Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
KIM CƯƠNG tưởng nhớ nghệ sĩ Bảy Nam
  • Hình đại diện của thành viên
    MovieNews
    Bài viết: 1349
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 10:15 am
    Đến từ: Las Vegas, Nevada

    KIM CƯƠNG tưởng nhớ nghệ sĩ Bảy Nam

    by MovieNews » Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 2:16 pm

    Kim Cương tưởng nhớ nghệ sĩ Bảy Nam



    Khi mẹ - nghệ sĩ Bảy Nam - mất, Kim Cương tìm thấy nhiều biên lai làm từ thiện, trong đó đều ký tên các nhân vật bà từng đóng.

    Dự triển lãm 100 bức ảnh chân dung nghệ sĩ Bảy Nam, khai mạc sáng 15/10 tại TP HCM, Kim Cương dừng khá lâu trước tấm hình chụp mẹ ngồi bên bàn trang điểm, chuẩn bị cho nhân vật bà Tư trong vở diễn kinh điển Lá sầu riêng. Khi ấy, ở tuổi 94, bà Bảy Nam vẫn cặm cụi tự hóa trang để vào vai.

    Hình ảnh
    Nghệ sĩ Kim Cương bên mẹ - cố nghệ sĩ Bảy Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ký ức về mẹ vẫn vẹn nguyên với Kim Cương dù nghệ sĩ Bảy Nam qua đời đã 16 năm. Bà cho biết gia đình bốn đời theo sân khấu, nghề diễn chỉ đủ ăn, đủ mặc. Dù vậy, chưa bao giờ mẹ bà quan tâm nhẫn hột xoàn, vòng cẩm thạch, chỉ yêu cầu con gái sáng tác cho bà kịch bản thật hay, vai diễn thật tâm đắc. Có lần, nửa đêm, bà đánh thức Kim Cương dậy, nói: "Má thèm đóng một vai 'điên', vừa nghĩ ra nhân vật hay lắm, con phải viết vở như vầy cho má". Thấy mẹ ở tuổi xế chiều vẫn chưa nguôi "lửa" nghề, bà rơi nước mắt. Nửa tháng sau, Kim Cương sáng tác nên vở kịch Về nguồn, nhân vật chính là một người mẹ tâm thần. "Đó là một người điên không giống ai. Ngày đó, đóng vai điên là phải đầu bù tóc rối, la hét bậy bạ, nhưng má lại diễn rất tỉnh, từng cử chỉ toát lên sự tinh tế", Kim Cương nói.

    Đóng vai người mẹ trong vở Bông hồng cài áo, bà Bảy Nam nhờ ủi những vết hằn lên tà áo. Trong cảnh nhân vật lấy áo dài cũ ra mặc, khán giả nhìn những nếp nhăn trên áo có thể nhận ra người mẹ mấy chục năm qua không có dịp mặc trang phục trang phục này. Bà còn đi đến từng khu chợ, đổi guốc mới lấy những đôi mòn rách. Người không hiểu thì cười, bảo bà gàn dở. Song, đó là cách bà đầu tư cho tạo hình nhân vật. Những cảnh bà cởi đôi guốc cũ, vỗ nhẹ cho bớt bụi rồi cất, trông tự nhiên như cử chỉ đời thường, khiến khán giả xúc động bởi bóng dáng người mẹ miền Nam tảo tần, chất phác.

    Sinh thời, nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết làm thiện nguyện. Trên các biên lai gửi tiền từ thiện, bà đều ký tên các nhân vật từng đóng như bà Hai, bà Tư... Kim Cương nói: "Đến cuối đời, má vẫn giấu tên vì không muốn làm thiện nguyện vì cái danh".

    Dự triển lãm, nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Thành Lộc, Hữu Châu... ôn kỷ niệm về bà Bảy Nam. Thành Lộc nhớ thời anh còn nhỏ, đến mỗi bữa cơm, cha anh - cố nghệ sĩ Thành Tôn - nhắc tới bà như tấm gương thành danh nhờ tài năng. Thời mới vào nghề, nghệ sĩ Phùng Há nổi tiếng thanh sắc vẹn toàn, còn bà Bảy Nam sắc vóc chỉ ở mức trung bình. Một lần, cả hai cùng đóng vai Đào Tam Xuân trong vở Đào Tam Xuân báo phu cừu. Phùng Há được chọn đóng lớp đầu - có nhiều đất diễn, múa bộ, còn Bảy Nam đảm nhận lớp sau - chỉ ra đứng hát. Ưu thế thuộc về nghệ sĩ Phùng Há vì có không gian tỏa sáng hơn, nhưng sau khi hạ màn, sự chú ý của báo giới dường như chỉ dồn về Bảy Nam bởi sự hóa thân xuất thần của bà. Từ đó, nhắc đến Đào Tam Xuân, không ai qua được Bảy Nam. Khi nghệ sĩ Bạch Lê - chị gái Thành Lộc - đảm nhận lớp tương tự, bà Bảy Nam nói: "Thực ra, đây mới chính là phân đoạn giúp con khẳng định tài năng, còn lớp đầu đã có quá nhiều thứ hỗ trợ". Nhờ lời khuyên của bà, Bạch Lê gây tiếng vang với vai này.

    Hình ảnh
    Nghệ sĩ Thành Lộc bên cố nghệ sĩ Bảy Nam năm 2002. Ảnh: Thanh Hiệp.

    Hữu Châu gắn bó với bà Bảy Nam từ những ngày anh mới bước chân vào đoàn Kim Cương, gọi cố nghệ sĩ bằng "bà ngoại". Anh học được ở bà tính làm việc quy củ. Đóng vở Mười hai bà mụ, dù diễn ở lớp sau, anh vẫn chủ động đến trước khi vở bắt đầu để ổn định tâm lý nhập vai. Có lần, anh lơ đãng, làm mất đôi bông tai - đạo cụ của một vở. Cả ngày hôm đó, anh rối bời vì sợ mang "trọng tội". Biết được, bà ôn tồn khuyên anh: "Đạo cụ cũng đáng được đối xử trân trọng. Nó cũng là một diễn viên, giúp con có cái ăn, cái mặc. Con đừng bao giờ tái phạm nữa nghe". "Nói rồi, bà lấy từ trong tủ ra một bọc toàn là bông tai. Tôi toát cả mồ hôi, chỉ biết cảm ơn bà rối rít", anh nhớ lại.

    Trong 100 bức ảnh, tư liệu báo chí về nghệ sĩ Bảy Nam, nhiều bức ảnh đã thành "gia bảo" của Kim Cương, như tấm bà và cháu nội - bé Gia Vinh, con trai Kim Cương, năm lên sáu tuổi đóng vai Sang trong Lá sầu riêng; ảnh Bảy Nam và ba người con: Kim Cương, Kim Quang, Ngọc Thố; hình lễ mừng thọ 90 tuổi của bà - có nghệ sĩ Phùng Há dự... Triển lãm hiện được tổ chức tại trụ sở Hội sân khấu TP HCM, sắp tới tiếp tục diễn ra tại tòa nhà Hội nhiếp ảnh TP HCM.

    Nghệ sĩ Bảy Nam sinh năm 1913 tại Tiền Giang, là em ruột của cố nghệ sĩ Năm Phỉ. 17 tuổi, bà bắt đầu đi hát. 19 tuổi, bà lập gánh hát Nam Hưng, là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương. Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là quản lý, trưởng đoàn, đóng hàng chục phim, kịch... Hai vở thành công nhất của bà là Lá sầu riêng và Bông hồng cài áo. Bà còn là tác giả kịch bản của các vở Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung... Cùng với cố nghệ sĩ Phùng Há, bà được xem là vị tổ của cải lương Nam bộ. Năm 2004, bà qua đời vì tuổi già.

    Triển lãm chân dung cố nghệ sĩ Bảy Nam
    Mai Nhật
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 77 khách