ sáng. Còn đúng 1 tiếng nữa thì lên xe rời khỏi đây rồi.

    Xong xuôi cả rồi.

    2 cái valise lớn đã để sẵn đó, tới giờ chỉ kéo ra thang máy đi xuống thôi.

    Đồ đạc cũng đã mặc sẵn.

    Phòng đèn đuốc sáng choang, bao nhiêu cái đèn bật lên hết kể cả đèn trong nhà tắm. Sưởi thổi phù phù nóng như mùa hè.

    Leo lên giường ngồi, lưng dựa tường 2 tay khoanh đàng trước, cười đểu nửa miệng, nghĩ trong đầu:

    - "Rồi, giờ tui xong hết rồi đó. Muốn làm gì thì làm tui coi!"

    Ngay lập tức, cái thùng rác nhỏ bọc bao ny lông ở trong phòng tắm làm như có ai lấy tay khuấy mạnh cái bao ny lông mỏng kêu "xoạch xoạch xoạnch" giận dữ. Cái thùng rác nhựa bị đẩy vào đụng tường kêu "oành oành oành".

    Hồn vía lên mây, gai ốc nổi cùng mình, mặt tái mét mà nhảy vọt xuống khỏi giường nắm 2 cái valise mà ù tuôn chạy ra khỏi phòng, chân nọ xọ chân kia, chéo nhau vấp té mấy lần trầy trụa cả đầu gối...

    Cho mãi tới bây giờ vẫn không sao giải thích được tại sao cái bao rác lại có thể bỗng dưng lay động mà tự kêu xoành xoạch như thế?

    Cứ cho như là có luồng gió của máy sưởi thổi vào đi, nhưng sao lại có thể trùng hợp đến thế, ngay lúc mình mới nghĩ trong đầu xong. Mà trước đó sao gió không thổi và cả mấy ngày trước cũng chả thấy thổi?

    Và cái thùng rác tự dưng di động như có ai đá đập rầm rầm vào tường thì ngọn gió sưởi nào mà có thể vũ bão cỡ nấy để làm ra như thế???

    Và cho tới hiện nay cứ nghĩ tới cái lúc đó là vẫn rùng mình.

    Và rút ra được một bài học:

    Không tin thì cứ việc ... không tin. Nhưng đừng bao giờ thách thức!

    Don Hồ
    Thứ ba 1 tháng 12, 2020
    (Hình được chụp bởi Thuỷ Hồ. Cám ơn chị Thuỷ nhiều)
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=226 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60145
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: DẤM XỦ

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 03, 2020 12:03 pm

    DẤM XỦ


    Từ hồi nào tới giờ vốn thích món hoành thánh mì. Đói bụng sẵn tiện trên đường, tạt ngang ghé tiệm mì của người Hoa gốc Chợ Lớn.

    Buổi trưa 3 giờ, tiệm mì vắng teo.

    Tô hoành thánh bốc khói được cô tiếp viên tuổi nhỡ nhỡ bưng ra. Vừa đặt xuống bàn là cô định quầy quả quay trở vào trong.

    Vội nói với theo:

    - "Chị ơi, chị làm ơn cho xin miếng dấm xủ & ít ớt chua nha chị..."

    - "Hả? Cần dzì?"

    - "Dấm đó chị. Dấm xủ để cho vào mì đó và ớt ngâm dấm..."

    Cô tiếp viên bỗng thay đổi nét mặt, quạu hẳn, nguýt cho một cái rồi hầm hầm bỏ đi một mách.

    Ngỡ cô ta đi lấy, ngồi đợi mãi chẳng thấy dấm cũng chẳng thấy ớt, mà bóng cô tiếp viên cũng bặt tăm! Ngoái vào trong bếp, ơi ới ngoắc mãi mới có một ông có lẽ đầu bếp mặt bóng loáng đầy mồ hôi dầu bước tới.

    - "Nị cần dzì?"

    - "Anh ơi, hồi nãy có xin chị kia miếng dấm & ớt chua mà chắc chị ấy quên. Anh làm ơn nhắc dùm chị ấy!"


    - "Nó dzận dồi. Nó hổng ra nữa đâu?"

    - "Ủa???"

    - "Cần dzấm phải hông?"

    - "Dạ đúng rồi, dấm xủ để cho vào mì & xin chút ớt chua nữa nha anh."


    - "Nói "dzấm xủ" thành ra nó giận đó!"
    - "Hả? Sao lại giận? Dấm xủ thì kêu dấm xủ, chứ không thì kêu là dấm gì?"

    Anh đầu bếp cũng dấm dẳng chẳng kém chị khi nãy, mặt vẫn lạnh như tiền:


    - "Dzấm đỏỏỏ. Zdậy nị hổng biết "dzấm xủ" là gì a? Nói ngược lại đi!"

    - "Nói ngược gì cơ??? "Dấm xủ", "Xú dẩm" "Xú dẩm"? "Dấm xủ", "dú xẩm" "dú xẩm"... Ơ..."

    Chết mồ chưa?


    Chết thật!

    Trầm giọng xuống, hỏi nhỏ:

    - "Ủa, thế tên nó không phải là "dấm xủ" sao? Từ nhỏ tới giờ mấy đứa bạn vẫn kêu như thế cơ mà..."

    - "Hỏng phải! Thôi để tui mang dza cho!"

    Rồi anh ta vào lấy cho chén dấm, vẫn quên ớt chua mà vờ luôn, không dám hỏi thêm!

    Vừa húp miếng hoành thánh, vừa lấm lét liếc vào trong nhưng tuyệt nhiên chẳng hề còn thấy bóng dáng chị tiếp viên, chẳng biết chị ta né đi đâu mất rồi.

    Để tiền tô mì và chút tips lại trên bàn cùng lời xin lỗi "đã không biết" biên trên miếng napkin (khăn giấy) xong rồi chuồn lẹ ra xe.

    Nguyên đoạn đường mấy chục phút lái xe về nhà cứ nghĩ mãi:

    Thuở nhỏ đi học trường trong Chợ Lớn, thỉnh thoảng kéo nhau đi ăn mấy vắt mì mấy đứa bạn cứ xin "dấm xủ", chẳng biết chúng cũng không biết, hay ... nham nhở giỡn?! Con nít mà, đâu để ý gì lại dễ tin và cứ thế mà tưởng tên của loại dấm đó như thế cho mãi đến tận bây giờ mới bị tổ trác!

    Vừa cáu mà cũng vừa lại buồn cười.

    Thôi thà bị một lần như thế để biết chứ không thôi cứ mãi suốt đời ... ngu ngơ khù khờ!

    Nghĩ xong tự phá lên cười há há.

    Liếc qua bên hông thấy con bé lái xe bên cạnh đang quay qua chằm chằm nhìn, cặp mắt trợn tròn vo như hai hòn bi ve...
    Kệ xác, cười tiếp...

    Don Hồ
    Thứ tư 2 tháng 12, 2020
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=226 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 344 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 38 khách