Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người già HQ chật vật kiếm sống
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49981
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Người già HQ chật vật kiếm sống

    by music123 » Thứ 6 Tháng 2 26, 2021 7:24 am

    Người già Hàn Quốc chật vật kiếm sống

    2/26/21

    Với công việc lượm giấy thải và rác tái chế trên đường phố để bán, cụ Kim (81 tuổi) kiếm được 10.000 won mỗi ngày. Tuy đó là khoản tiền quá ít để sống tại Thủ đô Seoul, một trong những thành phố đắt đỏ nhất châu Á, nhưng đối với khoảng 3 triệu người cao tuổi đang sống trong cảnh đói nghèo như bà ở Hàn Quốc, thì đây là cách họ mưu sinh trong quãng đời còn lại - theo phóng sự mới đây của Channel News Asia.

    Theo khảo sát hồi năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần một nửa dân số cao tuổi của Hàn Quốc (những người trên 65 tuổi) đang sống trong cảnh nghèo khó. Trong số này, 1/4 sống một mình và nhiều người phải chịu đựng sự cô độc và trầm cảm. Một báo cáo hồi năm 2015 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy 58,5% người cao tuổi tự trả chi phí sinh hoạt bản thân, trong khi 30% vẫn còn làm việc để kiếm sống.

    Hình ảnh

    Nhiều người cao tuổi Hàn Quốc chọn lượm rác để mưu sinh. Ảnh: Channel News Asia

    Người cao tuổi Hàn Quốc hiện chiếm 13% dân số và được dự báo sẽ tăng lên 40% vào năm 2060. Thế nên những người chỉ trích nói rằng nếu vấn đề nghèo khổ của người cao tuổi tiếp tục bị phớt lờ, nó có thể tạo ra những hậu quả thảm khốc lên nền kinh tế và hệ thống phúc lợi quốc gia.

    Một thế hệ hy sinh

    Lâu nay, sự trở lại mạnh mẽ của Hàn Quốc sau những giai đoạn khủng hoảng (thời kỳ Nhật chiếm đóng, Chiến tranh Triều Tiên và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997) được ví là phép mầu kinh tế. Nhưng theo Giáo sư Lee Ho-Sun ở Đại học Soongsil Cyber, sự thịnh vượng hiện nay của Hàn Quốc là "thành quả của những người dân chăm chỉ lao động" –cũng chính là thế hệ người cao tuổi hiện tại.

    Đáng buồn là những người thuộc thế hệ hy sinh này vẫn không ngừng làm việc, khi mà rất dễ bắt gặp hình ảnh các cụ ông làm bảo vệ, cụ bà làm lao công hay lượm rác xung quanh các tòa nhà ở Seoul. Đó dường như là số phận của "một thế hệ bị lãng quên"- những người sớm sinh ra trong một kỷ nguyên khó khăn, nhưng lại quá muộn màng để nhận được những lợi ích kinh tế sau đó. "Tất cả mồ hôi và máu của họ đã đổ xuống để làm nên đất nước này, nhưng họ đang sống trong cảnh khốn khổ khi đã cao tuổi" - Giáo sư Lee bức xúc.

    Không dựa dẫm vào con cái

    Một trong những lý giải cho xu hướng này xuất phát từ việc người cao tuổi sinh trưởng trong giai đoạn thiếu thốn, nên nhiều người nghĩ rằng đã không thành công trong việc nuôi dưỡng con cái, do đó họ cảm thấy không xứng đáng để nhận giúp đỡ từ "núm ruột" của mình. "Làm sao tôi có thể yêu cầu chúng giúp đỡ khi vợ chồng tôi đã không thể lo chu toàn cho chúng khi chúng còn nhỏ?"- cụ Yim, một "đồng nghiệp" 86 tuổi của bà Kim, giải thích về hoàn cảnh của mình.

    Tuy Hàn Quốc hồi năm 2008 đã triển khai chương trình bảo hiểm y tế dài hạn dành cho đối tượng người nghèo cao tuổi, song các cá nhân buộc phải nộp đơn đăng ký và tầm soát sức khỏe trước khi được đưa vào hệ thống. Đối với những người chạy ăn hằng ngày như bà Kim hay bà Yim thì họ cần được giúp đỡ để làm những thủ tục phức tạp như thế, hoặc thậm chí họ có thể cũng không hay biết gì về những chương trình như thế.

    Trong khi đó, ông Yang Seung-Jo, người đứng đầu Ủy ban Y tế và Phúc lợi của Quốc hội Hàn Quốc, cho biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có thể yêu cầu các gia đình giải quyết vấn đề người cao tuổi trong gia đình họ. Nhưng bây giờ, những người trong độ tuổi 30 và 40 thậm chí còn không thể chu cấp cho bản thân bằng thu nhập của họ".

    NGUYỆT CÁT
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 137 khách